Bài 1: Tự cắt “của quý” vì người khác… xui khiến
Trầm cảm, stress, tự cô lập mình và những rối loạn cảm xúc, rối loạn tri giác đều được xếp vào nhóm các bệnh tâm thần. Trong cuộc sống hiện đại ngày càng có nhiều những rối loạn này, nhưng người mắc không ý thức được sự nguy hiểm của nó. Hậu quả là họ đã có những hành vi tự hủy hoại bản thân mình, sau đó là hủy hoại cuộc sống của những người xung quanh.
LTS: Thời gian gần đây có rất nhiều vụ án mạng thương tâm xảy ra do người tâm thần là hung thủ. Ngược lại, cũng có rất nhiều người tâm thần bị hãm hại, có thai và để lại hậu quả tiêu cực cho xã hội. Theo đánh giá của các chuyên gia tâm thần học, đây là hệ quả tất yếu của việc kiểm soát người mắc bệnh tâm thần không tốt, nhiều người mắc bệnh mà không hề biết nên không được cách ly, điều trị kịp thời. Việc chung sống với người bị tâm thần đang trở thành nỗi lo lắng của cả cộng đồng vì họ có thể bị “làm thịt” bất cứ lúc nào. Hiện nay khái niệm “tâm thần” ngày càng được mở rộng, nhất là trong xã hội hiện đại, các triệu chứng tâm thần xuất hiện ngày càng nhiều do sức ép lớn từ công việc, cuộc sống. Vì thế, việc tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng về bệnh tâm thần, việc đào tạo đội ngũ bác sỹ chuyên khoa tâm thần và đặc biệt là đẩy mạnh công tác dự phòng bệnh tâm thần đang trở nên cấp thiết.
Tự chặt tay, cứa chân để biết mình “còn sống”
Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), khái niệm tâm thần giờ không còn bó hẹp với ý nghĩa là bị điên, động kinh.
Khái niệm này hiện được đã mở rộng với biên độ rộng lớn: những người gặp sang chấn tâm lý, bị rối loạn cảm xúc, rối loạn tri giác, các biểu hiện tâm lý bất thường do sử dụng các chất kịch thích (ma túy, rượu bia, v…v…), tất cả đều được xếp chung vào bệnh tâm thần.
Theo bác sỹ Dũng, với biên độ đã được nới rộng, số lượng bệnh nhân bị tâm thần đã tăng lên nhanh chóng, đặc biệt nhất là chứng trầm cảm (năm 2010, thống kê cho thấy 46% dân số cả nước mắc chứng trầm cảm ở mọi cấp độ).
Đối tượng bị tâm thần ngày càng trẻ hóa. Nhiều người bệnh vì không được chữa trị kịp thời nên đã nảy sinh hành động tiêu cực, tự làm đau đớn bản thân để tìm được sự giải thoát (Ảnh: C.Q)
Hậu quả đầu tiên của những rối loạn tâm thần này là người bệnh có thể tự hại mình. Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (trực thuộc Sở Y tế Hà Nội) đã tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân tự cô lập mình với thế giới bên ngoài, luôn sống trong trạng thái tinh thần cực đoan, không tin ai và luôn nghĩ không ai tin mình.
Đến khi trạng thái cực đoan lên đến đỉnh điểm, bệnh nhân này đã tự rạch tay cho máu chảy ra để có cảm giác mình “vẫn còn sống”.
Nhìn máu chảy, cậu không hề có cảm giác sợ hãi, đau đớn, ngược lại cậu lại cảm thấy rất vui! Nhưng hành động này không thỏa mãn được lâu, cậu tiếp tục tìm đến một cảm giác mạnh hơn, đau đớn hơn nhưng thỏa “mãn hơn”, đó là tự cầm dao cứa chân rồi chặt đứt ngón tay trỏ của mình!
Cho đến khi được đưa vào viện điều trị, cậu luôn sống trong cảm giác chán nản, buồn bã và vẫn tiếp tục muốn tìm cảm giác mạnh hơn cảm giác tự chặt tay mình. Cậu muốn tự sát. “Cháu chán xã hội này lắm”, cậu luôn miệng nói với bác sỹ.
