Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Con nhớ mùi ‘thủ bò’, bố ơi!
Giữa không gian này con như thấy không phải mùi hương trầm bay trong làn khói mà như có mùi hôi hôi của cái thủ bò mà hằng năm Tết đến bố đều xách về như đang phảng phất quanh đây.
Tết đến nơi rồi mà nhà mình vẫn chưa sắm sửa gì cả. Ai đời 26 Tết còn phải ra sau vườn lấy “phân” dồn bao rồi đẩy xe bò ra ruộng. Chiều 29 Tết, nhà người ta bày biện mâm quả thờ gia tiên đâu đấy, rồi người ta đi chợ hoa chơi còn mình ngồi còng lưng nhặt rửa lá dong. Đêm 30, gần 10 giờ đêm mẹ còn hì hụi nấu xôi với luộc gà, bố thì lúc đó mới rửa tay làm gà, đi ra đại lý mua đồ, dù gì thì trước 12 giờ đêm bàn thờ cũng đầy đủ như nhà người ta nhưng người ta hưởng không khí Tết chán chê rồi, nhà mình cứ phải cập rập đến là khó chịu. Có hôm 11 giờ đêm bố mới mang về cây quất hay cây đào để giữa hiên, đương nhiên là không thể sánh với cây đào thế tiền triệu được chưng đèn nhấp nháy rực rỡ của nhà hàng xóm được rồi.
Hoa từ miền Tây về phục vụ người Sài Gòn. Ảnh: Trần Trương Tôn Dzũng.
Ngày xưa còn bé, tôi rất hay so sánh với gia đình nhà người ta và thầm trách hoàn cảnh nhà mình như vậy đấy. Mãi sau này lớn lên mới hiểu, mọi thứ mua vào giờ phút cuối năm thường về đúng giá của cái ngày chưa phải là Tết, cứ riêng bước sang tháng 12 âm một cái là giá bắt đầu tăng vọt. Bố mẹ tôi vẫn cố gắng để con cái được hưởng đủ đầy, có điều vẫn phải tính toán đủ cả sao cho giá ở mức độ hợp lý. Chỉ là bố mẹ phải chịu vất vả hơn bình thường, điều đó lý giải tại sao bố mẹ chỉ đơn thuần làm nông mà nuôi được ba con ăn học đàng hoàng.
Có lần bố đi đâu mua được cái “thủ bò” rõ to xách về. Bố và mẹ vất vả nguyên ngày để đục đẽo, lọc cái đầu con bò cho đến tối, thành quả là một thúng đầy toàn xương trắng tinh, chị em tôi khệ nệ bê ra đầu ruộng để đó. Mẹ bảo, nó hôi, chuột nó tránh xa ruộng nhà mình. Trên đoạn xương đó hoàn toàn không còn tí dấu hiệu da thịt nào, bởi tất cả da thịt đã được lọc chia ra cái phản kia từng rổ, phần má, phần lưỡi là cả miếng thịt to ngon để luộc, phần vụn để xào rau cần. Với cách lọc của bố mà chia ra tính giá theo cân thì quá là rẻ.
Từ đó trở đi, Tết năm nào cũng ăn chán cả thịt bò đến nỗi, mỗi khi bố nhắc tới thịt bò là tôi đã ám ảnh cái mùi hôi hôi của cái thủ bò lúc chưa được làm sạch.
Thực ra thứ tôi thích nhất chỉ là mùi bánh chưng chín lúc bố lấy ra để ép, khi đó mùi lá dong bị luộc kĩ dậy mùi quện với mùi gạo nếp, mùi thịt mỡ nó đánh thức cảm giác thèm ăn ghê gớm, đúng là sức mạnh của món ăn mỗi năm chỉ được nấu một lần. Không gì tuyệt vời hơn cảm giác được gỡ miếng bánh đầu tiên ra ăn sau khi bố đã thắp hương trên bàn thờ. Vẫn ấm nóng và ngon đến vô cùng. Sau này đi học, ở Hà Nội có nơi quanh năm bán bánh chưng cóc ăn sáng, nhưng rõ ràng mùi bánh chưng không bao giờ rõ nét như mùi bánh Tết, và đặc biệt là không có gì ngon bằng bánh chưng bố nấu.
