“Bãi biển mi ni” giữa lòng thị xã Ayun Pa, Gia Lai
Thời gian gần đây, khu vực bãi cát bồi dọc bờ kè và chân cầu Bến Mộng ( thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) thu hút nhiều người dân đến vui chơi, dã ngoại.
Mọi người ví khu vực này như một “ bãi biển mi ni” giữa lòng thị xã.
Những bãi cát trải dài dọc bờ kè Bến Mộng trở thành điểm dã ngoại lý tưởng với các gia đình
Dòng sông Ba gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, sản xuất, nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người dân thị xã Ayun Pa. Khác với sự hung hãn vào mùa mưa, thời điểm này, nước sông Ba trong vắt, hiền hòa. Mực nước sông hạ thấp, lòng sông thu hẹp làm nhô lên những bãi bồi với dải cát trắng mịn trải dài, cùng với cánh đồng xanh mướt hai bên bờ tạo khung cảnh thiên nhiên nên thơ, hữu tình.
Từ trên cầu Bến Mộng nhìn xuống, nơi đây như một “bãi biển mi ni” giữa lòng thị xã. Trước sức nóng của những ngày đầu hè, chiều đến, nhiều người tìm đến khu vực này dạo chơi, hóng mát. Chỉ cần một tấm bạt nhỏ, một ít đồ ăn mang theo, cả gia đình sẽ có một chuyến dã ngoại thú vị. Trẻ em thoải mái chơi đùa, bơi lội, xây lâu đài cát; các bạn trẻ có địa điểm lý tưởng để check-in. Chỉ khi ánh lửa bập bùng đã tắt, những cuộc vui mới dừng, trả lại vẻ yên bình vốn có cho dòng sông.
Thường xuyên đưa con ra vui chơi tại bãi bồi dưới chân cầu Bến Mộng, chị Trương Thị Ngọc Tuyết (tổ 1, phường Đoàn Kết) cho hay: Ban đầu, các cháu chỉ đi dạo dọc bờ kè, sau thấy bãi cát dưới chân cầu nên rủ nhau xuống chơi rồi tắm mát. Nước sông trong vắt, dòng chảy tự nhiên hiền hòa nên các cháu rất thích thú. “Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, khu vực này trở nên nhộn nhịp. Trong khi các hồ bơi tại thị xã đang quá tải thì việc có một “bãi biển” rộng rãi, miễn phí như thế này thật là lý tưởng. Nhiều người tranh thủ dạy các cháu tập bơi để phòng tránh đuối nước. Không chỉ các cháu nhỏ thỏa sức chơi đùa dưới nước, mà người lớn cũng thoải mái đắm mình dưới dòng nước mát, giúp xua tan đi sự oi bức, mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng” – chị Tuyết vui vẻ nói.
Video đang HOT
Không chỉ người dân tại thị xã Ayun Pa đến đây vui chơi, qua những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ từ các địa phương lân cận cũng tập trung về đây để được hòa mình vào thiên nhiên, hít thở không khí trong lành. Em Trần Vũ Khánh Huyền – học sinh lớp 7.3, Trường THCS Nguyễn Du (xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) chia sẻ: “Nghe một số bạn giới thiệu, nhóm chúng em rất tò mò về “bãi biển” này nên quyết định đến trải nghiệm vào dịp cuối tuần. Không gian ở đây rộng rãi, thoáng mát nên rất thích hợp với học sinh tụi em. Tất cả các thành viên trong nhóm đều rất hài lòng với chuyến dã ngoại này và thích thú với những tấm hình độc đáo có được. Khi đăng ảnh, nhiều bạn đã tưởng chúng em đang du lịch tại một bãi biển nào đó”.
Là người gắn bó với dòng sông Ba gần 80 mùa rẫy, ông Châu Sanh Ngọc – người lái đò năm nào chở khách sang sông luôn dõi theo sự thay đổi của cảnh vật bên dòng sông này. Giờ đây, mỗi buổi chiều tà, ngồi ngắm dòng sông yên bình, trước cảnh người nhộn nhịp, bao ký ức về bến nước và con đò năm xưa lại ùa về trong ông. Ông cũng thèm một lần nữa được đắm mình trong dòng nước mát lành ấy. “Thật vui vì bến nước năm xưa nay trở thành “bãi biển” đẹp thu hút người dân tới vui chơi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, tôi thấy lòng sông có nhiều điểm nông – sâu xen kẽ nên với trẻ em bắt buộc phải có người lớn đi cùng để đảm bảo an toàn” – ông Ngọc trải lòng.
