Bài 1: Kinh hoàng chuyến xe nhồi, nhét
Trên chuyến xe khách Bắc – Nam BKS: 36L-8531 của nhà xe Châu Lệ (Thạch Thành, Thanh Hoá) loại 50 chỗ, gần 80 “hành” khách chủ yếu là lao động nghèo đã phải đứng, nằm trên sàn, núp sau các hàng ghế… để được về quê ăn tết với giá 700 ngàn đồng/người.
Trên chuyến xe cuối năm đó, phóng viên Báo Lao Động đã tận mắt chứng kiến nhà xe liên tục nhồi, nhét hành khách tới mức trên xe không còn một kẽ hở; phải sống trong cảm giác sợ hãi của những màn đua xe, vượt ẩu thót tim để rút ngắn thời gian quay đầu xe và cũng không khỏi rùng mình trước những tai nạn xe ôtô khách kiểu “đầu đối đầu” dọc tuyến QL1A.
Hành khách bị quăng quật trên những chuyến xe ra Bắc. Ảnh: H.A.C
Ngày 12.1 (tức 19.12 âm lịch), chúng tôi sắm vai người lao động nghèo, ôm hành lý lang thang dọc QL1A, đoạn gần cây xăng Huệ Thiên 3 tìm xe về Thanh Hoá. Mở đầu cho hành trình hơn 1.500km, chúng tôi được “cò” xe ôm chém đẹp 30.000 đồng cho 500m đường để đưa đến điểm tập kết tại cây xăng Quốc Phong (P.Tam Bình, Q.Thủ Đức, TPHCM).
700 ngàn đồng để đứng suốt 1.500km!
Tại cây xăng Quốc Phong không thấy người tới đổ xăng mà chỉ thấy cảnh 3 chiếc xe khách Bắc – Nam cùng cả trăm hành khách đang ngồi, nằm la liệt với lỉnh kỉnh hành lý. Các chủ xe, lơ xe đang hì hục vận chuyển hàng hóa lên nóc xe, chủ yếu là các loại gà, vịt được nhốt kỹ trong lồng sắt, xe gắn máy… Khi thoáng thấy chúng tôi lơ ngơ bước tới thì một trong số các lơ xe này lập tức đon đả: “Về Thanh Hóa phải không em. Chỗ đồng hương anh lấy rẻ giá 700 ngàn đồng, nếu có thêm xe gắn máy thì giá là 1,5 triệu đồng/cả người và xe”. Thấy chúng tôi có vẻ không muốn đi, lập tức tay lơ xe lên giọng: “Bây giờ mỗi ngày giá vé xe lên 100 ngàn đồng. Đợi thêm 1 – 2 ngày thì giá vé lên cả triệu đồng thì lại mất thêm tiền nữa”. Thấy khó mặc cả, chúng tôi lên xe và bắt đầu chuyến “hành xác” trên chuyến xe BKS: 36L-8531 cùng những người lao động Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Lúc này, trên xe đã đầy khách, trong xe ngột ngạt và nóng bức, nồng nặc mùi phân gà từ trên nóc xe từ cửa thông gió trên nóc phả xuống. Trên mỗi hàng ghế đôi được xếp 3 hành khách, người khách thứ 3 ngồi ngoài cùng thì chỉ ghé được nửa mông, hai tay phải bám vào thành ghế. Còn chúng tôi được xếp đứng tạm dưới cuối xe cùng với lời hứa: “Đứng tạm, ghé Đồng Nai anh xếp ghế cho!”.
Đúng 5 giờ chiều, xe từ bến “cóc” cây xăng Quốc Phong tà tà chạy trên QL1A để kiếm thêm khách. Gió thổi cũng đã khiến mùi phân gà bớt mùi, nhưng mỗi lần xe dừng để đón khách thì mùi thối khăm khẳm lại xộc vào mũi. Xe chạy tới trước cổng KCX Linh Trung (Q.Thủ Đức) thì có người vẫy tay, lơ xe khoảng ngoài 20 tuổi tên Thành nhảy xuống kéo khách lên xe, thêm một vị khách được xếp đứng chung chỗ với chúng tôi và kèm theo một lời hứa như đã hứa với chúng tôi. Cứ thế, dọc tuyến QL1A đến địa phận tỉnh Đồng Nai thì nhà xe đã bắt thêm được 10 khách.
Video đang HOT
Sau khi đã “no” khách, chúng tôi mới được nhà xe sắp xếp chỗ ngồi là vị trí ngay kẽ giữa của 2 dãy ghế, phía trước tôi là hành khách lên xe từ KCX Linh Trung, tiếp đến là 10 vị khách lên xe từ Đồng Nai, được xếp ngồi chồm hỗm thành một hàng dài chèn giữa 2 dãy ghế. Chúng tôi ngồi trong tư thế “bó gối” hai tay ôm sát hai chân để lấy chỗ cho người tiếp theo, hầu như không thể cựa quậy hoặc xoay trở. Cửa giữa xe cũng được nhà xe khóa chặt, xếp một thanh gỗ lớn ngay rãnh bậc thang lên xuống và tạo thành một khoảng trống và “nhồi” 8 vị khách vào đó. Suốt hành trình gần 1.500km chúng tôi hết đứng lại ngồi, chập chờn và thấp thỏm trắng 2 đêm.
Khi xe dừng tại các quán cơm, cũng có rất nhiều xe Bắc – Nam nhồi, nhét như xe của chúng tôi. Chúng tôi đã vờ lên nhầm một số xe đang dừng ăn như xe: 36M-3709 đi Bá Thước, xe 36B-00.324, xe 36M-3810 thì một cảnh tượng không khác gì trên xe chúng tôi: Hàng chục khách đang đứng vịn thành ghế, ngồi ôm gối, nằm co ro trên sàn xe đợi nhà xe chuẩn bị lên đường.
Hành khách phải trả 700 ngàn đồng để được đứng trên xe 36L-8531.
Thảm cảnh cơm Bắc – Nam
Chưa bao giờ trên các chuyến xe Bắc – Nam, tính mạng người dân lại trở nên mong manh đến như vậy, họ bị tước đi những quyền sinh hoạt cá nhân tối thiểu. Nhà xe cho ăn thì được ăn, không cho đi vệ sinh cá nhân thì phải nhịn. Để rồi cuối cùng tất cả họ đều im lặng chỉ để có được một điều – “Được về quê ăn tết”. Nhiều câu chuyện éo le, cười ra nước mắt cũng bắt đầu từ đây.
Gần 10 giờ đêm, xe đưa chúng tôi dừng tại quán cơm Thu Thủy (Xuân Lộc, Đồng Nai). Trong khi các thành viên nhà xe được đon đả mời tới khu vực dành riêng thì hành khách liên tục bị chèo kéo: “Anh ăn gì? Cơm hay ăn phở? Không ăn thì đi ra ngoài!”. Đang đói và cũng không muốn phải như những hành khách khác ra ngoài ngồi hứng sương đêm, gió lạnh, chúng tôi kêu 2 suất cơm sườn. Đĩa cơm chỉ có vài cọng rau và 1 lát sườn heo mỏng nhưng cũng bị “chém” tới 50 ngàn đồng/đĩa.
Gần 11 giờ trưa hôm sau (ngày 13.1) chúng tôi mới được ăn bữa cơm thứ hai tại quán cơm cạnh cây xăng Thuận Lộc, phố Bùi Thị Xuân, TP.Quy Nhơn, Bình Định. Vẫn gặp kiểu đối xử “không ăn thì mời ra ngoài”, chúng tôi mua 2 phiếu cơm sườn giá 100 ngàn đồng nhưng cơm khô khốc, còn miếng sườn duy nhất thì bám nhọ và hơi có mùi.
Và cái gì đến cũng phải đến, trên chuyến xe buổi tối hôm đó có 3 hành khách liên tục kêu tài xế dừng xe vì bị “tào tháo đuổi”. Tuy nhiên, chỉ nhận được câu trả lời lạnh nhạt: “Chỗ này không dừng xe được!”. Cả ba vị khách mặt méo xệch, tái mét, tay ôm bụng khư khư tiếp tục ngồi co gối nín nhịn. Được gần 1 giờ sau, 3 vị khách nam này đã không nhịn được nữa và lại kêu tài xế dừng xe. Lúc này, hành khách trên xe cũng bức xúc đồng loạt đề nghị dừng xe để vệ sinh cá nhân thì tài xế mới cho xe tấp vào một khoảnh đất trống ven đường lộ. Xe chưa kịp dừng hẳn thì một hành khách nam từ cửa sổ thoát hiểm lao ra khỏi xe, ngã dúi dụi rồi lồm cồm bò dậy chui vào sau đám cỏ dại…
Theo Lao Động
Thanh Hóa: "Sắp Tết rồi, phải cố kiếm tiền mua cân thịt..."
Càng giáp Tết, gánh nặng mưu sinh càng oằn trên vai những người dân cửu vạn. Giữa cái lạnh căm căm của những ngày cuối năm, đi dọc các góc phố, không khó để bắt gặp hình ảnh từng nhóm người co ro ngồi chờ việc...
Dạo một vòng quanh thành phố Thanh Hóa vào những ngày này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người đàn ông, đàn bà với xe đạp, thúng mủng, cuốc xẻng... tập trung thành từng nhóm ở các ngã ba, ngã tư đường phố. Đó là những người làm nghề cửu vạn từ một số huyện lân cận kéo lên thành phố mưu sinh những ngày cuối năm.
Đa số những người lao động này đến từ các huyện nghèo có cuộc sống khó khăn, đất canh tác ít, vì đang có con tuổi ăn tuổi học nên buộc phải xa gia đình đi mưu sinh. Tết sắp đến, gánh nặng mưu sinh càng oằn trên vai họ. Từng nhóm đứng co ro trên vỉa hè, có người đi xe máy hoặc ô tô tới là vây lại chờ được thuê, sau đó đám đông lại tản ra chờ đợi.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, quê ở Đông Sơn, rít điếu thuốc lào như để chống chọi với cái lạnh tê tái. Người đàn ông ngoài 40 tuổi đăm chiêu chia sẻ: "Trừ những ngày mùa, còn đâu thời gian nhàn rỗi không có việc gì làm, mấy người cùng quê lại rủ nhau ra thành phố tìm việc. Cứ tờ mờ sáng là ra đây ngồi chờ việc, ai gọi gì làm nấy. Để có tiền nuôi vợ con thì phải cố mà làm, dù vất vả đến mấy. Cuối năm nhưng vẫn ít việc, làm chẳng ăn thua. Sắp Tết rồi, phải cố để kiếm ít tiền mua cân thịt, hộp bánh cúng ông bà. Còn mấy đứa nhỏ nữa, cả năm mới có một cái Tết để được diện quần áo mới đi khoe với bạn bè".
Từng nhóm người tập trung trên vỉa hè vừa hút thuốc lào vừa trò chuyện để quên đi cái lạnh.
Bác Nguyễn Văn Thoa (53 tuổi), quê ở Hoằng Quang, Hoằng Hóa, với dáng người gầy gò, bộ quần áo cũ mèm, đôi mắt trũng sâu, ngồi co ro bên dãy xe thồ, góp chuyện: "Cuối năm công việc có hơn chút ngày thường vì người ta chủ yếu thuê sửa sang lại nhà, làm tường rào, bưng bê cây cảnh... nhưng vất vả lắm. Người ta thuê bất kể công việc gì cũng làm, miễn không phạm pháp là chúng tôi làm hết".
"Tôi đang nuôi đứa con học Học viện Tài Chính ngoài Hà Nội, mỗi tháng cũng phải cố mà kiếm rồi dành dụm, chắt bóp gửi tiền cho con, ăn cũng không dám ăn, tiêu không dám tiêu, thôi thì "hy sinh đời bố củng cố đời con". Giờ Tết nhất đến nơi lại thêm một khoản lo. Ngày 30 cũng phải có bánh chưng, có con gà mà cúng tổ tiên chứ", bác Thoa ngậm ngùi.
Bác Lê Trọng Thảo ở xóm lao động Ngã Ba Bia cho biết: "Cứ tờ mờ sáng là chúng tôi đạp xe đi mang theo thúng mủng đến đây ngồi chờ việc, tối mịt lại đạp xe về. Bình quân mỗi ngày kiếm được 50 - 70.000đ, may mắn hơn thì khoảng 100.000đ, cũng có ngày không có việc gì thì về tay không. Cái nghề cửu vạn này nhọc nhằn và khổ cực nhưng đồng tiền kiếm được còn bèo bọt bấp bênh nữa".
Hiếm hoi lắm mới có người gọi làm.
Nỗi nhọc nhằn hằn rõ trên từng khuôn mặt khắc khổ, trên từng bàn tay thô ráp, chai sạn. "Sau một ngày làm việc đặt lưng xuống là toàn thân đau ê ẩm, nhưng được một lúc là ngủ như chết, thế mà cứ mở mắt ra là lại muốn lao ra khỏi giường dù trời mới tờ mờ sáng, dù mùa hè hay mùa đông lạnh cóng, cứ nghĩ đến phải kiếm đủ tiền để đầu tháng tới gửi cho con đi học, trả tiền điện nước, rồi cái Tết đang cận kề lại thấy mọi khổ cực tan biến đi hết", bác Lương Công Hải, quê ở Quảng Xương chia sẻ.
Tết càng đến gần, nhiều nỗi lo lại đến với những người lao động nghèo. Vì cuộc sống mưu sinh, họ làm việc quên cả cái rét cắt da cắt thịt, quên cả việc phố xá đã lên đèn, nhà nhà đã tề tựu bên mâm cơm tối...
Theo Dân Trí
Những người kiếm tiền theo những trang báo "nóng" Cận Tết, những dòng người từ các tỉnh xa gần kéo về Hà Nội tranh thủ kiếm tiền dường như hối hả hơn. Trong đội quân đó, "binh chủng" bán báo dạo, cả nam lẫn nữ, trẻ cũng có mà đã luống tuổi cũng có, càng ngày càng đông thêm. (Ảnh: Yên Hòa/Vietnam )Tiếng loa điện rao báo ra rả, ầm ĩ khắp...