Video đang HOT
Những năm về sau này, điều kiện kinh tế gia đình tốt lên nhiều, chúng tôi lần lượt ra trường, kiếm ra tiền, lập gia đình, nhưng năm nào bố cũng tự tay gói bánh, vẫn mua thủ bò về lọc lấy thịt lấy da. Bây giờ không phải vì ít tiền không dám mua miếng bò bắp, bò thăn mà vì với gia đình chúng tôi chỉ có phần lưỡi bò, phần sụn, phần da lọc từ cái đầu của nó mới là ngon nhất, đặc biệt là qua cách lọc cẩn thận, cách chế biến tuyệt vời của bố. Hai ông con rể và cậu con trai Tết nào cũng le ve học mà vẫn chưa ai học gói bánh đẹp mà ngon được như bố. Còn “kỹ thuật” lọc thủ bò thì chịu, không ông nào làm được, nhưng ăn thì quen cái miệng mất rồi. Tết nào mà bố nói không mua được thủ bò là y như rằng cả nhà nhìn nhau đầy vẻ tiếc nuối.
Chờ khách. Ảnh: Trần Trương Tôn Dzũng.
Năm nay bố đi xa rồi, Tết không còn mùi bánh chưng nữa, không ai xách thủ bò về lọc thịt nữa. Chúng tôi cũng như nhà người ta đặt vài tấm bánh xếp lên bàn thờ, cũng mấy cân giò bò, thịt bò bắp bò ngon mắt xếp trong tủ. Nhưng rồi nhớ da diết những hương vị Tết ngày nào.
Thắp nén hương cho bố, nhớ lại những ngày Tết sum vầy mà mới năm ngoái thôi gương mặt bố vẫn rạng rỡ, bố ngồi giữa nhà tay thoăn thoắt gói bánh chưng, nhớ tiếng cười của bố còn vang như đâu đây khi bố chơi cùng tụi nhóc, giọt nước mắt con rơi xuống má nghẹn ngào. Giữa không gian này tôi như thấy không phải mùi hương trầm bay trong làn khói mà như có mùi hôi hôi của cái thủ bò mà hằng năm Tết đến bố đều xách về như đang phảng phất quanh đây.
MAI LAN
(Mỹ Xá, Nam Định)
Theo thegioitiepthi
Bài dự thi Nhớ thương mùi Tết: Thơm nồng hương kiệu
Nhớ cái nắng ấm áp của mùa xuân mà mớ kiệu tươi thêm nồng đượm hơn. Cái mùi hương kiệu thoang thoảng hòa cùng mùi nắng xuân ấm áp không lẫn vào đâu được.
Mùa xuân mới lại về trên quê hương tôi. Một mùa xuân an lành, nồng ấm tình thân. Nhắc đến Tết, người ta thường nghĩ đến chợ hoa rộn ràng, những phong bao lì xì mừng tuổi mới, đòn bánh tét nóng hổi đêm giao thừa hay cành mai khoe sắc trước hiên nhà. Riêng tôi, mỗi khi mùa xuân đến thật gần tôi lại thấy nhớ một món ăn dân dã bình dị cùng mùi hương nồng nàn trong kí ức đó là món dưa kiệu.
Xuân mang đến sự xanh tươi của các loại rau, mùi thơm lừng của các loại bánh trái, sự dịu dàng của khí trời, nụ cười tươi của con trẻ, mùi kiệu nồng nàn trong gió. Ở không gian nhộn nhịp của phiên chợ Tết có một góc bán kiệu, phảng phất mùi nồng cay riêng biệt không lẫn vào đâu được. Kiệu được chế biến thành nhiều món ăn ngon trong ngày Tết, nhưng phổ biến nhất là làm dưa.
Theo mẹ chăm hoa. Ảnh: Mỹ Liên.
Những ngày giáp Tết dù bận rộn thế nào các bà nội trợ lại tất bật với công việc mua kiệu tươi về làm mấy hủ dưa ăn dần đỡ ngán thịt. Việc làm dưa kiệu không cầu kì mất nhiều công sức như nấu bánh tét, làm mứt, đỗ bánh. Cũng như bao người dân ở các vùng quê khác, người dân quê tôi cũng thích ăn món dưa kiệu trong dịp tết xuân về gia đình đoàn viên.
Trong các công đoạn làm kiệu có lẽ công việc lặt kiệu là đông vui, nhộn nhịp nhất. Người lớn cùng trẻ con quây quần vừa lặt kiệu vừa trò chuyện rôm rả, thi vị trong những ngày cuối năm. Má tôi vừa lặt vừa chỉ dẫn chị em cách lặt cho đúng. Bà móm mếm nhai trầu vừa kể chuyện cho chúng tôi nghe. Đó là sự tích cây kiệu.
