Bài 1: Lặng người ở nghĩa trang hàng vạn hài nhi
Hơn 42.200 hài nhi bị cha mẹ bỏ rơi từ khi chưa lọt lòng hiện đang yên nghỉ tại hai nghĩa trang bào thai ở Thừa Thiên – Huế. Những dòng thơ than khóc, trách cha mẹ viết trên những ngôi mộ tí xíu vô danh khiến người đọc phải lặng người…
LTS: Tình trạng nạo phá thai ở Việt Nam đã lên đến mức báo động khi liên tục trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn là nước đứng trong top 10 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới. Tỷ lệ này ngày càng gia tăng nhanh ở lứa tuổi vị thành niên. Song song với tình trạng này thì tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam cũng ngày càng tăng cao, trong đó các lý do liên quan đến vấn đề nạo hút thai xuất hiện ngày càng nhiều. Báo chí, các diễn đàn trực tuyến đã có nhiều bài viết mô tả về thực trạng đau lòng này nhưng tình hình không có dấu hiệu được cải thiện. VietNamNet khởi đăng những câu chuyện chất chứa nỗi đau về các thai nhi bị bỏ rơi, những dằn vặt, day dứt của những người khốn khổ chạy chữa vô sinh vì nạo phá thai với hi vọng có thể tạo ra một sự thay đổi nhất định nào đó về nhận thức cũng hành vi của cộng đồng đối với hậu quả của tình dục không an toàn và nạo hút thai tràn lan.
“Ngọn nến hồng chưa kịp sáng lung linh”
Đã được nghe kể về nơi yên nghỉ của những bào thai tại xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế nhưng khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thực sự bị choáng ngợp, nhưng quặn đau trước sự rộng lớn của nó.
Hàng ngàn nấm mộ của hơn 42.200 sinh linh bị chối bỏ được chôn cất ở nghĩa trang bào thai Anh Hài (Thừa Thiên – Huế)
Nghĩa trang hài nhi nằm tựa lưng vào làng Ngọc Hồ. Giữa trưa nắng oi ả, chúng tôi đi bộ men theo con đường mòn dẫn lên nghĩa trang.
Khung cảnh hoang vắng đến rợn người. Cả hàng vạn ngôi mộ được quét sơn trắng nằm ngay ngắn, thẳng hàng khắp vùng đồi núi rộng lớn. Tất cả các ngôi mộ đều không có tên, chỉ ghi ngày tháng năm sinh trên cây thánh giá cắm ở đầu mộ.
Ở góc cuối nghĩa trang, hai người đàn ông đang hì hục đào xuống lớp đá, đất cằn cỗi. Đó là anh Trương Văn Năng (50 tuổi) và Tống Viết Hiếu (47 tuổi), những người trông coi nghĩa trang này.
Các anh nhẹ nhàng đặt 12 sinh linh được gói ghém kỹ, lấp đất xuống, cắm lên trên 3 que nhang và cầu nguyện.
Đã chứng kiến nhiều đám chôn cất, nhưng chưa bao giờ tôi thấy xót xa bằng buổi “hạ huyệt” này, khi không hề có trống, kèn, vòng hoa, lời than khóc. Bên cạnh huyệt chôn, còn có nhiều huyệt mộ đã được đào sẵn để chờ an táng cho những hài nhi mới.
Anh Năng dẫn tôi đi lần lượt hết ba quả đồi với chi chít những ngôi mộ, rồi dừng lại ở tượng Đức mẹ và cậu bé thiên thần ở giữa nghĩa trang. Phía hai bên, có những bia đá khắc những dòng thơ như tiếng kêu cứu của hàng vạn thai nhi bị cha mẹ chối bỏ khi chưa kịp lọt lòng:
“Em là thai nhi vô tội
Hiện thân là buồn tủi
Tình yêu tắt lịm rồi
Núi đồi xa xôi
Một đêm lạnh trời sương
Em vấp ngã nơi đây
Em thiếp ngủ không hay
Video đang HOT
Lá rụng che phủ đầy…”
(Linh mục Phaolo, 11/4/2008)
“Tôi không biết em là trai hay gái. Tiếng kinh buồn, cất tiếng gọi thai nhi…”
Ngoài nghĩa trang Anh Hài nổi tiếng ở Huế, thì ở Nha Trang (Khánh Hòa) cũng có một nghĩa trang hài nhi với tên gọi Đồng Nhi và đặc biệt là ở thành phố Pleiku (Gia Lai) cũng có một nghĩa trang tương tự với khoảng hơn 1 vạn ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa núi rừng Tây Nguyên.
