Bài 3: Lời kể của tay lái ‘hàng không mặt đất’
Một thời người ta thường ví những chuyến xe khách chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội là những chiếc “máy bay đất” vì tốc độ “hơn người”. Vượt trái không được thì vượt phải, sẵn sàng vì một vài khách mà lái xe có thể bất chấp nguy hiểm để lao lên “cướp” cho bằng được…
Thật sự, từ lâu tôi cũng đã nghe nhiều câu chuyện kể về những tay lái lụa trên những chuyến xe khách từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, được biết là những lái xe này có “khả năng thiên phú” phóng nhanh, chạy ẩu. Nhưng đến khi chính tai mình được nghe một trong những tay lái từng điều khiển những cỗ “quan tài bay” thì mới hay, cái tôi được biết chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Xe ngân hàng, người… trại giam
Dân Hà Tĩnh vẫn thường tự hào vì có dàn xe chạy tuyến Hà Nội “VIP” nhất so với nhiều tỉnh. Cũng đúng thôi, cứ khoảng từ 8h đêm đến 10h sáng, nếu có mặt tại khu vực bến xe Hà Tĩnh thì sẽ biết được. Hình ảnh những chiếc xe giường nằm láng cóng cứ lần lượt xuất bến, bên trong khi nào cũng nghìn nghịt khách.
Tôi được gặp Q., một tài xế xe khách từng lái tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội, nay đã giải nghệ về nhà buôn bán. Q có kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề lái xe và phụ xe, đã từng lái cho 3 – 4 nhà xe ở cái thành phố Hà Tĩnh bé nhỏ này cho nên chẳng có gì có thể qua mắt được gã. Gã là người khá thạo tin.
Thấy tôi chặc lưỡi: Không biết họ lấy tiền đâu ra mà sắm xe hai tầng ầm ầm như thế? Q. nhếch mép cười rồi nói: Thì biết làm sao. Đang chạy loại xe khách 1 tầng, tự nhiên có một nhà xe đầu tư xe 2 tầng, thế là thi nhau mua sắm thôi. Tiền không có thì vay. Bọn tôi thường bảo nhau, “xe ngân hàng, người Cầu Đông”.
Câu nói của Q. khiến tôi cũng chột dạ. Cầu Đông là tên một trại tạm giam tội phạm ở Hà Tĩnh. Thế là trước khi cầm vô lăng, những lái xe này cũng đã xác định cho mình cái xấu nhất có thể đến.
Theo lời kể của Q. tôi biết được, vì sao có cái tên “máy bay đất”. Chuyện này liên quan đến một thời kỳ đã qua của dân chạy xe khách Hà Tĩnh. Thời kỳ đó, cũng cách đây độ 7-10 năm, khi dàn xe khách chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội chủ yếu là dòng xe County 24 chỗ.
Hình ảnh chiếc xe khách bị bẹp dúm trong vụ tai nạn khiến 23 người thương vong xẩy ra ở huyện Can Lộc vào ngày 5/7 vừa qua.(Ảnh: VNN)
Thời kỳ này công an giao thông chưa có máy bắn tốc độ, không nhiều trạm kiểm tra như bây giờ. Mà lúc này đường sá từ tỉnh lẻ này ra Hà Nội cũng đâu được đẹp như bây giờ, đường nhỏ, nhiều ổ voi, nhưng những chiếc xe vẫn chạy như… ma đuổi.
Số là, thời kỳ này, trên những chuyến xe khách hầu như nhà xe nào cũng vận chuyển theo ít hàng hoá từ trong này ra Hà Nội. Mặt hàng quý nhất thời bấy giờ là “hàng con” (động vật hoang dã) và gỗ quý. Cho nên, kể cả trên xe có bao nhiêu hành khách thì những chiếc xe cứ lao vun vút, bất chấp nguy hiểm.
Thậm chí, lúc nào gặp lực lượng chức năng kiểm tra thì nhà xe cũng sẵn có thủ đoạn đối phó. Khi biết được phía trước có trạm kiểm tra, lái xe sẽ báo với chủ “hàng con”. Phương án “tác chiến” được đưa ra nhanh chóng. Chủ hàng gọi cho khoảng 3-4 chiếc xe ôm đã chuẩn bị trước, từng xe một xách hàng qua mặt lực lượng chức năng. Đến khi chiếc xe chầm chậm bò qua trạm kiểm tra thì chỉ còn hành khách.
