Bài 3: Nhanh chóng chấm dứt xin – cho
Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, thành phố cần sớm ban hành Quy chế quản lý công trình cao tầng để chấm dứt tình trạng xin cho khi điều chỉnh nâng tầng dự án nhà ở.
Phải nâng cao chất lượng quy hoạch
- Những năm gần đây, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị ở Hà Nội đã được điều chỉnh quy hoạch nâng tầng, có dự án tăng quy mô dân số gấp 2 lần so với ban đầu, ông có bình luận gì về hiện tượng này?
- Quy hoạch là định hướng và công cụ phát triển đô thị. Trong quy hoạch, dân số là yếu tố cơ bản quyết định không gian, hạ tầng kỹ thuật và chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, tất cả các quy hoạch được duyệt đều căn cứ, tính toán trên chỉ tiêu dân số trên một khu vực, đơn vị hành chính hoặc khu đô thị, dự án nhất định.
Thời gian vừa qua đúng là có việc điều chỉnh lại quy hoạch nhiều dự án, trong đó, có điều chỉnh lại diện tích sàn nhà ở, tức là làm tăng quy mô dân số. Việc này sẽ tác động lớn tới hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, bệnh viện, vườn hoa, sân chơi, chợ, siêu thị…) và gây áp lực lớn với hạ tầng kỹ thuật. Khi đó, tất nhiên là chất lượng cuộc sống của người dân sẽ giảm và hạ tầng xã hội sẽ không đáp ứng được. Vì thế, đây là việc phải cân nhắc rất kỹ chứ không phải dự án nào cũng được điều chỉnh.
- Theo ông, đâu là giải pháp để dần hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư?
- Trước hết, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch của thành phố Hà Nội. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội vào năm 2011, thành phố phải triển khai khoảng 150 đồ án quy hoạch các loại. Đến nay, sau 5 năm, chúng ta đã cơ bản hoàn thành số quy hoạch này song còn nhiều quy hoạch chi tiết chưa triển khai được.
Cùng với đó, hệ thống quy hoạch của thành phố hiện còn có sự chồng chéo, giữa quy hoạch tổng thể kinh tế – xã hội với quy hoạch các ngành, lĩnh vực… Quy hoạch nào cũng là công cụ quản lý nhưng có khi cái ban hành sau lại điều chỉnh cái trước. Do đó, cần xem xét, điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống quy hoạch của thành phố. Cần sớm hoàn thiện hệ thống quy hoạch xây dựng đồng bộ với đổi mới hệ thống quy hoạch nói chung để đảm bảo tính đồng nhất, hiệu lực cao.
Đây là sẽ công cụ mạnh nhất để các nhà quản lý điều tiết chứ không chạy theo từng ngành, từng lĩnh vực hay từng dự án nhỏ lẻ. Tiếp đến, phải nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch và năng lực dự báo. Vấn đề này đã nêu ra từ lâu, nhưng tới nay vẫn còn hạn chế.
Sắp tới, số tầng cao cho phép sẽ được ấn định tới từng ô phố
Cần công cụ mạnh phá vòng luẩn quẩn
Video đang HOT
- Hà Nội đang xây dựng Quy chế quản lý công trình cao tầng để trình Chính phủ, đây có thể xem là giải pháp chính cho vấn đề này?
- Hà Nội cần đặc biệt chú trọng tới quy hoạch các công trình cao tầng, nhất là ở khu vực nội thành. Đây là xu thế tất yếu trong phát triển đô thị. Từ khi Chính phủ chỉ đạo hạn chế xây dựng các công trình cao tầng trong 4 quận nội thành cũ (Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm), chúng ta đã triển khai nghiên cứu quy chế này. Tới nay, thành phố đã 17 lần dự thảo, Bộ Xây dựng cũng góp ý 4 lần vẫn chưa ban hành được.
- Số nhà cao tầng đang tăng chóng mặt, nếu không sớm có quy chế này, thì sẽ là quá muộn?
- Trước năm 1954, công trình cao nhất Hà Nội chỉ có 7 tầng. Tới năm 1986, công trình cao nhất là khách sạn Thăng Long 11 tầng. Trước năm 2005, thành phố có khoảng 80 công trình cao từ 9 tầng trở lên. Từ năm 2005 đến nay, nội thành có gần 300 công trình cao tầng. Điều đó chứng tỏ ưu thế đất vàng của Thủ đô nhưng cái chúng ta đang thiếu là công cụ quản lý các công trình này.
Trong gần 300 công trình cao tầng nói trên, có khoảng 90 dự án đang chờ quy chế cao tầng. Quy chế này phải cụ thể hóa để tránh chung chung, hạn chế tình trạng xin – cho đối với công trình cao tầng. Muốn làm được vậy, ta phải đưa nội dung quy chế vào các quy hoạch phân khu chứ không nói chung chung. Chính phủ cũng thúc giục thành phố phải sớm ban hành quy chế này để chấm dứt tình trạng xin – cho nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn lúng túng.
- Vậy vướng mắc ở đây là gì, thưa ông?
