“Bách khoa toàn thư” Hà Việt Hoàng là 1 trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2019
10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019 gốm những cá nhân xuất sắc nhất trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học; lao động sáng tạo – phát triển kinh tế; văn hóa – nghệ thuật; an ninh trật tự…
Thành đoàn Hà Nội vừa công bố 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019. Đây là phần thưởng cao quý dành cho những người trẻ có thành tích nổi bật trong năm vừa qua. Giải thưởng sẽ được trao vào tối ngày 7/1/2020 tại Tượng đài Lý Thái Tổ, Hà Nội.
10 cá nhân đoạt giải Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019 gồm:
1. Hà Việt Hoàng (sinh viên năm 2 ngành Điện tử viễn thông trường Đại học Bách khoa Hà Nội) – Lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học
Việt Hoàng là thí sinh gây “bão mạng” với màn thi đấu “Bách khoa siêu ô chữ” vô cùng thuyết phục tại chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam năm 2019.
Chàng trai trẻ cũng đạt giải Nhất cuộc thi Khám phá trí tuệ 2019 tại trại hè K63 của trường Đại học Bách khoa; giải ba cuộc thi Khám phá văn hóa thế giới 2019 trong sự kiên Ngày hội Văn hóa Sinh viên quốc tế do trường Đại học Bách khoa tổ chức; là cựu học sinh trường THPT Sóc Sơn nhận bằng vinh danh của trường năm 2019.
2. Bùi Hồng Đức (trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN) – Lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học.
Đức giành giải Bạch kim Olympic Toán học Châu Á – Thái Bình Dương (2014); Huy chương Vàng kỳ thi Toán học trẻ quốc tế (2015); Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học Singapore (2016); Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Tin học quốc gia Singapore năm 2018; Huy chương Bạc Olympic Tin học Châu Á – Thái Bình Dương 2019; Huy chương Vàng kì thi Olympic Tin học quốc tế 2019…
Đức cũng là gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội (2018), từng tình nguyện tham gia dạy học theo Dự án CodeCamp tại Trường liên cấp THCS, Tiểu học tự thục Ngôi sao Hà Nội.
2. TS. Trần Phương Thảo (giảng viên bộ môn Hóa dược, Đại học Dược Hà Nội) – Lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học
TS Trần Phương Thảo sở hữu 5 bản quyền sáng chế (đồng tác giả) trong năm 2018; 9 công bố Quốc tế ISI từ 2018 đến 2019; 12 công bố trên tạp chí Quốc gia từ 2018 đến 2019.
Chị chủ trì 1 đề tài khoa học cấp Nhà nước (NAFOSTED) giai đoạn 2017-2020 đang thực hiện vượt tiến độ; thành viên nghiên cứu chủ chốt của 3 đề tài Nhà nước khác; chủ trì 2 đề tài khoa học cấp cơ sở giai đoạn 2018-2019 (1 đề tài đã nghiệm thu loại xuất sắc, 1 đang thực hiện đúng tiến độ); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch công tác năm học 2018-2019; danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2019 do Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội trao tặng.
4. TS. Bùi Hùng Thắng (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ – Viện Khoa học vật liệu – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) – Lĩnh vực lao động sáng tạo, phát triển kinh tế
TS. Bùi Hùng Thắng sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng và 8 đơn đăng ký sáng chế được chấp nhận năm 2019; công bố khoa học 4 bài báo trên tạp chí quốc tế, 2 bài báo đăng trên tạp chí quốc gia; tham gia đào tạo 3 nghiên cứu sinh và 1 học viên cao học.
TS. Bùi Hùng Thắng có 3 bằng độc quyền sáng chế đang được triển khai trong năm 2019 bao gồm: “Môđun đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng” được Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Minh Quang và Nhà máy Nhôm Đông Anh ứng dụng trong sản xuất thử nghiệm; “Bóng đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng tự đối lưu” đang được Công ty TNHH Công nghệ và Xúc tiến thương mại Haledco kết hợp để chế tạo và thương mại hóa sản phẩm; “Quy trình chế tạo kem tản nhiệt nền silicon chứa thành phần Graphene” đang được Công ty TNHH Công nghệ và Xúc tiến thương mại Haledco ứng dụng trong tản nhiệt cho một số sản phẩm đèn LED.
5. Phạm Kim Hùng (CEO – Nhà sáng lập TechElite và Base Inc) – Lĩnh vực lao động sáng tạo, phát triển kinh tế
Phạm Kim Hùng được biết tới là “cậu bé vàng” của toán học Việt Nam, tốt nghiệp ĐH Stanford, hiện là CEO & Nhà sáng lập TechElite và BASE Inc. Bắt đầu phát triển từ 2016 và chính thức ra mắt thị trường vào năm 2017, Base là startup công nghệ được xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp Software-as-a-Service.
Đây là nền tảng Saas đầu tiên trong khu vực được xây dựng để thống nhất quá trình quản trị và điều hành doanh nghiệp từ nhân sự, quản lý công việc, quản trị tài chính cho đến sales-marketing, hiện có hơn 20 ứng dụng và gần 500 khách hàng doanh nghiệp.
6. Dương Danh Đạt (Phó Trưởng Công an phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) – Lĩnh vực An ninh quốc phòng
Anh điều tra khám phá vụ án trong chuyên án bắt giữ 2 đối tượng (Nguyễn Tuấn Anh, SN 1978, trú tại 40 Hàng Bông, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm và Trần Tuấn Hùng, SN 1963, trú tại thôn 2, xã Quảng Bi, huyện Chương Mỹ) vận chuyển trái phép chất ma túy lúc 22h’ ngày 27/7/2018 tại trạm thu phí Pháp Vân, Cầu Giẽ xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Anh vinh dự nhận Huân chương chiến công hạng Ba của Chủ tịch nước (tháng 12/2019).
7. Vương Thị Huyền (Vận động viên cử tạ, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Hà Nội) – Lĩnh vực Thể dục – Thể thao
Vương Thị Huyền, đội tuyển cử tạ Hà Nội và đội tuyển Quốc gia từ năm 2005, đạt nhiều thành tích cao. Năm 2019, chị đạt 3 Huy chương vàng giải Vô địch châu Á; 1 Huy chương vàng SEAgames 30; 2 Huy chương vàng, 1 Huy chương Bạc, Giải Cup thế giới, 1 Huy chương Đồng Vô địch thế giới. Các hình thức khen thưởng: Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (2018), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL (2015, 2016, 2017)
8. Lê Trang Linh (Khoa Piano Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) – Lĩnh vực Văn hóa – Nghệ thuật
Lê Trang Linh đạt giải Nhất tuyệt đối bộ môn Piano trong bảng thi dưới 15 tuổi tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Val Tidone International Music Competition lần thứ 22 được tổ chức tại Ý; giải Nhất trong cuộc thi âm nhạc quốc tế bộ môn Piano trong cuộc thi International Milano “Piano Talents” lần thứ 9 được tổ chức tại Ý; giải Đặc biệt, giải Vàng cho tác phẩm tự chọn và giải Bạc cho tác phẩm bắt buộc trong cuộc thi Âm nhạc quốc tế Kyushu International Music Concour lần thứ 20 được tổ chức tại Nhật Bản.
9. Hoàng Hoa Trung (Trưởng nhóm Tình nguyện niềm tin) – Lĩnh vực tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Coi thiện nguyện là một phần cuộc sống của mình, Hoàng Hoa Trung đã có nhiều đóng góp tạo ra thay đổi tích cực cho xã hội. Biệt danh “Trung đồng nát” ra đời không phải do anh là người làm nghề đồng nát, mà đây là hoạt động gắn với CLB Niềm tin.
Với biệt tài hay quan sát và biến những “phế phẩm” thành tiền, từ năm 2003 Trung cùng với những người bạn trong nhóm tình nguyện thường xuyên đến các cơ sở sản xuất gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) xin những sản phẩm gốm lỗi đem đi bày bán trong các hội chợ sách, gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo, xây các điểm trường vùng cao.