Một cán bộ CSGT Nghệ An còn nhớ, khoảng năm 2005, có một vụ tai nạn xảy ra tại đầu địa phận huyện Quỳnh Lưu. Chiếc xe khách 24 chỗ chạy tuyến Hương Sơn – Hà Nội đã bị lao xuống ruộng. Lái xe chết tại chỗ, nhiều hành khách bị thương. Điều đáng nói là khi cơ quan công an đến làm hiện trường thì phát hiện thấy hơn 5 tạ tê tê và rùa.
Quay lại câu chuyện với Q.. Tôi có hỏi anh là vì sao khi tai nạn xảy ra, thường lái xe là người bị nguy hiểm nhất, dễ tử vong nhất, sao phải chạy ẩu như thế? Q. cười hiền rồi nói, cũng là vì miếng cơm cơm manh áo thôi. Ngoài đồng lương mỗi chuyến chủ xe trả thì anh em còn phải bắt thêm khách để kiếm. Chứ nếu không thì làm gì mà phải bán mạng như thế.
Video đang HOT
Vòng quay đáng sợ của người và xe
Hết thời kỳ chạy xe 24 chỗ, các nhà xe khách ở Hà Tĩnh lần lượt sắm cho mình những chiếc xe 35 chỗ ngồi, những con xe cũ được bán đi cho dân chạy tuyến liên huyện. Rồi vài năm sau, khi nhà xe Q.P sắm chiếc xe đời mới Aero Space 45 chỗ ngồi, lập tức tạo thành một làn sóng đua nhau sắm xe loại này. Bởi, những nhà xe kia hiểu được, nếu không mua xe mới thì sẽ dần mất khách.
Câu chuyện về nhưng chiếc “máy bay đất” loại cũ dần bị lãng quên. Thay vào đó, người ta đặt cho những chuyến xe này cái tên mỹ miều, sang trọng hơn, cái tên “hàng không mặt đất” có từ đó.
Hình ảnh vụ tai nạn xe khách chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội đấu đấu xảy ra tại huyện Thạch Hà vào năm 2009 khiến 7 người chết và bị thương.(Ảnh: VNN)
Và thực tế, có nhà xe đã cho cắt chữ dán lên dàn xe của mình cụm từ đó, dùng nó làm slogan cho nhà xe. Thực tế chứng minh, những chuyến xe này có kiểu chạy cũng… khác người.
Đến những năm gần đây, khi chiếc xe giường nằm xuất hiện ở Việt Nam, thì lập tức nó cũng xuất hiện tại Hà Tĩnh.
Và việc mua sắm loại xe đời mới này lại trào dâng như những con sóng. Nhiều nhà xe chấp nhận cầm cố vay ngân hàng để sắm cho bằng được xe mới.
Q. nói với tôi rằng, dù cho xe gì thì những người phục vụ cũng đều khổ như nhau cả. Tay lái đã từng điều khiển những chiếc “hàng không mặt đất” chua chát nói: Cả xe, phụ xe và tài xế đều bị cuốn trong vòng quay khủng khiếp. Q. bảo rằng, thời kỳ còn lái xe, thời gian anh đi trên ô tô nhiều hơn ở nhà.
Có hôm, khi chiếc xe về đến Hà Tĩnh thì đã 6h30 sáng, mấy anh em tài xế và phụ chỉ kịp đi ăn sáng rồi lại chuẩn bị cho một chuyến đi mới. Chiếc xe lại được rửa ráy sạch sẽ, kiểm tra sơ qua rồi ra bến xếp hàng cho kịp chuyến mới.
“Anh bảo như vậy thì làm sao mà bảo đảm an toàn được nữa? Thiếu sức khoẻ cộng với phóng nhanh vượt ẩu giành khách thì tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Hai nữa, tiền lãi ngân hàng tính hàng ngày, nếu xe không chạy liên tục thì làm sao chịu nổi. Thế chúng tôi mới thường nói vui, xe ngân hàng, người Cầu Đông là vì thế”, Q. chua xót nói.
Giờ nhớ lại những giây phút liều lĩnh khi còn lái xe, Q. vẫn chưa hết run sợ. Q bảo, nguy hiểm nhất là trên xe không đủ tài xế thì phụ xe cũng có thể trở thành tài xế. Có lần vì buồn ngủ quá, Q. giao cho một người phụ xe vừa biết lái, chưa có bằng điều khiển. Rất may là chuyến đi lần đó an toàn.
Q. kể tiếp, trên đường cũng nhiều nguy hiểm rình rập. Cách đây chưa lâu, số nhà xe chạy Hà Tĩnh – Hà Nội mà bắt khách ở TP. Vinh thì liền bị “ăn đá”. Nhiều nhà xe đã bị ném vỡ kính chỉ vì dám bắt khách ở địa phận Nghệ An. Những lúc đó lái xe chỉ còn biết cách dùng băng dính dán đoạn kính vỡ lại rồi chạy tiếp cho kịp chuyển, không sẽ lỡ mất.
