Bãi Cỏ Rong: Lò lửa xung đột mới ở Biển Đông?
Với quan hệ Trung Quốc-Philippines đang xấu đi, việc tiến hành khai thác dầu khí có nguy cơ biến Bãi Cỏ Rong trở thành lò lửa xung đột mới ở Biển Đông.
Giàn khoan dầu khí ở Biển Đông
Trong một bài viết đăng trên Asia Times Online ngày 3/6, Tiến sĩ Christopher Len – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng, Đại học Quốc gia Singapore – dự báo rằng khi Philippines tiến hành khai thác dầu khí ở Bãi Cỏ Rong (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), rất có thể Trung Quốc sẽ đưa các tàu chấp pháp đến ngăn cản.
Ngày 9/5, giữa lúc căng thẳng Trung-Việt gia tăng do vụ Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương-981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Bộ Năng lượng Philippines đã công khai đấu thầu quyền thăm dò 11 lô dầu khí. Trong số 11 lô dầu khi được đấu thầu nói trên, có “Khu vực 7 thuộc Bãi Cỏ Rong mà Trung Quốc cũng yêu sách chủ quyền. Chưa đầy hai tuần sau, ngày 21/5, tập đoàn Philex Petroleum Corp của Philippines thông báo công ty con Forum Energy Plc trụ sở tại London đầu năm 2016 có kế hoạch bắt đầu khoan thử các giếng tại mỏ khí đốt Sampaguita, cũng thuộc về Bãi Cỏ Rong.
Hai thông báo trên là diễn biến mới nhất trong một loạt các động thái của Philippines để đáp trả lối hành xử ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực thuộc Biển Đông mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines. Cho đến nay cả Manila và Bắc Kinh dường như đều tỏ ra không khoan nhượng trong các tranh chấp chủ quyền.
Căng thẳng gia tăng
Quan hệ Trung Quốc-Philippines ngày càng bị che phủ bởi bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông. Dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III, Philippines đã chủ động bảo vệ tuyên bố chủ quyền trước một Trung Quốc đầy quyết đoán.
Video đang HOT
Căng thẳng leo thang trong những năm gần đây. Năm 2011, có tin nói 2 tàu tuần tra Trung Quốc đã quấy rối một tàu khảo sát địa chấn do Forum Energy thuê hoạt động tại Bãi Cỏ Rong. Năm 2012, hai tàu hải giám của Trung Quốc đã cản trở một tàu hải quân Philippines bắt giữ ngư dân Trung Quốc đang hoạt động ở bãi cạn Scarborough. Gần đây nhất vào tháng 3/2014, Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn Philippines dùng tàu tiếp tế và thay quân cho đơn vị thủy quân lục chiến của nước này đang chốt giữ ở Bãi Cỏ Mây. Manila cũng đã bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc với tội danh đánh bắt trộm ở vùng biển Philippines, đồng thời công khai tố cáo Trung Quốc khơi luồng hút cát bồi đắp, biến bãi đá ngầm Gạc Ma (mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988) thành đảo nhân tạo để xây dựng một đường băng cho máy bay cất, hạ cánh.
Cuối tháng 5/2014, Tổng thống Aquino kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Động thái này diễn ra sau khi Manila đệ trình bản ghi nhớ dày 4.000 trang lên Tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc, khởi kiện “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc sử dụng để biện minh cho yêu sách của nước này thâu tóm Biển Đông.
Ngoài ra vào ngày 28/4, Philippines đã ký kết Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) với Mỹ, cho phép tăng cường “sự hiện diện luân phiên” của quân đội Mỹ và thiết bị tại các căn cứ quân sự ở Philippines trong thời hạn 10 năm. Trước bối cảnh trên, thông báo mới nhất về mỏ khí đốt Sampaguita và Khu vực 7 có khả năng làm căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bùng phát hơn nữa.
Thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong
Khu vực Bãi Cỏ Rong mà công ty Forum Energy có kế hoạch khoan thăm dò cũng là nơi có mỏ khí đốt Sampaguita. Mỏ này được thăm dò lần đầu tiên vào những năm 1970 nhưng vẫn chưa được khai thác do vấp phải sự phản đối của Trung Quốc, trong đó có việc tàu Trung Quốc đã quấy rối hoạt động của công ty Forum Energy vào năm 2011. Kế hoạch khoan thử 2 giếng sẽ còn tùy thuộc vào việc chính phủ Philippines có đồng ý gia hạn giấy phép hoạt động sẽ hết hạn vào tháng 8/2015 hay không.
Theo công ty Forum Energy, mỏ Sampaguita được ước tính có 2,6 nghìn tỷ feet khối (tcf) khí đốt tự nhiên và 5,5 tcf khí đốt tiềm năng bao gồm các chất ngưng tụ kết hợp với khí đốt. Cho đến nay, chưa có giếng nào được khoan trong khu vực, nhưng người ta ước tính “Khu vực 7″có trữ lượng khoảng 165 triệu thùng dầu và khoảng 3,5 tcf khí đốt.
Trong khi Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng nước này sẵn sàng khai thác chung ở Biển Đông, và tập đoàn Philex Petroleum Corp trong quá khứ cũng đã tiếp cận Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) về việc cùng khai thác. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không tham gia hoạt động khai thác chung ở khu vực Bãi Cỏ Rong với Philippines.
