Bác sĩ Việt Nam thâu đêm cứu chữa nạn nhân vụ vỡ đập thủy điện
Ngay sau khi xảy ra vụ vỡ đập thủy điện tại Lào, đoàn bác sĩ Việt Nam gồm 18 người đã có mặt tại tỉnh Attapeu. Suốt những ngày qua, các y, bác sĩ Việt Nam đã túc trực 24/24h tại trung tâm dã chiến để kịp thời thăm khám, cấp cứu những người dân nước bạn đang gặp nạn.
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy và kéo theo đó là trận “đại hồng thủy”, hàng ngàn người dân từ 6 bản vùng hạ du thủy điện đã đổ về trung tâm huyện Samasay tránh lũ.
Ghi nhận của PV Dân trí tại Lào, trường THPT Sanamxay (huyện Sanamxay, tỉnh Attapue) là một trong 5 điểm tập kết nạn nhân vụ vỡ đập thủy điện. Tại đây có hơn 500 người dân bị trôi mất nhà cửa, tài sản…
Trước tình trạng ngập lụt, khả năng dịch bệnh sẽ lây lan, Chính phủ Lào đã huy động nhiều đội ngũ y, bác sĩ các khu vực lân cận về hỗ trợ tại các khu dã chiến. Một đoàn bác sĩ Việt Nam thuộc Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai cũng đã mang theo nhiều trang thiết bị, thuốc men sang Lào cắm chốt điểm trường Sanamxay nhằm kịp thời hỗ trợ người dân gặp nạn.
Các bác sĩ Việt Nam giúp khám chữa bệnh cho người dân vùng xảy ra lũ lụt.
Bác sĩ Nguyễn Thành Công – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược HAGL, Chỉ huy trưởng đội bác sĩ – cho biết: “Đoàn có 18 người gồm bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng xuất phát theo đường bộ và có mặt tại Attapeu vào ngày 25/7. Đoàn mang theo 100 liều thuốc tiêu độc khử trùng, 500 cơ số thuốc chủ yếu là thuốc đau bụng, tiêu chảy. Đoàn được bố trí ở tại một điểm trường sát trung tâm huyện Sanamsay, nơi tập kết hơn 1.500 người dân Lào bị nạn.
Người già, trẻ em và phụ nữ được ưu tiên khám chữa bệnh và cấp phát thuốc.
Theo bác sĩ Công, địa điểm tập trung người dân bị nạn không có nước sinh hoạt, không có khu vệ sinh. Đoàn đã đề nghị phía nước bạn cho giãn dân để tránh lây lan dịch bệnh và hỗ trợ tiêu độc khử trùng. Sau khi ổn định, đoàn bác sĩ Việt Nam đã tiến hành thăm, khám cho hơn 500 người, cấp cứu, mổ cho hơn 30 người bị thương tích trong đợt lũ.
Video đang HOT
“Tất cả những trường hợp bị thương có dị vật đều được ưu tiên mổ tại chỗ. Những nạn nhân bị thương chủ yếu bị cây đâm vào cơ thể, mưng mủ, nhiễm trùng, có trường hợp dị vật là hạt lúa đã nảy mầm trong cơ thể. Trong số hơn 30 trường hợp bị thương, được mổ thì có 8 trường hợp được chuyển về BV đa khoa tỉnh Attapeu tiếp tục điều trị. Có trường hợp người dân vào cấp cứu với vết thương bị cây sặc đâm vào ngực, vết thương sưng mưng mủ”, bác sĩ Công cho biết thêm.
Gần 3 ngày trôi qua, nhóm bác sĩ Việt Nam đã túc trực 24/24h tại vùng dã chiến. Có những trường hợp người bị nạn bị thương đã được bác sĩ Việt Nam phẫu thuật tại chỗ, kéo dài đến hơn 23h đêm. Việc ăn uống đoàn cũng tự chủ với phương châm không làm phiền nước bạn. Đoàn bác sĩ chủ động mang theo mì tôm, lương khô, nước. Sau mỗi ngày làm việc, đêm về, đoàn trải chiếu, áo mưa ngủ trực chiến tại chỗ. Khi người dân cần đến thì bác sĩ sẽ tổ chức thăm khám, cấp cứu ngay.
Khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho bà con huyện Sanamxay
Bên cạnh đó, hàng trăm cán bộ nhân viên, các tổ chức đoàn thể, tình nguyện viên… tham gia tiếp nhận, phân phối quần áo, chăn màn, nước lọc, đồ ăn… chất lên xe đưa đi vào các bản làng bị ngập lụt. Hàng nghìn người đang tạm trú tại các trường học ở trung tâm huyện được cung cấp lương thực, nước uống đầy đủ, có y bác sĩ khám bệnh, cấp thuốc, hướng dẫn cách ăn ở hợp vệ sinh, gìn giữ môi trường, đề phòng dịch bệnh. Ngoài lực lượng y tế tại chỗ, người dân còn nhận được sự trợ giúp từ các tỉnh bạn và quốc tế.
Theo Dân Trí
Vỡ đập thủy điện ở Lào: Tường trình từ một điểm tập kết người bị nạn
Hàng nghìn người bị mất nhà cửa và tài sản trong vụ vỡ đập thủy điện ở Lào hiện đang được "nhét" vào đúng nghĩa trong các khu tập kết là trường học, trụ sở chính quyền để sống tạm qua ngày. Còn tương lai, đến chính quyền địa phương còn chưa có thời gian để nghĩ đến tương lai nào cho họ cả.
Trưa 27.7, phóng viên Lao Động có mặt tại Trường THPT Sanamxay (huyện Sanamxay, tỉnh tỉnh Attapue, Lào). Đây là một trong 5 điểm tập kết nạn nhân của vụ vỡ đập thủy điện trước đó. Có khoảng 700 người dân bị trôi mất nhà cửa, tài sản... đang lánh nạn ở đây - ngôi trường chỉ có 40 phòng, trung bình mỗi phòng chứa từ 50-60 người.
Đập vào mắt chúng tôi là... biển người chen chúc. Không khí ở đây, ngay lúc này, không còn nghe gì khác ngoài mùi người và xú uế bốc lên từ các nhà vệ sinh, trong đó một lượng lớn là nhà vệ sinh dã chiến vừa được dựng lên.
Người dân chờ nhận thực phẩm bên ngoài điểm trường Sanamxay. Ảnh: Đình Văn
"Không còn cách nào khác, chúng tôi đúng nghĩa là bị nhét vào đây, cứ chỗ nào còn trống thì họ nhét người vào...", anh Khăn Bon - người dân ở bản Thạ Hỉn nói với phóng viên Lao Động. "Chúng tôi không còn gì khác ngoài bộ đồ đang mặc trên người. Nhà cửa, tài sản... sau bao nhiêu năm tích cóp giờ đã bị cuốn trôi theo đập thủy điện", anh Khăn Bon ôm mặc khóc.
Người dân sống co cụm trong từng phòng của điểm tập kết. Ai nấy thẫn thờ, mệt mỏi và hoang mang, bàng hoàng sau những gì đã xảy ra. "Nước dâng lên nhanh quá và trước đó chẳng ai thông báo cho chúng tôi biết về việc đập bị vỡ cả. Chúng tôi chỉ kịp và may mắn chạy thoát thân. Nhiều người thân của tôi không may mắn, giờ có lẽ đã chết hoặc đang mất tích đâu đó", anh Khăm Bột ở bản Hạ Thỉn - người vừa ra viện hôm qua do nước xô đập vào cây bị đa chấn thương - nói.
Hai bố con anh Choi (bản May) thẫn thờ khi tài sản, nhà cửa bị cuốn trôi hoàn toàn. Ảnh: Đình Văn
"Lúc đó hoảng loạn lắm" - anh Khăm Bột nhớ lại. "Người bị nước lũ xô đẩy trôi theo dòng nước, có người bám vào bất cứ thứ gì có thể bám bên đường, người thì leo lên cây, người ôm trụ điện, người chạy không kịp thì leo lên nóc nhà.
Khoảng 17h sáng ngày 23.7, nước lũ đồ về bản Hạ Thỉn. Đến khoảng 9-10h đêm, chúng tôi được giải cứu. Nhưng cũng có người phải chờ đến sáng đến hôm sau. Trong lúc chờ đợi, chúng tôi được trực thăng rải thức ăn là lương khô. Sau đó, ca nô len lỏi vào từng nhà để cứu người".
Tại các điểm tập kết như ở đây, người dân hàng ngày được cung cấp thức ăn nấu sẵn cùng bánh kẹo, nước uống. Hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước (Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore,...) cũng đổ về đây rất nhiều, máy bay, xe chở hàng cứu trợ liên tục lên xuống, vào ra... nhưng có vẻ như vẫn không đáp ứng đầy đủ nhu cầu quá lớn của người dân.
"Ở đây đang quá tải một cách nghiêm trọng, chúng tôi đang thiếu nước sạch, thiếu ăn, không có chỗ để ngủ, vệ sinh thì phải xếp hàng chờ đợi vì ở đây quá đông người. Không biết chúng tôi còn có thể chịu đựng được cảnh này được bao lâu nữa...", vẫn lời anh Khăn Bon.
Điểm trường Sanamxay đang quá tải vì quá nhiều người. Ảnh: Đình Văn
Đặc biệt tại điểm trường THPT Sanamxay, bên ngoài có rất nhiều lều bạt dạng quân đội để người dân và đội cứu trợ ở. Tuy nhiên, lúc này, trời đang mưa to nên người dân chẳng ai chịu ở trong bạt mà chấp nhận chen chúc nhau trong các căn phòng. "Chúng tôi sợ nước lắm rồi" - anh Choi, người dân bản May, nói trong khi ôm chặt đứa con trai ngoài 3 tuổi của mình.
Tại điểm tập kết, có 3 góc để lực lượng quân y cấp thuốc y tế, khám chữa bệnh. Bác sỹ quân y Kết Vi Lay có mặt tại điểm trường Sanamxay nói hai bệnh chủ yếu trong thời điểm này là ỉa chảy (do vệ sinh, nguồn nước, ăn uống thiếu thốn và loét chân (do ngâm và lội bùn nhiều khi chạy lũ). "Chúng tôi đang điều trị cũng như cấp phát thuốc để người dân phòng chống dịch bệnh nên hy vọng là điều tồi tệ sẽ không xảy ra", bác sĩ Kết Vi Lay nói.
Bác sĩ quân y đang khám chữa bệnh chjo người dân. Ảnh: Đình Văn
"Chúng tôi sợ lắm rồi, chúng tôi sẽ không bao giờ quay về chốn cũ nữa" - đó là câu cửa miệng của nhiều người dân đang tạm trú ở điểm trường Sanamxay nói với phóng viên Lao Động. Họ bảo nguyện vọng lớn nhất bây giờ của họ là Đảng và Chính phủ Lào cần tìm cho họ một chỗ ở mới có ruộng, nhà ở cùng ít vật dụng cơ bản để họ bắt đầu xây dựng cuộc sống mới đúng nghĩa. Và quan trong hơn cả là nơi ở mới sẽ không bao giờ bị nước lên do vỡ đập thủy điện như thảm họa Sepien - Senamnoi đầy ác mộng với họ.
Gương mặt thẩn thờ của người dân vì những gì đã xảy ra và tương lai bất định phía trước. Ảnh: Đình Văn
Nhưng đó là chuyện của tương lai bởi chính quyền lúc này đang tập trung toàn lực cho việc lo thức ăn, nước uống, thuốc men... cho hàng ngàn người đang lâm cảnh "màn trời chiếu đất" cùng việc tìm kiếm 130 người mất tích hiện vẫn đang dở dang.
ĐÌNH VĂN (TỪ ATTAPEU - LÀO)
Theo Laodong
Kịp thời hỗ trợ người Việt gặp nạn trong vụ vỡ đập thủy điện ở Lào Ngày 27/7, ông Đào Văn Hiếu - Tổng Lãnh sự quán nước CHXHCN Việt Nam tại Pakse (CHDCND Lào) thông tin, hiện 15 người Việt Nam tại vùng huyện Samaxay (tỉnh Attapeu - Lào) và các huyện lân cận đang an toàn. "Một số người Việt bị lũ cuốn trôi nhà cửa thì chúng tôi đã ủng hộ hàng cứu trợ và tiền...