Sự thiếu ý thức chấp hành luật cộng với thiếu kinh nghiệm của tài xế trong việc chạy xe hai tầng cũng đã gây ra nhiều vụ tai nạn chết người trên những chuyến xe này. Q nói với tôi, việc chiếc xe khách vừa bị tai nạn chết hai người vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly, cho thấy rất nhiều bất cập ở các nhà xe hiện nay.
Câu chuyện của cựu tài xế tên Q. đã khiến cho tôi mở được thêm tầm mắt về câu chuyện đằng sau những chuyến xe khách chạy Hà Tĩnh – Hà Nội và ngược lại. Trước khi chia tay, Q. còn nấn ná dặn: “Mình kể ra cũng chẳng hay ho gì, nhưng dẫu sao, nếu sau câu chuyện của mình mà các nhà xe thay đổi tốt lên, làm cho hành khách yên tâm thì cũng thoả lòng…”.
Theo VietNamNet
BÀI 2: "Tai nạn đã cướp mất bố em rồi"
Đứa trẻ mới lên 9. Đã mấy năm nay em không có được tình thương của người mẹ, bố thì đi làm công nhân xa nhà, em phải về sống với bà. Thế rồi, tai hoạ từ trên trời ập xuống đã cướp mất người bố của em trong vụ tai nạn vừa xảy ra ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Em kể rằng, 6h sáng ngày đó bố có điện về cho em bảo rằng "bố đã về đến gần nhà rồi con ạ, chỉ cách nhà có 5 cây số nữa thôi".
Từ đó đến nay đã 5 ngày, em vẫn đợi cửa hằng đêm, nhưng không thấy bố về. Giữa gian nhà chính, một chiếc bàn thờ được người chú lập vội. Bức ảnh bố em cười tươi dựng đó. Em đã mồ côi...
Sau tai nạn là mồ côi
Chúng tôi có mặt ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh vào những ngày nóng nhất của từ đầu năm đến nay. Những cơn gió Lào liên tục đổ về như muốn thiêu cháy tất cả những gì trên mặt đất.
Thế nhưng, ở miền quê nghèo Trung Lộc, một bầu không khí u ám vẫn tràn ngập khắp xóm làng. Người dân nơi đây vừa tiễn đưa anh Bùi Vĩnh Hiền (SN 1975) sau khi anh mất do tai nạn trên chuyến xe khách vào sáng ngày 5/7 vừa qua.
Người dân tiếc thương cho nạn nhân xấu số, và hơn cả là xót thương cho đứa trẻ Bùi Trần Tuấn Anh mới lên 9, vốn đã thiếu tình thương của mẹ, nay mồ côi cha. Và, còn đó là người bà ốm đau, bệnh tật. Biết rồi đây cháu bé sẽ biết nương nhờ vào ai trong quãng đời tiếp theo...
Từ này bé sẽ mồ côi cha
Khi chúng tôi có mặt thì gia đình này cũng đang làm đám giỗ cho ông nội cháu Tuấn Anh. Trong khi cả nhà đang ngồi nói chuyện thì Tuấn Anh bưng bát cơm lên đứng bên cạnh chiếc bàn thờ lập vội, trên đó có bức ảnh anh Hiền, bố cháu.
Cháu bé cất lời, "con mời bố ăn cơm". Rồi cháu từ từ lùa cơm vào miệng. Những giọt nước mắt rơi lẫn vào cơm.
Cứ mỗi lần thấy cảnh đó là bà Đặng Thị Chắt, mẹ anh Hiền lại không cầm được nước mắt. Bà thương cho đứa cháu bỗng chốc trở thành trẻ mồ côi, xót xa cho cái chết oan nghiệt của đứa con trên chuyến xe định mệnh.
Bà bảo rằng, từ hôm bố nó mất, đứa trẻ cứ như người mất hồn. Khi vô thức, cứ hỏi mọi người sao bố cháu lâu về thế, hàng đêm cứ ra cửa ngóng trông. Nhưng rồi đến bữa ăn nó lại mang cơm lên ăn cùng bố. Nó khóc nhiều lắm, nó bảo là "tai nạn giao thông đã cướp mất bố rồi bà ạ".
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập từ đồng lương công nhân xây dựng chẳng đủ nuôi con. Đầu năm 2011, anh Hiền quyết định nhờ người mẹ đau yếu chăm đứa con trai 9 tuổi của mình, anh vay tiền để sang Nga lao động cùng với người cậu. Theo lịch trình thì anh sẽ bay vào đầu tháng 7 này.
