Bác sỹ Mỹ trả lại xương cánh tay cho người lính Việt sau 47 năm
Một người lính cụ Hồ đã “đoàn tụ” với cánh tay của mình 47 năm sau khi được một bác sỹ người Mỹ tháo rời vì bị hoại tử vào năm 1966.
Ông Nguyễn Quang Hùng nhận lại xương cánh tay do bác sỹ Sam Axelrad, 74 tuổi, lưu giữ suốt 47 năm qua.
Ông Nguyễn Quang Hùng, một người lính tham gia kháng chiến chống Mỹ, đã được bác sỹ quân y người Mỹ Sam Axelrad tháo rời cánh tay vào năm 1966 vì bị hoại tử sau khi trúng đạn. Vào một ngày tháng 10/1966, ông và tiểu đội trinh sát của mình bị rơi vào ổ phục kích của địch ở khu vực cách thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai khoảng 75km. Sau khi bơi qua sông và trú ẩn trong trong một kho gạo 3 ngày, ông đã được trực thăng Mỹ chuyển đến trại y tế của bác sỹ Axelrad ở Phú Cát, Bình Định, trong tình trạng nguy kịch, buộc phải tháo rời tay.
Người bác sỹ đó đã lưu giữ xương cánh tay suốt những năm qua, để nhớ về việc làm tốt của mình đối với một binh sỹ ở bên kia chiến tuyến trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Năm 2012, ông đã bắt đầu hành trình tìm kiếm lại “chủ nhân” của cánh tay. Và ngày hôm qua 1/7, ông đã trở lại Việt Nam, trả xương cánh tay đó cho người lính đã được ông giúp đỡ, hiện sống ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
“Tôi rất vui khi được gặp lại ông ấy và có lại được một phần cơ thể của mình sau gần nửa thế kỷ”, ông Hùng cho hay.
Bác sỹ Sam Axelrad, 27 tuổi, cùng xương cánh tay đã được tháo rời của ông Hùng vào năm 1966.
Video đang HOT
“Xương cánh tay này của tôi là bằng chứng cống hiến cho chiến tranh của tôi. Tôi sẽ giữ nó trong ngôi nhà này…trong tủ kính”, ông nói và ông hi vọng cánh tay sẽ giúp ông có thể được một chút trợ cấp thương binh, do hồ sơ quân ngũ của ông đã bị mất.
Và khi lìa xa cõi đời này, ông muốn được chôn cùng xương cánh tay của mình.
Ông Hùng kể lại, sau ca phẫu thuật ông đã ở lại trại quân y của ông Axelrad 8 tháng để dưỡng thương và ở lại thêm 6 tháng nữa hỗ trợ cho các bác sỹ ở đó. Sau đó, ông phục vụ trong các đơn vị y tế ở địa phương cho đến hết chiến tranh rồi làm việc trong một thập niên trong cơ quan chính quyền địa phương trước khi về hưu, trở về với ruộng vườn.
Còn về phần bác sỹ Axelrad, ông cũng “vui mừng không tả” khi trả lại được cánh tay cho người lính ở bên kia chiến tuyến năm xưa. “Khi tôi tháo tay cho ông ấy (vào năm 1966), đội ngũ bác sỹ của chúng tôi đã lấy cánh tay, bỏ phần thịt đi và nối xương lại với nhau bằng dây đúng như cũ và sau đó họ đưa lại cho tôi”, ông nói. “Khi tôi rời Việt Nam 6 tháng sau, tôi không muốn vứt cánh tay đó đi. Tôi đã để nó vào va li và mang về nước. Và tất cả những năm sau đó, cánh tay này ở trong nhà tôi.”
Năm 2011 ông đã trở lại Việt Nam và cố gắng tìm người lính mà ông đã tháo tay năm xưa, hành động mà sau này ông cho rằng giúp đưa đến “đoạn kết”, một đoạn kết có hậu. Một nhà báo ở Việt Nam đã viết về câu chuyện của ông và ông Hùng đã đọc được. Khi được biết ông có thể lấy lại cánh tay của mình, ông “đã thực sự không thể tin nổi”.
“Tôi không thể tin một bác sỹ Mỹ lại giữ lại cánh tay bị hoại tử của tôi, bỏ phần thịt, sấy khô và mang về nhà lưu giữ trong suốt hơn 40 năm”, ông cho hay.
Ông Hùng nhận thấy mình là người “vô cùng may mắn”, so với rất nhiều đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường năm xưa.
Theo Dantri
Hơn chục ca bệnh nhập viện vì vi khuẩn "ăn thịt người"
Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận hơn chục ca bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra năm 2010-2011. Tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng chưa có trường hợp nào bị bệnh cảnh giống như một số ca bệnh ở Mỹ từng ghi nhận.
"Bệnh lạ" gây hoại tử da, thịt
Bị loài vi khuẩn này tấn công, người bệnh bị nhiễm trùng huyết và vi khuẩn "ăn" dần mô mềm của người bệnh. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vi khuẩn "ăn" gây hoại tử toàn bộ vùng da cánh tay, cẳng chân...
Một nam giới 55 tuổi tại Mỹ đã tử vong sau khi bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công vào cánh tay và chân phải của bệnh nhân khiến nhiều người hoảng sợ. Thế nhưng đây không phải là một căn bệnh lạ. Thực tế, bệnh nhân bị loại vi khuẩn"ăn thịt người" Aeromonas hydrophila tấn công - một loại vi khuẩn sống trong môi trường nước ngọt, nước lợ.
Tại Việt Nam cũng đã ghi nhận hơn chục ca bệnh do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra, tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng chưa có trường hợp nào bị bệnh cảnh giống như một số ca bệnh ở Mỹ từng ghi nhận.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Tú Anh
Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương trong thời gian 2 năm 2010 - 2011 đã tiếp nhận 10 ca bị nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila. Cả 10 bệnh nhân đều là nam giới ở các độ tuổi khác nhau.
Trong 10 trường hợp được ghi nhận năm 2010 - 2011 thì đến 7 ca không xác định được yếu tố phơi nhiễm. 3 ca còn lại thì có tiếp xúc với nước bẩn và ăn hàu sống. Trong số này có 7 bệnh nhân có xơ gan, nhập viện với các biểu hiện sốt, vàng da, vàng mắt tăng dần và 3 bệnh nhân còn lại là những người khỏe mạnh, chỉ có khởi đầu là sốt, tiêu chảy rồi nhanh chóng đi vào tình trạng hoại tử lan rộng trên da và các tổ chức, sốc và suy đa phủ tạng.
Mới đây nhất, bệnh nhân P.V.T (40 tuổi, Thái Bình) được chuyển đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ngày 12/4 trong tình trạng sốc nặng, viêm hoại tử lan tỏa khắp cánh tay bên trái. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, một ngày sau đó xuất hiện sưng nề cẳng tay trái rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp cánh tay và lên vai. Sau khi điều trị 10 ngày bệnh nhân thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm khuẩn huyết nhưng do hoại tử toàn bộ da cánh tay bên trái nên được chuyển đến Viện bỏng quốc gia để ghép da.
Tổn thương hoại tử da tay của bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydropila. Ảnh: BS Nguyễn Trung Cấp.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Bệnh nhân này có các biểu hiện lâm sàng hoàn toàn giống với các trường hợp bệnh nhiễm vi khuẩn Aeromonas hydropila nhưng vì bệnh nhân đã dùng kháng sinh nên quá trình xét nghiệm đã không thấy sự hiện diện của vi khuẩn này".
"Tại Viện đã ghi nhận một số ca nhiễm Aeromonas hydropilia với biểu hiện đặc trưng gây hoại tử vùng cổ, ngực, chân tay... nhưng không phải thể bệnh đã phát hiện trên nhiều bệnh nhân ở Mỹ", BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
Nguy cơ tử vong cao
BS Nguyễn Trung cấp cho biết, Aeromonas là họ vi khuẩn gram âm, nằm trong họ Vibrionaceae. Chúng là những vi khuẩn phổ biến trong tự nhiên, thường có trong môi trường nước bề mặt và thường gây bệnh cho các loài cá, tôm và động vật lưỡng cư. Chúng có thể gây tiêu chảy ở người khi ô nhiễm nước uống do ngoại độc tố giống độc tố cholera toxin của vi khuẩn tả. Ngoài ra chúng có thể gây các bệnh khác ở người như nhiễm trùng mô mềm, nhiễm trùng huyết, và các ổ nhiễm trùng khu trú. Tuy nhiên vi khuẩn Aeromonas hydrophila rất ít gây bệnh ở người.
Đến nay yếu tố lây nhiễm vi khuẩn này vẫn chưa được xác định. Trong 10 ca bệnh ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thì có tới 7 trường hợp không xác định được yếu tố phơi nhiễm, 3 trường hợp còn lại được xác định do tiếp xúc với nước bẩn và ăn hàu sống (1 bệnh nhân lội cống nước thải, 1 bệnh nhân có làm việc ở khu vực nước ngâm bè tre nứa, 01 bệnh nhân bị ngạnh cá làm rách da và có ăn hàu sống), các bệnh nhân này đều có viêm mô mềm, hoại tử da ở chân, tay, sưng nề vùng vết thương xây sát. 1 bệnh nhân trong số đó còn bị nhiều vết phỏng nước, hoại tử lan rộng lên cả vùng ngực, bụng.
Tuy ít gặp ở người nhưng nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila là thể bệnh rất nặng, trước đây, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân nhiễm trùng huyết do Aeromonas hydrophila có thể tới gần 100%. Thực tế, trong 10 ca bệnh tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương chỉ có 3 ca được cứu sống, 7 ca còn lại đều tử vong.
"Hơn nữa, vì là bệnh lý hiếm gặp nên người ta ít nghĩ đến bệnh do nguyên nhân này, vì thế, dễ bỏ qua trong khi bệnh lại diễn tiến rất nhanh, bệnh nhân hoại tử nhiều, dễ sốc nặng dẫn đến suy đa tạng, đe dọa tử vong cho người bệnh. Còn khi được phát hiện sớm, được điều trị kháng sinh sớm sẽ có đáp ứng tốt. Tuy nhiên, dù có khỏi người bệnh vẫn có thể chịu nhiều di chứng do hoại tử các tổ chức" BS Cấp nói.
Các chuyên gia khuyến cáo, nhiễm khuẩn huyết do Aeromonas hiếm gặp ở người, nhưng không vì thế mà chủ quan với căn bệnh này. Để phòng bệnh, nên hạn chế tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nhất là khi trên cơ thể có vết thương. Những người phải làm việc thường xuyên trong môi trường nước bẩn, tốt nhất nên có trang bị phòng hộ phù hợp. Nếu có dấu hiệu sưng nề, hoại tử ở vùng có vết thương sau khi tiếp xúc nước bẩn cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Theo Dantri
Một nạn nhân trong vụ xe khách lộn nhào đã tử vong Chiều 13/5, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết: "Bệnh nhân Võ Minh Hồng ( 44 tuổi ở, xã Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) bị tai nạn giao thông nhập viện sáng cùng ngày đã tử vong do chấn thương sọ não". Bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Út- Chuyên khoa II - Khoa Thần kinh -...