Bài 36 Vụ án 194 phố Huế: Sự “ưu ái” đặc biệt của pháp luật Việt Nam
Liên tưởng đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn mới thấy Trịnh Ngọc Chung quá may mắn! Một người không phạm tội giết người thì được các cán bộ điều tra cho thực hành “diễn tập” đến khi thành thục để TAND xét xử.
Còn Trịnh Ngọc Chung, mặc dù hành vi phạm tội đã rành rành, vẫn “ung dung” tại ngoại và hưởng liên tiếp các đặc quyền về tố tụng. Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, Nguyễn Thanh Chấn là vụ án tiêu biểu cho tài biến “không” thành “có”, liệu Trịnh Ngọc Chung có thể trở thành vụ án tiêu biểu cho tài biến “có” thành “không”?
Đã 4 tháng trôi qua kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, Tòa án Hà Nội vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử khiến dư luận một lần nữa không khỏi hoài nghi về những “bất thường” của vụ án này.
Đã gần 30 tháng kể từ ngày Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế trái pháp luật số 07/QĐ-THA ngày 28/06/2011 đã trở thành “điểm nóng” trên các diễn dàn pháp lý thủ đô một thời gian dài và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cơ quan công luận. Tuy nhiên, đến nay vụ án này vẫn chưa thể kết thúc vì việc xét xử Trịnh Ngọc Chung xem ra quá khó khăn!
Hành vi phạm tội đã “sờ sờ” trước mắt, báo chí, công luận đã mất rất nhiều công sức để “phanh phui” việc làm sai trái của Trịnh Ngọc Chung. Thời hạn tố tụng vì thế mà được “đếm” từng ngày với những mong pháp chế Xã hội Chủ nghĩa bình đẳng với mọi đối tượng phạm tội, không kể thân sơ, địa vị, quan hệ, không kể quan hay dân…Thế nhưng, dường như vụ án của Trịnh Ngọc Chung đang chứng minh điều ngược lại.
Mặc cho dư luận xã hội phản ánh gắt gao, mặc cho niềm tin của nhân dân thủ đô vào uy tín, danh dự của các cơ quan tiến hành tố tụng bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng vụ án này luôn được tiến hành một cách chậm trễ, gượng gạo và đầy “toan tính”. Không phải vô lý khi có dư luận cho rằng: Bởi “thương hiệu” của người mang danh “thế lực ngầm” đứng sau chống đỡ cho Trịnh Ngọc Chung quá lớn, nên dẫu có muốn, các cán bộ trực tiếp truy tố, xét xử vụ án nhạy cảm này cũng không dễ “ra tay” xét xử theo đúng quy định pháp luật.
Liệu có là “vô tình” khi hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng trong cùng một vụ án đều quá “ưi ái” cho bị cáo “siêu đặc biệt” này?
Cơ quan Điều tra ban hành kết luận điều tra vào ngày cuối cùng theo luật định
Như Dân trí đã đưa tin, thời hạn điều tra theo quy định tại Điều 119 Bộ luật tố tụng hình sự thì khoản 3 tội “Ra quyết định trái pháp luật”(Điều 296) có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù giam thì thời hạn điều tra (kể cả gia hạn điều tra) tối đa là 12 tháng kể từ khi khởi tố vụ án.
Ngày 28/10/2011, Cục Điều tra (Cục 6) – VKSNDTC ra quyết định khởi tố vụ án số 27/VKSTC – C6 (P3) “Ra quyết định trái Pháp luật” xảy ra tại Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Và đúng đến ngày 26/10/2012, Cơ quan Điều tra VKSNDTC đã có kết luận điều tra số 39/VKSTC-C6(P1), trong đó kết luận bị can Trịnh Ngọc Chung, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có hành vi phạm tội “ra quyết định trái pháp luật”, vi phạm điều 296 BLHS. Điều thú vị là, ngày 26/10/2012 là vào thứ 6, ngày cuối cùng của tuần làm việc để có thể ban hành bản kết luận điều tra theo thời hạn pháp luật yêu cầu.
Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung của Cơ quan Điều tra VKSNDTC (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Như vậy, đúng tròn 01 năm kể từ ngày khởi tố vụ án, cơ quan điều tra mới đưa ra được kết luận cuối cùng đối với hành vi phạm tội của bị can Trịnh Ngọc Chung. Điều này cho thấy, để kết luận Trịnh Ngọc Chung có hành vi phạm tội là việc không hề dễ dàng của cơ quan điều tra.
Viện Kiểm sát khó khăn trong truy tố
Dù bản kết luận điều tra phân tích tương đối rõ ràng, cụ thể hành vi phạm tội trắng trợn của Trịnh Ngọc Chung nhưng cơ quan Viện kiểm sát lại vô cùng khó khăn trong việc truy tố bị can này, đến mức vi phạm nghiêm trọng thời hạn quyết định truy tố theo quy định tại Điều 166 BLTTDS.
Video đang HOT
Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố
1. Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:
a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…
Cáo trạng truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung của VKSNDTC
(Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Theo quy định trên, thời hạn để truy tố đối với bị can Trịnh Ngọc Chung không quá 45 ngày (kể cả thời gian gia hạn). Thế nhưng, thay vì thời hạn theo luật định, Cơ quan VKSNDTC đã ban hành cáo trạng số 18/VKSNDTC-V1A truy tố bị can Trịnh Ngọc Chung theo khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự, về tội “Ra Quyết định trái pháp luật” vào ngày 08/7/2013, tức sau hơn 280 ngày kể từ ngày nhận được bản kết luận điều tra.
TAND TP Hà Nội tiếp tục “phớt lờ” thời hạn
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trương Quốc Hòe,Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay: Những tưởng những “rào cản” vô hình của vụ án Trịnh Ngọc Chung đã bị sự thật đè bẹp, đẩy lùi, thế nhưng một lần nữa TAND TP Hà Nội lại tiếp tục dành cho bị cáo này những “ngoại lệ” đặc biệt. Thời hạn đưa vụ án ra xét xử theo quy định của điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự tối đa không quá 4 tháng, tức không quá ngày 12/11/2013, tuy nhiên đến nay, về phía người bị hại (gia đình 194 phố Huế) vẫn chưa có bất kỳ thông tin gì về vụ án từ TAND TP Hà Nội.
Đã từng vi phạm thời hạn truy tố, đến nay Viện kiểm sát cũng “làm ngơ” khi TAND không tuân thủ thời hạn xét xử vụ án. Theo Điều 16 Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân thì: “Trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát Nhân dân có trách nhiệm thực hành quyền công tố, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội; kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự, nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời”. Tại sao lại một lần nữa, cơ quan Viện kiểm sát không muốn thi hành quyền công tố?
Vụ án 194 phố Huế vẫn đang trong quá trình điều tra, xét xử, vậy mà Cuc Thi hành án Hà Nội vẫn “nhanh tay” ban hành thông báo số 433 “xử lý” số tiền bán đấu nhà trái pháp luật trên (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân là các Cơ quan tiến hành tố tụng được nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó trọng trách tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Hơn ai hết, các cơ quan này hiểu rõ sự cần thiết và ý nghĩa của việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động của mình nhằm xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ, văn minh. Đáng tiếc thay, ở vụ án này, các cơ quan có thẩm quyền trên đều không đáp ứng được sự kỳ vọng, mong mỏi của nhân dân vào những người “cầm cân, nẩy mực”, gây dư luận xấu cho nền tư pháp nước nhà.
Báo Dân trí đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẩn trương chỉ đạo, giám sát việc TAND TP Hà Nội xét xử công tâm, đúng pháp luật vụ án trên.
