Bác sĩ thực hiện những ca ghép tạng khó nhất Việt Nam
Trong suốt cuộc trò chuyện, PGS Nguyễn Hữu Ước say mê nói về các kỹ thuật ghép tạng mà ông cho rằng đó là sứ mệnh mình được giao để hoàn thành và cống hiến cho y học Việt Nam.
Ghép tạng là kỹ thuật đỉnh cao của y học. Với kỹ thuật này, chúng ta có thể cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng chừng “vô phương cứu chữa”. Tại Việt Nam, nhắc đến ghép tạng không thể không kể đến PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch Lồng Ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Ông được xem là bác sĩ thành công nhất Việt Nam trong lĩnh vực ghép tim, phổi và phẫu thuật tim mạch phức tạp.
Ông cũng chính là người trực tiếp ghép tim cho bệnh nhi nhỏ nhất nước ta và gần nhất là hai ca ghép phổi đầu tiên. Đây là những ca ghép “kinh điển” thay đổi diện mạo ngành ghép tạng của nước ta.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước say mê nói về các kỹ thuật ghép tạng với PV. Ảnh: Hoàng Đông.
Khi giấc mơ thành sự thật: Ghép tim của người lớn cho trẻ con
- Là người thực hiện thành công ca ghép tim nhỏ tuổi nhất ở nước ta. Ấn tượng của ông về ca mổ lịch sử này như thế nào?
- Ca ghép tim đầu tiên ở nước ta là vào năm 2010. Cho tới nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là nơi ghép tim nhiều nhất cả nước (gần 30 ca); trong đó, ngày 15/3/2017, chúng tôi đã thực hiện thành công ca ghép tim cho bé trai 10 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội. Đây là ca ghép tim cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất tại Việt Nam được tiến hành với nguồn tạng hiến chết não từ người lớn.
“Ghép tạng phải chờ nguồn cho, được hay không được là do số phận, có trường hợp may mắn, có trường hợp không. Có người mới đăng ký buổi sáng, chiều đã có người cho. Có người lại mòn mỏi tới lúc chết”
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước
Bé được phát hiện bị bệnh tim với biểu hiện ho, tức ngực, khó thở, liên tục nằm hồi sức ở bệnh viện và nhờ có thuốc hỗ trợ nên mới duy trì được sự sống. Tuy nhiên, bệnh tình dần trở nặng, suy tim giai đoạn cuối, mà cách duy nhất để cứu mạng sống cho bé là phải được ghép tim.
Trong lúc bế tắc nhất thì bé trai này may mắn được một người hiến tạng phù hợp các chỉ số miễn dịch. Đây là cơ hội vàng để ghép tim cho bé vì lượng người hiến tạng rất ít. Cả nước khi đó mỗi năm chỉ có 3-4 trường hợp chết não hiến tạng. Đặc biệt, với ghép tim cho trẻ con, cơ hội tìm được người hiến phù hợp gần như là không tưởng.
- Khó khăn khi ghép tim cho bệnh nhi nhỏ tuổi so với người lớn là gì?
- Khó khăn đầu tiên là sự phù hợp về mặt kích thước tim giữa người cho (người lớn) và khoang chứa tim ở người nhận (trẻ nhỏ). Đối với ghép tim cho người lớn thì không cần đo đạc kỹ kích thước khoang chứa tim, mà chủ yếu dựa vào phù hợp cân nặng và chiều cao. Với cân nặng giữa người cho và người nhận vênh nhau dưới 20%, tức tỷ lệ cho và nhận dưới 1,2 thì ghép rất tốt; từ 1,2-1,3 có thể ghép nhưng khó khăn; 1,3-1,5 rất hạn chế chỉ định ghép; trên 1,5 được coi là không có chỉ định ghép tim.
Nhưng riêng trường hợp của bé trai này, nếu so sánh cân nặng người cho – người nhận lúc trước ghép thì vênh nhau gần gấp 3 lần (2,7 lần); còn nếu dựa vào cân nặng trước khi bé phát bệnh thì vênh nhau hơn 2,0. Trên thế giới, tỷ lệ vênh nhau trung bình trong ghép tim trẻ em là 1,5-2,0; và theo y văn thì có 1 ca lên tới mức 4,7. Vì vậy, bé Đạt vẫn có chỉ định ghép tim, nhưng với mức độ khó khá cao.
Sơ bộ có thể hiểu là quả tim của người cho có trọng lượng (kích thước) lớn hơn 2,7 lần so với khoang chứa tim của cháu bé. Vì vậy, nhóm bác sĩ tham gia phẫu thuật đã phải đo đạc, tính toán kỹ lưỡng từng chỉ số, từng vị trí khi đưa quả tim mới vào cơ thể bé trai. Khi tiến hành phẫu thuật, diễn biến ca mổ khó khăn và kéo dài gần gấp đôi so với những ca bình thường. Sau khi ghép, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức để đối phó với khả năng tim bị ép, xẹp phổi, phù phổi của bệnh nhi, cuối cùng ca ghép đã thành công.
- Để có thể thực hiện được ca ghép tim với chi phí rất lớn cho bệnh nhi này, bác sĩ chính là người huy động sự giúp đỡ của mọi người?
Video đang HOT
- Với ca phẫu thuật ghép tim này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải huy động toàn bộ nhân lực ở nhiều lĩnh vực chuyên sâu, sử dụng máy móc kỹ thuật cao với chi phí ước tính khoảng 700 triệu đồng, trong khi gia đình cháu bé chỉ lo được 1/5 số tiền đó, khoản còn lại không biết trông chờ vào đâu. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn quyết tâm thực hiện ca ghép.
Vào thời điểm đó, việc ghép tim cho cháu được tính bằng giờ, bằng phút, không thể chờ đợi. Bởi chỉ cần chậm trễ thì tính mạng cháu sẽ bị đe dọa. Nên một mặt chúng tôi tổ chức vận động, huy động nguồn lực hảo tâm của xã hội, một mặt vẫn khẩn trương tiến hành ghép tim cho cháu. May mắn là sau đó ít ngày, gia đình cháu bé đã nhận được sự giúp đỡ của những người hảo tâm mà chúng tôi huy động.
- Thực tế, không phải trường hợp nào cũng may mắn đến vậy?
- Đúng vậy. Trái tim là món quà của thượng đế, khi có lý do nào đấy buộc phải thay thế. Thực tế, có không ít người bệnh, vì bài toán kinh tế mà không thực hiện được. Ngược lại, có trường hợp chờ trong vô vọng, họ nhờ ông Ước “tìm tim cho tôi ghép”, có trường hợp cán bộ cao cấp hoặc gia đình có nhiều quan hệ, có kinh tế nhưng không tìm được, bệnh nhân chấp nhận ra đi. Hoặc lúc có người cho thì người cần ghép lại được đưa vào viện trong tình trạng quá nặng do nhiễm trùng hay các biến chứng khác, dẫn đến không thực hiện được.
Ghép tạng phải chờ nguồn cho, được hay không được là do số phận, có trường hợp may mắn, có trường hợp không. Có người mới đăng ký buổi sáng, chiều đã có người cho. Có người lại mòn mỏi tới lúc chết. Đó là sự run rủi của số phận. Bác sĩ chúng tôi chỉ là cầu nối để hiện thực hóa những số phận may mắn đó mà thôi.
- Thành công của ca ghép có ý nghĩa như thế nào với ông cũng như ngành ghép tạng nước ta?
- Sau khi thành công, tôi đã gọi điện báo cáo lãnh đạo bệnh viện và các thầy, vì họ đã mong mỏi triển khai từ rất lâu rồi. Chúng tôi đã vượt qua chính mình để thực hiện thành công, biến những giấc mơ đó thành sự thật. Tôi thấy may mắn vì trong sự nghiệp khoa học mình được thành công một số thứ, đóng góp cho ngành y, kế tục sự nghiệp các thầy và có thể chuyển giao cho các thế hệ sau.
- Những câu chuyện khiến bác sĩ không thể quên trong phòng ghép tạng?
- Riêng về phẫu thuật ghép tạng, có nhiều đặc điểm riêng khác biệt với các trường hợp phẫu thuật khác. Trong đó, quan trọng nhất là tính tổ chức và trách nhiệm. Để tiến hành ghép tạng tại một đơn vị y tế, đòi hỏi công tác tổ chức phải vận hành hết sức tốt, tập hợp được sức mạnh của toàn bệnh viện và các đối tác thì mới đạt được thành công.
Câu chuyện cảm động ở đây là tính trách nhiệm rất cao trong công việc của từng thành viên nhóm ghép tạng. Vì mỗi một sai sót nhỏ đều dẫn tới hậu quả lớn và sinh mạng của hai con người, một người có tâm hiến tạng và một người có bệnh nặng cần cứu chữa.
Do vậy, trong khi tiến hành các phẫu thuật ghép tạng, có nhiều thời điểm không khí trong phòng mổ của chúng tôi căng như dây đàn. Mọi mệnh lệnh, chỉ định đều vô cùng gay gắt và khẩn trương. Nhưng khi thành công thì mọi sự như vỡ òa, tạo cảm giác vô cùng hạnh phúc và sung sướng đối với người thầy thuốc tham gia ca ghép tạng.
PGS Ước hiện được xem là người thành công nhất Việt Nam trong lĩnh vực ghép tim và phẫu thuật tim mạch phức tạp. Ảnh: BVCC.
Chi phí hiến tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 thế giới
- Việc ghép tim cho bệnh nhân nhỏ tuổi thành công đã đưa ghép tim trở thành thường quy. Mới đây ca ghép phổi đầu tiên cũng đã được xuất viện. Giấc mơ của bác sĩ cũng đã thành hiện thực?
- Ca ghép phổi đầu tiên được thực hiện vào 12/12/2018, bệnh nhân 17 tuổi, mắc bệnh mô bào phổi (thể đặc biệt của ung thư) giai đoạn cuối và suy đa tạng rất nặng. Bệnh nhân cũng vừa được ra viện mới đây bởi quá trình theo dõi sau ghép rất nan giải.
“Có nhiều thời điểm không khí trong phòng mổ của chúng tôi căng như dây đàn. Mọi mệnh lệnh, chỉ định đều vô cùng gay gắt và khẩn trương. Nhưng khi thành công thì mọi sự như vỡ òa, tạo cảm giác vô cùng hạnh phúc và sung sướng”
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước
Đến nay, ghép phổi vẫn là một kỹ thuật ghép tạng khó nhất do phổi không giống các tạng khác, phổi là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Nếu ghép tim khó 1 thì ghép phổi khó 10. Để thực hiện ca ghép phổi, đòi hỏi các bác sĩ phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho, người nhận rất chặt chẽ. Khi đã ghép được rồi, việc chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng cũng rất khó, bởi khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao hơn các tạng khác.
- Sau thành công của ca ghép phổi đầu tiên, mới đây, ông và các đồng nghiệp cũng thực hiện thành công ca thứ 2. Điều này cho thấy chúng ta đã chinh phục được những kỹ thuật rất khó?
- Thành công của ca ghép hai phổi thứ hai tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức càng khẳng định rõ hơn năng lực của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, có ý nghĩa rất lớn trong việc động viên – khích lệ đội ngũ thầy thuốc tự tin hơn, dám nghĩ dám làm. Với hai ca ghép phổi thành công, với nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều ca ghép tim và phổi, chúng tôi tin tưởng tới đây sẽ phát triển tốt hơn nữa về các kỹ thuật và sẽ đưa ghép phổi thành thường quy như ghép tim.
- Với những thành công trong thời gian qua, ngành ghép tạng Việt Nam đang có vị thế so với thế giới?
- Chúng ta mới chỉ bước vào bản đồ ghép tạng thế giới. So với chúng ta, các nước phát triển ghép tạng rất nhiều. Nhưng chúng ta thành công ở chỗ đã vượt lên chính mình với chừng ấy cơ sở vật chất, nguồn lực. Việt Nam cũng đang tiếp cận dần và ở một số lĩnh vực chúng ta không thua kém quá xa. Ví dụ, chúng ta đã thực hiện ghép tim thường quy nhưng một số nước châu Á có năng lực kinh tế ngang hoặc hơn chúng ta, song vẫn chưa làm được, hoặc chỉ làm một số ít ca rồi dừng. Điều đó cho thấy được nỗ lực của bác sĩ Việt Nam.
So với chính bản thân mình thì Việt Nam đã có tiến bộ rõ rệt, nhưng so với quốc tế còn phải cố gắng nhiều.
Theo PGS Ước, kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam (tim, gan, thận) đã đạt mức hoàn thiện như các trung tâm lớn trên thế giới với tỷ lệ thành công xấp xỉ 100% về mặt kỹ thuật ghép.
- Bệnh nhân nước ta có thể yên tâm thực hiện ghép tạng ngay tại quê hương thay vì phải ra nước ngoài?
- Tôi chỉ kể mới đây có một bệnh nhân sang Trung Quốc chờ ghép tim suốt 3 tháng với chi phí 8 tỷ đồng nhưng vẫn chưa được ghép. Sau đó, ông mới biết ở bệnh viện chúng tôi có thể thực hiện ghép tạng rất tốt. May mắn, trường hợp này, ông lại sớm có người chết não cho tạng. Chi phí ca ghép chỉ 1 tỷ đồng. Rất thấp so với nước ngoài.
Hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Hiện tại, ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chi phí 1 ca ghép thận khoảng từ 250 – 500 triệu đồng tùy thuộc vào bệnh lý thận, bệnh phối hợp và nguồn tạng ghép. Đối với 1 ca ghép tim chi phí khoảng từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Một ca ghép gan là 1,5 tỷ đồng. Trong khi 1 ca ghép gan ở Mỹ là 15,5 tỷ đồng, ghép tim là 26,1 tỷ đồng, ghép thận là 7 tỷ.
- Tỷ lệ thành công sau ghép tim, gan, thận hiện nay là bao nhiêu? Chúng ta có tự tin tỷ lệ này cao hơn hẳn nhiều nước có nền y học phát triển trên thế giới?
- Cho tới nay, có thể nói kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam (tim, gan, thận) đã đạt mức hoàn thiện như các trung tâm lớn trên thế giới với tỷ lệ thành công xấp xỉ 100% về mặt kỹ thuật ghép. Tuy nhiên, thời gian sống sau ghép phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Hòa hợp tổ chức giữa người cho và người nhận, mức độ tuân thủ chế độ sinh hoạt và điều trị sau ghép của người bệnh, quy trình và kinh nghiệm theo dõi bệnh nhân sau ghép của các đơn vị y tế….
Với thành công này, chúng ta có thể kỳ vọng trong tương lai, bất cứ bộ phận nào trên cơ thể bị hỏng, đều có thể thay thế.
Theo Zing
Kỳ tích bệnh nhân đi lại được sau 36 giờ ghép gan
Sáng 5/9, lãnh đạo bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các y bác sỹ bệnh viện vừa tiếp tục thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt (1 ghép tim và 1 ghép gan) từ một người cho chết não tại Hà Nội.
Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin có người hiến tạng từ người cho chết não tại bệnh viện 103 (Hà Nội), lúc 22h25 ngày 30/8, bệnh viện Trung ương Huế đã cử các ê kíp đến Bệnh viện 103 để tiến hành lấy tạng.
Khi có kết quả tương thích giữa người cho với 2 người nhận (ghép tim và gan) tại Huế, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã quyết định cho phép các kíp mổ của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các kíp mổ của Bệnh viện Quân Y 103 (Học viện Quân Y) phẫu thuật lấy đa tạng hiến từ người đã chết não lúc 5h15 ngày 31/8.
Mô tạng được chuyển về bệnh viện Trung ương Huế
Quả tim và gan hiến được lấy ra khỏi cơ thể người chết não tuần tự lúc 7h40 và lúc 7h55 (với sự tính toán cẩn thận và chạy đua thời gian của kíp phẫu thuật lấy tạng, cùng với sự giúp đỡ tích cực của Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, Sân bay Nội bài, Sân bay Phú Bài, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia) vào khoảng 8h50 ngày 31/08. Đến 10h15 cùng ngày, quả tim và gan này được vận chuyển đồng thời đưa về Bệnh viện Trung ương Huế.
Hai người được ghép tạng là bệnh nhân Trần Văn T. (36 tuổi, trú Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị suy tim giai đoạn cuối vì bệnh cơ tim giãn và bệnh nhân Lê Khắc T. (52 tuổi, trú huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) bị mắc Ung thư gan.
Ngay trong trưa 31/8, toàn bộ các kíp phẫu thuật, kíp gây mê, kíp rửa tạng... đã tập trung phối hợp rất khẩn trương và nhịp nhàng để chạy đua thời gian thực hiện ghép tạng đồng thời trên 2 bệnh nhân.
Các bác sỹ ghép tạng cho bệnh nhân
Quả tim ghép của người hiến tặng đã tự đập và đảm bảo huyết động trong lồng ngực của người bệnh lúc 11h45 phút ngày 31/8, sau hơn 4 giờ thiếu máu lạnh. Lá gan ghép bắt đầu thực hiện chức năng của mình trong cơ thể bệnh nhân một cách đầy đủ sau hơn 7 giờ thiếu máu.
Cả 2 Bệnh nhân được hồi sức ổn định huyết động và chuyển về phòng hồi sức ghép tạng cùng ngày sau khi hoàn tất các công đoạn cuối cùng với các thông số huyết động, hô hấp, các chỉ số sinh hóa và huyết học nằm trong giới hạn cho phép. Chức năng quả tim và gan ghép đã hoạt động tốt.
Bệnh nhân đã hồi phục sau khi ghép tạng
Đến 7h ngày 1/9, cả 2 bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, các thông số huyết động hô hấp ổn định, các chỉ số sinh hóa và huyết học trong giới hạn. Hai bệnh nhân trong ngày đã được rút nội khí quản, ngưng máy thở, có thể vận động nhẹ để phục hồi chức năng.
Sự thành công hai ca ghép tạng xuyên Việt này là thành tích đầy ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 125 năm ngày thành lập Bệnh viện Trung ương Huế. Theo GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế, cho đến nay Bệnh viện đã thực hiện hơn 800 trường hợp ghép tạng, trong đó có nhiều bệnh nhân được ghép tạng xuyên Việt.
Đắc Đức - Xuân Nha
Theo BVPL
Kỷ lục: 21 ca ghép tạng thành công trong 1 tháng tại BV T.Ư Huế Bệnh viện Trung ương Huế đã đạt kỷ lục về ghép tạng với 21 ca ghép tạng thành công trong tháng 8, trong đó có 2 ca ghép tim, 1 ca ghép gan xuyên Việt từ người cho chết não. Ê kíp ghép tạng thực hiện đồng thời 2 ca ghép tim, gan cho 2 bệnh nhân trong ngày 31.8 - Nhật Tân...