Bên cạnh xây dựng các điểm trường, CLB còn bắt tay vào việc hỗ trợ bữa cơm trưa cho học sinh nghèo với dự án Nuôi cơm trẻ bản cao (hay còn gọi là dự án Nuôi em), hực hiện từ 6/2015 tính đến nay đã có hàng chục nghìn bữa ăn được triển khai, giúp các em có cơm ăn, giảm tỉ lệ bỏ học buổi chiều từ 80% xuống 5%…
10. Lê Hương Giang (Sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) – Lĩnh vực tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Hương Giang sinh ra đã hỏng một mắt hoàn toàn, mắt còn lại thị lực chỉ có 1/10, đến năm học lớp 6, căn bệnh thoái hóa võng mạc quái ác đã cướp nốt ánh sáng mắt còn lại.
Mơ ước trở thành MC truyền hình, nghị lực vượt khó, Giang kiên trì học tập, rèn luyện những kỹ năng sống (học đàn, hát, vẽ tranh, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh).
Kết quả, Giang đạt được nhiều giải thưởng như: Huy chương Đồng tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu” tổ chức tại Hàn Quốc. Tại Liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2019, Giang giành danh hiệu Á khôi 1…
Đặc biệt, ước mơ của Giang đã thành hiện thực khi là người dẫn chương trình khiếm thị đầu tiên trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
M.C
Theo Dân trí
Chàng trai khiến Lại Văn Sâm kinh ngạc ở Siêu trí tuệ: 'Tôi làm toán rất ẩu'
Tạo được ấn tượng mạnh tại Siêu trí tuệ Việt Nam, chàng sinh viên 19 tuổi của Đại học Bách Khoa đã có những chia sẻ với VietNamNet về cuộc sống, việc học và quá trình tham gia Siêu trí tuệ Việt Nam.
Phần thi của Việt Hoàng ở Siêu trí tuệ Việt Nam:
Thí sinh Việt Hoàng đã gây bất ngờ với phần thi xuất sắc ở Siêu trí tuệ Việt Nam. Chàng trai 19 tuổi tham gia thử thách 'Bách khoa siêu ô chữ' với đề bài lắp 25 cụm từ với lượng từ khác nhau, ở nhiều lĩnh vực khác nhau và các ô chữ có sẵn, trong tổng số 50 cụm từ mà 25 cụm từ còn lại là gây nhiễu.
Sau 3 phút 42 giây, Việt Hoàng nhớ hết 50 dữ kiện của chương trình và gây sốc khi thực hiện phần thi mà không cần nhìn vào màn hình. Chàng trai 19 tuổi đã nhận được số điểm tuyệt đối là 140 điểm.
VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Việt Hoàng sau phần dự thi đáng chú ý của mình:
- Cuộc sống của Việt Hoàng thay đổi ra sao sau khi lên sóng Siêu trí tuệ Việt Nam?
Sau khi phần thi của tôi lên sóng, cuộc sống của tôi cũng có một vài sự thay đổi. Tôi nhận được sự quan tâm nhiều hơn của mọi người từ trên mạng xã hội cho đến ngoài đời, và cũng có nhiều bạn ở trường Đại học đến chúc mừng và xin chụp ảnh.
Điều đáng nhớ nhất với tôi chính là quá trình trước khi tôi bước lên sân khấu, khi mà tôi bắt đầu phần thi thì đồng hồ đã điểm 4h sáng. Lúc ấy, tôi phải rất cố gắng để giữ được sự tỉnh táo cho trí não của bản thân.
Thí sinh Hà Việt Hoàng chiến thắng thử thách ở Siêu trí tuệ Việt Nam với 140 điểm.
- Bạn có thể chia sẻ điều gì để khán giả dễ hình dung nhất nếu nói về lượng thông tin bạn nhớ được và bao quát được ở các lĩnh vực?
Thực ra, như tôi đã nói, chúng ta dù có thông thái đến đâu thì vốn kiến thức của chúng ta cũng chỉ như một hạt cát trong vũ trụ. Vì vậy, chắc là ở lĩnh vực nào tôi thích thì tôi sẽ nhớ nhiều, còn không thì tôi cũng chỉ nhớ một vài điều cơ bản, thậm chí, tất nhiên sẽ có những chủ đề mà tôi "mù tịt". Cuốn bách khoa toàn thư của tôi vẫn còn nhiều thiếu sót lắm.
- Thời gian bạn dành cho việc xem xem, nghe, đọc một ngày ra sao và cách lưu và nhớ thông tin của bạn như thế nào?