Quyết định trái pháp luật gây thiệt hại 6,69 tỷ đồng
Cáo trạng của VKSNDTC nêu rõ: Trong quá trình thực hiện quyết định ủy thác của Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Hà Nội (Thi hành Quyết định số 143/QĐST-KDTM ngày 20/12/2007 của TAND TP. Hà Nội), ngày 28/6/2011, Trịnh Ngọc Chung là chấp hành viên, Trưởng Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng đã ra quyết định cưỡng chế giao nhà số 07/QĐTHA để thực hiện việc giao nhà số 194 phố Huế cho người trúng đấu giá (Ngày 24/8/2009, Công ty Cổ phần bán đấu giá Hà Nội tiến hành bán đấu giá nhà 194 phố Huế với giá 31.528.000.000đ, trong khí đó giá trị thực của ngôi nhà là gần 80 tỷ đồng – PV). Quá trình điều tra xác định Trịnh Ngọc Chung đã có hàng loạt những vi phạm mang tính cố ý như: Kê biên nhà 194 phố Huế cũng như quá trình bán đấu giá không thông báo cho các đồng sở hữu biết; nhà 194 phố Huế chưa có sổ đỏ, không đủ điều kiện chuyển dịch bất động sản cũng như đang bị phong tỏa theo thông báo số 02/TB-THA ngày 20/1/2000, hiện nay chưa có quyết định giải tỏa; Trịnh Ngọc Chung chỉ đạo thư ký giả mạo chữ ký, thêm nội dung vào biên bản thi hành án trái với ý chí, nguyện vọng của người thi hành án; Vận dụng Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 không đúng; Tự chế ra mẫu quyết định cưỡng chế sai với biểu mẫu theo quy định của Bộ Tư pháp. Do đó, đủ căn cứ để xác định Trịnh Ngọc Chung biết rõ quyết định cưỡng chế giao nhà 194 phố Huế là trái pháp luật. Hành vi của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào tội “Ra quyết định trái pháp luật”, quy định tại Điều 296 Bộ luật Hình sự, gây thiệt hại cho người phải thi hành án là ông Hoàng Ngọc Minh 6,69 tỷ đồng. Hành vi phạm tội trên đây của Trịnh Ngọc Chung đã phạm vào Khoản 3, Điều 296 Bộ luật Hình sự: “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm…”. Bị can Trịnh Ngọc Chung hiện đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú theo lệnh số 11/VKSNDTC-C6 (P1) ngày 8/5/2012 của Cơ quan Điều tra VKSNDTC. Ngoài ra, Quận ủy Hai Bà Trưng cũng đã có quyết định số 1370-QĐ/QU đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với Trịnh Ngọc Chung. *** Như vậy, sau 36 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Đây là một trong những vụ án được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua.
Trong quá trình tác nghiệp điều tra vụ việc trên, PV Dân trí gặp phải không ít khó khăn trong việc thu thập tư liệu viết bài, cũng như có rất nhiều luồng dư luận “khóc mướn”, “tán thưởng” với việc làm trái pháp luật của bị can Trịnh Ngọc Chung. Đây chính là một “rào cản” lớn, một hình thức gây “sức ép” cản trở quá trình điều tra của cơ quan chức năng và Báo Dân trí. Đã có lúc đông đảo bạn đọc Dân trí tưởng chừng vụ án có thể “chìm xuồng”, rơi vào “ngõ cụt”, công lý sẽ không được thực thi!.
Hiện nay, dư luận đang mong chờ vụ án 194 phố Huế sớm được TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật, trừng trị thích đáng những kẻ lợi dụng quyền lực công để mưu cầu lợi ích riêng, thanh lọc cán bộ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến
Theo Dantri
Bài 34: Vụ án 194 phố Huế: "Tránh để bị can bỏ trốn như Dương Chí Dũng"
Hiện nay, đã gần 4 tháng kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, chỉ bị áp dụng biên pháp ngăn chặn "nhẹ nhàng nhất" là cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là điều khiến dư luận và giới luật sư thắc mắc và trăn trở bức xúc nhất!!!
