Bài học từ sự nổi tiếng như làn khói của HLV Park Hang Seo
HLV Park Hang Seo thành công ở tuổi 60 và đúc kết ra nhiều bài học đáng để các cầu thủ Việt Nam học hỏi.
“Tôi nhận ra sự nổi tiếng mang lại những điều gì. Tôi không giỏi ngoại giao. Nhưng tôi sẽ không từ chối nếu ai đó gọi lớn tên mình hoặc xin chụp ảnh chung. Khi mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp, một ngày nào đó, họ có thể rơi xuống địa ngục. Đó là cuộc sống của một HLV. Bởi mọi thứ được định đoạt bằng việc thắng hoặc thua sau 90 phút. Tôi cố gắng sống một cuộc đời bình thường. Tôi biết rằng sự nổi tiếng rồi cũng mờ dần như làn khói”.
Đó là trải lòng của HLV Park Hang Seo sau khi cùng tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018. Một chia sẻ có lẽ đủ gói gọn tính cách của ông Park, một người trước khi tạo nên cột mốc thành công cùng bóng đá Việt Nam thì đeo chiếc đồng hồ hơn 16 năm. Đó được xem là kỷ vật của ông Park sau khi cùng tuyển Hàn Quốc tạo nên cơn địa chấn vào bán kết World Cup 2002.
Chiếc đồng hồ của ông Park cũng là thứ gắn liền với sự nghiệp nhà cầm quân người Hàn Quốc qua đủ thăng trầm, từ vinh quang đến vực sâu, từ người hùng đến kẻ bị sa thải. Về sau, ông Park có thêm một chiếc đồng hồ mới màu đen, đây có lẽ là sự thay đổi để ghi nhận thêm cột mốc thành công cùng bóng đá Việt Nam.
Cũng từ kinh nghiệm của bản thân, ông Park đúc kết lời khuyên cho các học trò: “Tôi luôn muốn tất cả cầu thủ của mình phải giữ đôi chân trên mặt đất vì bóng đá luôn có những biến động bất ngờ. Có thể hôm nay thắng nhưng điều đó chưa chắc đã lặp lại ngày mai, đôi khi phải chấp nhận cả những biến số ngoài ý muốn…”.
Bóng đá giống như cuộc đời, không lúc nào cũng trải hoa hồng, phải có những lúc trải qua những khó khăn lớn. Ông Park hiểu rõ câu chuyện đó sau mấy chục năm gắn bó với bóng đá. “Người hùng” của bóng đá Hàn Quốc sau khi bị sa thải thì phải mất thêm 16 năm thăng trầm, trước khi gật đầu với bầu Đức đến Việt Nam, dù cả sự nghiệp đến tận năm 59 tuổi thì ông Park chưa từng ra nước ngoài cầm quân hay dẫn dắt ĐTQG.
Ở tuổi 59, HLV Park Hang Seo theo tiếng gọi của bầu Đức để đến Việt Nam và mở ra thành công.
Nhưng trước khi tạo ra những cột mốc cùng tuyển Việt Nam thì ông Park từng phải chịu nhiều sự chỉ trích, kể cả những lời chê theo đánh giá chủ quan. Bản CV của HLV người Hàn Quốc bị lật tung, hay sự gán ghép đủ điều liên quan đến mối tình của ông và bầu Đức.
Rốt cuộc sau sự thành công và ký hợp đồng mới với VFF thì ông Park nói về bầu Đức: “Tôi lại nhớ tới giây phút này hai năm trước. Lần đầu tiên tôi gặp ông Đoàn Nguyên Đức. Ông là người đã kết nối nhân duyên cho tôi, có tình yêu bóng đá và tâm huyết rất lớn. Tôi luôn luôn cảm ơn ông ấy”.
Câu chuyện về sự nghiệp của HLV Park Hang Seo là bài học lớn cho các cầu thủ Việt Nam. Vinh quang trong bóng đá, hay sự nổi tiếng giống như “làn khói”, kể từ lúc rời bục vinh quang thì bạn phải bắt đầu lại mọi thứ. Nếu bạn thất bại thì khó tránh khỏi những lời chê, hay một số người “ném đá”. Vì phần lớn thường nhìn vào mặt không tốt trước khi nghĩ đến điều tốt đẹp.
