Bác sĩ trẻ “trải lòng” về nửa năm ròng trên tuyến đầu chống dịch
Khi người dân cả nước đã bắt đầu một cuộc sống “bình thường mới”, thì trên tuyến đầu chống dịch, cuộc chiến với giặc Covid-19 vẫn đang tiếp diễn.
Bác sĩ trẻ “trải lòng” về nửa năm ròng trên tuyến đầu chống dịch
Đã gần 80 ngày qua, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Người dân trên cả nước cũng đang dần quên đi sự hiện diện của Covid-19, để bắt đầu một cuộc sống “bình thường mới”.
Thế nhưng trên tuyến đầu chống dịch, cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, bởi một điều đơn giản: Dịch Covid-19 vẫn còn đó.
6 tháng ròng trực chiến trên tuyến đầu chống dịch
Khoa Virus – Ký sinh trùng hiện là nơi đang điều trị những bệnh nhân Covid-19 cuối cùng của cơ sở chống dịch tuyến đầu ở miền Bắc, và tại chuyên khoa này, cũng không khó để tìm thấy những chiến binh áo trắng đã đóng góp sức mình xuyên suốt toàn bộ cuộc chiến đã kéo dài nửa năm trời, bác sĩ Quách Duy Cường là một trong những trường hợp như vậy.
Nhìn lại chặng đường mình cùng các đồng nghiệp đã đi qua, bác sĩ trẻ này vẫn vẹn nguyên xúc cảm và ấn tượng về những thử thách, kỷ niệm đặc biệt mà cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã mang lại cho anh.
BS Cường mở đầu câu chuyện: “Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào đúng ngày tôi đang trực Tết. Tôi còn nhớ đó là những thành viên trong đoàn 5 người được công ty cử đi thực tập tại Vũ Hán, Trung Quốc”.
Bác sĩ Quách Duy Cường, Khoa Virus-Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Đối với bác sĩ này, đây cũng là giai đoạn mà anh gặp nhiều khó khăn nhất, phần vì dịch bệnh còn quá mới, các bác sĩ đều chưa thực sự hiểu hết về con virus đang lây lan với tốc độ chóng mặt và gây ra rất nhiều ca tử vong ở nước bạn, và cũng một phần là do các bệnh nhân đang bỡ ngỡ với việc phải cách ly, vẫn chưa thực sự hợp tác với các y, bác sĩ trong quá trình điều trị.
“Nhưng rồi, nhờ các kiến thức được cập nhật từng ngày từ WHO, Bộ Y tế và trực tiếp từ Bệnh viện, chúng tôi ngày càng tự tin hơn khi đối mặt với căn bệnh này, bởi chúng tôi hiểu được rằng, virus SARS-CoV-2 không phải là “bất khả chiến bại”. Bên cạnh đó, nhờ công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt, nên càng về sau, bệnh nhân lại càng hợp tác, thông cảm cho các y, bác sĩ hơn” – BS Cường chia sẻ.
Trang phục phòng hộ là vật bất ly thân của bác sĩ Cường trong suốt 6 tháng qua.
Từ những bệnh nhân đầu tiên ấy, đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận và điều trị tổng cộng 182 ca mắc Covid-19, trong đó có 180 trường hợp đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong và 2 ca dương tính còn lại cũng đã không còn triệu chứng lâm sàng.
Để có được những thành quả này là cả một hành trình gian nan của các y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, bởi đã có giai đoạn, cùng lúc nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng, phải thở máy. Đặc biệt, bệnh nhân 19 (bác gái của bệnh nhân 17) từng phải bước trên lằn ranh sinh-tử, khi 3 lần ngừng tim trong đêm.
Chạm trán với kẻ thù đáng sợ nhất
Nhìn lại cuộc chiến, BS Quách Duy Cường đánh giá virus SARS-CoV-2 là kẻ thù đáng sợ và đặc biệt nhất mà mình đã từng chạm trán: “Là bác sĩ khoa Virus – Ký sinh trùng, năm nào tôi cũng đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh, từ sốt xuất huyết, sởi, quai bị cho đến cúm A nhưng quả thực tôi chưa gặp một dịch bệnh nào đáng sợ như Covid-19!”.
Anh tiếp tục mạch chuyện: “Bệnh diễn tiến nhanh, dai dẳng và rất khó đoán trước. Có những bệnh nhân mới hôm trước khi chúng tôi thăm khám vẫn bình thường; sáng hôm sau chỉ có một chút tức ngực, khó thở; nhưng đến chiều đã phải chuyển xuống phòng hồi sức tích cực và được chỉ định thở máy ngay trong tối hôm đó”.
Với một kẻ thù mới và nguy hiểm như Covid-19, các chiến binh áo trắng phải liên tục thích ứng, hoàn thiện dần chiến thuật và kỹ năng của mình, và mỗi một vấn đề phát sinh lại là một bài học quý giá góp thêm vào kinh nghiệm chống dịch đã khiến thế giới phải ấn tượng của Việt Nam.
“Bệnh diễn tiến nhanh, dai dẳng và rất khó đoán trước” – BS Cường nhận định về Covid-19
Với BS Cường, từ lần bị sốc vì sự diễn tiến quá nhanh của bệnh, anh đã khắc cốt được kinh nghiệm phải theo dõi sát sao hơn tình hình bệnh nhân để kịp thời cứu chữa.
Những nỗi niềm gửi về “hậu phương” từ tuyến đầu chống dịch
Suốt 6 tháng ròng trực chiến trên tuyến đầu chống dịch, BS Quách Duy Cường chỉ về nhà tổng cộng 3 tuần, được chia làm 2 đợt, còn lại toàn bộ thời gian anh làm việc và sinh hoạt ngay tại Bệnh viện cùng các đồng nghiệp của mình.
BS Cường và vợ đã có 1 bé gái kháu khỉnh 19 tháng tuổi. Cũng như nhiều bác sĩ, điều dưỡng tham gia chống dịch mà chúng tôi đã từng có dịp trò chuyện trước đây, người chiến binh can trường trước dịch bệnh này, lại có những phút yếu lòng khi kể về gia đình nhỏ của mình: “Làm việc vất vả cũng không bằng nỗi nhớ vợ con. Khi ở bệnh viện, chúng tôi chỉ có thể gặp nhau qua những cuộc gọi. Ngày đến trường đầu tiên của con, tôi cũng chỉ có thể xem qua ảnh và nghe vợ thuật lại. Chắc có lẽ không chỉ riêng tôi mà tất cả các y, bác sĩ ở lại đều đang đếm từng ngày đến khoảnh khắc được đoàn tụ với gia đình”.
Khi được chúng tôi hỏi về nguồn động lực đã giúp bản thân có thể vững ý chí trên tuyến đầu, khi mà dịch bệnh vẫn cứ tiếp tục kéo dài suốt nhiều tháng trời, vị bác sĩ trẻ này chỉ mỉm cười đáp: “Nhìn thấy Việt Nam an toàn, mọi người đã bắt đầu có thể trở lại với nhịp sống như trước kia, trong khi trên thế giới dịch bệnh vẫn rất phức tạp, chính là nguồn cổ vũ tinh thần và là phần thưởng lớn nhất của những người đang góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch như chúng tôi”.
Ứng dụng Robot mới giúp bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu
Ngày 26/6, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) trao tặng 3 Robot Ohmni cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nhằm giúp bảo vệ các bác sĩ và điều dưỡng viên ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác. Ohmni Robots có chức năng giao tiếp, chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa.
Việt Nam là một trong những nước nhiệt đới dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như H1N1, H5N1 and SARS và các bệnh xảy ra hàng năm như viêm gan A, B và sốt xuất huyết. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là bệnh viện tuyến đầu tiếp nhận các bệnh nhân mắc phải những bệnh có khả năng lây lan cao.
. Ohmni Robots có chức năng giao tiếp, chẩn đoán và điều trị bệnh từ xa.
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho đến nay Bệnh viện chỉ mới sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và cố gắng bảo vệ nhân viên y tế tốt nhất có thể được. Tuy vậy, một số bác sĩ và điều dưỡng viên vẫn có nguy cơ bị nhiễm cao vì họ tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, nhất là khi làm các thủ thuật điều trị bệnh.
Trao tặng Robot cho Bệnh viện, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bà Caitlin Wiesen cho biết: "Những Robot này cung cấp giao diện giữa bác sĩ và bệnh nhân để bác sĩ có thể chẩn đoán mà không cần tiếp xúc trực tiếp và có thể khám cho nhiều bệnh nhân cùng một lúc. Các Robot này hoàn toàn tự động và có thể điều khiển từ xa, vì vậy có thể giúp khám chữa bệnh và đào tạo từ xa. Đây là những chức năng rất cần thiết cho việc kết nối giữa bệnh viện đầu ngành và bệnh viện ở các địa phương".
Bà Caitlin Wiesen cũng nhấn mạnh: "Robot không phải để thay thế các bác sĩ và điều dưỡng viên, mà để bổ sung và bảo vệ sự an toàn của họ trong môi trường có khả năng lây nhiễm cao".
Bác sĩ Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cảm ơn UNDP đã trao tặng 3 Robot. Ông nói: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy robot loại này. Tôi nghĩ những robot này sẽ rất hữu ích đối với chúng tôi. Chức năng khám chữa bệnh không cần tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp bảo vệ các bác sĩ và điều dưỡng viên".
Bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết: "Trong đại dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh khác, chúng tôi cũng đã xử dụng các phương tiện tương tác từ xa. Tuy nhiên chất lượng hình ảnh cho đến mức độ linh động của của tương tác không cao, vì vậy chúng tôi phải thay đổi phương thức, phải tiếp xúc với bệnh nhân nhiều hơn".
Sau khi thử nghiệm các ứng dụng của Robot, bác sĩ Trần Văn Bắc chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng thiết bị mới này sẽ giúp chúng tôi giảm những tương tác mà máy có thể giải quyết được. Chất lượng hình ảnh âm thanh và khả năng điều khiển robot di chuyển gần xa, thay đổi vị trí quan sát, có thể một phần hỗ trợ chúng tôi chẩn đoán bệnh và phát hiện các triệu chứng từ xa. Robot này rất hữu ích, không chỉ ứng dụng trong dịch bệnh, Robot còn có thể giúp cho việc hội chẩn ca bệnh từ xa, đào tạo y học từ xa, và ứng dụng khám bệnh ở các vùng sâu vùng xa. Với vai trò bệnh viện đầu ngành, chúng tôi hy vọng có thể ứng dụng được nhiều hơn từ Robot mới này".
Đây là những Robot đầu tiên trong một loạt Robot do UNDP trao tặng cho các bệnh viện nhằm thử nghiệm hệ sinh thái và các ứng dụng robot, bao gồm chẩn đoán, đào tạo từ xa, phân phát các thuốc men, đồ dùng cần thiết cho điều trị Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác.
Đợt trao tặng tiếp theo vào tháng 7 sẽ là Robot BeetleBot. Sau một thời gian thử nghiệm với hai loại robot này, UNDP sẽ tổ chức các cuộc đối thoại giữa các công ty sản xuất robot, cũng như giữa các bệnh viện, các bên liên quan trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và các công ty sản xuất robot, nhằm góp phần xây dựng một hệ sinh thái robot lành mạnh tại Việt Nam.
Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện Không tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đủ mũi là đặc điểm chung của hầu hết các trường hợp viêm não Nhật Bản, mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận trong thời gian qua. Cao điểm viêm não Nhật Bản: Nhiều bệnh nhân sốt cao, hôn mê khi nhập viện Nhiều bệnh nhân viêm não Nhật Bản nhập viện...