Tiến sĩ Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, đây chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện. Ngoài những cách như cậu bé này đã làm, có những em thường xuyên đập đầu vào tường, vào cửa kính hoặc đập đầu xuống sàn nhà, cắn tay rồi dứt tóc cho đến khi chảy máu hoặc rất đau đớn mới chịu dừng lại.
Video đang HOT
Lý giải điều này, bác sỹ Nguyễn Văn Dũng cho rằng, đó là trạng thái khiến người bệnh cảm thấy được giải thoát khỏi một điều gì đó bức bách đã dồn nén từ lâu.
Tự móc mắt, rạch bụng, cắt của quý
Không chỉ khiến mình bị thương theo những cách như trên, nhiều bệnh nhân tâm thần còn có hành động rất kích động, tàn nhẫn ngay với chính bản thân mình. Các bác sỹ tâm thần đã không ít lần chứng kiến bệnh nhân tâm thần tự móc mắt, rạch bụng, thậm chí cắt… của quý của mình vì bị ảo giác sai khiến.
Trường hợp tự cắt của quý (xảy ra vào năm 2010) là một bệnh nhân 27 tuổi (trú tại Bà Rịa – Vũng Tàu). Do mắc chứng “ảo thanh” nên người này thường xuyên nghe thấy những lời xui khiến văng văng trong đầu, nói rằng “chỗ ấy của ngươi là con chó xấu xí, hãy tiêu diệt nó”.
Kết cục là sau 3 ngày dừng uống thuốc để điều trị bằng phương pháp bấm huyệt, bắt mạch, anh này đã tự cầm dao cắt toàn bộ dương vật và tinh hoàn của mình (cắt đến tận gốc). Đến khi gia đình phát hiện ra thì người này đang ngồi trong vũng máu và hoàn toàn không có cảm giác gì.
Cách đây một vài năm, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cũng đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ nhất quyết đòi bố mẹ cho đi mổ mắt, khoét đi mắt trái vì nếu không làm sẽ hỏng cả hai mắt. Khi bố mẹ không đồng ý, cô gái đã dọa sẽ tự móc mắt mình ra để cứu lấy con mắt còn lại.
Hoảng hốt đưa con đến bệnh viện, cha mẹ cô gái mới phát hiện ra con mình bị mắc chứng hoang tưởng nghi bệnh, lúc nào cũng nghĩ mình đang có bệnh nghiêm trọng.
“Trường hợp như thế này nếu không được can thiệp điều trị kịp thời thì sẽ khó lường trước được hậu quả”, Tiến sĩ Hồi nói.
Trong khi đó, có những trường hợp bị tâm thần đã tự rạch bụng mình. Có thể lấy ví dụ về chuyện cách đây không lâu, có một người đàn ông đã đập vỡ kính rồi lấy mảnh vỡ để tự rạch bụng trong giảng đường trường ĐH Hà Nội làm náo loạn giới sinh viên, giảng viên.
Qua thăm khám, các bác sĩ đã có kết luận bệnh nhân này có dấu hiệu mắt bệnh tâm thần phân liệt nên không thể tự điều khiển hành vi của mình.
Bác sỹ Dũng cho biết, tình trạng của các bệnh nhân này là biểu hiện rối loạn tinh thần ở thể nhẹ (do căng thẳng, do trầm cảm, do tinh thần đang không ổn định nhưng lại bị kích động bởi một nhân tố nào đó, vv…). Ngoài nguyên nhân di truyền, các bệnh này phát sinh do nhiều yếu tố khách quan (như môi trường sống, công việc, học hành, v..v …).
Nếu không được điều trị và kiểm soát kịp thời, những người này ngoài việc tự gây họa cho mình còn có thể “làm thịt” người xung quanh vào bất cứ lúc nào. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ án mạng đau lòng do người tâm thần gây ra mà chúng tôi đã đưa tin và sẽ đề cập vào các kỳ sau.