Hơn hết, khi các cầu thủ Việt Nam thành công thì cần phải biết giữ gìn nhiều thứ, từ tiền bạc đến hình ảnh, danh tiếng. Vì họ nhận được sự yêu mến của rất đông người hâm mộ. Mặt trái sẽ là sự cám dỗ rất lớn từ bên ngoài, một phút sai lầm có thể khiến mọi thứ tan biến. Những đàn anh như Văn Quyến, Quốc Vượng… là bài học đắt giá từng xảy ra trong quá khứ. Tấm gương sáng chính là cuộc đời bình dị và thấu hiểu sự khó lường trong bóng đá của HLV Park Hang Seo.
Lên đỉnh đã khó, giữ mình trên đỉnh càng khó. Tấm gương về HLV Park Hang Seo đáng để cầu thủ Việt Nam neo theo!
Văn Nhân
Nhìn lại chuyện HLV Park Hang Seo bị sa thải, bài học lớn cho VFF!
Không có đội bóng nào mãi chiến thắng, không có HLV nào mãi thành công, bóng đá Việt Nam phải nắm bắt thời cơ nếu không muốn xây lại từ đầu.
"Người Việt Nam rất yêu bóng đá nhưng đó là bóng đá chiến thắng". Đó là phát biểu của HLV Park Hang Seo sau 2 năm cầm quân ở Việt Nam. Và bản thân ông Park không dám chắc duy trì sự thành công cho bóng đá Việt Nam đến thời điểm nào, bởi trong bóng đá không có đội bóng thắng mãi mãi, cũng không có HLV nào luôn đứng mãi trên đỉnh cao sự nghiệp.
Câu chuyện kể trên được nhìn từ chính HLV Park Hang Seo ở quá khứ. 18 năm trước, Ông Park là trợ lý cho HLV Hiddink, cùng tuyển Hàn Quốc gây chấn động bóng đá thế giới khi đi đến bán kết World CUP 2002. Chỉ một năm sau thì Hàn Quốc (tứ đại anh hào World Cup) đã thua Việt Nam 0-1. Nhưng sự nghiệp HLV Park Hang Seo còn chịu cảnh cay đắng hơn rất nhiều, vì ông bị sa thải chỉ vài tháng sau World Cup 2002, lý do là Olympic Hàn Quốc chỉ đi đến bán kết ASIAD năm 2002.
HLV Park Hang Seo từng bị Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc sa thải chỉ sau vài tháng sắm vai người hùng.
Rõ ràng, không đội bóng nào là bất khả chiến bại, không HLV nào không từng trải qua những tháng ngày cay đắng trong sự nghiệp. Ông Park và tuyển Việt Nam cũng khó thoát kịch bản chung của bóng đá. Quan trọng là sau những cột mốc thành công thì di sản để lại là gì, qua đó làm hành trang cho tương lai. Điều đó càng có ý nghĩa lớn với những nền bóng đá đang phát triển như Việt Nam, bởi con đường vươn tầm châu lục vẫn còn có khoảng cách lớn.
Bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo liên tiếp thành công qua các giải đấu như U23 châu Á 2018, ASIAD 18, AFF Cup 2018 (vô địch), ASIAN Cup 2019, SEA Games 30 (HCV). Hai năm rực rỡ này góp phần giúp cho V.League có thêm khán giả, các doanh nghiệp chịu đầu tư tiền bạc để Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cải thiện tài chính, nhiều trung tâm bóng đá ra đời... Tất cả là những tín hiệu rất đáng mừng để người hâm mộ kỳ vọng về sự phát triển chung.