Nghĩa trang này được linh mục Nguyễn Văn An ở nhà thờ Đức An (TP Pleiku) khai sinh và trông coi từ năm 1992, nhưng nó chỉ thực sự trở nên “nổi tiếng” sau khi đón một hài nhi bị bỏ rơi vào đúng dịp Trung thu năm 2004.
Báo Thanh Niên (trong một phóng sự năm 2008) từng kể lại rằng, hài nhi đặc biệt với đủ hình hài này được đưa đến linh mục Nguyễn Văn An và được đặt lên một tờ báo. Thật bất ngờ, hài nhi đã đưa tay bấu chặt lấy ngón tay của vị linh mục. Đó là hành động duy nhất của đứa trẻ xấu số trước khi từ giã cõi đời…
Câu chuyện của hài nhi mang tên Trung Thu đã gây ra bao xúc động. Có người biết chuyện không giấu được cảm xúc, đã viết nên bài thơ ai oán:
“Con không có lời ru
Đưa con vào cuộc đời
để con được làm người
Con không còn tiếng khóc chào đời
và làm người như bao người.
Xin thắp lên cho con một ngọn nến,
một nén nhang
cho lòng con được ấm lên
trong lòng đất lạnh tình người.
Xin cắm cho con một cành hoa
và một lời ăn năn dù chỉ là muộn màng.
………
Xin hãy thương con, đừng bỏ con.
Con tội tình gì? Mẹ ơi! Cha ơi! …”
Có ngày chôn tới 20 hài nhi vô tội
Anh Năng, người trông coi nghĩa trang Anh Hài (Thừa Thiên – Huế) cho biết: Nghĩa trang ra đời ngày 2/2/1992, do một số linh mục Giáo phận Huế thành lập.
Bạt ngàn những ngôi mộ vô danh bé xíu nằm lọt thỏm giữa những quả đồi hoang vắng. Trên các cây thành giá chỉ kịp khắc ghi ngày các em về với đất ….
Khi đó, đời sống xã hội phát triển, những nhu cầu dục vọng, tình yêu đôi lứa phát triển mạnh mẽ khiến tình trạng nạo phá thai lớn. Một số linh mục nghĩ đến việc đi nhặt những bào thai mang về chôn và khi giáo phận thành lập Ban Bác ái xã hội thì nghĩa trang do Ban chăm sóc.
Ngày càng có nhiều bào thai được chôn ở đây và đến nay đã được hơn 42.000. Đây là nghĩa trang bào thai đầu tiên tại Việt Nam và hiện tại là lớn nhất miền Trung.
Những năm đầu tiên, mỗi thai nhi chỉ là một nấm mồ bằng đất sơ sài. Nhờ tấm lòng thiện nguyện của Hội Bác ái xã hội và những nhà hảo tâm, nay mộ được xây bằng bê tông. Số lượng hài nhi cứ tăng dần theo thời gian, có lúc 20 em/ngày được chôn ở đây. Để giảm kinh phí và diện tích đất chôn, những người phụ trách quyết định xây một mộ một tuần và hàng chục hài nhi được chôn chung một mộ.
Ngày nào anh Năng cũng “hạ sơn”, lặn lội qua đò trên sông Hương rồi về TP Huế dạy thêm môn Anh văn cho học sinh cấp 2 để kiếm thêm thu nhập.
Chiều tối về nhà, “hành trang” của anh thường có xác hài nhi để mang về chôn. Bào thai anh nhận từ những người tình nguyện đi gom hoặc anh tự đi lượm được ở gốc cây, thùng rác…
Gần 19 năm qua, trung bình mỗi năm, nghĩa trang đón nhận hơn 2.000 bào thai. Riêng năm 2009 đã có gần 3.000 thai nhi. Con số này có thể gây sốc cho nhiều người, nhưng vẫn chưa phản ánh được hết thực chất của việc nạo phá thai, bởi còn rất nhiều vụ phá thai mà chúng ta không thể nào biết hết được.
Theo VietNamNet
Người ru ngủ những cô hồn
Đã 20 năm trôi qua, anh không còn nhớ nổi mình đã chôn bao nhiêu hài nhi. Cái "nghĩa địa tình thương" với hơn 32.000 ngôi mộ và anh là người nối tiếp để "nâng giấc ngủ ngàn thu" cho những sinh linh.
Đối với anh Trương Văn Năng (thôn Ngọc Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) việc làm này như một duyên nợ.
Anh Năng đang chăm sóc những ngôi mộ.
Để các em có nơi nghỉ...
"Gia đình luôn động viên, hỗ trợ tôi trong việc làm này. Đã hơn 47 năm từ khi tôi sinh ra, điều mà làm tôi buồn nhất đó là số lượng các em ngày càng nhiều. Mỗi sáng mai thức giấc tôi chỉ ao ước một điều như gia đình tôi vẫn mong, đó là thất việc...", anh Năng ngậm ngùi.
Chúng tôi về thôn Ngọc Hồ tìm đến nhà anh Trương Văn Năng, được vợ anh cho biết: "Có lúc nào anh ở nhà đâu, chắc ở ngoài bãi...". Theo lời chị, chúng tôi tìm đến nghĩa địa thì gặp anh đang dọn cỏ trên những ngôi mộ nhỏ. Gần 20 năm anh làm việc không công như thế, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy nản. "Điều đó có lẽ là do cái duyên. Ở đời, những việc khi làm người ta mới hiểu nó thuộc về cái Tâm, không thể tính bằng vật chất...", anh nói.
Cũng vì thế mà vào những năm 1990 - 1991, cha anh đã xây dựng "nghĩa địa tình thương" này, thu lượm và chôn cất những bào thai bị phá bỏ. "Hồi đó tôi cũng hỏi bố mình vì sao lại làm vậy, ông chỉ xoa đầu tôi và bảo lớn lên con sẽ hiểu!". Cha mất, anh lại nối tiếp việc của cha.
"Trong gia đình, tôi là người gần ông nhất, nên càng lớn tôi càng hiểu những việc ông làm. Ngày ông mất miệng còn ú ớ không nói được, cánh tay ông vẫn chỉ về những ngôi mộ cho tôi hiểu...", anh Năng bùi ngùi.
Rồi anh em, mỗi người một nơi tìm kế sinh nhai, chỉ mình anh ở lại bám trụ với mảnh đất khô cằn sỏi đá này, để chăm sóc cho những ngôi mộ. Anh không muốn bỏ rơi nghĩa trang- nơi mà cha anh đã gắn bó cả cuộc đời.
Nghĩa trang này như sợi dây vô hình thắt anh với sinh linh bé nhỏ. Để rồi anh quyết định cả đời chăm sóc cho các hài nhi xấu số. Nhiều người khi chứng kiến việc làm của anh, không ít lời bàn ra tán vào, có người bảo anh là dở hơi, thừa công, cơm cho con ăn không đủ nữa là... nhưng anh chỉ cười trừ. "Ở đời biết lúc nào mình giàu, cứ chờ giàu rồi mới làm thì đến khi nào mình mới giúp được người khác..." - anh Năng chia sẻ. Đối với anh, việc này đã đem lại niềm hạnh phúc vì đã tìm được cho các hài nhi nơi an nghỉ, không phải lang thang lạc lõng khắp chốn.
Một góc của nghĩa trang.
Cái "duyên nợ" đó chính là tình thương, cái Tâm dành cho những đứa trẻ không bao giờ được chào đời. Điều đó cứ âm thầm lặng lẽ kề bên anh suốt bao năm nay. Để làm được như vậy, phải có sự đồng thuận và hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Anh chia sẻ: "Vợ tôi là người luôn sát cánh, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Chưa bao giờ cô trách móc hay ngăn cản việc tôi đang làm, mà còn lấy tiền nhà ra mua gạch xây mộ... Mặc dù gia đình tôi khó khăn thiếu thốn đủ thứ...".