· Cẩm Quyên
Bài 2: Người tâm thần “làm thịt” người lành
Theo VietNamNet
Những cuộc giải cứu trên... giời
Cứu người "thần kinh có vấn đề" leo cây, leo cột điện; những người leo cầu với ý định quyên sinh... Những cuộc giải cứu người trên cao của lính cứu hỏa với những tình huống hết sức khôi hài không hề có trong giáo trình nhưng đã được lính cứu hỏa thực hiện một cách thuần thục. So với việc cứu người trong đám cháy thì việc giải cứu những người "dở hơi" khó hơn nhiều này khiến lính cứu hỏa toát mồ hôi, nín thở cho đến phút chót.
"Người thương thuyết" và những tình huống đau tim, nghẹt thở
Ở Phòng Cảnh sát PCCC Công an Hà Nội, mọi người thường gọi Trung tá Nguyễn Văn Nguyện, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh với cái tên trìu mến: "Người thương thuyết", bởi anh từng tham gia trực tiếp cứu an toàn 2 người "thần kinh có vấn đề" leo lên cột điện và cây cao. Trung tá Nguyện bảo, tình huống cứu người tâm thần trên cây cao không có trong giáo án huấn luyện của bất cứ lực lượng vũ trang nào. Thế nhưng, khi xảy ra sự việc, Cảnh sát PCCC được huy động là lực lượng giải cứu chính, bởi được trang bị xe thang là phương tiện tiếp cận độ cao.
Lần đầu tiên Cảnh sát PCCC tham gia cứu người tâm thần leo cây vào năm 2004. Khoảng 15 giờ một ngày hè, Trung tá Nguyễn Văn Nguyện nhận được lệnh dùng xe thang 32 mét, chiếc xe thang đầu tiên mà Cảnh sát PCCC Hà Nội được trang bị, lên đường tới phố Kim Mã "giải cứu" một phụ nữ trên ngọn cây xà cừ. Không biết người phụ nữ đã leo lên cây từ bao giờ, cho đến chiều, người dân hai bên đường tá hỏa khi thấy chị ta ngồi vắt vẻo trên ngọn cây, buông đôi chân đung đưa ở độ cao khoảng 14 mét. Lúc đó, Cảnh sát PCCC chưa được trang bị đệm hơi như hiện nay nên các hộ dân xung quanh được huy động mang đệm mút các loại ra rải đầy xung quanh gốc cây.
Nhưng một vấn đề cũng khá nan giải tiếp theo, ai sẽ là người lên xe thang để "thương thuyết" với người phụ nữ tâm thần kia? Cảnh sát PCCC chỉ quen cứu người trong các đám cháy, chứ tình huống kỳ quặc này chưa gặp bao giờ. Đọc được sự lo lắng này trong ánh mắt lính trẻ, Trung tá Nguyện quyết định trực tiếp bước vào chiếc lồng sắt mắc ở đầu thang. Anh dặn chiến sĩ điều khiển thang phải hết sức khéo léo và tính toán chính xác, căn vị trí thang tiếp cận hết sức chuẩn để việc giải cứu đạt hiệu quả cao nhất.
Khi chiếc xe thang đã lên ngang tầm người phụ nữ, chị ta mở mắt trừng trừng nhìn Trung tá Nguyện. Anh nhoẻn cười với người phụ nữ và cất giọng nhẹ nhàng: "Mọi người ở dưới kia cử tôi lên đón chị về với các cháu đây". Người phụ nữ lắc đầu: "Tao thích ở trên đây. Tao không về đâu". Mừng vì người phụ nữ đang bị thu hút về phía mình, Trung tá Nguyện tiếp tục hỏi chuyện để chị ta phân tâm, cho đến lúc chiếc lồng sắt tiếp cận vào vị trí an toàn. Anh tóm được hai tay của người phụ nữ rồi nhấc bổng chị ta vào trong lồng sắt. Để đảm bảo an toàn, Trung tá Nguyện tiếp tục ôm chặt người phụ nữ, cho đến khi tiếp đất an toàn trong tiếng vỗ tay và hò reo của người dân.
Hai năm sau, trên đường Yên Phụ, vào một buổi sáng sớm, một cậu thiếu niên do bị ức chế việc gia đình đã leo lên cột điện cao thế. Có "kinh nghiệm" từ vụ giải cứu trước, Trung tá Nguyễn Văn Nguyện lại được lãnh đạo phòng tín nhiệm cử đi giải cứu. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cả hai phía, ngành điện lực nhận được yêu cầu cắt điện trên toàn tuyến.