Nhưng một thực tế sòng phẳng cần được nhìn nhận, đến thời điểm nhất định thì tuyển Việt Nam sẽ không còn tạo ra thành công, đúng hơn là thứ bóng đá chiến thắng như mong đợi của người hâm mộ. Cũng không loại trừ có những sự chỉ trích dồn về phía thầy trò HLV Park Hang Seo, một thói quen của nhiều người hâm mộ: Thắng tung hô, thua "ném đá".
Vậy điều quan trọng của bóng đá Việt Nam sau những cột mốc dưới thời HLV Park Hang Seo là gì?
Câu hỏi này phải dành cho VPF và VFF. Khi bóng đá thăng hoa thì lãnh đạo bóng đá càng phải chứng tỏ được vai trò của những người đang cầm trịch nền bóng đá đang có các ĐTQG thành công số 1 khu vực (tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup và U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30). Đó là những thay đổi, kế hoạch để giúp bóng đá Việt Nam phát triển chứ không phải xảy ra những vấn đề như câu chuyện chỉ trích lên quan đến các chiếc ghế.
Ví dụ bầu Đức từng tranh cãi với bầu Tú về chuyện một người ngồi nhiều ghế ở VPF vào năm 2018. Bầu Đức cũng tức giận vì tiêu chí bằng cử nhân đại học. Không sớm không muộn thì VFF lại "thòng" chuyện bằng cấp sau khi U23 Việt Nam giành Á quân U23 châu Á 2018. Còn VPF rơi vào cảnh một người ngồi đến ba ghế (Chủ tịch, Tổng giám đốc VPF và Trưởng giải).
Gần nhất, câu chuyện V.League 2020 bao giờ lăn bóng trở lại tạo nên tranh cãi. VPF bị lãnh đạo CLB phê bình ngay tại cuộc họp, bởi công văn liên quan đến bóng lăn có trước công văn về dịch Covid-19. Câu chuyện bầu Tú ngồi 2 ghế ở VPF tiếp tục trở thành chủ đề tranh luận, bị lãnh đạo CLB ở V.League phản ứng.
Các ĐTQG thành công nhưng câu chuyện chung của bóng đá Việt Nam đang tồn đọng nhiều vấn đề. Trong đó, VPF đã và đang trở thành bài toán cần được giải một cách hợp lý. Ví dụ bóng đá Việt Nam liệu có thiếu người giỏi khi để bầu Tú ngồi suốt 2 năm trong vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF, trong khi ông Tú đang là Trưởng ban Futsal, ủy viên Thường trực VFF, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TPHCM?
Nếu không giải quyết được khúc mắc nơi thượng tầng VPF thì liệu V.League có tốt lên để bắt kịp Thai League? Đây là câu hỏi không chỉ dành cho các CLB chuyên nghiệp mà còn với VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam)? Vì VPF ra đời nhằm tách bạch khỏi VFF nhưng bây giờ người của VFF đang nắm giữ quyền điều hành VPF.
Đừng để lãng phí thành công của các ĐTQG. Bài học này từng xảy ra với bóng đá Việt Nam khi ĐTVN đi đến tứ kết ASIAN Cup 2007, vô địch AFF Cup 2008 nhưng mọi thứ nhanh chóng phai nhạt, chỉ còn là chuyện cột mốc. Thực trạng của nền bóng đá đã xảy ra chuyện tiêu cực ở V.League, khán giả quay lưng. Hậu quả là thành tích các ĐTQG chịu bết bát trong nhiều năm liền. Mọi thứ chỉ tốt trở lại khi có "đám trẻ" của bầu Đức, lứa U20 Việt Nam dự U20 World Cup và HLV Park Hang Seo.
Văn Nhân
Canh bạc lớn ở thế yếu hơn của HLV Nishino Ông thầy Akira Nishino năm ngoái từng giúp đội tuyển Nhật Bản vào tứ kết World Cup 2018 không ngờ lại gặp quá nhiều trắc trở ở vùng đất mới khi đối diện đồng nghiệp Park Hang-seo. Nếu như ông Park đã sớm có tên tuổi nhờ làm trợ lý HLV Guus Hiddink dẫn dắt tuyển Hàn Quốc đoạt hạng tư thế giới...