Bài 1: Trăm nẻo thành… tội phạm
Thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH – CATP Hà Nội từ năm 2010 đến nay, cứ 4, 5 vụ phạm pháp hình sự xảy ra trên địa bàn thành phố lại có 1 vụ liên quan đến đối tượng tỉnh ngoài. “Có nhiều nguyên nhân, yếu tố khiến hoạt động của tội phạm ngoại tỉnh ngày càng nóng”, nhận định của chỉ huy phòng.
Chân dung và tang vật hoạt động phạm pháp của những đối tượng tỉnh ngoài bị công an Hà Nội bắt giữ
Ân hận muộn mằn
Tôi còn nhớ tâm lý sợ hãi của Trần Đình Thắng, hôm gặp anh ta tại trụ sở CAQ Hai Bà Trưng. Đôi bàn tay gân guốc, thô kệch của một phu hồ chuyên cầm xẻng, cầm cuốc, khi cầm bút ký vào biên bản nhận tội, với Thắng, nó thật nặng nề. Hành vi phạm tội của Thắng bắt nguồn từ sự không thống nhất về giá thành xây dựng giữa Thắng và nhóm “cai thầu” khác do anh Lê Văn Chung (SN 1978), quê Thái Bình đứng đầu.
Tối hôm ấy, y vờ đến chơi khu nhà trọ của anh Chung ở địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng và ngủ lại. Đêm đến, y lần mò dậy, tìm được sợi dây điện và con dao phay rồi cắm điện… chích thẳng vào cổ anh Chung. Bị điện giật, anh Chung choàng tỉnh hô hoán. Sẵn dao trong tay, Thắng chém liên tiếp vào đầu và tay Chung. Hai người thợ của anh Chung cũng bị trúng dao trong cơn say máu của gã phu hồ. Trần Đình Thắng đã bị bắt vào hôm sau, khi đang trên đường bỏ trốn.
Bị bắt, rồi bị truy tố ra tòa với tội danh giết người, Trần Đình Thắng thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội và thanh minh hành vi của y bắt nguồn từ uất ức bột phát, từ áp lực công việc – kinh tế hàng ngày mà anh ta phải “gánh” khi bám trụ tại Hà Nội. Việc khai báo thành khẩn cộng với nhân thân chưa có tiền án, tiền sự, Thắng bị kết án 9 năm tù giam.
Phân tích của CQĐT liên quan đến hoạt động phạm pháp của đối tượng tỉnh ngoài cho thấy, có đến cả chục tội danh khác nhau, từ “đơn giản” như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đến cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, cướp của, giết người.
Video đang HOT
Gần 1.400 vụ phạm pháp hình sự do đối tượng tỉnh ngoài gây ra từ năm 2010 đến nay cho thấy, số đối tượng gây án và bị bắt có hộ khẩu thường trú ở 52 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong số này, không ít trường hợp gây án do bột phát, do bị lôi kéo, hoặc vì những lý do… chẳng đâu vào đâu.
Có vụ án xảy ra chỉ do “hơn thua” nhau câu nói, có vụ do va chạm giao thông; do xích mích trong sinh hoạt. Mới đây, ngày 21- 1- 2011, một vụ án mạng với lý do “ngớ ngẩn” xảy ra tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy. Hung thủ là Vũ Trọng Tâm (SN 1960), quê Văn Yên – Yên Bái, tạm trú tại phường Yên Hòa; chỉ vì bị góp ý về cách sống, sinh hoạt mà Tâm đã nhẫn tâm dùng ổ khóa và dao hành hung dẫn đến tử vong một người hàng xóm. Hôm bị bắt, Tâm ngồi lặng đi, sợ sệt trong góc phòng tạm giữ của CAQ Cầu Giấy. Có lẽ khi ấy y đã ý thức rằng, ở tuổi hơn 50, cái giá sẽ phải trả cho hành vi manh động bột phát là quá đắt.
Nguy cơ… có thật
Đồng thời với tội phạm ngoại tỉnh gây án bởi nguyên nhân mâu thuẫn bột phát đã và đang hình thành xu hướng khá rõ nét của những đối tượng tỉnh ngoài “chọn” Hà Nội là địa bàn gây án. Xu hướng này phát triển do đặc thù Hà Nội mở rộng, giáp ranh, thông thương với nhiều tỉnh, thành phố và do mối quan hệ giữa các đối tượng lưu manh tỉnh ngoài và Hà Nội. Đáng chú ý nhất trong số này là loại đối tượng lưu manh tỉnh ngoài có sự cấu kết với dân “anh chị” Hà thành.