Tôi dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu kiến thức qua sách báo hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, khoảng 2 tiếng/ngày. Tôi chủ yếu tìm hiểu kiến thức khi có hứng, vì khi đó tôi cảm giác sẽ dễ dàng nhớ và tư duy hơn.
- Việc học ở trường ĐH Bách khoa liệu có phải không quá khó khăn với một người có năng lực xử lý thông tin tốt như bạn?
Ngược lại ấy chứ, tôi thấy khá khó (cười lớn). Môi trường học tập ở Bách khoa rất khắc nghiệt, đòi hỏi sinh viên phải cố gắng không ngừng để tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ từ các giảng viên cũng như hệ thống giáo trình của trường. Mọi kiến thức bạn học được ở đây đều phải đảm bảo sự chính xác tuyệt đối, vì vậy đối với tôi thì việc học tốt ở Bách khoa cũng là một thử thách không hề dễ dàng.
- Ngoài công việc học tập, Việt Hoàng có những sở thích, thói quen hoạt động nào?
Tôi thích xem những chương trình về kiến thức như Đường lên đỉnh Olympia, Đấu trường 100, Ai là triệu phú,... để trau dồi thêm vốn hiểu biết của bản thân. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên tham gia thể dục thể thao, ra ngoài chơi với bạn bè hay chơi game để có thể thư giãn sau những giờ học căng thẳng.
Việt Hoàng gây sốc vì giải "Bách khoa siêu ô chữ" mà không cần nhìn đề bài.
- Theo dõi các thí sinh của Siêu trí tuệ Việt Nam các tuần qua, bạn ấn tượng với thí sinh nào nhất?
Tôi rất ấn tượng với bé Gia Hưng. Tôi cũng là một người rất thích tư duy toán học, tuy nhiên lại rất ẩu, vì vậy những tài năng tính nhẩm với độ chính xác cao và tốc độ xử lý nhanh như Gia Hưng làm tôi cảm thấy thực sự ngưỡng mộ.
- Ngoài đời, bạn có gặp những người có những tố chất đặc biệt như mình?
Tôi cũng rất may mắn khi có nhiều người bạn mà tôi đánh giá họ còn 'khủng' hơn cả tôi nữa. Tôi học được họ rất nhiều, từ tư duy logic, tư duy toán học cho đến sự chăm chỉ rèn luyện. Bật mí một chút, tôi cũng có một người bạn sẽ chuẩn bị xuất hiện tại sân khấu Siêu trí tuệ Việt Nam.
- Đẩy thử thách lên một mức độ khó cao hơn, bạn muốn chứng minh khả năng của người Việt không thua kém người nước ngoài. Vậy với quán sát của bạn với các đại diện Siêu trí tuệ ở các nước, bạn ấn tượng nhất với những ai và vì sao?
Trước đây, tôi từng theo dõi Siêu trí tuệ của Trung Quốc, và tôi thực sự ấn tượng với 3 cái tên, 2 của Trung Quốc và 1 của Nhật Bản. Đó là anh Vương Phong, anh Vương Dục Hoành và bé Rinne Tsujikubo. Họ làm được những điều mà tôi cảm thấy gần như là không thể, và tôi thần tượng họ.
- Với năng lực của bản thân, mục tiêu của bạn trong việc học cũng như công việc sau này là gì?
Mục tiêu gần của tôi chắc chắn vẫn sẽ là hoàn thành thật tốt chương trình học tại ĐH Bách khoa. Tôi cũng sẽ tìm kiếm những cơ hội để trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhằm hoàn thiện bản thân, đồng thời nếu có cơ hội để phát triển thêm khả năng chắc chắn tôi sẽ thử.
Trần Mặc - Thúy Vân
Theo vietnamnet
Vì sao không nên ăn cơm nguội? Nhiều thông tin cho rằng việc sử dụng cơm nguội thường xuyên có thể dẫn tới ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày. Thực hư điều này ra sao? Ảnh minh họa. Tín đồ của cơm nguội, chị Thúy Hường - 45 tuổi, Hà Nội cho biết bản thân chị hầu như ngày nào cũng ăn cơm nguội...