- Có rất nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến vào dự thảo quy chế. Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi phải nghiên cứu rất kỹ, rất sâu. Trong bối cảnh nội thành Hà Nội đã phát triển qua nhiều giai đoạn, chúng ta không thể hồi tố được. Thành phố luôn muốn tạo điều kiện để xây dựng diện mạo đô thị mới khang trang, hiện đại nhưng đây là bài toán rất khó. Chúng ta phải tập trung lực lượng hơn nữa, tranh thủ nhiều hơn ý kiến của các cơ quan chuyên môn và chuyên gia, nếu không chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn quy định chung chung và không sao triệt tiêu được xin – cho.
- Nếu quy chế này được ban hành, các dự án cao tầng sẽ chỉ được xây dựng đúng số tầng theo quy định chứ không được phép điều chỉnh nhiều lần?
- Quy chế quản lý nhà cao tầng sẽ là công cụ quản lý rất quan trọng. Nếu được phê duyệt, quy chế này sẽ cụ thể hóa các chỉ tiêu quy hoạch tới từng ô, tuyến phố, tức là quản lý rất chặt. Đương nhiên, muốn đạt hiệu lực cao thì quy chế phải có chất lượng tốt nhất để tránh việc quy chế đã có nhưng vẫn xin điều chỉnh.
- Trong khi chờ Quy chế được duyệt, theo ông, có nên dùng mệnh lệnh hành để hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch chung cư cao tầng, nhất là ở các quận trung tâm?
- Quyền điều chỉnh quy hoạch đã được nêu trong các văn bản pháp quy. Nhưng để quy hoạch có hiệu lực thực sự, tránh xin – cho, thì rất cần vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và hội đồng quy hoạch – kiến trúc của thành phố. Căn cứ vào ý kiến của tập thể, các nhà quản lý sẽ xem xét và đưa ra quyết định thì mới có chất lượng cao.
Nếu nhà quản lý cứ tự quyết mà không xem xét ý kiến của cộng đồng thì dễ gây ra tình trạng quy hoạch kém hiệu lực và nạn xin – cho, điều chỉnh lại tái diễn. Luật Quy hoạch đô thị đã nói rõ, không thể bỏ qua tiếng nói của cộng đồng. Nhà quy hoạch phải chỉ ra, ý kiến nào của cộng đồng được tiếp thu, ý kiến nào không tiếp thu thì phải giải trình thấu đáo…
Để hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch “chạy” theo đề xuất của chủ đầu tư tại một đô thị có tốc độ phát triển xây dựng lớn như Hà Nội, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phải xây dựng cho được Quy chế quản lý nhà cao tầng. Đó sẽ là công cụ hữu hiệu để cơ quan quản lý kiểm soát phát triển đô thị.
Theo NTD
Gian nan công tác quy hoạch đô thị
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong khi quy hoạch chung đã đạt 100%, thì quy hoạch chi tiết mới chỉ đạt 33%. Với tốc độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch "rùa bò" khoảng 2,5%/năm như hiện tại, sẽ phải mất ít nhất 26 năm nữa mới hoàn thành.
Tỷ lệ lập quy hoạch chi tiết đô thị đến năm 2015 mới đạt 33%. Ảnh: Dũng Minh
Quy hoạch chi tiết có tốc độ "rùa bò"
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành xây dựng năm 2016 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ đã tổ chức lập, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 44 đồ án quy hoạch, gồm 4 quy hoạch xây dựng vùng, 15 quy hoạch chung khu kinh tế, 17 quy hoạch chung đô thị, 8 quy hoạch chung khu chức năng đặc thù. Đến nay, cả nước có 15 vùng liên tỉnh, 15 khu kinh tế ven biển, 13 khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 60/63 địa phương đã tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh.
Về tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đã đạt 100%. Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết chỉ đạt khoảng 33%, tăng 3% so với năm 2014, tăng 13% so với năm 2010. Trong khi đó, quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 98,2%, tăng 3,3% so với năm 2014; tăng 71,8% so với năm 2010.
"Với khoảng 65% quy hoạch chi tiết chưa thực hiện, nếu cứ tiếp tục với tốc độ 2,5%/năm, phải mất ít nhất 26 năm nữa để hoàn thành" - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng.
Lý giải nguyên nhân về việc chậm trễ lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với khu vực đô thị so với quy hoạch chung, ông Dũng cho biết, do một số địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong triển khai công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, chưa đa dạng hóa, xã hội hóa được các nguồn lực để thực hiện.
Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, công tác lập và quản lý đô thị là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo số liệu công bố của Bộ Xây dựng, tốc độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tăng trung bình là 2,5%/năm. Với khoảng 65% quy hoạch chi tiết chưa thực hiện, nếu cứ tiếp tục với tốc độ này, phải mất ít nhất 26 năm nữa để hoàn thành. Như vậy, sẽ để lại nhiều hệ lụy và khắc phục chắc chắn rất tốn kém, không thể thống kê nổi.