"Hôm nó gọi về cho mẹ, nói là con về thắp hương trước cho cha rồi trở ra Hà Nội cho kịp chuyến bay, tôi đã bảo gấp gáp thế con đừng về nữa. Thế rồi chẳng hiểu vì sao nó vẫn quyết tâm về cho bằng được. Về đến quê rồi mà nó chẳng thể về được nhà nữa rồi", giọng bà nghẹn lại.
Chẳng thể bay đúng lịch vì hộ chiếu bị lỗi. Khi biết được ngày mồng 9 tới sẽ bay, anh Hiền quyết định lên xe về quê để thắp hương cho ngày giỗ của cha vào ngày 8/9, ngủ với con một đêm rồi đi. Bởi anh biết, chuyến đi của mình sang Nga cũng phải đến 3 năm mới về.
Tính mạng hành khách treo... sợi tóc
10h30 tối 6/7, anh Hiền cùng với hơn 20 hành khách khác từ Hà Nội lên chiếc xe mang BKS 38H - 9959 của nhà xe Phú Quý lên đường về Hà Tĩnh. Theo những hành khách thoát chết kể lại, chiếc xe về đến Thanh Hóa thì gặp sự cố, không có điều hòa, còi... Phụ xe phải đứng ở ngoài cửa "đóng thế" thay còi.
Khi xe chạy địa phận thị xã Hồng Lĩnh thì tiếp tục gặp sự cố nên nhà xe phải dừng xuống sửa chữa cũng mất chừng 30 phút rồi quyết định chạy gắng về thành phố Hà Tĩnh.
Nỗi đau mất con
Trong tình trạng mất an toàn, đã có nhiều người yêu cầu dừng để đi xe khác. Người thì bấm bụng, cố nằm một đoạn nữa là sẽ tới nhà. Ai cũng nguyện cầu cho chiếc xe được về đến nơi an toàn. Và rồi, chuyện gì đến đã đến. Chiếc xe khách cố vượt lên một chiếc xe tải và đã đâm vào chiếc container đang đổ hàng.
Một người chết tại chỗ, trong số hơn 20 người bị thương được đưa vào viện thì trường hợp của anh Hiền là nặng nhất.
Anh Bùi Vĩnh Hiếu, em trai anh Hiền vẫn chưa thể quên được giây phút kinh hãi đó: 7h sáng thì tôi nhận được điện thoại của người cậu, nói là xe bị tai nạn, anh Hiền bị nặng lắm.
Tôi lập tức chạy xuống thị trấn Can Lộc, nhưng khi đó mọi người đã chuyển anh Hiền vào viện rồi. Tôi bắt taxi vào Bệnh viện Hà Tĩnh để tìm anh thì nhận được tin sét đánh: anh Hiền đã tử vong.
Lấy hết bình tĩnh, anh Hiếu gọi điện về cho những người đàn ông trong anh em để vào đưa anh Hiền về. Tại nhà xác, thi thể anh Hiền nằm giữa nhà lớn, cạnh thi thể người phụ xe, lạnh ngắt.
Ngày diễn ra đám tang anh Hiền, xóm làng đến dự đông lắm. Ai cũng xót thương cho cái chết oan nghiệt của anh. Những người phụ nữ hiểu được cảnh ngộ gia đình Hiền thì chẳng thể cầm được nước mắt trước cảnh cháu bé Tuấn Anh khóc nhớ bố.
"Khi đưa bố nó về đến nhà, thằng bé cứ khóc rống lên. Nó bảo là sáng nay khi về đến huyện Can Lộc, bố còn gọi về bảo rằng bố về gần đến nhà rồi con ạ. Lúc đó nó mừng lắm, nó sẽ được gặp bố trước khi bố nó đi xuất khẩu lao động 3 năm. Nhưng rồi, bố nó chẳng về nữa, tai nạn giao thông đã cướp mất bố của đứa trẻ. Giá như nhà xe xem trọng tính mạng hành khách hơn, giá như thằng Hiền nó không lên chuyến xe bão táp đó...".
Lời nói của bà Chắt bị đứt quãng bởi tiếng khóc rống lên của đứa trẻ. Nó lại nhớ đến bố...
Theo VietNamNet
Bài 1: Thắt tim trên những 'cỗ quan tài bay' Những vụ tai nạn xe khách xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh hầu như đều có nguyên nhân do lái xe phóng nhanh chạy ẩu. Những chuyến xe trên cung đường Hà Nội - Hà Tĩnh và ngược lại một thời được người ta gọi với những cái tên "quan tài bay", lái xe thì nổi tiếng với độ "liều"... LTS: Có...