Trung tá Nguyện bước vào lồng sắt treo ở đầu thang. Sở dĩ trong những lần giải cứu, phải dùng đến chiếc lồng sắt này bởi có thể người được cứu không chịu hợp tác xuống theo thang xe. Cách tốt nhất và nhanh nhất là đưa họ vào lồng sắt để đảm bảo an toàn. Nhưng đưa được nạn nhân vào trong chiếc lồng sắt cũng là cả vấn đề, đòi hỏi người giải cứu phải khỏe, thao tác nhanh nhẹn. Khi đã tiếp cận được nạn nhân, phải nhanh tay túm chặt và nhấc bổng người đó vào lồng sắt. Những thao tác này chỉ diễn ra trong tích tắc nên không phải ai cũng làm được.
Khi xe thang triển khai đưa Trung tá Nguyện tiếp cận với người ngồi trên cột điện, anh nhận ra đó là một cậu thiếu niên khoảng 14-15 tuổi. Cậu ta ngồi trên một thanh sắt gần trụ sứ, ngay dưới đường điện chạy qua mà thật kỳ lạ là không bị điện giật.
Khi đã ngang tầm, Trung tá Nguyện cất giọng: "Này con trai, chú đón cháu về nhà với bố mẹ đây". Cậu thanh niên nhìn Trung tá Nguyện rồi ngó xuống dưới đất, cau mày: "Cháu không thích về, cháu thích ở đây. Về nhà chán lắm". Trung tá Nguyện vẫn ôn tồn: "Cháu yên tâm, cứ xuống cùng với chú rồi chú đưa cháu về tận nhà. Bố mẹ sẽ không trách mắng cháu đâu" - Trung tá Nguyện nhẹ nhàng. Cậu chàng vẫn nhát gừng: "Chú kệ cháu. Cháu không thích về".
Thương thuyết với những người như thế này chỉ mất thêm thời gian. Trung tá Nguyện ra hiệu cho người điều khiển xe thang áp sát cậu thiếu niên hơn nữa. Khi khoảng cách tiếp cận vừa đủ, anh nhanh tay túm lấy vai áo cậu chàng, rồi gỡ hai bàn tay cậu ta đang bám chặt vào những thanh sắt trên cột điện. Sợ cậu ta có thể "quậy", Trung tá Nguyện vẫn cười tươi, vỗ về cho đến khi nhấc bổng cậu ta vào trong lồng sắt rồi thắt chặt dây an toàn. Khi tiếp đất, cậu thiếu niên được bàn giao cho Công an phường để xác minh, đưa về gia đình.
Trong những trường hợp như thế này, tuy không nói ra, nhưng điều mà ai cũng lo lắng là trách nhiệm của những người tham gia "giải cứu" sẽ ra sao. Trường hợp giải cứu thành công không nói làm gì. Ngộ nhỡ trong quá trình giải cứu, nạn nhân bất ngờ nhảy xuống đất, xảy ra thương vong thì quy trách nhiệm cho ai? Rất có thể xảy ra tình huống người nhà nạn nhân cho rằng tại các anh đến đông quá nên nạn nhân hoảng sợ đã nhảy xuống. Nếu có văn bản cụ thể quy định trách nhiệm, quyền hạn của những người tham gia trong các vụ cứu hộ, chắc chắn lính cứu hỏa khi thực hiện nhiệm vụ giải cứu "bất đắc dĩ" như vậy, cũng yên tâm phần nào.
Sử dụng lồng sắt để cứu người trên độ cao.
Căng thẳng các cuộc giải cứu thiếu nữ tự tử
Đại úy Đỗ Minh Tiến, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh bảo, địa bàn quận Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng do đội đảm nhiệm công tác chữa cháy, có tới 3 cây cầu bắc qua sông Hồng: cầu Long Biên, cầu Chương Dương và mới đây là cầu Vĩnh Tuy. Những người tự tử thường tìm đến những cây cầu này để thực hiện ý đồ quyên sinh. Một số "nhân vật" dọa tự tử cũng chọn địa điểm này.
