Bác sĩ Thơm 30 năm tận tụy với bệnh nhân lao
Điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân lao, vị bác sĩ có nguy cơ nhiễm bệnh bởi ông đang mang trong mình vi trùng lao chực chờ bùng phát.
Một sáng sớm cuối năm, chúng tôi có mặt trước phòng khám lao, Trung tâm Y tế quận 8, TP.HCM. Lúc này, bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng khám lao, đang ân cần hướng dẫn người mắc bệnh lao.
Dìu đỡ, đến tận nhà thăm khám cho bệnh nhân
Không ai nghĩ người đàn ông với tiếng nói rõ ràng, sang sảng, đôi mắt tinh anh đằng sau lớp khẩu trang đã gắn bó suốt 30 năm với công việc phòng, chống căn bệnh lây nhiễm thường bị xã hội kỳ thị. Giờ đây, ngấp nghé 60 tuổi, sắp về hưu nhưng tinh thần cùng bệnh nhân chống lại căn bệnh ở ông vẫn như ngày mới bắt đầu.
Thấy một người đàn ông có người nhà mắc bệnh không mang khẩu trang, BS Thơm nghiêm mặt nhắc nhở: “Người bệnh lao rất dễ hít phải vi trùng mắc bệnh trong môi trường tiếp xúc, anh nên chịu khó đeo khẩu trang vào, mà khẩu trang phải là khẩu trang y tế, khẩu trang vải không có tác dụng nha”.
Khi buổi tư vấn kết thúc, đích thân ông phân loại bệnh nhân và dìu một bệnh nhân bị liệt ở chân, nhịp thở khó nhọc, tay cầm tập vé số vào khám trước. “Bệnh nhân có người sức khỏe kém, để chờ lâu có khi người ta xỉu tại chỗ nên mình ưu tiên cho khám trước” – BS Thơm chia sẻ.
Trong lúc đang thăm khám cho bệnh nhân, có một bệnh nhân đến muộn không nghe được buổi chia sẻ, BS Thơm tinh ý phát hiện ra liền và nhắc nhở tuần sau người này phải cố gắng tham dự buổi tư vấn.
BS Thơm nhỏ nhẹ hỏi: “ Sao anh không đến nghe tư vấn? Không nghe cặn kẽ thì khó mà tuân thủ điều trị tốt được”.
Không chỉ tư vấn người bệnh tại chỗ, sau khi kết thúc giờ làm việc, BS Thơm còn đi đến nhà của những người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân yếu liệt, không đi được để nắm bệnh tình của họ. Bệnh nhân lao có đặc thù phải chữa bệnh trong ít nhất sáu tháng, hoặc lao kháng thuốc ít nhất là hai năm.
“Trong thời gian này, không ai khác, BS là điểm tựa tinh thần cho họ. Không ai bắt mình phải đi nhưng tự bản thân mình muốn trực tiếp đến chỗ họ để xem họ có cần hỗ trợ và gặp khó khăn gì không”- BS Thơm tâm sự.
Theo chân BS Thơm, chúng tôi đến nhà cô Phạm Phương X. (21 tuổi, sinh viên một trường đại học ở TP.HCM), phát hiện bệnh lao cách đây hai tháng. X. cho biết cô điều trị bệnh ho một thời gian dài, cơ thể suy kiệt mới phát hiện ra bệnh lao.
Ban đầu X. cũng khá hoang mang vì bỗng dưng mắc căn bệnh bị kỳ thị nhưng sau khi được BS Thơm trấn an, tư vấn, giờ cô gái khá an tâm điều trị.
Gặp BS Thơm, X. liến thoắng không dứt, kể cả hỏi chuyện bổ sung sắt trong chu kỳ của phụ nữ. “Em thấy các bệnh khác, BS cho thuốc rồi bệnh nhân về uống, đâu được quan tâm như vầy. Theo điều trị BS Thơm, em rất an tâm và thấy BS rất tận tâm với nghề” – X. bày tỏ.
Video đang HOT
BS Thơm đến thăm và động viên Phạm Phương X. điều trị để chóng khỏi bệnh. Ảnh: HL
Chấp nhận bị nhiễm lao để bệnh nhân khỏi mặc cảm
Công việc của một BS phòng khám lao chắc chắn có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nhưng ít nhất BS có nhiều cách để hạn chế vi trùng xâm nhập, chẳng hạn như đeo khẩu trang. Tuy nhiên, mỗi lần đến nhà bệnh nhân, điều tối kỵ của BS Thơm là không được đeo khẩu trang nhưng ông không hề nề hà. “Những người bệnh này rất mặc cảm và không muốn cho người xung quanh biết. Cho nên mình phải giả vờ là đến với tư cách bạn bè hỏi thăm họ chứ không phải là BS nên đeo khẩu trang thì người xung quanh sẽ dị nghị, bất lợi cho họ. Còn yêu cầu bệnh nhân đeo khẩu trang, người ta đuổi mình về sao” – BS Thơm dí dỏm chia sẻ.
Niềm hạnh phúc của người đưa đò
Giống như người đưa đò, mình chở người ta qua sông, người ta quay trở lại cuộc sống bình thường là mình mừng. Nhìn những bệnh nhân mỗi khi đến với mình lạnh run, ho hen, suy kiệt cho đến khi được chữa khỏi bệnh, mạnh khỏe, vui tươi trở lại là mình cảm giác rất hạnh phúc!
BS NGUYỄN VĂN THƠM
Không rõ từ lúc nào, “cái nghề cũng là cái nghiệp”, BS Thơm nói nhẹ tênh khi tiết lộ bản thân mình đang mang vi trùng lao (tức lao tiềm ẩn nhưng chưa bùng phát thành bệnh lao – PV) thể hiện ở kết quả xét nghiệm máu cách đây không lâu. Hiểu được căn bệnh chực chờ tấn công người bệnh khi sức khỏe đi xuống, ông ngày ngày luyện tập thể thao để nâng cao sức đề kháng.
BS Thơm chia sẻ ông không nghĩ gì cao siêu hơn ngoài mang lại một sức khỏe tốt cho bệnh nhân, dù có đánh đổi đi sức khỏe của bản thân.
Mỗi năm phòng khám lao tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân, vị chi 30 năm qua, con số người đến và đi ông không tài nào đếm hết và nhớ hết. Mặc dù môi trường làm việc căng thẳng, BS và bệnh nhân đều phải đeo khẩu trang, tuyệt nhiên không tiếng cười đùa nhưng ông không lấy đó là áp lực.
Những mối duyên lành với bệnh nhân
BS Thơm nhớ nhất trường hợp cách đây 10 năm, người mẹ trẻ phát hiện lao cột sống. Sau khi sinh đôi, chị đã nằm liệt một chỗ. Khi mới xuống nhà tiếp xúc, người mẹ trẻ rất tuyệt vọng vì bỗng dưng từ một cô giáo dạy tiếng Anh, chị biến thành người tàn phế, mọi sinh hoạt phải nhờ vào tay người mẹ già. Sau thời gian ông cùng đồng hành với người mẹ trẻ, bệnh tật cũng phải chào thua. Hiện hai cô con gái đã 10 tuổi và chạy ùa gọi BS Thơm bằng tiếng “ông” thân thương mỗi khi ông ghé chơi nhà. Cũng có những người có người thân sau khi chữa hết bệnh đã quay lại phòng khám của ông và ngỏ ý hỗ trợ dinh dưỡng cho những bệnh nhân còn đang điều trị. Những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề ấy, BS Thơm nói có lẽ ông sẽ mang theo đến suốt cuộc đời.
GIA NGHI
Theo PLO
Bệnh lao hạch có nguy hiểm?
Không nguy hiểm và lây nhiễm như lao phổi, bệnh lao hạch không gây tử vong và có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, đây là căn bệnh khá phổ biến, bệnh cũng kéo dài và gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Lao hạch là bệnh thứ phát, xuất hiện sau bệnh lao ở nơi khác trong cơ thể, như lao sơ nhiễm hoặc lao phổi. Vi trùng lao sau khi vào phổi, gây tổn thương ở đây (lao phổi) rồi di chuyển tới hạch và ra gây lao hạch.
Triệu chứng của lao hạch
Nếu như ho là triệu chứng đầu tiên và quan trọng của bệnh lao phổi, thì người bệnh bị lao hạch không ho. Khi bị lao hạch, người bệnh có thể thấy mệt mỏi và sốt nhẹ. Trừ trường hợp bị bội nhiễm hoặc có kèm theo tổn thương lao ở các cơ quan khác như phổi, xương,... thì bệnh sẽ có triệu chứng nặng nề hơn. Người bệnh lao hạch có thể cũng thấy ăn không ngon, sụt cân do chán ăn...
Người bệnh lao hạch thường có hạch sưng to, thành từng chùm, từng chuỗi ở một vùng, nhiều nhất là ở cổ. Hạch sưng không đồng đều, không đau và không dính. Bề mặt da vùng nổi hạch nhẵn, sưng to như không nóng và không tấy đỏ. Hạch sưng to dần dần về mặt kích thước, khi to thì mềm ra, lúc đó hạch có thể vỡ và chảy mủ, trông giống như bã đậu, khó liền sẹo, hay rò. Nếu thành sẹo thì sẹo bị co kéo, có hình dúm dó, miệng sẹo tím như quả bồ quân.
Hạch lao phát triển qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn đầu: Hạch bắt đầu sưng to, với các hạch to nhỏ không đều nhau, chưa dính vào da và cũng chưa dính vào nên di động còn dễ.
Giai đoạn sau: Giai đoạn này chuyển sang thể viêm hạch và viêm quanh hạch. Lúc này các hạch có thể bị dính vào với nhau thành các mảng, có thể hoặc chưa dính vào da và các tổ chức xung quanh. Nếu có sẽ làm hạn chế di động.
Giai đoạn nhuyễn hóa: Các hạch mềm dần, da vùng hạch bắt đầu sưng tấy đỏ nhưng không nóng và không đau. Khi hạch đã hóa mủ thì dễ vỡ, nếu để tự vỡ sẽ gây những lỗ rò lâu liền, miệng lỗ rò màu tím ngắt, tạo thành sẹo lồi, nhăn nhúm, sùi trắng hoặc thành những dây chằng xơ.
Riêng ở thể khối u (viêm hạch lao phì đại) rất ít gặp có triệu chứng sau: Xuất hiện khối u ở cổ, một hay vài hạch nổi to, sau đó dính thành một khối lớn không đau, di động, không có viêm quanh hạch, sờ chắc. Khối u hạch to dần, chiếm gần hết vùng bên cổ khiến các hạch khác (dưới hàm, mang tai...) cũng bị phì đại. U nằm ở một bên hoặc cả 2 bên làm cho cổ như bị bạnh ra.
Phân biệt hạch và lao hạch
Bình thường các hạch của cơ thể rất nhỏ, chỉ lớn bằng hạt thóc, hạt đỗ, hạt ngô nhỏ. Các hạch mềm nằm lẫn trong các mô xung quanh, ở tổ chức mỡ dưới hay hay lẫn trong thớ cơ nên khó nhận biết.
Khi hạch đã có thể sờ nắn thấy nghĩa là chúng đã sưng to. Nếu hạch lúc sưng lúc giảm, lúc không lúc đau thì có thể là hạch viêm do nhiễm khuẩn thông thường. Nếu hạch có sưng nóng, đỏ, sờ thấy đau, mật độ mềm thì sau dùng kháng sinh, nếu hạch bớt sưng đau, kích thước nhỏ đi thì là viêm hạch do nhiễm khuẩn.
Nếu hạch cứng, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, sờ như hạt đạn chì, chân lan tỏa như rễ cây thì phải coi chừng đây có thể là hạch ung thư hoặc hạch di căn ung thư.
Nếu hạch phát triển chậm, sờ nắn không đau, mềm căng thì có thể là lao hạch.
Bệnh lao hạch có lây không?
Với lao phổi, do vi trùng lao thâm nhập vào phổi và sinh sôi, nên lao phổi là một bệnh rất dễ lây truyền giữa người sang người thông qua đường hô hấp. Những người bị bệnh lao phổi, hoặc lao thanh quản, phế quản, khi ho sẽ khạc ra vi khuẩn lao có trong những hạt nước bọt li ti, hoặc các hạt bụi nhỏ. Những người tiếp xúc với bệnh nhân lao sẽ dễ dàng hít vào và gây bệnh tại phổi.
Không giống như lao phổi, trường hợp bệnh nhân lao hạch, do vi khuẩn lao chỉ khu trú trong hạch gây viêm và không rò rỉ ra bên ngoài, do đó, bệnh lao hạch không lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Bệnh lao hạch có chữa khỏi không?
Người bệnh lao hạch sẽ được điều trị nội khoa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và thầy thuốc chuyên khoa, uống thuốc điều trị lao hạch theo phác đồ điều trị lao liên tục trong khoảng 9 tháng là tối thiểu. Liều dùng tùy thuộc vào cân nặng và tuân theo phác đồ điều trị do bác sĩ chuyên khoa quyết định. Người bệnh cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để điều trị dứt điểm bệnh lao, tránh tình trạng vi khuẩn lao xâm nhập và gây bệnh ở những cơ quan khác trong cơ thể.
Bị lao hạch có phải mổ không cũng là thắc mắc của nhiều người. Bệnh lao hạch được điều trị ngoại khoa, phẫu thuật - mổ lấy toàn bộ hạch khi hạch hóa mủ nhưng lại không đáp ứng khi chọc dò và điều trị kết hợp với kháng sinh, hoặc là bị u lympho lao hạch, lao không thành mủ, khu trú. Mổ và nạo vét sạch mủ bã đậu ở hạch cũng là cách điều trị có hiệu quả. Tuy nhiên, việc điều trị lao hạch tốt nhất là nên điều trị bệnh lao trước khi phẫu thuật để tránh lây lan vi khuẩn lao.
Theo congthuong.vn
Bất an tỷ lệ tiêm chủng thấp Tại hội nghị tổng kết hoạt động tiêm chủng năm 2019 vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) tổ chức, Th.S-BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (HCDC), cho biết hiện trên địa bàn TPHCM có 8 quận huyện và 88 phường xã có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Trong đó, quận 8, 10, 11,...