Ngày xưa có một nàng công chúa yêu thích việc trồng trọt. Nàng tên là Kiệu. Một ngày kia trong lúc thăm ruộng nàng phát hiện ra một loài cây lạ nên đêm về trồng. Khi cây có củ, nàng đem củ ngâm với dấm cùng với nước ngọt của cây trái. Vài ngày sau, củ không còn mùi ngái khó chịu mà phảng phất mùi thơm nồng. Nàng Kiệu đã dâng lên vua cha món kiệu ăn kèm với bánh chưng xanh. Vua cha nếm thử và rất thích, củ có độ giòn, trắng ngọt không có vị hăng nên đã ra lệnh trồng phổ biến loại cây này tên là kiệu theo tên của nàng công chúa.
Má bảo muốn làm món dưa kiệu ngon thì khâu chọn lựa kiệu rất quan trọng. Củ kiệu có kích thước không quá to quá nhỏ mới cho được những củ kiệu ngon. Kiệu rửa qua hai nước cho bớt cay nồng, ngâm qua nước muối hoặc phèn chua, rửa sạch để ráo nước rồi mới sang phần ướp gia vị. Đường và một chút muối cho vào thau kiệu, trộn đều tay. Má không cho dấm vào kiệu vì nước kiệu sẽ bị đục, kiệu mất đi độ ngon, giòn cần thiết. Cách tẩm ướt cầu kì như vậy phải chờ từ 1 đến 2 tuần mới thưởng thức và để lâu hơn. Kiệu càng để lâu càng chua và thấm vị. Kiệu sau khi ngấm gia vị thì mang ra phơi nắng 2 ngày. Nhớ cái nắng ấm áp của mùa xuân mà mớ kiệu tươi thêm nồng đượm hơn. Cái mùi hương kiệu thoang thoảng hòa cùng mùi nắng xuân ấm áp không lẫn vào đâu được. Phải phơi đủ nắng thì kiệu thành phẩm mới ngon, giòn. Kiệu phơi xong má khéo léo vào hủ, ăn kiệu không chỉ cần ngon, giòn thấm vị mà cần kĩ lưỡng trong công đoạn xếp từng củ kiệu tươi vào trong hủ.
Qua bàn tay khéo léo của con người, kiệu đã trở thành món ăn truyền thống đặc trưng trong dịp tết, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực Tết. Món ăn đơn giản này đã gói trọn cả hồn dân tộc vì từ Bắc chí Nam hầu như nhà nào cũng làm kiệu để dành ăn dần trong Tết. Chén kiệu ngon như tấm lòng thơm thảo của con người và sự nồng nàn của tình thân trong ngày Tết.
Chợ Tết vùng quê. Ảnh: Mỹ Liên.
Trong bữa cơm ngày xuân luôn có sự hiện diện của chén kiệu được bày biện trang trí đẹp mắt. Khi ăn nhiều thịt cá, bánh mứt thì những món muối chua như kiệu lại rất được ưa thích, chút dưa kiệu làm cho món ăn ngon hơn và phần nào đỡ ngán. Cách ăn kiệu mỗi miền cũng khác nhau: miền Bắc ăn kèm với bánh chưng, thịt nấu đông; miền Trung và Nam thì ăn kèm với tôm khô, bánh tét, thịt muối, canh khổ qua.
Từ từ nhấm nháp hương vị kiệu chua chua ngọt ngọt, thưởng thức bữa cơm đoàn viên đầu năm với những món ăn truyền thống mà lòng ấm áp, hạnh phúc vô biên. Rồi những ngày tết qua đi, các con lại sửa soạn lên đường làm ăn thì má không quên bỏ vào hành lí các con hủ dưa kiệu thơm ngon. Dường như ai cũng mang theo cái Tết đã qua thật ngọt ngào gói ghém tình thương yêu của gia đình trong hương kiệu nồng nàn. Lời hẹn tết sau con sẽ về để thưởng thức những món ăn quê hương.
PHẠM THỊ MỸ LIÊN
(Điện Bàn, Quảng Nam)
Theo thegioitiepthi
Mách nhỏ công thức luộc gà bằng muối siêu đơn giản chị em hãy tham khảo ngay Đổi bữa cho cả nhà với món gà luộc bằng muối cực đơn giản, thịt gà vừa ngon thơm lại đậm đà, lạ miệng thích hợp ăn cùng cơm nóng hay dùng làm mồi nhậu đều tuyệt vời. Thay vì luộc gà theo cách thông thường, chị em hoàn toàn có thể áp dụng công thức luộc gà siêu hay ho với muối...