Khoảng 15h ngày 26/11/2010, Đại úy Đỗ Minh Tiến nhận được "lệnh" lên đường "giải cứu" một cô gái trẻ leo trụ cầu Long Biên ở độ cao khoảng 20m so với mặt cầu với ý định dọa tự tử. Ngoài xe thang 32 mét, Đại úy Tiến yêu cầu anh em mang theo chiếc đệm hơi có diện tích khoảng 15m2. Đây là chiếc đệm hơi có diện tích lớn nhất mà lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội được trang bị. Để triển khai chiếc đệm này, phải cần tới 8 chiến sĩ: 4 người làm nhiệm vụ khiêng đệm, đặt vào vị trí cần thiết, 2 chiến sĩ xách theo quạt gió để "thổi" đệm và 2 chiến sĩ khác vận hành máy phát phục vụ quạt gió. Mất 4-5 phút để quạt gió thổi căng chiếc đệm này đạt độ cao hơn 1 mét.
Khi đến chân cầu Long Biên, xe thang phải dừng lại vì không thể lên cầu. Lính cứu hỏa đành phải hè nhau khiêng đệm hơi đến điểm có cô gái đang ngồi thu lu trên trụ cầu cao nhất. Ngoài lực lượng tham gia "giải cứu" trên cầu, một tổ tuần tra của CSGT đường thủy cũng được huy động, sử dụng canô sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp cô gái nhảy xuống sông. Khi một nhóm lính cứu hỏa vừa bê được chiếc đệm hơi rải trên mặt cầu, phía dưới trụ cầu cô gái đang ngồi để "đón" thì tình huống bất ngờ xảy ra. Cô gái đứng dậy, trèo vào trụ cầu ở khu vực giữa, phía dưới là đường ray tàu hỏa. Cô ta cởi áo khoác ném xuống dưới rồi dang hai tay, đầu cúi thấp trong tư thế chuẩn bị "bay" xuống.
Trong lúc nhân viên đường sắt trực ở hai đầu cầu ra tín hiệu để tàu hỏa không đi lên cầu, lính cứu hỏa nhanh chóng chuyển đệm hơi vào khu vực đường ray, đồng thời tiến hành căng một số bạt xung quanh "hứng" đề phòng cô gái nhảy không trúng đệm. Đang lúc căng thẳng nhất thì một thanh niên xuất hiện. Anh ta tự giới thiệu là Hà Văn Cắt (SN 1987, ở Phú Thọ), làm nghề đánh giày, bạn trai của cô gái đang ở trên trụ cầu.
Theo anh Cắt trình bày thì cô gái tên là Trần Thị Phượng (SN 1987, ở Hưng Hà, Thái Bình), mới ra Hà Nội tìm việc làm khoảng 2 tháng nay. Đầu giờ chiều cùng ngày, giữa Phượng và anh Cắt xảy ra mâu thuẫn cãi nhau. Không muốn to chuyện nên anh Cắt xách đồ nghề đi làm. Đang lang thang tại khu vực chợ Long Biên thì anh Cắt nghe mọi người đồn có cô gái leo cầu tự tử. Anh chột dạ nghĩ đến Phượng vì lúc cãi nhau, cô tuyên bố sẽ đi "nhảy cầu". Đến nơi, anh Cắt nhận ra chiếc áo khoác mà cô gái ném xuống dưới cầu chính là áo của Phượng. Sợ người yêu hành động dại dột, anh Cắt thiết tha xin các anh Công an cho tham gia giải cứu cùng. Lời đề nghị của anh Cắt được chấp nhận.
Lính cứu hỏa giải cứu an toàn một thiếu nữ leo cột.
Phương án giải cứu được đặt ra là anh Cắt sẽ dùng dây an toàn leo lên tiếp cận, thuyết phục Phượng xuống. Trong lúc đó, một lính cứu hỏa cùng một đồng chí CSHS Công an phường Phúc Xá leo bên cạnh "yểm trợ". Trước khi anh Cắt bắt đầu leo lên trụ cầu, Đại úy Đỗ Minh Tiến dặn: Cố gắng tiếp cận và tóm được cô gái thì coi như thành công. Mọi việc diễn ra đúng như "kịch bản". Anh Cắt nhanh chóng tiếp cận rồi ôm chặt cô gái. Lúc này, một phần vì ngấm lạnh, một phần vì mệt, cô gái không đủ sức giãy giụa, dỗi hờn người yêu. Hai đồng chí công an leo cùng khẩn trương dùng dây an toàn đưa cả hai người tiếp đất an toàn. Sờ người cô gái lạnh ngắt, lính cứu hỏa nhanh chóng đưa cô cùng bạn trai lên cabin xe cứu hỏa, hú còi lao thẳng đến Bệnh viện Xanh-pôn cấp cứu.