Ông Hùng dẫn chứng, khi thiếu đi quy hoạch chi tiết, chắc chắn công tác quản lý và giám sát các dự án của các cơ quan quản lý sẽ gặp khó khăn. Lúc đó, tình trạng lập dự án không phù hợp, khảo sát vốn không đúng cách, phát sinh lợi ích nhóm... chắc chắn sẽ xảy ra và các công trình dang dở, đội vốn, nằm đắp chiếu xuất hiện sẽ càng nhiều.
Điển hình nhất là trường hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ký duyệt ngày 26/7/2011. Đến nay đã gần 5 năm, nhưng nhiều quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được phê duyệt. Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng nội đô chưa được ban hành. Điều này khiến doanh nghiệp, người dân mất nhiều thời gian thỏa thuận, phải chạy đủ mọi cửa xin cơ quan chức năng cho phép, đặc biệt khó khăn đối với công trình cao tầng.
Từ cơ chế này dễ nảy sinh tiêu cực và để lại nhiều hậu quả khó khắc phục, như câu chuyện tại Dự án 8B Lê Trực thời gian vừa qua, hay một số dự án cơi nới thêm tầng, xây sai giấy phép như Chung cư 93 Lò Đúc, Khu tổ hợp chung cư Đại Thanh, SkyCity 88 Láng Hạ... là ví dụ điển hình.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh kể: "Khi còn là lãnh đạo Hà Nội, tôi đã từng nói chuyện với nhiều cán bộ ở phường, đa số nắm địa bàn rất chắc. Thậm chí, con cái nhà ai thường xuyên đi chơi đêm về muộn họ cũng nắm được. Chuyện tòa nhà cao tầng mọc lên sai phép mà cán bộ phường không biết là rất lạ. Những chuyện như vậy cần phải xử lý nghiêm, bộ máy của ta đủ cả cơ mà".
Còn nhiều hạn chế
Trên thực tế, câu chuyện về quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã được quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP. Trong đó, nhấn mạnh về việc thành lập các ban quản lý khu vực phát triển đô thị trực thuộc tỉnh, có trách nhiệm điều phối, quản lý, giám sát về quy hoạch đô thị trong của cả một vùng.
Trên cơ sở rà soát lại quy hoạch, Ban quản lý sẽ phân loại dự án đã đề xuất, xem xét quyết định cho dừng, tạm dừng hoặc được phép triển khai dựa trên các nguyên tắc cơ bản phù hợp phân khu, đảm bảo yêu cầu về mặt bằng hạ tầng cơ sở giao thông theo luật pháp quy định và chủ đầu tư có năng lực đảm bảo hoàn thành các dự án đúng tiến độ chất lượng.
Tuy nhiên, thực tế, sau gần 3 năm Nghị định 11/2013 có hiệu lực, phát triển quy hoạch đô thị vẫn chưa thể hiện được diện mạo mới.
Luật sư Trần Anh Hùng, luật sư điều hành Văn phòng Hà Nội Công ty Luật Bross & Partners cho biết, câu chuyện nằm ở việc Ban quản lý phát triển đô thị có quyền hạn ở mức như thế nào?
Số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, đã có 33 tỉnh tiến hành lập chương trình phát triển đô thị, 12 tỉnh lập khu vực phát triển đô thị, 10 tỉnh đang triển khai thành lập Ban quản lý khu vực phát triển đô thị. Như vậy, có thể thấy, các địa phương vẫn chưa chú trọng nhiều tới vai trò của Ban quản lý phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, các nội dung trong Nghị định 11/2013 về cơ bản đã được thể hiện trong nhiều văn bản pháp quy như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành... Thế nhưng, quá trình thực hiện các quy định này vẫn còn bộc lộ rất nhiều hạn chế, nhiều khi không hiệu quả, việc vi phạm quy hoạch, chậm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị dù quyết tâm rất nhiều vẫn diễn ra.
Chưa kể, điểm d Khoản 3 Điều 25 Thông tư liên tịch số 20/TTLT - BXD - BNV ngày 21/11/2013 của Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ, hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ - CP quy định: "Các dự án có chức năng không phù hợp quy hoạch đô thị được duyệt thì sẽ bị dừng thực hiện".
Tuy nhiên, đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư, nhà đầu tư cũng đã thực hiện dự án, xây dựng xong kết cấu hạ tầng, hoặc thực hiện xây dựng xong một phần dự án, thì việc dừng thực hiện dự án là không hợp lý, sẽ gây ra thiệt hại cho các chủ đầu tư, cũng như sự lãng phí rất lớn cho xã hội. Như vậy, sẽ dễ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía các chủ đầu tư.
Do đó, với các quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ - CP thì chỉ có thể hạn chế ở mức độ nhất định, khó có thể ngăn chặn hiệu quả hiện tượng vi phạm quy hoạch, hoặc chậm chễ trong xây dựng hạ tầng đô thị đối với các dự án phát triển đô thị.
Với những vướng mắc như vậy, câu chuyện về quản lý quy hoạch đô thị hẳn sẽ còn phải bàn tới rất nhiều và "giải quyết cơ chế xin cho" vẫn là một bài toán khó có lời giải đáp thỏa đáng.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Quy hoạch Hòa Lạc thành khu đô thị sinh thái, công nghệ Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành...