Bác sĩ tuyến trung ương thay phiên “cắm chốt” tại bản
GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cam kết trong 2 năm liên tục sẽ luôn đảm bảo có 3 bác sĩ nội trú “cắm chốt” tại BV đa khoa huyện Mường Khương ( Lào Cai).
Luân phiên 3 bác sĩ “cắm chốt” tại viện
Triển khai Dự án đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu Nhi khoa tại BV Đa khoa huyện Mường Khương, trong hai ngày cuối tuần qua, đoàn bác sĩ BV Nhi Trung ương đã bàn giao 3 bác sĩ nội trú giỏi về làm việc tại BV Đa khoa Mường Khương trong 3 tháng liên tiếp, đồng thời tổ chức khám bệnh từ thiện, cấp thuốc miễn phí cho hơn 1000 trẻ em trên địa bàn.
GS.TS Lê Thanh Hải khám bệnh cho học sinh trường THCS xã La Pan Tẩn.
GS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trải qua hành trình 6 – 7 tiếng ngồi trên xe đến Mường Khương, rồi vượt đường dốc núi lên xã vùng cao La Pan Tẩn, các bác sĩ càng thấm thía sự vất vả, mạo hiểm khi phải di chuyển một bệnh nhi.
“Chỉ từ Mường Khương đến TP Lào Cai, để chuyển được một bệnh nhi bệnh nặng, trong tình trạng cấp cứu đã là rất khó khăn, còn để về đến Hà Nội còn căng thẳng bội phần, đe dọa tính mạng người bệnh trên đường chuyển viện. Vì thế, chúng tôi đặt mục tiêu và quyết tâm sẽ phối hợp để hỗ trợ, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho trẻ em tốt ngay tại địa phương, làm sao chuyên môn đạt như tuyến Trung ương”, GS Hải khẳng định.
Theo đó, BV Nhi Trung ương đã tập trung công tác chỉ đạo tuyến, thực hiện đề án 1816, đề án 585 góp phần nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở.
Như với đề án 585 đưa bác sĩ trẻ về vùng cao, lần đầu tiên Bộ Y tế phát động có 7 bác sĩ được đào tạo, trong đó BV Nhi Trung ương có 5 bác sĩ. Năm 2017 BV Đa khoa Mường Khương đã tiếp nhận 2 bác sĩ từ đề án này, trong đó có bác sĩ Trần Thị Loan chuyên khoa I Nhi.
Ông Phạm Hồng Việt, Giám đốc BV Đa khoa Mường Khương cho biết, trong 15 tháng làm việc tại đây, ngoài công tác khám chữa bệnh cho trẻ em trên địa bàn, BS Loan đã thực hiện và triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật mới như: Đặt nội khí quản sơ sinh; cấp cứu ngừng tuần hoàn xử lý sốc giảm thể tích; nuôi dưỡng tĩnh mạch sơ sinh; tham mưu triển khai xét nghiệm đông máu cơ bản tại bệnh viện; thành lập phòng khám Chuyên khoa Nhi tại khoa Khám bệnh…
Ông Việt chia sẻ thêm, bác sĩ Loan đã trở thành “bác sĩ biết tuốt” với nhiều người có con nhỏ trong địa bàn bởi sự năng nổ, nhiệt tình, chuyên môn tốt, đã cứu chữa nhiều ca bệnh trước đây vốn phải chuyển tuyến.
Tại BV Đa khoa huyện Mường Khương trung bình mỗi ngày khoảng 40 – 50 trẻ đến khám. Số điều trị nội trú luôn duy trì mức cao, khoảng 50 trẻ/ngày.
Video đang HOT
3 bác sĩ nội trú giỏi của BV Nhi Trung ương sẽ làm việc liên tục trong 3 tháng tại BV Đa khoa huyện Mường Khương.
GS Lê Thanh Hải khẳng định về lâu dài bệnh viện sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngay tại chỗ. Các bác sĩ BV Nhi Trung ương về “3 cùng” cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, để chuyển giao, đào tạo ra những bác sĩ, điều dưỡng trưởng thành, trình độ đạt như tại BV Nhi Trung ương.
Trong 2 năm liên tiếp BV Nhi Trung ương sẽ điều luân phiên, 3 tháng một đợt sẽ có 3 bác sĩ làm việc liên tiếp tại BV Đa khoa Mường Khương.
“Bên cạnh đó tiếp tục triển khai phòng kết nối trực tuyến với bệnh viện Nhi Trung ương. Qua hệ thống này, ngoài tham gia hội chẩn trực tuyến những ca khó, còn có giờ giảng cố định theo từng chuyên đề do các bác sĩ BV Nhi Trung ương đảm nhiệm. Tôi đánh giá việc đào tạo, chuyển giao ngay tại địa phương không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho đồng nghiệp mà mang lại hiệu quả rất tốt, nâng cao tay nghề bác sĩ. BV Nhi Trung ương sẽ có trách nhiệm đề nghị Bộ Y tế, Bộ giáo dục chứng nhận chương trình đào tạo từ xa”, GS Hải cho biết.
Ông cũng khẳng định BV Nhi Trung ương sẽ hỗ trợ cao nhất, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đến “cắm chốt” và giảng dạy. Nhưng cốt lõi, quan trọng nhất vẫn là nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Hơn 1000 bệnh nhi được khám, phát thuốc miễn phí
Cũng trong đợt này, đoàn BS BV Nhi Trung ương đã thực hiện khám miễn phí trong 2 ngày, tại BV Đa khoa Mường Khương và tại xã La Pan Tẩn cách trung tâm huyện 30km.
Ths. Lê Xuân Tùng – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thực hiện chương trình Khám và tặng quà, phát thuốc miễn phí cho các trẻ em vùng cao của huyện Mường Khương, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã thăm khám và cấp phát thuốc, tặng quà cho hơn 700 trẻ em của xã La Pan Tẩn và 350 trẻ em của thị trấn Mường Khương.
Tổng giá trị kinh phí của chương trình khoảng trên 150 triệu từ nguồn kinh phí của Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ đã tiến hành khám sàng lọc các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, tim bẩm sinh, da liễu, suy dinh dưỡng, ngoại khoa cũng như một số bệnh lý khác. Nhiều bệnh lý cấp tính như viêm đường hô hấp được phát hiện và được tư vấn điều trị kịp thời.
GS Hải khám cho bệnh nhân mắc chứng run tay, không thể cầm bút vững và đề nghị đi khám chuyên sâu về tim mạch, BV Nhi Trung ương sẽ hỗ trợ khám bệnh.
Một số bệnh lý về tim bẩm sinh, thần kinh cũng được các bác sĩ tư vấn chuyển tuyến để khám chuyên sâu. Được biết, các hoạt động thiện nguyện như tổ chức các đoàn thăm khám sức khỏe và tặng quà cho trẻ em các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn luôn được lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện cho Đoàn thanh niên của Bệnh viện thực hiện nhằm giúp các thầy thuốc trẻ của bệnh viện có cơ hội được trải nghiệm, cống hiến vì sức khỏe cộng đồng.
Trung bình mỗi năm đoàn Thanh niên của Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức khoảng trên 20 lần các hoạt động thiện nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại vùng sâu, vùng xa.
Dưới đây là một số hình ảnh bác sĩ BV Nhi Trung ương thực hiện khám chữa bệnh từ thiện tại Mường Khương, Lào Cai:
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm học sinh đã tập trung ở sân trường để được khám bệnh.
GS.TS Lê Thanh Hải trao quà của BV đến trường THCS La Pan Tẩn.
Bài và ảnh: Hồng Hải
Theo Dân trí
Nghịch lý bệnh viện tuyến trên yếu chuyên môn hơn tuyến dưới
Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nhưng chất lượng chuyên môn không bằng tuyến quận huyện trong khi việc chuyển tuyến vẫn phải đi từ dưới lên trên. Bộ Y tế cho rằng cần phân tuyến phù hợp hơn để đảm bảo tính công bằng cho hệ thống các bệnh viện.
Tại Hội thảo "Góp ý xây dựng thông tư phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám, chữa bệnh" diễn ra ở TPHCM ngày 30/10, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết việc phân tuyến kỹ thuật như hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập.
Nhiều bệnh viện tuyến trên nhưng chuyên môn kỹ thuật không bằng tuyến dưới
Theo đó, từ trước đến nay, quy định phân tuyến được phân chia theo đơn vị quản lý hành chính gồm: tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã. Cả nước hiện có 1.451 cơ sở y tế được phân tuyến, phân hạng cũng như chưa được phân tuyến và phân hạng, tuyến trung ương có 4 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I có 32 bệnh viện, còn lại là các tuyến tỉnh - huyện - xã.
Theo ông Khoa: "Sự bất cập này thể hiện ở chỗ nhiều bệnh viện tuyến huyện có năng lực, kỹ thuật cao, thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến nhưng không được xếp ở mức cao hơn. Đặc biệt, các bệnh viện tuyến tỉnh, nhất là các bệnh viện chuyên khoa có nơi năng lực kỹ thuật còn thấp hơn các bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện chuyển bệnh nhân lên".
Theo ông Trọng Khoa, việc phân hạng theo một nội dung tiêu chí đánh giá và xếp mức chung cho tất cả các tuyến kỹ thuật bệnh viện là không phù hợp, vì mỗi tuyến bệnh viện có chức năng và phân tuyến kỹ thuật khác nhau. Do đó, việc phân hạng bệnh viện để làm căn cứ xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị cũng không hợp lý, thiếu sự công bằng với các bệnh viện tuyến cao hơn, thực hiện những kỹ thuật cao hơn nhưng ở hạng thấp hơn.
Việc phân tuyến được để xuất chia thành 3 cấp có thể áp dụng cho cả công lập và tư nhân
Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho rằng, đã đến lúc việc phân tuyến khám, chữa bệnh phải là cơ sở để chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, xác định về chuyển tuyến. Trong mỗi tuyến sẽ dựa vào năng lực kỹ thuật và chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để xếp các bệnh viện trong mỗi tuyến thành nhiều mức khác nhau.
Việc phân tuyến được Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề xuất chia thành 3 cấp gồm: tuyến 1 là những cơ sở y tế khám chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú; tuyến 2 là những cơ sở y tế điều trị đa khoa được chia làm 2 mức là đa khoa cơ bản và đa khoa nâng cao. Tuyến 3 là tuyến cuối điều trị chuyên khoa, chuyên khoa kỹ thuật cao và chuyên khoa kỹ thuật sâu. Bộ Y kỳ vọng việc phân tuyến, phân hạng, phân tuyến kỹ thuật như trên sẽ giải quyết những bật cập, đảm bảo tính công bằng, có thể áp dụng cho cả y tế công lập và tư nhân.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Rau cài răng lược hiếm gặp kèm theo băng huyết làm mẹ con sản phụ suýt mất mạng Mang thai ở tuần thứ 37, sản phụ bị rau tiền đạo bám mặt trước, rau cài răng lược hiếm gặp, chảy máu ồ ạt đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con. Chị Nguyễn Thị Thắng (SN 1988, ở Hạ Long, Quảng Ninh) mang thai con thứ 3 ở tuần thứ 37, nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng nhiều....