Vì là bãi tắm tự phát, khu vực này thiếu các dịch vụ thiết yếu phục vụ du khách nên mọi người muốn vui chơi lâu hơn phải mang theo đồ ăn, thức uống. Và kết quả của những chuyến dã ngoại ấy là tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều đoàn đến sau phải dọn vệ sinh của đoàn đến trước, đốt bỏ rồi mới dựng trại. Bức xúc trước ý thức kém của một số người, chị Trần Như Quỳnh (tổ 4, phường Sông Bờ) cho hay: Bãi cát trước đây rất sạch nhưng dưới tác động của con người đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mỗi lần đến đây, chị đều gom rác rồi đốt bỏ để các cháu có điểm vui chơi lý tưởng. Hy vọng thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ bố trí thùng đựng rác tại đây cũng như cắm biển nhắc nhở người dân. Đặc biệt, nếu có hệ thống điện chiếu sáng vào buổi tối thì nơi đây chắc chắn sẽ trở thành điểm đến lý tưởng với du khách.
Nếu như các bãi cát bồi dọc bờ kè thuộc địa phận thị xã Ayun Pa thì phía bãi bồi chân cầu Bến Mộng lại thuộc quản lý của huyện Ia Pa. Vì vậy, để “bãi biển mi ni” này thực sự trở thành điểm vui chơi lý tưởng của người dân mùa nước cạn rất cần sự vào cuộc của chính quyền 2 địa phương để có kế hoạch phát triển cũng như quản lý khu dã ngoại này, đặc biệt tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, giảm thiểu được tình trạng xả rác gây ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo an toàn, an ninh trật tự.
Hoang sơ suối Giá
Bắt nguồn từ núi Hòn Gầm, suối Giá - đoạn chảy qua địa phận xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) mang vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ, gắn kết với những giá trị lịch sử, văn hóa mãi được lưu truyền.
"Bãi biển mi ni" giữa lòng thị xã Ayun Pa, Gia Lai
Ngược dòng con suối
Theo chân anh Cao Văn Hận (công chức văn hóa - xã hội xã Ba Cụm Bắc) đi ra khỏi thôn Suối Đá, chúng tôi đến ngã ba hợp lưu giữa dòng suối Mây với suối Giá, tạo nên dòng suối Lớn - một phụ lưu của sông Tô Hạp. Từ ngã ba suối, chúng tôi men theo con nước đi ngược về phía tây - nơi khởi thủy của dòng suối Giá. Suối Giá, hay cách đồng bào Raglai ở địa phương vẫn quen gọi là suối Đá, có cảnh vật khá độc đáo. Suối được hình thành từ một mạch nước nhỏ lộ thiên ở đỉnh Hòn Gầm, len lỏi dưới tán cây rừng để chảy về xuôi. Trên đường đi của dòng nước, theo thời gian đã làm lộ diện, bào mòn những hòn đá, tảng đá đủ hình dạng, đi vào truyện kể của đồng bào Raglai. "Chiều dài suối Giá khoảng hơn 10km, nhưng đoạn đẹp nhất, kỳ vĩ nhất là khu vực hạ lưu dài khoảng 2km, chảy qua xã Ba Cụm Bắc. Dòng suối khi về đến đây đã được mở rộng và cảnh vật giữa lòng suối, cũng như hai bên bờ suối thực sự khiến cho chúng ta phải ngỡ ngàng", anh Cao Văn Hận cho biết.
Một đoạn Suối Giá có rất nhiều đá
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về suối Giá là sự cộng hưởng giữa nước và đá. Nước suối vào mùa khô trong xanh, yên bình. Những ngày nắng ráo, nước suối chảy róc rách, luồn qua những khe đá, lúc lại ào ạt tràn lên các triền đá tảng. Có những đoạn, nước đang chảy bình thường bỗng nhiên mất hút vào trong lòng đất đá, rồi lại đột ngột hiện ra với những thác nước nhỏ hoặc những hồ nước trong xanh như mắt mèo. Cái tên suối Đá mà đồng bào Raglai gọi dòng suối này có lẽ là do đá ở trong lòng suối nhiều vô kể. Đặc biệt, có những tảng đá mà ở đó bàn tay tạo hóa đã khéo tạc nên những hình thù độc đáo. Đó là hình một con bạch xà dài chừng 3m, nổi bật trên nền đá màu xám tự nhiên, nhưng xem qua cứ như có người mang sơn đến vẽ. Trên một số tảng đá còn có những lỗ nhỏ tự nhiên, hình dạng trông như dấu chân voi, đặc biệt nước trong những lỗ này quanh năm không cạn. Độc đáo nhất vẫn là tảng đá có hình dáng như một con voi bị té ngửa với lưng in hằn lên đá và 4 chân giơ lên trời.
Những thác nước nhỏ trên dòng suối Giá.
