Bãi cạn Scarborough ‘chiến tranh hình ảnh’ giữa Trung Quốc và Philippines
Mối quan hệ căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tập trung chủ yếu trong cuộctranh chấp bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, trong những ngày qua, cuộc tranh chấp này chủ yếu là những tranh cãi xung quanh việc liệu có thực có các cột bê tông hay không.
Hình ảnh được cho là chụp lại các khối bê tông do Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scaborough hôm 2/9/2013.
Một tuần sau khi lực lượng vũ trang Philippines tung ra hình ảnh cho thấy các cột bê tông đã được đóng ở bãi cạn Scarborough, phía Trung Quốc công bố những hình ảnh mới nhất cho thấy chỉ có đá và san hô.
Video đang HOT
Trung Quốc tung ra những hình ảnh về bãi cạn được cho là chụp vào tuần thứ hai của tháng Chín để củng cố cho tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này rằng Philippines đã “bịa đặt”.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez và Phát ngôn viên của Thiếu tướng Hải quân Gregory Fabic từ chối bình luận về những hình ảnh của Trung Quốc và chuyển vấn đề này cho Bộ Ngoại giao.
Trong một báo cáo giám sát hôm 10/9, Hải quân Philippines đã phát hiện “ít nhất 2 khối bê tông” ở bãi cạn Scarborough. Các quan chức quân sự nước này sợ rằng các khối bê tông sẽ là nền tảng xây dựng trong tương lai mà Trung Quốc cố tình dựng lên. Tuy nhiên, các quan chức hải quân không thể khẳng định được các bức ảnh chụp khối bê tông này mới xuất hiện hay đã tồn tại từ tháng 4/2012.
Phó Đô đốc Hải quân Jose Luis Alano trước đó cho biết Philippines đang thảo luận về việc loại bỏ các khối bê tông ra khỏi khu vực, nơi hiện đang được bảo vệ bởi ít nhất 3 tàu Trung Quốc.
Các khối bê tông ở Scarborough (Trung Quốc gọi là Đảo Hoàng Nham) là sự kiện mới nhất trong tranh chấp kéo dài giữa Philippines và Trung Quốc. Bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines nhưng đã bị đặt dưới sự kiểm soát của Trung Quốc kể từ tháng 4/2012.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng để giải quyết vấn đề này, các hành động được thực hiện sẽ tập trung vào các kết luận nhanh chóng của những ràng buộc trong Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) và cũng chuẩn bị cho các cơ sở thông tin của chúng tôi đối với trọng tài quốc tế cùng Trung Quốc”.
Ông không trả lời khi được hỏi liệu các khối bê tông trên bãi cạn Scarborough sẽ được bổ sung vào bản kiến nghị của Philippines lên Tòa án Trọng tài của Liên hợp quốc hay không. Ông cũng không cung cấp các thông tin cập nhật về công bố trước đó Ngoại trưởng Albert del Rosario rằng Philippines sẽ nộp đơn phản đối ngoại giao về các khối bê tông này.
Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin lần đầu tiên trình bày các bức ảnh của các k hối bê tông ở Scarborough, được đánh số 75 do Hải quân Philippines ghi lại, trong buổi họp bàn về ngân sách của Quốc hội nước này hôm 3/9.
Gazmin cho biết các bức ảnh được chụp hôm 2/9, cho thấy các khối bê tông bên trong bãi cạn “có thể được dùng như là nền tảng và là khúc dạo đầu cho kế hoạch xây dựng trong tương lai”. Các bức ảnh cũng cho thấy Cảnh sát biển Trung Quốc đóng ở ngoài khơi lối vào bãi cạn khoảng 3,2 hải lý.
Ngay sau khi ông Voltaire Gazmin công bố thông tin nói trên, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã phản bác và cho biết: “Không ai biết tình hình trên đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) rõ hơn Trung Quốc. Những gì Philippines nói là hoàn toàn bịa đặt”.
Ông Hồng Lỗi đã nhắc lại tuyên bố của Trung Quốc đối với bãi cạn này: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng các hoạt động của Trung Quốc trên đảo Hoàng Nham (bãi cạn Scarborough) và ở các vùng biển lân cận hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc kêu gọi Philippines ngừng khuấy lên các vấn đề mới và làm việc với Trung Quốc để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như khôi phục quan hệ song phương”.
Các quan chức Philippines lo ngại rằng các khối bê tông được dựng lên ở Scarborough sẽ giống như những gì đã xảy ra ở bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong tháng 2/1995, Trung Quốc đã dựng những túp lều ở bãi này. Giờ đây, Trung Quốc đã biến nó thành một đơn vị đồn trú quân sự.
Biển Đông đang được tuyên bố một phần chủ quyền của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Trung Quốc và Đài Loan. Hiệp hội 10 thành viên các quốc gia Đông Nam Á đang đàm phán với Trung Quốc để tiến tới một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Theo Khám phá