Vụ án 194 phố Huế là một vụ án được dư luận cả nước nói chung và giới luật sư nói riêng đặc biệt quan tâm. Tiếp theo việc trao đổi quan điểm về vụ án trên với các luật sư, phóng viên báo Dân trí đã có buổi phỏng vấn trực tiếp Luật sư Lê Quốc Đạt - Giám đốc Công ty Luật Trí Tuệ thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư Lê Quốc Đạt: "Quan điểm của nhiều luật sư là phải áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất đối với Chung để góp phần làm trong sạch bộ máy công quyền"
Là một người đã tham gia rất nhiều vụ án hình sự trong các năm qua, luật sư Lê Quốc Đạt có quan điểm bức xúc như sau:
"Vụ án Trịnh Ngọc Chung, nguyên là Chi Cục trưởng Chi cục Thi hành án quận Hai Bà Trưng can tội ra quyết định trái pháp luật trong việc cưỡng chế thi hành án tại số nhà 194 phố Huế đã gây bức xúc trong dự luận xã hội và những người yêu chuộng công lý. Ngày 08/7/2013 VKSNDTC đã ra Cáo trạng số 18/VKSNDTC-V1A truy tố Trịnh Ngọc Chung theo khoản 3 điều 296 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt lên đến mười năm tù.
Bản cáo trạng này đã được dư luận đặc biệt quan tâm và hoan nghênh vì hiếm khi một cán bộ cấp trưởng của một cơ quan hoạt động trong lĩnh vực Tư pháp lại phải chuẩn bị ra đứng trước vành móng ngựa, chịu sự phán xử của Pháp luật. Liệu một bản án nghiêm minh tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội có được tuyên đối với Trịnh Ngọc Chung là một câu hỏi đang gâytranh cãi trong giới luật sư.
Quyết định khởi tố bị can Trịnh Ngọc Chung của Cơ quan Điều tra VKSNDTC (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
Như Báo Dân trí đã đưa tin, Trịnh Ngọc Chung bị VKSNDTC truy tố theo khoản 3 điều 296 Bộ luật Hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng. Với tính chất và mức độ của loại tội phạm này, cơ quan Tiến hành tố tụng thường bắt tạm giam bị can để phục cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, ngoài ra còn ngăn ngừa bị can có thể tiếp tục phạm tội mới hoặc bỏ trốn (như vụ án Dương Chí Dũng gây vất vả tốn kém cho các cơ quan chức năng) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án (ví dụ như trực tiếp hoặc gián tiếp làm sai lệch hồ sơ vụ án). Việc bắt tạm giam bị can còn có tác dụng phòng ngừa chung, răn đe những kẻ đang có âm mưu phạm tội và cảnh tỉnh những kẻ có thể chuẩn bị thực hiện hành vi phạm tội, để họ có thể tiến tới tự ý nửa chừng chấm dứt tội phạm, giảm bớt nguy hiểm cho xã hội...
Hiện nay, đã gần 4 tháng kể từ ngày bị truy tố, bị can Trịnh Ngọc Chung vẫn đang được tại ngoại, chỉ bị áp dụng biên pháp ngăn chặn "nhẹ nhàng nhất" là cấm đi khỏi nơi cư trú. Đây là điều khiến dư luận và giới luật sư thắc mắc và trăn trở bức xúc nhất!!!
Hiến pháp đã quy định "Mọi công dân đều bình đẳng trước Pháp luật". Nếu là một vụ án hình sự thông thường do cơ quan công an khởi tố, chắc là bị can đã bị bắt tạm giam từ lâu, thậm chí có những bị can phạm tội nhẹ hơn Chung rất nhiều (ví dụ như các bị can trong vụ án 112 xảy ra tại Văn phòng Chính phủ), nhưng vụ án này sao lại khác lạ như vậy.
Theo nhiều nguồn tin trong dư luận cho biết vợ của Trịnh Ngọc Chung là Thẩm phán của TAND thành phố Hà Nội, nơi sẽ trực tiếp xét xử sơ thẩm vụ án này. Vì thế có thể Tòa án Hà Nội đã nương nhẹ cho Chung??? Ngoài ra cũng có tin vì Chung làm nhiều năm ở cơ quan Tư pháp nên có nhiều mối quan hệ "chống lưng" che đỡ cho Chung trong vụ án này nên lẽ ra Chung phải bị bắt tạm giam nhưng vẫn được may mắn ung dung tại ngoại, ung dung ngoài vòng pháp luật. Đây là những điểm không thể chấp nhận được vì Chung một người có chức vụ quyền hạn, có hiểu biết pháp luật, đúng ra là phải bị áp dụng những biện pháp ngăn chặn thật nghiêm khắc để làm gương cho những kẻ có chức vụ quyền hạn có dấu hiệu chuẩn bị phạm tội và tạo lòng tin trong đông đảo dư luận quần chúng.
Quan điểm của nhiều luật sư là phải áp dụng các biện pháp nghiêm khắc nhất đối với Chung để góp phần làm trong sạch bộ máy công quyền, lấy lại lòng tin của nhân dân vào Pháp luật. Pháp luật phải được áp dụng nghiêm minh, không trừ một ai, không có ngoại lệ. Đối với Trịnh Ngọc Chung, bắt tạm giam là xứng đáng và rất cần thiết, tránh để xảy ra một trường hợp bị can bỏ trốn như đã xảy ra ở vụ án Dương Chí Dũng".
Vụ án 194 phố Huế đã trở thành "điểm nóng" trên các diễn dàn pháp lý Thủ đô suốt 2 năm qua và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cơ quan công luận (ảnh: Vũ Văn Tiến)
Quyết định trái pháp luật phải bị thu hồi, hủy bỏ
Liên quan đến vụ án 194 phố Huế, Báo Dân trí nhận được ý kiến của luật sư Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư HL Nghi Xuân (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho hay:
Thời gian vừa qua tôi được biết vụ án 194 Phố Huế trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên báo Điện tử Dân trí. Về thời hạn điều tra, truy tố pháp luật đã quy định rõ tại điều 119 và 166 BLTTHS. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng pháp luật có một số vụ án các cơ quan thực hành tố tụng rất khó thực hiện đúng thời hạn pháp luật đã quy định. Những trường hợp này thường rơi vào các vụ án có bị can đang tại ngoại, có nhiều tình tiết phức tạp cần phải xem xét thận trọng hoặc cũng không tránh khỏi áp lực của các cơ quan khác,..
Đối với vụ án 194 phố Huế chắc sẽ có nhiều áp lực dẫn đến thời hạn điều tra, truy tố phải kéo dài. Vấn đề quan trọng nhất là việc vi phạm về thời hạn này không làm oan người vô tội và cũng không bỏ lọt tội phạm.
Khi có căn cứ xác định quyết định của người có thẩm quyền ban hành là trái pháp luật và gây hậu quả thì cơ quan thực hành tố tụng mới ra quyết định khởi tố vụ án. Về nguyên tắc, quyết định trái pháp luật phải bị thu hồi, hủy bỏ.
Như vậy, sau hơn 30 bài báo trên Dân trí lật tẩy nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của vụ thi hành án ngôi nhà 194 phố Huế đến nay đã có kết quả của vụ việc. Đây là một trong những vụ án được đông đảo bạn đọc Dân trí quan tâm và gây bức xúc dư luận tại Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. "Điều 296 Bộ luật hình sự: Tội ra quyết định trái pháp luật 1. Người nào có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ra quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3 . Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm".
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Vũ Văn Tiến
Theo Dantri
Vụ án 194 phố Huế: "Thế lực ngầm chống lưng, điều khiển" Sau rất nhiều nỗ lực của Cơ quan Điều tra, sau cả một quá trình đấu tranh đầy cam go của các phương tiện truyền thông, mà trong đó báo Dân trí là lực lượng nòng cốt, hành vi phạm tội của nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự quận Hai Bà Trưng - Trịnh Ngọc Chung đã bị...