Từ những hình thù trên đá, đồng bào Raglai đã sáng tạo nên câu chuyện truyền miệng qua nhiều thế hệ. Theo lời kể của một số người già trong thôn Suối Đá, thuở xa xưa, ở khu vực suối Đá đã xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa voi rừng với bạch xà để giành lãnh địa. Trong nhiều ngày, nhiều đêm, những thanh âm phát ra từ hai con vật làm rung chuyển núi rừng, khiến cho mọi người sợ hãi. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi nọc độc của bạch xà ngấm vào cơ thể voi khiến voi té ngửa ra chết. Tuy câu chuyện đơn giản nhưng đã phần nào minh chứng cho đời sống tinh thần của đồng bào Raglai từ xa xưa. Đến hôm nay, dòng suối Giá vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ. Hai bên bờ suối, thảm cây rừng vẫn còn dày đặc tạo nên màu xanh mát mắt vào ngày nắng, cũng là lá chắn hạn chế lực nước vào mùa mưa.
Địa danh lịch sử
Dòng suối Giá còn trở nên đặc biệt hơn nữa khi nó còn gắn liền với lịch sử cách mạng của huyện Khánh Sơn. Suối Giá cùng với khu vực Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp), Xóm Cỏ (xã Sơn Bình) là 3 địa điểm hình thành nên căn cứ cách mạng Tô Hạp. Có dịp trò chuyện với ông Tro Hoàng Vân - người từng tham gia kháng chiến ở xã Ba Cụm Bắc, chúng tôi biết rằng, hoạt động cách mạng ở khu vực suối Giá trong kháng chiến chống Mỹ gắn với tên tuổi Đội du kích Ba Cụm. Trong đó, có những con người đã được lịch sử lưu danh, nhân dân mến yêu như: Năm A Cho, Cao Điềm, Cao Tím, Mấu Dương...
Lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh và huyện Khánh Sơn đã ghi rõ về địa điểm khu vực suối Giá. Đây là đại bản doanh của các cơ quan thuộc Huyện ủy Khánh Sơn giai đoạn 1959 - 1962, sau khi chuyển từ khu vực xã Sơn Trung về. Suối Giá còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lớn của tỉnh và huyện như: Hội nghị quán triệt và bàn biện pháp thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh do Huyện ủy Khánh Sơn tổ chức vào năm 1955. Năm 1957, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng toàn tỉnh để đánh giá tình hình thực hiện chủ trương chuyển cán bộ, đảng viên ra sống hợp pháp, đấu tranh với thủ đoạn dồn dân của địch. Năm 1961, diễn ra Đại hội dân tộc huyện với 150 đại biểu tham dự. Tháng 9-1961, thành lập Huyện đội Khánh Sơn. Cuối tháng 2-1962, diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Khánh Sơn lần thứ nhất với 47 đại biểu tham dự... Đến năm 1963, do sự càn quét ác liệt của Mỹ - Ngụy, để đảm bảo an toàn, bí mật và chủ động chống càn, các cơ quan của huyện Khánh Sơn đã chuyển từ khu vực suối Giá về Tô Hạp và lấy đây làm đại bản doanh cho tới khi đất nước thống nhất hoàn toàn.
Tiềm năng du lịch
Suối Giá vừa có cảnh quan thiên nhiên đẹp, lại gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh, của huyện nên nơi đây có tiềm năng phát triển du lịch. Điều này, càng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn tỉnh đang tập trung triển khai Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, huyện Khánh Sơn được xác định là tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Theo ông Đỗ Huy Hiệp - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Bắc, qua khảo sát, đánh giá, địa phương có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái núi rừng, kết hợp với du lịch văn hóa, về nguồn mà điển hình là khu vực suối Giá. Ở đây đã có đường giao thông, xung quanh là nương rẫy trồng cây ăn trái của đồng bào Raglai. Thôn Suối Đá và một số thôn lân cận đã có những đội văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số. Nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào Raglai cũng là điểm nhấn để gây ấn tượng với du khách.
Ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, huyện đã kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh về việc dựng bia để ghi nhớ sự kiện lịch sử cách mạng ở khu vực suối Giá. Đây vừa là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, vừa là nơi để khách tham quan tìm hiểu về lịch sử. Từ đó, dần hình thành nên điểm du lịch sinh thái, tìm hiểu di tích văn hóa. Nếu được đầu tư, suối Giá hoàn toàn có thể trở thành điểm du lịch mới trên địa bàn huyện. Thời gian tới, huyện sẽ đánh giá cụ thể để có thể phát triển hoạt động du lịch sinh thái, văn hóa ở khu vực suối Giá.
Kỳ vĩ thác Mơ, Gia Lai Nằm trên nhánh sông Pô Cô huyền thoại, thác Mơ (làng Ếch, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai) ngày đêm tuôn chảy giữa đại ngàn hoang sơ, kỳ vĩ đã tạo sức hút ấn tượng, là điểm đến hấp dẫn rất nhiều du khách. Tuy còn hoang sơ nhưng thác Mơ mang vẻ đẹp hiền hòa và yên bình, là điểm...