Bài học cuộc sống của cô gái Việt xuyên hành tinh
Giá trị lớn nhất đối với cô gái độc hành xuyên hành tinh chính là những bài học về cuộc sống.
Chu du đó đây mang lại cho Lan Anh nhiều thứ. Đó là những trải nghiệm, vốn sống, hiểu biết về các nền văn hóa, phong tục tập quán, con người các nước và đặc biệt là có thể phát triển kỹ năng ngoại ngữ. Tiếng Anh thông thạo, ngoài ra Lan Anh có thể giao tiếp bằng tiếng Hà Lan, tiếng Trung, Tây Ban Nha.
Lan Anh tại Ecuador.
Hầu hết các nước Nam Mỹ đều sử dụng tiếng Tây Ban Nha nên Lan Anh dành một tháng ở Chile để vừa đi làm thêm vừa học tiếng. Cô xin việc tại một Cty về du lịch tại đảo Chiloe (Chile), ngày làm việc 12 tiếng, tối về nấu ăn và tự học tiếng. Có những đêm đi làm về mệt, cô ôm sách ngủ thiếp đi.
“Tôi không có tiền để đi học, cũng không có tiền để mua sách học. Tôi gặp một người bạn Mỹ cùng cảnh ngộ, hai người nương tựa vào nhau, cô ấy cho tôi mượn sách để học”, Lan Anh chia sẻ.
Tiếng Tây Ban Nha học vội đã giúp cô tồn tại trong những tháng ngày ở Nam Mỹ. Đến Brazil, người dân hầu hết nói tiếng Bồ Đào Nha, nhưng họ cũng có thể hiểu tiếng Tây Ban Nha.
Video đang HOT
Và tại làng nổi trên hồ Titicaca (Peru).
Một mẩu bánh mỳ Lan Anh cũng thấy quý, cũng để dành. Cô học được tính tiết kiệm khi sống ở đất Nam Mỹ qua nhiều ngày trong cảnh đói, khát. Năm ngày ở Venezuela là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong hành trình đi xuyên hành tinh của Lan Anh. Cô gặp trục trặc về vấn đề đổi tiền khi cả 4 thẻ ATM mang đi đều không rút được tiền.
Những ngày lang thang ở đất nước của những hoa hậu, cô sống sót được nhờ những gói mỳ ăn liền nấu chui tại phòng trọ với cục gas mang theo. Còn ít tiền Brazil trong ví, đàm phán mãi chủ cho thuê trọ mới đổi tiền cho với giá cực rẻ. Cô vừa đủ tiền trả thuê phòng và rời khỏi Venezuela. Bước sang biên giới Colombia, Lan Anh thở phào.
Gia đình
Đón Tết ở đảo Chiloe (Chile) năm 2010, Lan Anh rưng rưng nước mắt khi gọi điện về nhà. “Những lúc phải chờ đợi nửa ngày mới sang được biên giới hay ngồi trước bờ biển, tôi thường nghĩ về gia đình và chất vấn bản thân, phải chăng mình đã quá ích kỷ khi chạy theo đam mê. Tôi thương mẹ, nhớ gia đình”, cô chia sẻ.
Suy nghĩ ấy thôi thúc Lan Anh vội rời Nam Mỹ trở về Việt Nam sớm hơn so với kế hoạch khi hay tin chị dâu sắp sinh cháu gái đầu lòng. Cô đặt lịch bay từ Peru về nước. Khi vừa bước chân vào bệnh viện cũng là lúc cháu gái chào đời. Đó là ngày 20-6-2010, ngày đầu tiên cô trở về sau hành trình khám phá Nam Mỹ.
Gia đình chỉ có cô và anh trai, nhưng cô đã có bốn cái Tết không ở cùng gia đình. Cô kể, Tết nào gọi điện về nước cũng cố gắng đanh giọng lên, cố tỏ ra mạnh mẽ, động viên mẹ và tránh rơi nước mắt, nhưng rồi vẫn rưng rưng khi nghe giọng mẹ ở đầu dây bên kia.
Kết bạn với dân du lịch bụi.
Là một trong những người đầu tiên tạo ra trào lưu độc hành quanh thế giới cho bạn trẻ Việt từ năm 2003, nhưng nhiều lúc Lan Anh đã nghĩ tới chuyện dừng chân vì gia đình. “Tôi tự nhủ sẽ dừng chân sau hành trình đến châu Phi, sẽ ở nhà lo công việc, sống cùng mẹ”, Lan Anh nói.
Nghiệm ra nhiều điều sau những chuyến đi, Lan Anh nói cô đã phải trả giá cho hành trình xuyên thế giới của mình. Bạn bè nay người có gia đình yên ấm, người có nhà riêng, xe riêng, công việc tốt… còn cô ngẫm lại trong tay vẫn chưa có gì, công việc chưa đâu vào đâu, bao nhiêu tiền dốc hết vào những chuyến đi.
“Tháng ngày lang thang, tình đến rồi tình lại đi. Nhiều người tìm hiểu, quan tâm gọi điện, hỏi em đang ở đâu, khi trả lời ở Đông Bắc, Tây Bắc, khi lại ở nước nọ nước kia, lâu lâu họ cũng chán, cũng quên”.
Hiện tại, Lan Anh đang tìm hiểu về châu Phi, lên kế hoạch xin visa và dự định sẽ lên đường đến Nam Phi vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 này. “Tôi sẽ bắt đầu từ Nam Phi, sang Tây Phi xuyên Trung Phi rồi đến Đông Phi và Bắc Phi.
Châu Phi đẹp, hoang dã lắm, nhưng cũng đầy hiểm nguy. Nếu mọi việc ổn, hành trình của tôi có thể kéo dài 9 tháng đến một năm hay dài hơn nữa, nhưng nếu bất ổn có lẽ sẽ phải rút ngắn lịch trình xuống còn 6-8 tháng”, Lan Anh nói.
Theo Hải Yến
Tiền Phong
Teen Sài thành chuẩn bị đón sự kiện "Ngôi làng Hà Lan" nè!
Chú ý nha: teen Sài thành đã có cơ hội tham gia sự kiện "Ngôi Làng Hà Lan" năm 2010 ngay tại tp. Hồ Chí Minh đó. Địa điểm: công viên 23/9, Quận 1, Tp.HCM từ ngày 22 đến 31 tháng 10.
Sự kiện sẽ tái hiện một Hà Lan thu nhỏ với những ngôi nhà cổ, cối xay gió, hoa Tulip, âm nhạc, nghệ thuật ẩm thực truyền thống và các trò chơi dân gian nhằm quảng bá văn hóa Hà Lan đến người dân Việt Nam và du khách quốc tế.
"Ngôi làng Hà Lan" sẽ là nơi tái hiện sinh động đời sống và phong tục tập quán của người Hà Lan. Cối xay gió cao 10m - biểu tượng của đất nước Hà Lan được xây dựng ngay tại cổng chào của Lễ hội sẽ là lời chào thân thiện gửi đến du khách, những cửa hàng cá, cửa hàng phô mai, các nông trại bò sữa xếp liền kề nhau sẽ mang đến cho bạn cảm giác mình đang hiện diện ở đất nước Hà Lan tươi đẹp.
Đến với "Ngôi Làng Hà Lan", những du khách xì tin nhà mình còn được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân Hà Lan cầu kỳ, tỉ mẩn khắc chạm từng đôi guốc gỗ, chiêm ngưỡng màn thổi thủy tinh của Frans Limpens cùng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đồ gốm tinh xảo từ xưởng gốm Delft nổi tiếng khắp thế giới. Ngoài ra, đây còn là một dịp hiếm hoi để các bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ, kiêu sa của hàng trăm giống hoa tulip khác nhau trong suốt 10 ngày diễn ra sự kiện.
"Ngôi làng Hà Lan" mở ra một không gian văn hóa mới lạ với âm thanh rộn ràng, vui nhộn của tiếng đàn accordéon cùng với sự nhanh nhẹn, khéo léo của các thiếu nữ đồng quê trong trang phục Volendam truyền thống. Mỗi ngày, teen Sài thành sẽ được dịp hòa cùng những nghệ sĩ đường phố trong ngôi làng thể hiện các hoạt động khiêu vũ, biểu diễn âm nhạc dân gian. Đại diện tiêu biểu của ẩm thực Hà Lan là cá trích tươi ăn với hành và dưa chuột, sandwich cá hồi và lươn hun khói, phô mai, bánh Poffertjes ...cũng sẽ góp mặt trong sự kiện nhằm giới thiệu đến du khách nét văn hóa ẩm thực độc đáo của xứ sở hoa Tulip.
Tham dự "Ngôi làng Hà Lan", chúng mình còn được tham gia nhiều trò chơi, nhiều cuộc thi vui nhộn như: cuộc thi ủi quần áo, chương trình huấn luyện aerobics do hãng Philips tổ chức, cuộc thi đố vui bằng hình ảnh do hãng thư tín TNT tổ chức, cuộc thi người vận chuyển pho mát hoặc tham gia hoạt động vẽ tập thể cùng với các họa sĩ và nghệ sĩ phác họa trong ngôi làng. Một số tác phẩm nghệ thuật sáng tạo sẽ được mang ra đấu giá ủng hộ gây quỹ "Dance 4 Life". Các em thiếu nhi sẽ hòa mình vào nông trại nhỏ của cô gái Hà Lan, tìm hiểu và khám phá hoạt động cắt cỏ, chăm bò, vắt sữa bò thông qua các mô hình trong nông trại. Dạo chơi trong khuôn viên ngôi làng, bạn có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên cạnh cối xay gió, vườn hoa tulip, những gian hàng thủ công mỹ nghệ hay với những người nghệ sĩ đường phố tài hoa dễ mến. Ban tổ chức cũng xây dựng nhiều phông nền phong cảnh Hà Lan để du khách chụp ảnh lưu niệm.
Sự kiện "Ngôi làng Hà Lan" bắt đầu hành trình của mình từ năm 1985. Sau 25 năm tổ chức, sự kiện văn hóa này đã mở rộng trên quy mô toàn thế giới, đi qua khắp các quốc gia Âu, Á như Hồng Kông, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp, Áo..., thu hút hàng triệu lượt người tham gia. Sự kiện này cũng nằm trong những hoạt động kỷ niệm 37 năm thiết lập mối quan hệ Việt Nam - Hà Lan (1973 - 2010).
Theo PLXH
Những tập tục mai táng kỳ lạ nhất trên thế giới Tuỳ vào mỗi nền văn hoá, tín ngưỡng mà các dân tộc có những tập tục mai táng khác nhau, nhưng có những tập tục mai táng hết sức kỳ lạ, thậm chí... hơi đáng sợ. Thiên táng Đây là một tập tục kỳ lạ ở Tân Cương. Theo truyền thống lâu đời của người dân địa phương, sau khi chết, xác của...