Bạch hầu dễ bị nhầm thành viêm họng: Phân biệt 2 bệnh này như thế nào?
Bạch hầu và viêm họng, viêm amidan đều có thể gây sốt, xuất hiện giả mạc ở trong miệng. Tuy nhiên, nếu để ý chúng ta vẫn có thể nhận diện căn bệnh truyền nhiễm này thông qua các triệu chứng điển hình.
Bạch hầu dễ bị nhầm thành viêm họng: Phân biệt 2 bệnh này như thế nào?
Thời gian vừa qua, Việt Nam đã xuất hiện một số dịch bạch hầu, tập trung ở khu vực Tây Nguyên và khu vực phía nam. Cụ thể, trong tháng 6, chúng ta đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đăk Sor, huyện Krông Nô và 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.
Một bệnh nhân bị bạch hầu đang được điều trị tại TTYT
Trong đó có 1 bệnh nhi 9 tuổi đã tử vong do biến chứng và 1 bệnh nhi khác được Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận đang trong tình trạng nguy kịch, được mở khí quản, đặt máy tạo nhịp.
Bạch hầu không lây lan mạnh như Covid-19 nhưng lại có tỉ lệ tử vong cao
Trên thực tế, theo đánh giá của ThS.BS Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh bạch hầu điều trị không quá khó nếu được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, đúng phác đồ, đúng thuốc.
ThS.BS Trần Duy Hưng, Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Tuy nhiên, trong trường hợp người dân chủ quan, không điều trị, bệnh bạch hầu lại có tỉ lệ tử vong tương đối cao, từ 5% đến 10%. Đáng chú ý, nếu người bệnh mắc bạch hầu thể tối cấp thì có thể tử vong chỉ trong thời gian 24-48 tiếng, và đây cũng là thể bạch hầu nguy hiểm nhất.
Nếu điều trị khi tình trạng đã diễn tiến nặng, thì bệnh cũng rất khó chữa vì có nhiều biến chứng. “Biến chứng đáng sợ nhất của bệnh bạch hầu là độc tố của bạch hầu gây viêm cơ tim dẫn đến tử vong. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị biến chứng tổn thương thần kinh, viêm dây thần kinh”.
Tiêm vắc xin là giải pháp hiệu quả để bảo vệ chúng ta khỏi bệnh bạch hầu
ThS.BS Trần Duy Hưng cũng cho biết thêm rằng, điều kiện khí hậu ít tác động đến bệnh bạch hầu, nguy cơ mắc vi khuẩn bạch hầu ở cả nam và nữ là như nhau. Bệnh hay gặp ở tuổi thiếu nhi, đặc biệt là trẻ từ 1-7 tuổi. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể mắc bệnh.
Phát hiện sớm giúp điều trị hiệu quả, vậy làm sao để nhận diện bạch hầu?
Đối với bạch hầu, việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò then chốt đối với hiệu quả điều trị. Khó khăn ở chỗ những dấu hiệu cảnh báo ban đầu của bệnh bạch hầu lại khá tương đồng với một số bệnh thường gặp như cảm, cúm và đặc biệt là viêm họng hạt, viêm amidan. Tuy nhiên, theo ThS.BS Trần Duy Hưng, nếu để ý kỹ, chúng ta vẫn có thể nhận ra một vài triệu chứng đặc trưng của căn bệnh truyền nhiễm này: “Điểm khác biệt của bạch hầu so với viêm họng hạt hay viêm amidan là nó gây ra tình trạng nhiễm độc, nên có những tập triệu chứng riêng”.
Bệnh nhân bạch hầu sẽ có giả mạc ở vùng hầu họng màu xám, rất dai, rất khó bóc tách ra khỏi niêm mạc và nếu cố tình bóc tách có thể gây ra máu
Cụ thể, tình trạng nhiễm độc do bạch hầu gây ra sẽ khiến da xanh tái, người mệt mỏi. Nếu bệnh nhân là trẻ em sẽ có hiện tượng biếng ăn, quấy khóc, li bì. Đáng chú ý, bệnh nhân bạch hầu sẽ có giả mạc ở vùng hầu họng màu xám, rất dai, rất khó bóc tách ra khỏi niêm mạc và nếu cố tình bóc tách có thể gây ra máu.
Ngược lại, người mắc viêm họng hạt, viêm amidan dù cũng có giả mạc nhưng rất dễ lấy ra. Đây là những triệu chứng điển hình nhất, để phân biệt bạch hầu và các bệnh thường gặp khác.
Ngoài ra, bệnh nhân bạch hầu cũng có hiện tượng sốt nhưng lại ít khi sốt cao; người bệnh có tiếng ho ông ổng, kèm theo các vấn đề về hô hấp khác như khó thở, khàn tiếng.
“Khi có những triệu chứng kể trên, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, từ đó có điều kiện chữa trị khi bệnh vừa mới ở giai đoạn đầu, hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm” – Chuyên gia nhiễm khuẩn tổng hợp khuyến cáo.
Đắk Nông tăng cường xét nghiệm để ngăn bệnh bạch hầu lây lan
Sở Y tế Đắk Nông và các địa phương đang tập trung rà soát, ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan trên diện rộng sau khi xuất hiện ba ổ dịch tại tỉnh này...
Cụm dân cư có ổ dịch đang được cách ly - Video: A.KHOA
Ngày 25-6, ông Hà Văn Hùng - phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông - cho biết địa phương đang tập trung rà soát, ngăn chặn bệnh bạch hầu lây lan trên diện rộng, đồng thời tổ chức dập 3 ổ dịch tại tỉnh này.
Theo ông Hùng, hiện nay ngành y tế tập trung nhân lực, vật lực tổ chức kiểm tra, khám sàng lọc tất cả các khu dân cư của người Mông sinh sống để ngăn chặn ổ dịch mới.
Ngoài các ổ dịch tại huyện Krông Nô và xã Quảng Hòa, Đắk R'măng (huyện Đắk Glong) đang được tập trung sàng lọc, kiểm tra để dập dịch, sở cũng cử cán bộ y tế đến các xã Quảng Sơn và Đắk Som (Đắk Glong) để điều tra, truy dấu vết các trường hợp liên quan.
Sở Y tế Đắk Nông lấy mẫu các cụm dân cư để ngăn chặn bệnh bạch hầu - Ảnh: TR.TÂN
Đến nay, tại hai xã này, Sở Y tế Đắk Nông đã lấy mẫu gần 150 trường hợp để đem đi xét nghiệm, nếu có trường hợp nghi ngờ hoặc dương tính với bệnh bạch hầu sẽ triển khai các biện pháp ngăn chặn.
Cũng theo ông Hùng, đến chiều 25-6, số ca dương tính với bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh là 12 người, trong đó có 1 bé gái tử vong, số còn lại đã và đang điều trị. Có 20 người tại 3 ổ dịch nghi ngờ có khả năng nhiễm bạch hầu đang được theo dõi, điều trị cách ly tại các bệnh viện.
Sở cũng đã lấy mẫu gần 750 người tại 3 ổ dịch và đến nay số dương tính vẫn 12, âm tính 550 người và còn 182 mẫu chưa có kết quả.
Tại các ổ dịch vẫn đang được cách ly theo quy định - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Hùng thông tin thêm ngoài việc phun hóa chất khử trùng, tiêu độc tại các địa phương có ổ dịch, sở cũng tiến hành lấy mẫu đi xét nghiệm. Bên cạnh đó, tại tất cả các cụm dân cư tại Đắk Glong và Krông Nô đang được tầm soát để ngăn chặn bệnh lây lan.
"Tại các địa phương khác, thực tế ngành y tế chưa đủ nhân lực để khám sàng lọc, kiểm tra. Tuy nhiên, tất cả các địa phương đều có các trạm y tế nên đơn vị cũng yêu cầu các địa phương tổ chức sàng lọc, kiểm tra để ngăn chặn bệnh lây lan trên diện rộng", ông Hùng nói.
Ngành y tế Đắk Nông phun hóa chất sát khuẩn tại các khu dân cư tại xã Quảng Hòa, Đắk Glong - Ảnh: TR.TÂN
Vì sao bệnh bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông? Vì sao tại Đắk Nông lại xuất hiện nhiều ca bệnh bạch hầu như vậy? Liệu đây có phải là hệ quả của trào lưu anti vaccine hay không? Liên quan đến các ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, đến nay, đã ghi nhận 12 trường hợp dương tính với bệnh này, trong đó 1 bé gái 9 tuổi ở xã...