Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức
Trung ương Đảng chỉ đạo bãi bỏ các khoản chi ngoài lương có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước với cán bộ, công chức, viên chức như tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo…
Thay mặt Ban chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết 27 hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trung ương bàn về đề án cải cách tiền lương tại hội nghị lần thứ bảy
Xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm
Theo Nghị quyết, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế – xã hội. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
Về nội dung cải cách, đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Cụ thể, xây dựng 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo. Xây dựng 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang, gồm: 1 bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); 1 bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và 1 bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay).
Bãi bỏ mức lương cơ sở
Nghị quyết cũng quyết định, bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp. Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị – xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, Nghị quyết cho phép người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế để thưởng định kỳ cho các đối tượng thuộc quyền quản lý, gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của từng người. Mở rộng áp dụng cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội được chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Video đang HOT
Đối với doanh nghiệp nhà nước, Nghị quyết nêu rõ Nhà nước quy định nguyên tắc chung để xác định tiền lương và tiền thưởng đối với doanh nghiệp nhà nước gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, hướng đến bảo đảm mặt bằng tiền lương trên thị trường. Thực hiện giao khoán chi phí tiền lương, bao gồm cả tiền thưởng trong quỹ lương gắn với nhiệm vụ, điều kiện sản xuất kinh doanh, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp; từng bước tiến tới thực hiện giao khoán, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gắn với kết quả, hiệu quả quản lý và sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp…
Dành 50% tăng thu cho cải cách tiền lương
Để thực hiện được việc cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết yêu cầu tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến căn bản trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản. Quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương.Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hằng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao.
Bên cạnh đó, bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: Tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo… Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị. Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Không gắn mức lương của cán bộ, công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương. Nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương ( xe ô tô, điện thoại…). Chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn lực thực hiện.
P.Thảo
Theo Dantri
"Cải cách tiền lương, sẽ không còn chuyện cán bộ đi họp ký nhận phong bì"
"Hiện ngoài lương, công chức được hưởng thêm một số chế độ ngoài lương, như đi họp được nhận tiền bồi dưỡng... Đề án cải cách tiền lương nêu đề xuất tăng lương, giảm các khoản thu không chính thống, nghĩa là cán bộ, công chức đi họp không còn chuyện ký nhận phong bì nữa"...
Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ Nguyễn Quang Dũng trao đổi các vấn đề xung quanh đề cán "Cải cách tiền lương" đang trình xin ý kiến tại hội nghị Trung ương 7.
Ông Nguyễn Quang Dũng - Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Nội vụ
- Những bất cập trong chính sách tiền lương đã bộc lộ nhiều, được "mổ xẻ" nhiều thời gian qua. Là đại diện cơ quan quản lý nhà nước về việc này, ông thấy vấn đề nào cần tháo gỡ trước hết?
- Chúng ta đã thực hiện cải cách tiền lương 4 lần từ năm 1960, 1985, 1993, 2003 nhưng đúng là đến nay chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập. Mức lương cơ sở để dùng tính bảng lương theo ngạch bậc, chức vụ thấp, cụ thể là hơn 1,3 triệu. Đối với một người tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm với hệ số 2,34 thì mỗi tháng lương chỉ hơn 3 triệu đồng. Mức lương này thấp so với nhu cầu cuộc sống.
Các tính tiền lương quy theo hệ số nhân với lương cơ sở thì dẫn đến việc cán bộ công chức chỉ nhớ hệ số mà không biết được giá trị thực của tiền lương. Rồi hệ thống có quá nhiều loại phụ cấp, dẫn tới việc tiền phụ cấp nhiều hơn lương cơ bản. Người hưởng lương họ chỉ nhớ đến lương cơ bản, quá nhiều phụ cấp gây mâu thuẫn giữa các ngành nghề, so sánh giữa ngành nọ với ngành kia.
Đây là bất cập tạo sự rối rắm, phức tạp trong hệ thống tiền lương.
Việc thiết kế tiền lương theo ngạch cộng phụ cấp chức danh lãnh đạo dẫn đến việc có thể dẫn đến trường hợp người lãnh đạo cao nhưng mức lương thấp hơn lãnh đạo thấp, chưa thể hiện được thứ bậc. Đặc biệt trong cơ chế tạo nguồn giữa các đơn vị sự nghiệp theo hướng thu phí, giá dịch vụ trong đó có tiền lương còn rất chậm.
- Ông vừa nhắc đến chuyện cấp bậc cao lương thấp hơn cấp bậc thấp. Đúng là khó lý giải khi thực tế, có trường hợp lương Thứ trưởng thấp hơn Vụ trưởng?
