Bắc Từ Liêm đề xuất xây trụ sở quận bằng tiền đấu giá đất
Lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm muốn đấu giá đất khu tái định cư Kiều Mai và khu S1 để có tiền xây trụ sở quận và hàng loạt công trình hành chính công.
Tại cuộc họp với lãnh đạo Hà Nội sáng 10/4, ông Đỗ Mạnh Tuấn, Chủ tịch quận Bắc Từ Liêm cho biết, hệ thống hạ tầng giao thông của quận chưa phát triển, nhiều công trình hành chính công cần được đầu tư. Hiện còn thiếu trụ sở quận, trụ sở 4 phường Đức Thắng, Xuân Tảo, Phú Diễn, Cổ Nhuế 2 và 13 đồn công an các phường cùng nhiều trường học, trung tâm văn hóa thể thao, trạm y tế. Các công trình này cần hoàn thành xây dựng vào năm 2017.
Trong khi đó, nguồn thu ngân sách của quận chỉ bằng 1/4 tổng nguồn thu ngân sách huyện Từ Liêm trước đây.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định tập trung nguồn lực đầu tư cho 2 quận mới thành lập. Ảnh: Đoàn Loan.
Theo ông Lê Văn Thư, Bí thư quận Bắc Từ Liêm, quận này vốn được quy hoạch là một trung tâm hành chính, thương mại, đối ngoại, có nhiều khu đô thị lớn như Tây Hồ Tây, Thành phố giao lưu… Do vậy, hạ tầng khung với 3 dự án lớn là một đoạn đường Tây Thăng Long, Hoàng Quốc Việt kéo dài, đường từ Đại học Mỏ đến Phạm Văn Đồng cần hoàn thành năm 2014. Ông Thư đề nghị tiền sử dụng đất của các dự án trên địa bàn là 11.700 tỷ trong năm nay cần được bố trí cho các dự án này.
Ngoài ra, Bí thư quận đề nghị đấu giá đất tại khu tái định cư Kiều Mai diện tích 2,2 ha. Khu Kiều Mai có 4 lô đất đã quy hoạch xây cao từ 9 đến 17 tầng, nhưng chưa xây dựng. Để có thể đấu giá, lãnh đạo quận đề nghị thành phố cho điều chỉnh quy hoạch thấp tầng.
Cùng với đó, ông Lê Văn Thư đề xuất đấu giá đất khu S1 rộng 30 ha, nằm trên trục đường Tây Thăng Long kéo dài từ khu đô thị Tây Hồ Tây đến vành đai 3,5. Dự kiến, trụ sở quận Bắc Từ Liêm sẽ đặt tại đường Văn Tiến Dũng gần khu vực này.
Trụ sở tạm của quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Minh Minh.
Đề xuất của lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm nhận được đồng tình của lãnh đạo các ngành. Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Giám đốc Sở Tài chính, thành phố đã đầu tư 90 tỷ đồng để hoàn thiện khu trụ sở tạm của quận Bắc Từ Liêm. Cơ sở vật chất các phường đã được huyện Từ Liêm đầu tư cơ bản ổn định. Năm nay, Bắc Từ Liêm thu ngân sách được 817 tỷ đồng, chi hơn 500 tỷ nên số tiền dư để đầu tư là khó khăn. Trong bối cảnh đó, quận sẽ lấy nguồn thu từ đất đai là chính.
Video đang HOT
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã biểu dương lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm tự tìm nguồn vốn đầu tư, không trông chờ từ ngân sách thành phố. Ông cũng yêu cầu các sở ngành bằng mọi giá phải huy động nguồn lực để ưu tiên đầu tư cho 2 quận mới, để thay đổi diện mạo đô thị và nâng cao đời sống người dân.
Ông Thảo cũng yêu cầu lãnh đạo Bắc Từ Liêm triển khai ngay kế hoạch năm, phải tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
“Năm đầu tiên thành lập quận, nếu kế hoạch kinh tế xã hội mà không đạt thì rất buồn, đời sống người dân không tăng. Tôi rất lo và muốn xuống ngay xem lãnh đạo quận làm gì”, ông Thảo nói.
Theo VNE
KTS Lê Văn Lân: Tiếc cho Cung thiếu nhi Hà Nội
Dù đã ở tuổi 80 nhưng Kiến trúc sư Lê Văn Lân vẫn còn rất minh mẫn và đầy tâm huyết, trăn trở với những công trình kiến trúc của Thủ đô, trong đó đặc biệt là công trình Cung thiếu nhi Hà Nội mà ông được giao thiết kế từ khi miền Bắc còn đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Sau khi có thông tin Hà Nội sẽ xây dựng Cung thiếu nhi mới ở quận Cầu Giấy, Kiến trúc sư Lê Văn Lân đã có cuộc nói chuyện với TS về công trình mang đầy tính lịch sử này của Thủ đô.
Kiến trúc sư Lê Văn Lân, người thiết kế Cung thiếu nhi Hà Nội - ảnh: Tuệ Khanh
- Được biết ông là người đã thiết kế ra Cung thiếu nhi Hà Nội, một "ngôi nhà" đã gắn kết với rất nhiều thế hệ tuổi thơ của thiếu nhi Thủ đô, xin ông chia sẻ đôi điều về việc ra đời ngôi nhà tuổi thơ đặc biệt này.
Công trình này được nghiên cứu thiết kế vào cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và được xây dựng ngay sau đó. Bấy giờ thiếu nhi Hà Nội đi sơ tán chưa về hết, dân số Hà Nội cũng chẳng đông như hiện nay, nhưng lãnh đạo Thành phố đã thấy các cháu thiếu nhi bị thiệt thời nhiều quá, việc sinh hoạt vui chơi học tập của các cháu ở ngoài nhà trường là rất cấp thiết. Trên cơ sở của khu Ấu trĩ viên có từ thời Pháp thuộc, chúng tôi được giao nhiệm vụ thiết kế một Câu lạc bộ thiếu nhi cho quận Hoàn Kiếm, nơi có vị trí trung tâm của Thành phố lúc bấy giờ, với tính chất là một cơ sở sinh hoạt mang tính khu vực.
Cũng vào lúc này, nhà nước và Thành phố cũng chuẩn bị cho xây dựng một Cung thiếu nhi có quy mô lớn và đồng bộ hơn ở khu Vườn Bách Thảo với sự trợ giúp thiết kế và đầu tư của Liên Xô. Đồ án này sau đó chỉ dừng lại ở khâu thiết kế sơ bộ.
Công trình xây dựng xong, được Thành phố đặt tên là Nhà văn hóa thiếu nhi Hà Nội. Từ đấy, nó trở thành nơi lui tới của đông đảo các thế hệ thiếu nhi Thủ đô, cũng là nơi thăm viếng và tiếp xúc của nhiều đoàn khách và bè bạn nước ngoài, từ cấp nguyên thủ quốc gia cho tới những hội đoàn quần chúng. Là cơ sở nghiên cứu về phương pháp trong hoạt động vui chơi của trẻ em, lan tỏa và trao đổi kinh nghiệm tới nhiều địa phương trong nước, nơi để các em vui chơi, chơi mà học. Nơi để phát hiện và ươm mầm những tài năng cho mai sau - theo lời Bác Hồ dạy, mà sẵn sàng.
Từ ngày đất nước đổi mới, nơi đây được mang tên Cung thiếu nhi Hà Nội.
Cung thiếu nhi Hà Nội, nơi ươm mầm tài năng của nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô - ảnh: Tuệ Khanh
- Gần 50 năm qua, kỷ niệm nào về Cung thiếu nhi Hà Nội khiến ông nhớ nhất?
Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng nổi lên trên tất cả là tình cảm của các cấp lãnh đạo thành phố Hà Nội ngày ấy với các cháu. Chiến tranh vừa kết thúc, công việc thì bộn bề, có ai quên được Chủ tịch Thành phố Trần Vỹ hàng sáng trước giờ tới Ủy ban vẫn có mặt ở công trường để theo dõi và động viên công nhân xây dựng. Rồi buổi chiều, sau khi rời Ủy ban hay trở về từ ngoại thành, ông lại qua công trường đốc thúc, ngắm nghía có lúc đến cả nửa tiếng đồng hồ. Ông sờ nắn từng chi tiết và các ô cửa bằng sắt... rồi ông yêu cầu gọi thợ làm ô tô đến để mài, đánh giấy ráp và bả ma tít cho thật nhẵn trước lúc sơn...
Những tình tiết đó nay kể lại, có người có thể thấy có cái gì đó chưa "chuyên nghiệp", nhưng tất cả thực sự đều rất cảm động. Cả công trường cũng như những anh chị em thiết kế chúng tôi, tất cả đều cuốn hút vào cái sôi nổi và nhiệt tình đó. Hà Nội của chúng ta những năm tháng ấy là thế.
- Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng Cung thiếu nhi mới tai Quận Cầu Giấy, ý kiến củ ông về kế hoạch này thế nào?
Tôi không rõ về kế hoạch này lắm, nhưng việc có được một Cung thiếu nhi mới là rất đáng mừng bởi nhu cẩu cho sự nghiệp chăm sóc bồi dưỡng thiếu nhi là rất lớn. Tất nhiên, ngoài một cơ sở chính, luôn cần những cơ sở phụ trợ hoặc phân cấp, được bố trí tới nhiều địa điểm khác nhau trong toàn thành phố. Có vậy, phụ huynh và các cháu mới dễ tiếp cận và tạo nên sự bình đẳng trong cộng đồng.
- Còn với Cung thiếu nhi hiện nay thì sao, thưa ông?
Từ lợi thế về vị trí và cảnh quan, truyền thống phát hiện và ươm mầm tài năng, nơi từng lưu giữ những hình ảnh về Đảng, Nhà nước và Lãnh tụ, lại có một cơ sở vật chất hoàn chỉnh và chuyên biệt cho các cháu, tôi nghĩ rằng Thành phố chắc rồi sẽ tiếp tục sử dụng một cách hiệu quả nhất đối với công trình, có sự trân trọng như với một địa chỉ văn hóa đã gắn bó với người Hà Nội, chắt chiu hình thành trong những thời khắc thật đáng ghi nhớ.
Cũng đúng như nội dung phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội 2030, tầm nhìn 2050, đã xác định Cung thiếu nhi hiện nay nằm trong số những công trình kiến trúc Thành phố sẽ giữ lại lâu dài. Và tất nhiên, là để sử dụng cho các cháu thiếu nhi.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Cung thiếu nhi này hiện nay đã xuống cấp và quá sập xệ?
Bất kỳ công trình nào, dù vừa xây, không giữ gìn, sử dụng tùy tiện đều sẽ nhanh chóng sập xệ, nói gì với công trình sử dụng đã bốn năm chục năm. Dùng mà không sửa chữa, dùng mà ngăn chia cơi nới tùy tiện thì có gì nữa đề mà bàn luận?
Đây là một công trình hiện đại, giá trị kiến trúc và hiệu quả sử dụng cho tới nay chưa dễ những công trình xây mới vượt qua. Tôi thật sự cảm kích về ý kiến của Chủ tịch Thành phố Nguyễn Thế Thảo khi xem đồ án cải tạo ngôi nhà này vào 3 năm trước do Thành đoàn Hà Nội lập, với đầy những đập phá và đắp điếm phù phiếm, đã chỉ thị: Phải giữ nguyên trạng kiến trúc cũ, không xây thêm mà phải phá bỏ các chỗ cơi nới... Tiếc là mọi việc đến nay đều chưa được thực hiện.
- Ngày nay, khi đi qua Cung thiếu nhi, thấy người ta bán cà phê giải khát, cảm giác của ông thế nào?
Buồn, và vô cùng sốt ruột. Các cháu thiếu nhi chắc cũng vậy, nhất là còn phải nghe cả tiến "zô, zô" của người lớn. Các cháu thì đã có chỗ giải khát và điểm tâm riêng của mình rồi, dù có đưa kem để dỗ thêm bọn trẻ, cũng chẳng có cháu nào vui được với cách kinh doanh quá trớn ấy. Một môi trường sư phạm cơ mà!
- Nếu muốn gửi gắm một thông điệp cho lãnh đạo Thành phố, ông sẽ nói gì?
Tôi chỉ mong các em nhỏ luôn được hạnh phúc, được hưởng những điều tốt đẹp nhất. Vì các cháu mà nhiều khó khăn người lớn có thể làm được bằng nhiều cố gắng và hy sinh mà vui vẻ vượt qua.
- Xin cảm ơn Kiến trúc sư.
Tuệ Khanh - (thực hiện)
Theo_VnMedia
Hai quận mới phải đảm bảo kỷ luật công vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ ngay khi quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm chính thức đi vào hoạt động. Theo đó, Chủ tịch UBND lâm thời 2 quận khẩn trương kiện toàn, sắp xếp tổ chức, cán bộ các phòng, ban, đơn vị, UBND các phường theo đúng chỉ...