Điều này là do Manila nhất quyết cho rằng việc Trung Quốc tham gia phải phù hợp với Hiến pháp Philippines, phải công nhận khu vực này nằm bên trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines đồng thời tuân thủ luật pháp của Philippines. Vì vậy, Trung Quốc coi hành động mở thầu “Khu vực 7″ của Manila là một nỗ lực khẳng định yêu sách của Philippines đối với khu vực này. Những căng thẳng hiện nay nhiều khả năng sẽ ngăn cản các tập đoàn quốc tế lớn tham gia đấu thầu.
Không có các dự án khai thác chung, Trung Quốc hiện có xu hướng đẩy nhanh các dự án thăm dò và khai thác dầu khí riêng ở Biển Đông và rất có thể nước này sẽ tăng cường hoạt động chấp pháp trên biển để ngăn chặn các bên khác tiến hành hoạt động khai thác ở những khu vực có tranh chấp. Quả thực, điệp khúc thường xuyên được lặp lại ở Bắc Kinh là nếu Trung Quốc không khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, những nguồn tài nguyên này sẽ sớm bị các bên tranh chấp khác khai thác.
Về vấn đề này, một số phương tiện truyền thông quốc tế cho rằng vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam có thể phần nào liên quan đến thông báo năm 2013 của Việt Nam về ý định xây dựng một nhà máy điện trị giá 20 tỷ USD được cung cấp bằng dầu và khí đốt từ Lô 118 và 119 của Việt Nam, nằm gần khu vực hạ đặt giàn khoan Hải dương 981.
Với tuyên bố mới nhất của Philippines về việc thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong, hiện chưa rõ liệu Bắc Kinh có trả đũa bằng việc CNOOC công bố dự án khai thác ở khu vực này hay không. Tuy nhiên, căn cứ vào việc tàu Trung Quốc trong quá khứ đã làm gián đoạn hoạt động của công ty Forum Energy, rất có thể Trung Quốc sẽ lại làm như vậy nếu Philippines có bất kỳ hoạt động nào tại đây.
Có thể thấy rằng Trung Quốc dưới sự chèo lái của ông Tập Cận Bình ngày càng tỏ ra quyết tâm khẳng định yêu sách ở Biển Đông thông qua việc triển khai các tàu chấp pháp và thực hiện nhiều hành động đơn phương. Trong khi đó, Manila – dưới sự lãnh đạo của chính quyền Aquino – cũng cho thấy sẵn sàng đương đầu trước kịch bản leo thang căng thẳng với Bắc Kinh. Trừ khi hai bên có thể giải quyết những bất đồng một hòa bình thông qua đối thoại, nếu không căng thẳng ở Bãi Cỏ Rong có nguy cơ trở thành trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” đầy nguy hiểm.
Theo Tri Thức
Lộ thiết kế chi tiết đảo nhân tạo Trung Quốc định xây ở Gạc Ma
Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc vừa để lộ bản thiết kế 3 chiều dự án xây đảo nhân tạo trái phép trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thiết kế căn cứ quân sự bao gồm một sân bay trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Viện Nghiên cứu và Thiết kế số 9 của Trung Quốc tiết lộ.
Bản thiết kế bao gồm căn cứ, sân bay quân sự, một đường băng dài và một bến cảng. Trung Quốc nhăm nhe muốn xây đảo nhân tạo trên bãi đá Gạc Ma nhằm mục đích tiện bề bố trí lực lượng của họ và tăng cường vị thế trong vùng biển đang tranh chấp với Philippines, Việt Nam và Malaysia trên Biển Đông. Đặc biệt, Trung Quốc xem việc xây sân bay ở Biển Đông là một cách để củng cố các yêu sách về chủ quyền vô lý, ngang ngược đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thiết kế bến cảng của Trung Quốc trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thiết kế các khu vực khác trên đảo nhân tạo Trung Quốc muốn xây dựng trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tố cáo nỗ lực cải tạo đất trái phép trên nhiều khu vực ở Biển Đông của Trung Quốc là hành động gây bất ổn và đe dọa tự do hàng hải cũng như hàng không tại khu vực dày đặc các tuyến đường biển chiến lược. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo, nước này sẽ không khoanh tay đứng nhìn Trung Quốc hành động như vậy.
Vị trí tọa độ (màu xanh) của đảo nhân tạo mà Trung Quốc nhăm nhe xây dựng do Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc tiết lộ.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã công bố ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoạt động san lấp đang được tiến hành trên quy mô lớn. Trên bức ảnh được chụp ngày 11.03.2014, người ta thấy một vệt hố màu sáng, bao quanh là màu xanh dương của nước biển.
Theo Dân Việt
Hợp nhất "Chín Rồng" và tham vọng bá quyền của Trung Quốc Qua hành động hợp nhất "Chín Rồng", Trung Quốc muốn hiện thực hóa tham vọng bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đây, thế giới coi các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông là kết quả của một chính sách đối ngoại thất thường được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh, kèn cựa lẫn nhau giữa nhiều...