Mới đây nhất, 14h ngày 22/4, một cô gái chừng ngoài 20 tuổi đã leo qua nhiều nóc nhà rồi leo lên cột sắt cao gần 10m trong Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà (ngõ 209 Trường Chinh), đòi nhảy xuống đất tự tử. Cô gái mặc quần bò, áo phông đen đứng "làm xiếc" trên trụ cột, miệng hét toáng: "Mẹ ơi, mẹ đâu rồi". Phát hiện đám đông hiếu kỳ đứng phía dưới xem, cô gái này càng bị kích động, nhún nhảy trên đỉnh cột và không ngừng la hét. Đội Cảnh sát PCCC Giảng Võ đã đưa xe thang 52 mét đến giải cứu, nhưng chiếc xe quá khổ, không vào được tận nơi nên đề nghị Đội Cảnh sát PCCC Phan Chu Trinh hỗ trợ, đưa xe thang 32 mét nhỏ gọn hơn tới.
Để kéo dài thời gian cho lính cứu hỏa rải đệm hơi và triển khai xe thang, Đại úy Đỗ Minh Tiến một mình đi vào sát chân cột sắt, cất giọng "tán tỉnh" cô gái: "Em ơi, xuống đây với anh. Anh đưa em đi cà phê nói chuyện nhé". Cô gái ngó xuống, chỉ vào mặt anh, giọng the thé: "Mày lên đây, lên đây". "Em cần gì thì bảo anh nhé. Cần tiền hay cần cái gì, cứ bảo" - Đại úy Tiến tiếp tục "câu giờ" cho xe thang vào vị trí. Cô gái vẫn hét lên thách thức: "Chúng mày lên đây". Nghe cách trả lời, phán đoán cô gái này "không bình thường", Đại úy Tiến ra hiệu cho xe thang làm nhiệm vụ.
Hai cậu lính cứu hỏa trẻ măng, đẹp trai nhất được lựa chọn vào lồng sắt. Thường thì khi giải cứu loại đối tượng là phụ nữ trẻ, gặp khúc mắc về tình cảm, những người đàn ông đẹp trai sẽ khiến họ "dịu" lại. "Cười tươi và nói nhẹ nhàng, tóm vào người đối tượng là thành công" - Đại úy Tiến dặn đồng đội. Khi thang lên đến giữa chừng, đột nhiên cô gái xoay người, nhảy bụp xuống mái tôn dãy nhà cấp bốn phía dưới bỏ chạy. Leo trèo vốn là việc của lính cứu hỏa. 5 cậu lính trẻ nhất nhanh chóng bật tường, leo lên mái nhà đuổi theo cô gái và nhanh chóng túm được cô ta, đưa xuống đất an toàn.
Tuy nhiên, mấy ngày sau, đọc báo mạng có tin cô gái leo cột hôm trước tiếp tục nhảy hồ Thủ Lệ tự tử, Đại úy Tiến và cán bộ chiến sĩ trong đội lặng lẽ thở dài. Công sức anh em vất vả, căng thẳng để cứu cô gái hôm trước coi như đổ xuống sông. Hôm đó, những người lính cứu hỏa đã trải qua một đêm trằn trọc, mất ngủ.
Theo CAND
'Ngôi nhà điên' và những chuyện rùng rợn thê thảm "Ngôi nhà điên" ấy có những thành viên rồ dại và hung dữ hết sức: họ dùng chày giã chết vợ, ném xuống giếng và tự vẫn, họ đâm công an, đập vỡ đầu bố đẻ, đâm thủng bụng hàng xóm; họ bị gia đình và chính quyền đóng gông nhốt suốt 7 năm qua... Nhưng họ vẫn chưa được công nhận là......