Bác sĩ tình nguyện vào tâm dịch Covid-19: “Chọn nghề phải xứng với nghề!”
Các y bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đều rất trẻ. Tình nguyện vào tâm dịch Covid-19, họ chấp nhận hiểm nguy, kể cả việc đánh đổi tính mạng.
Xông vào chiến tuyến – Chọn nghề phải xứng đáng với nghề
Đang tất bật với nhiều ca bệnh, đội tình nguyện 18 y bác sĩ của Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não vẫn vui vẻ dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện như người thân trong nhà.
Th.s.BS. Nguyễn Thanh Long (32 tuổi) cho hay, từ lúc thông tin về Covid-19 lan truyền, lây nhiễm với tốc độ chóng mặt thì trong lòng anh đã thôi thúc phải làm một điều gì đó góp sức cùng đồng nghiệp tuyến đầu đang ngày đêm căng thẳng đối chọi với dịch bệnh.
“Đảng, nhân dân đã tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Là bệnh viện tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân Covid miền Trung, tôi biết được nguy hiểm của dịch bệnh này cũng như vai trò, trách nhiệm của bản thân trong lúc đất nước khó khăn” – BS Long chia sẻ.
BS Nguyễn Thanh Long: “Xông vào chiến tuyến để chia sẻ áp lực, khó khăn cùng đồng nghiệp ở tuyến đầu chống dịch là việc cần làm”.
Để hiểu được về căn bệnh này, tuy lệch về chuyên khoa khi ngày ngày tiếp xúc những ca bệnh từ tai nạn giao thông, về đầu, chân, tay… chứ không phải truyền nhiễm, vi sinh như các khoa trực tiếp tham gia chống Covid, BS Long đã tự học và hỏi các đồng nghiệp một số kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn như cách mặc áo quần bảo hộ, chăm sóc bệnh nhân…
Ngoài ra, ở cuộc họp giao ban hàng ngày, được Trưởng khoa và Ban Giám đốc Bệnh viện phổ biến thêm kiến thức cộng với kinh nghiệm từ đồng nghiệp đang ở khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 chia sẻ nên BS Long đã vững vàng hơn khi tích lũy trong mình cách phòng, chống Covid cho bản thân và cách chăm sóc người bệnh mắc Covid.
TS.BS. Nguyễn Thanh Long: “Tôi còn trẻ, sẽ cố gắng tất cả để thành công”
BS trẻ mới 32 tuổi này tâm sự: “Xông vào chiến tuyến để chia sẻ áp lực, khó khăn cùng đồng nghiệp ở tuyến đầu chống dịch là việc cần làm. Tôi còn trẻ, với tư tưởng ngành y xuyên suốt trong chống dịch, dù tham gia lần đầu nhưng sẽ cố gắng tất cả để thành công”.
Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. là nơi đang điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của Huế và miền Trung & Tây Nguyên
Phụ trách công việc không kém phần quan trọng là điều dưỡng cho cả khoa, nữ điều dưỡng Khoa – Phạm Thanh Huyền (31 tuổi) mang tâm lý rất thoải mái, sẵn sàng đối phó với dịch. Huyền nói: “Chuyên ngành điều dưỡng mình sẽ được áp dụng trong việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 như cách dùng thuốc, vệ sinh và theo dõi cho người bệnh. Theo mình được biết, sẽ có 3 vòng chăm sóc bệnh nhân, vòng nào cũng có điều dưỡng. Hiện tại mình đang cập nhật và học hỏi thêm kinh nghiệm các điều dưỡng đi trước.
Nữ điều dưỡng trưởng – Phạm Thanh Huyền “Đã chọn nghề thì phải xứng đáng với nghề”
Mình nằm trong đội phản ứng nhanh của bệnh viện, tâm thế luôn sẵn sàng lên đường và đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng. Mình đã thông báo cho gia đình và được gia đình và chồng thông cảm, ủng hộ. Đã chọn nghề thì phải xứng đáng với nghề. Ba mẹ biết mình có tính nhiệt huyết nên khi nghe tin mình viết đơn tình nguyện thì không can ngăn mà luôn động viên”.
“Nếu mình không làm thì không có ai làm cả”
Nam kỹ thuật viên Hoàng Anh đôi mắt ánh lên những quyết tâm và không sợ hãi trước căn bệnh chết người này. Tuổi đời trẻ, khát khao được cống hiến thể hiện rõ nơi anh: “Em không ngại lắm về công việc nguy hiểm này và luôn chấp nhận rủi ro. Nếu mình không làm thì không có ai làm cả. Nghề y là vậy, luôn tiên phong trước những hiểm nguy của bệnh tật kể cả đánh đổi tính mạng”.
Kỹ thuật viên Hoàng Anh “Em không ngại lắm về công việc nguy hiểm này và luôn chấp nhận rủi ro. Nếu mình không làm thì không có ai làm cả”
Hoàng Anh trao đổi với PV, sẽ có những đợt tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ nếu được chọn, cho nên chỉ cần mình có đủ động lực là sẽ làm được.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài (28 tuổi) cho biết thêm, lúc đầu sợ Covid-19 lắm, giờ đã đỡ hơn nhưng vẫn không chủ quan. Có bệnh viện tuyên truyền, phổ biến cho mọi người nên đã có kiến thức ban đầu về Covid-19.
“Em muốn chăm sóc cho bệnh nhân đặc biệt là người già bị nhiễm bệnh. Nhân viên y tế luôn xác định luôn đi đầu trong chống dịch thì mới làm được. Tụi em còn trẻ, còn sức khỏe ngày nào thì còn sức cống hiến cho ngành y ngày ấy”, Hoài nói.
Tranh thủ thời gian rảnh, các điều dưỡng Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não may khẩu trang để phát cho bệnh nhân
Kỹ thuật viên Hoàng Anh tâm sự, “Nếu được đi, em sẽ giữ cẩn thận cho bản thân vì người nhà luôn dặn phải kỹ càng và cẩn trọng vì căn bệnh này. Do đã xác định tư tưởng từ trước nên em vững tâm lắm. Bạn gái em nói với em “Nếu em bị Covid-19 thì vô viện có anh chăm sóc nên anh cứ đi làm thoải mái”. Câu nói cứ làm em vui mãi vì đã có người bạn đồng hành cùng mình trong những lúc hiểm nguy nhất”.
Kỹ thuật viên Hoàng Anh: “Nghề y luôn tiên phong trước những hiểm nguy”
Sau thời gian suy nghĩ và ý thức chín chắn với hành động bản thân, 18 nhân viên y tế Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đồng lòng ký tên vào đơn tình nguyện ngày 24/3 xin tham gia trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện hoặc những nơi khác. Hiện Ban Giám đốc đang duyệt đơn và sẽ chọn ra người để bổ sung thêm vào lực lượng điều trị trực tiếp bệnh nhân mắc Covid-19.
Các y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 viết đơn tình nguyện xin vào vùng “tâm dịch” Covid-19
Lá đơn tình nguyện của đội ngũ y bác sĩ xin vào “tâm dịch:” Covid-19
Trong số 18 người này, trẻ nhất 26 tuổi, lớn nhất 48 tuổi. Có người vừa lập gia đình, người còn độc thân, dù biết nhiệm vụ nguy hiểm nhưng trong ánh mắt vẫn sáng chói một quyết tâm chống dịch. Vì với họ, khi tự hào là chiến sỹ áo trắng, chính là nhận thức được trách nhiệm, vai trò tiên phong của bản thân trong giai đoạn khó khăn này đối với cả đất nước và toàn thế giới.
Khu vực cách ly – điều trị người mắc Covid-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 – “tâm dịch” đang cần những trái tim tình nguyện cháy bỏng như 18 y bác sĩ của Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não.
Đại Dương
Gặp bà mẹ 3 con có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn tự nấu 120 suất cơm ngon gửi tặng các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch corona ở Hà Nội
Hành động đẹp và ý nghĩa của chị Thanh Thủy (Đống Đa, Hà Nội) đã khiến các y bác sĩ lẫn nhiều người khác xúc động vô cùng, bởi những suất cơm do đích thân chị nấu đều rất ngon và truyền cảm hứng cho cả cộng đồng.
14 năm đi thuê nhà, kẹp nách 3 con nhỏ, bố mắc ung thư, phải làm đủ nghề để kiếm sống nuôi gia đình, song chị Thủy lúc nào cũng lạc quan và rất chăm chỉ làm từ thiện. Cứ thấy ở đâu có người khó khăn, trẻ em thiệt thòi, hoặc đồng bào gặp thiên tai, dù xa xôi đến mấy chị Thủy cũng một mình tự lái xe đến tận nơi gửi đồ tiếp tế, khi thì tấn rưỡi gạo, khi thì 30 tấn dưa, rồi 100 thùng mì tôm, quần áo, bột canh, thuốc men...
Bà mẹ 3 con Nguyễn Thanh Thủy, 35 tuổi, Hà Nội.
Là một người phụ nữ cá tính mạnh mẽ, độc lập, không giàu vật chất nhưng giàu lòng nhân ái, hơn 30 năm qua chị Thủy vẫn âm thầm làm việc tốt cho cộng đồng và chưa từng khoe với ai, bởi chị luôn nghĩ đó là việc nên làm. Tuy nhiên, khi dịch corona bùng phát tại Hà Nội, bà mẹ trẻ cảm thấy mình quá nhỏ bé, muốn kêu gọi nhiều người cùng chung tay nên chị đã chia sẻ ý tưởng vừa mới nghĩ ra, đó là nấu những suất cơm nóng gửi trực tiếp đến bệnh viện Nhiệt đới TW cơ sở 2 ở Đông Anh - nơi tiền tuyến có nhiều y bác sĩ đang ngày đêm căng mình làm việc cứu giúp cộng đồng, đẩy lùi corona.
Nghĩ là làm, Thanh Thủy tự bỏ tiền túi ra chợ mua thức ăn về để nấu cơm tặng các y bác sĩ.
Bà mẹ 3 con tâm sự: "Đó là ý tưởng mình bột phát nghĩ ra thôi, không hề có kế hoạch từ trước. Hôm qua là lần đầu tiên mình nấu, 5h sáng ra chợ đầu mối mua 100kg tôm, chuối, ốc, đậu, đêm trước đó đã nhờ bạn bè mỗi người cắm giúp 1 nồi cơm, sau đó mình tự chế biến rồi có thêm vài người phụ gói đồ, xong xuôi mình tự lái xe chở đến bệnh viện.
Mình đọc tin tức và biết là các bác sĩ ở BV Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh đang là tuyến đầu chiến đấu với dịch căng thẳng nhất, có cả cán bộ bị lây nhiễm rồi, nên mình rất muốn đóng góp chút gì đó để họ được động viên tinh thần, bồi bổ sức khỏe. Các y bác sĩ cũng mệt mỏi vì quá tải chứ, họ cũng cần được chăm sóc thì mới có sức để điều trị cho bệnh nhân.
Mình chỉ nấu được 120 suất cơm gửi tặng 5 khoa, vẫn sẽ tiếp tục nấu thêm và đổi món liên tục để các y bác sĩ có thêm những bữa ăn ngon. Toàn dân Việt Nam cảm ơn tất cả mọi người!".
Thanh Thủy mang đồ ăn đến tận tay các y bác sĩ ở BV Nhiệt đới TW cơ sở 2.
Các y bác sĩ tại BV vui vẻ nhận đồ ăn tiếp tế.
Một suất cơm có tôm rang, canh ốc chuối đậu, nước ép trái cây, sinh tố bơ.
Tất cả đều được gói ghém chu đáo, sạch sẽ.
Hành động của chị Thủy đã khiến hàng chục nghìn người xúc động, cùng chia sẻ thông tin lên MXH và ủng hộ chị rất nhiều. Một cây làm chẳng nên non, đã có thêm các nhà hảo tâm tìm đến và giúp đỡ chị Thủy nấu bữa trưa, còn bữa tối tại khoa Cấp cứu với nhiều y bác sĩ trực thường xuyên thì bà mẹ trẻ vẫn đang cần hỗ trợ, để các bác sĩ không phải ăn mì tôm hoặc nhịn qua bữa.
Ngắm những bức ảnh chụp cơm canh hết sạch, cùng lời cảm ơn của các cán bộ tại bệnh viện, chị Thủy cảm thấy rất hạnh phúc. Một buổi nấu cơm ấy có giá trị bằng tiền gốc lẫn lãi bán hàng trong 3 ngày, rồi phải lái xe đi hơn 30km tới bệnh viện, song Thanh Thủy chẳng hề phàn nàn hay mong muốn gì hơn, chị tin rằng chút ít đó không bằng với sự hi sinh tận tụy của các y bác sĩ ở bệnh viện trong thời điểm này.
Ít ai biết rằng, Thanh Thủy cũng chính là "bà chủ" của những chuyến xe 0 đồng đưa bệnh nhân ung thư về quê ăn Tết mỗi năm, nhưng do bản thân kinh tế ngày càng khó khăn nên giờ đây chị không còn đủ khả năng duy trì những chuyến xe ấy nữa. Tuy nhiên, chị vẫn làm từ thiện như bản năng của một người phụ nữ giàu đức hi sinh, những suất cơm nghĩa tình mùa corona chính là minh chứng cho tấm lòng của chị.
Ước mong của Thanh Thủy chỉ đơn giản là thực hiện những điều trong tầm tay của mình, và chị không bao giờ nói suông, chỉ xắn tay áo lên làm, chẳng cần biết bản thân được gì nhưng người khác có cơm no áo ấm là bà mẹ trẻ luôn thấy vui. Đó là món "lãi" hời nhất mà Thủy nhận được suốt 35 năm qua.
Lynk
Những chiến sĩ ẩn mặt ngày đêm chống dịch ở sân bay Đối diện dịch bệnh, làm việc xa gia đình nhiều tuần lễ, phải nghe những lời không hay... là những gì các chiến sĩ, y bác sĩ lẫn tình nguyện viên trải qua khi chặn dịch ở sân bay Nội Bài (Hà Nội). "Vợ đẻ được 20 ngày rồi tôi vẫn chưa về" Đêm muộn tại đảo hành lý sân bay Nội Bài,...