Hoạt động của chúng thường mang tính “tổ chức”, ổ nhóm chặt chẽ và mỗi khi gây án thường để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Chín vụ án giết người xảy ra trong năm 2010 thì có đến 5 vụ do đối tượng tỉnh ngoài gây ra. Trong hàng loạt các tội danh liên quan đến tội phạm ngoại tỉnh, nhức nhối nhất là các ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe máy, lấy Hà Nội làm địa bàn trọng tâm gây án.
Hàng chục ổ nhóm trộm cắp, tiêu thụ xe máy bị triệt phá trong thời gian qua cho thấy có sự móc nối chặt chẽ, thường xuyên giữa đối tượng lưu manh ở Hà Nội (đảm nhiệm công đoạn trộm) và đối tượng tỉnh ngoài (chịu trách nhiệm tiêu thụ) và địa bàn hoạt động của các ổ nhóm này lây lan đến cả Hà Nam, Nghệ An, hay lên Thái Nguyên, Phú Thọ.
Tiếp đến là loại đối tượng, ổ nhóm chuyên cướp tài sản. Chuyên án trinh sát, truy xét ổ nhóm 11 đối tượng cướp mà CAQ Long Biên phối hợp cùng Công an tỉnh Hải Dương thực hiện trung tuần tháng 2 vừa qua là một điển hình. Từ Hải Dương, các đối tượng đi xe khách về địa bàn quận Long Biên “tăm tia” khu vực có các đôi nam nữ hay tâm sự buổi tối. Để “ra tay” được chắc ăn, chúng tính toán các lối tẩu thoát, lên phương án cản đường nếu bị lực lượng chức năng truy đuổi. Gây án xong, chúng rút ngay về Hải Dương, mang tài sản cướp được đi Quảng Ninh, Hải Phòng tiêu thụ, rồi tìm đến địa bàn khác để tiếp tục phạm tội.
Manh động nhất trong hoạt động của tội phạm ngoại tỉnh là những tay “anh chị” sẵn sàng thực hiện các “hợp đồng thanh toán đối thủ” vì mục đích kinh tế. Đây thường là đám lưu manh chuyên nghiệp. Chúng sẵn sàng bất chấp cái giá phải trả và đi liền với đó là thủ đoạn đối phó cơ quan chức năng hết sức tinh vi. Điều này có thể thấy trong vụ án giết người xảy ra tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn vào ngày 24-8-2010.
Sau hơn 1 tháng kiên trì điều tra, các lực lượng CATP Hà Nội phối hợp với công an các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, mới làm rõ nguyên nhân và bắt nhóm hung thủ chủ mưu, trực tiếp sát hại anh Nguyễn Văn Nhường (SN 1977), ở phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, bằng chất độc Xyanua. “Tác giả” của kịch bản giết người manh động này là Nguyễn Thị Chinh (SN 1968), trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Chỉ vì mâu thuẫn trong phân chia tài sản thừa kế của người chồng quá cố, Chinh đã nhờ người tình là Dương Quang Thái, chủ một nhà nghỉ, tìm “sát thủ” để làm hại người con trai của chồng là anh Nguyễn Văn Nhường. Lập tức, Thái đã thông qua 2 đối tượng lưu manh ở Quảng Ninh thuê một nhóm lưu manh thực hiện phi vụ trên…
(Còn nữa)
Theo ANTD
Lỗ hổng trong dịch vụ cho thuê xe tự lái
Chỉ với những hợp đồng sơ sài, nhiều chủ cơ sở cho thuê xe ô tô tự lái đã tự tạo sơ hở để các đối tượng lưu manh gây ra các vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo và tang vật bị CAQ Đống Đa bắt giữ
Tự rơi vào bẫy
Phạm Thị Thanh, SN 1977, trú quán tại tỉnh Ninh Bình bị Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa khởi tố, tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Hành trình phạm tội của Thanh bắt đầu từ việc thuê ô tô tự lái ở nơi này, rồi cho người khác thuê lại để hưởng tiền chênh lệch.
Thấy "dịch vụ" làm ăn kiểu này nhàn thân, lại không mất vốn, Thanh tiến thêm bước nữa đã làm giả giấy ủy quyền của công ty cho thuê xe tự lái, để bán những chiếc xe ô tô đã thuê. Với thủ đoạn tinh vi này, Thanh đã chiếm đoạt 7 chiếc xe ô tô của 7 đơn vị, cá nhân. Điều đáng nói trong vụ án do Phạm Thị Thanh gây ra là các cơ sở cho thuê xe tự lái đã rất sơ hở trong việc làm thủ tục. Chỉ cần một tờ giấy ủy quyền giả và một số giấy tờ cá nhân khác được photocopy, Thanh có thể thuê 1 chiếc ô tô tự lái.
Đầu tháng 1-2011, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cũng đã quyết định khởi tố, tạm giam 4 tháng đối với Phạm Thị Thanh Hoa, SN 1989, trú quán tại tỉnh Quảng Ninh, sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học về hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình điều tra, Công an quận Đống Đa được biết Hoa đã trực tiếp gây ra hơn 10 vụ lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt nhiều ô tô của các cơ sở và cá nhân cho thuê xe tự lái tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Với những thủ tục rất sơ sài, nhưng Hoa vẫn dễ dàng thuê những chiếc xe trị giá hàng trăm triệu đồng mang đặt hiệu cầm đồ lấy tiền tiêu xài.
Theo lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - Công an quận Đống Đa, ngoài những thủ đoạn nêu trên, các đối tượng còn lợi dụng lòng tin của những người thân quen để nhờ họ đứng ra thuê xe tự lái cho mình, rồi đem đi cầm cố, hoặc bán như trường hợp nhờ thuê xe đặt lấy tiền đánh bạc của Lê Thị Hằng Nga, SN 1963, trú tại phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng.
Siết chặt những thủ tục pháp lý
Phần lớn các chủ cơ sở cho thuê xe tự lái đều cho thuê xe bằng "niềm tin", nghĩa là bỏ qua những thủ tục ràng buộc pháp lý nhất định để cho thuê xe. Họ không lập hợp đồng mang tính chất ràng buộc pháp lý, đến khi xảy ra những vụ lừa đảo, hay lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản rồi mới nhờ đến cơ quan công an can thiệp. Nhiều vụ mang tính chất lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức thuê xe tự lái, tuy nhiên không thể xử lý hình sự được bởi ngay từ ban đầu giữa khách và chủ cơ sở cho thuê xe đã không chặt chẽ những thủ tục, hợp đồng cho thuê và thuê xe để vụ việc có tính chất vi phạm pháp luật nhưng chỉ xử lý được bằng dân sự, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người cho thuê xe và làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa đã khởi tố, bắt giam 4 tháng đối với giám đốc một công ty TNHH ở phố Đặng Tiến Đông. Lợi dụng vỏ bọc là giám đốc công ty TNHH, Nguyễn Quang Huy, SN 1977, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai đã lập hợp đồng thuê xe ô tô tự lái của nhiều tổ chức, cá nhân cho thuê xe rồi mang bán hoặc đem đi cầm cố lấy tiền tiêu xài. Bằng thủ đoạn thuê xe của công ty này, lập hợp đồng với tư cách pháp nhân của công ty do mình làm giám đốc rồi cho người khác thuê lại, cứ thế Huy đã gây ra 34 vụ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt ô tô của nhiều công ty và cá nhân cho thuê xe ở Hà Nội.
"Nhiều vụ án lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các cơ sở cho thuê xe tự lái đều xuất phát từ ý thức chủ quan của chủ cơ sở hoặc chủ sở hữu những phương tiện cho thuê" - Thượng tá Nguyễn Hữu Thắng, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa nhận xét và nhấn mạnh cần siết chặt những thủ tục ràng buộc pháp lý khi cho thuê và thuê xe. Chủ cơ sở cho thuê xe tự lái cũng cần kiểm tra thường xuyên phương tiện của mình khi đã cho thuê và lập hợp đồng cho thuê xe một cách chặt chẽ, không mang tính chất dân sự, tránh tạo những kẽ hở cho tội phạm hoạt động.
Theo ANTD
Trộm cắp hoành hành khu công nghiệp Bình Chiểu Thời gian qua, khu công nghiệp Bình Chiểu (P. Bình Chiểu, Q. Thủ Đức) xảy ra nhiều vụ trộm ở các phòng trọ. Lợi dụng mọi người đang say giấc nồng, kẻ gian đột nhập vào phòng vét sạch tài sản, khóa trái cửa bên ngoài nhốt chủ nhà lại rồi ung dung tẩu thoát. Trên tường dẫn vào các dãy phòng trọ...