Nỗi lòng với những cô hồn
Nhìn những khu mộ anh chôn cất cẩn thận, chúng tôi không tin nổi với hoàn cảnh như thế anh lại xây nên một "lâu đài tình thương", chôn cất những cô hồn. Giờ nghĩa trang ấy đã thu nhận hơn 32.000 hài nhi. Mỗi lần bước vào nơi đây, anh đều mở quyển nhật ký của mình để ghi lại những dòng cảm xúc. Có đoạn anh viết: "Tôi nghĩ, những đứa trẻ này chẳng bao giờ được một nén hương của bố mẹ nó. Nếu tôi có chết thì thâm tâm tôi vẫn mong có một ngày cha mẹ, hay người thân đó hãy đến nhìn lại con mình, thắp cho chúng những nén hương, để đừng bao giờ gây thêm tội lỗi...".
Những giọt mồ hôi lăn dài trên trán anh. Dọc các ngôi mộ không có một cây cỏ dại mà chỉ có những bông hoa và những nén hương thơm ngát tình người, để cho các em không phải tủi thân, lạc lõng... "Anh chị của tôi trong Sài Gòn điện ra vẫn thường đùa: Mong cho em thất việc... Tôi cũng muốn vậy lắm !" - anh Năng thở dài.
Lời cầu khẩn của những linh hồn nhỏ bé.
Trước đây cha anh, giờ là anh cũng chỉ sống bằng nghề làm vườn (chăn gà, vịt, trồng rau, lúc đi phụ hồ, bốc vác...), nhưng dù khó khăn đến đâu anh cũng không thể bỏ bê việc chăm sóc những sinh linh. Mỗi lúc có tiền anh lại dành dụm mua thêm những viên gạch, lúc túng thiếu thì đi xin những mảng vỡ từ ngôi nhà để về xây. "Toàn bộ khu mộ ở đây đều do tôi xây nên, bằng những khoản tiền gia đình và một số bàn tay tình nguyện đóng góp". Ngày ngày anh dọn cỏ, trồng hoa và có khi "tâm sự", "nói chuyện" với những ngôi mộ như để xóa bớt đi sự lạnh lẽo nơi đây.
Vì diện tích đất có hạn nên một ngôi mộ anh thường chôn 3 - 4 hài nhi. Tất cả những khu mộ này đều không có chủ nhân. Anh Năng kể: "Tháng trước có một cụ bà 70 tuổi, không biết thông tin từ đâu đến đây để tìm đứa cháu đích tôn của mình, may tôi đang giữ những danh sách chuyển đến nên còn tìm ra ngôi mộ của cháu bà. Lúc đó tôi cũng không kìm được cảm xúc... Một cụ già lại đi tìm cháu ở những nơi này. Tôi còn nhớ lúc tìm được, bà đã khóc gần như cả buổi chiều, đến nỗi tôi phải khuyên bà về, sợ bà ngã bệnh...".
Trước lúc chia tay, chúng tôi vẫn không quên lời anh: "Các bạn viết gì cũng được, nhưng mình không muốn người ta để ý nhiều đến mình. Mình chẳng làm được gì cho các em cả, mà chỉ mong các bậc làm cha, làm mẹ đừng từ bỏ các em thôi... Nhất là đôi lứa yêu nhau, phải ý thức được trách nhiệm của mình, đừng đặt gánh nặng lên xã hội nữa...".
Theo Giadinh
Kinh hoàng phá thai đêm Nhập vai gã đàn ông ga- lăng "dám làm dám chịu", tôi phăm phăm chở "bồ" đi "giải quyết hậu quả". Cô bạn đồng nghiệp hoàn hảo trong vai nạn nhân bị "dính chưởng" với "giọt máu" 18 tuần tuổi, bụng to lùm lùm, mắt làm bộ thất thần, tay bấu chặt áo... Chúng tôi đi "phá thai" đêm. Cận cảnh Chớm vào...