- Chuyện này xảy ra ngay cơ quan Đảng. Cán bộ công tác trong các cơ quan của Đảng được hưởng phụ cấp 30% đảng, đoàn thể nhưng chỉ người có chức vụ từ Vụ trưởng trở xuống mới được hưởng, còn Phó Trưởng ban đảng (tương đương Thứ trưởng) trở lên không được hưởng. Điều đó dẫn đến trường hợp từ Vụ trưởng lên Phó Trưởng ban lương lại hụt đi và như vậy lương của cán bộ tương đương Thứ trưởng thấp hơn Vụ trưởng.
Những quy định phức tạp như vậy tạo ra sự méo mó, bất cập trong chính sách tiền lương.
- Những bất cập này được giải quyết thế nào trong đề án cải cách tiền lương đang được trình Trung ương Đảng xem xét trong chương trình nghị sự của Hội nghị Trung ương 7?
- Đề án trình Trung ương có đề xuất hướng trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo để phù hợp với luật cán bộ công chức và viên chức.
Theo thiết kế hệ thống tiền lương hiện hành, những người giữ chức vụ lãnh đạo kể cả bầu cử và bổ nhiệm đều xếp lương theo công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Ví dụ, tôi là Vụ trưởng thì tôi đang hưởng lương ngạch chuyên viên cao cấp. Ngoài ra, tôi được hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,0. Ai cũng hiểu lương của mình là bao nhiêu phẩy nhưng không ai nói tiền lương của mình là bao nhiêu.
Cải cách hệ thống này, chúng tôi thiết kế một bảng lương theo chức vụ lãnh đạo. Ví dụ chức vụ Vụ trưởng thì được hướng mức lương 17 triệu đồng/tháng, nghĩa là cứ ai được bổ nhiệm chức vụ này thì được hưởng mức lương đó và không phải thi nâng ngạch.
Một bảng lương khác được thiết kế với chuyên môn nghiệp vụ chung đối với các ngành nghề áp dụng cho những người không giữ chức vụ lãnh đạo. Bảng lương này cũng được thiết kế đảm bảo tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo và thậm chí có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ có thể phát triển nhưng không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo vẫn có thể tăng lương.
- Có thể hiểu như vậy nghĩa là quy định mức lương cơ sở hiện nay sẽ được xóa bỏ?
- Chúng tôi không quy định lương theo hệ số, ngạch bậc nữa mà thay bằng mức tiền tuyệt đối. Cách này sẽ thay cho cách tính lương bằng hệ số nhân với lương cơ sở. Đề án trình Trung ương có nội dung bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số tiền lương và xây dựng hệ thống bảng lương mới trên cơ sở quy định bằng mức tiền tuyệt đối.
- Được biết, đề án cũng đưa ra phương án bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ, công chức, viên chức có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước?
- Do mức lương hiện tại thấp, ngoài tiền lương ra, trong các quy định của nhà nước cho phép công chức được hưởng thêm một số chế độ ngoài lương. Ví dụ như cán bộ công chức khi xây dựng văn bản pháp luật thì được chi bồi dưỡng, tiền hội họp... Những nhiệm vụ này thực chất là nhiệm vụ của công chức nhưng lại vừa có tiền lương, vừa có nguồn thu từ việc này dẫn đến việc lẫn lộn các khoảng chi thực chất cũng là từ ngân sách nhà nước.
Vì vậy chúng tôi đề xuất tăng mức lương đối với cán bộ công chức do nhà nước quy định, giảm các khoản thu mang tính không chính thống, không thường xuyên để cơ quan đơn vị tập trung vào làm nhiệm vụ. Như vậy có nghĩa là tới đây, cán bộ công chức đi họp không còn chuyện ký nhận phong bì hay các loại tiền bồi dưỡng này khác như lâu nay sẽ cắt bỏ hết. Không phải cắt bỏ tiền mà là chuyển những khoản này vào lương chính.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi gợi ý thảo luận về đề án này có đề cập hiện tượng địa phương dư quỹ mà không chi tăng lương được. Thực tế, ngay tại Hà Nội vừa qua, quận Long Biên báo cáo tiết kiệm chi thường xuyên được 1.000 tỷ muốn quay đầu trở lại để tăng lương cho cán bộ công chức nhưng không được vì vướng cơ chế. Vậy đề án có hướng mở nút thắt này để tăng lương cho cán bộ công chức?
- Vừa qua, Quốc hội đã cho phép TPHCM được phép tự chủ một phần chi tiền lương. Từ kinh nghiệm của TPHCM, trong đề án lần này, chúng tôi có đề xuất cho phép các tỉnh thành TƯ ở các vùng động lực nếu tự bảo đảm cân đối ngân sách, tự bảo đảm nguồn cải cách tiền lương cho phép họ chi cao hơn để khuyến khích cán bộ công chức nâng cao hiệu quả làm việc.
- Xin cảm ơn ông!
P.Thảo
Theo Dantri
Tiền lương: 4 lần cải cách và những điểm mới trình Hội nghị T.Ư 7 Sáng nay (7.5), phát biểu khai mạc Hội nghị BCH T.Ư lần thứ 7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh "cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh...