Bác sĩ tại Mỹ phải đấu tranh để được đeo khẩu trang trong dịch Covid-19
Tại Mỹ, nhiều bệnh viện vẫn cấm các bác sĩ đeo khẩu trang tại nơi công cộng dù dịch Covid-19 đang hoành hành.
Bước ra khỏi thang máy sau khi vừa hoàn thành thủ pháp đặt nội khí quản cho một bệnh nhân 70 tuổi bị suy hô hấp nặng, bác sĩ Nikicicz phải vội vàng kéo khẩu trang lên khi nhìn thấy một nhóm người đang tiến gần mình tại hành lang bệnh viện và đó là lúc rắc rối bắt đầu.
Vài ngày sau, bác sĩ Nikicicz nhận được thông báo rằng ông có thể bị đình chỉ công tác vì Trung tâm Y tế Đại học ở El Paso, bang Texas, nơi Nikicicz làm việc có quy định cấm sử dụng khẩu trang tại hành lang bệnh viện.
Bác sĩ Nikicicz năm nay 60 tuổi, bị hen suyễn và tăng huyết áp.
“Đeo khẩu trang là rất cần thiết đối với tôi”, bác sĩ Nikicicz nói.
Sau khi không tuân thủ quy định bệnh viện, bác sĩ Nikicicz bị loại khỏi các ca trực. Ông bị đình chỉ công tác và không được nhận lương.
Bác sĩ Nikicicz, người suýt nữa bị đình chỉ công việc vì đeo khẩu trang tại hành lang bệnh viện (ảnh: NY Times)
Khi bác sĩ Nikicicz nhất quyết đòi đeo khẩu trang, ông đã nhận được tin nhắn từ cấp trên của mình, cáo buộc rằng ông đã phản ứng thái quá.
Hôm 30.3, bệnh viện thông báo rằng: “Bác sĩ Nikicicz bị loại khỏi lịch trình làm việc vì không tuân thủ quy định”.
Tuy nhiên, đến cuối ngày, sau khi bệnh viện được báo giới yêu cầu bình luận về quyết định nêu trên, bác sĩ Nikicicz cho biết, ông lại được cấp trên khôi phục công tác và giờ đây có thể đeo khẩu trang tại bất cứ nơi nào của bệnh viện.
Nhiều y bác sĩ tại một số bệnh viện khác của Mỹ cũng đang tranh cãi về việc đeo khẩu trang. Có nên đeo khẩu trang bên ngoài phòng điều trị hay chỉ cần đeo khi tiếp xúc với người bệnh?
Một số bệnh viện tại Mỹ hiện đã cho phép y bác sĩ đeo khẩu trang bên ngoài phòng điều trị, thậm chí có nơi còn bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện khác khác lại cho rằng, các y bác sĩ không cần luôn luôn đeo khẩu trang và không cho phép sử dụng khẩu trang bên ngoài khu vực điều trị.
Các bác sĩ đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Mỹ (ảnh: NY Times)
Hôm 31,3, Tiến sĩ Anthony S. Fauci, thành viên của Lực lượng đặc nhiệm phản ứng Covid-19 của Mỹ, cho biết, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) hiện còn đang cân nhắc những hướng dẫn liên quan đến việc người dân bình thường có nên đeo khẩu trang không.
Giữa lúc rối ren cùng tâm lý lo sợ lây nhiễm virus, các y bác sĩ tại Mỹ cho rằng, họ buộc phải dựa vào phán đoán của mình và tự đặt ra các quy tắc riêng. Họ sẽ đeo khẩu trang mọi lúc, bất chấp có được sự cho phép hay không.
Video đang HOT
Một số bác sĩ cho rằng, ban quản lý bệnh viện không cho y bác sĩ đeo khẩu trang chỉ vì muốn bảo vệ hình ảnh bệnh viện. Họ không muốn bị đánh giá là một cơ sở nguy hiểm với virus đầy rẫy.
Tại Seattle (Mỹ), ban quản lý của Trung tâm Y tế Swedish đã đe dọa sẽ đình chỉ vô thời hạn bác sĩ gây mê Oliver Small vì đeo khẩu trang khi đi bộ ở hành lang.
“Anh ấy bị gọi vào họp với ban quản lý bệnh viện. Họ không muốn các nhân viên trong bệnh viện lo nghĩ về vấn đề đeo khẩu trang. Chồng tôi đeo khẩu trang để phòng trường hợp anh ấy bị nhiễm Covid-19 rồi lây bệnh cho những bệnh nhân. Ban quản trị yêu cầu Small ngừng đeo khẩu trang, nếu không, anh ấy không cần tới bệnh viện nữa. Hệ thống y tế của chúng ta đang gặp vấn đề gì vậy?”, Jessica Green, vợ của bác sĩ Small, đăng trên Facebook.
Mỹ đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung y tế, đặc biệt là khẩu trang (ảnh: NY Times)
Bác sĩ Small xác nhận câu chuyện trên nhưng cho biết thêm rằng, Trung tâm Y tế Swedish sau đó đã thay đổi quan điểm về vấn đề đeo và ông cảm thấy hài lòng với kết quả đạt được. Giờ đây, Oliver Small có thể đeo khẩu trang bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào.
“Mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy hiệu quả của khẩu trang và đang cần bảo vệ nguồn lực vật tư, nhưng chúng tôi vẫn cho phép y bác sĩ được đeo khẩu trang mọi lúc, miễn là nguồn cung khẩu trang còn cho phép”, Trung tâm Y tế Swedish thông báo.
Jim Merlino, quản lý tại Phòng khám Cleveland, cho hay, ông biết việc một số bác sĩ tại bệnh viện của mình cũng như trên cả nước đang hoang mang về việc có được đeo khẩu trang hay không. Tuy nhiên, ông cho rằng điều đó là không cần thiết.
Các nhân viên khẩn trương dựng bệnh viện dã chiến tại công viên Trung tâm ở New York (ảnh: NY Times)
“Mọi người đang hoang mang và chúng ta cần truyền đi thông điệp rõ ràng: Không cần phải lo lắng, chúng tôi đang đưa ra những quyết định đúng đắn. Chúng ta phải kìm nỗi sợ hãi xuống, nếu không, chúng ta không thể sống sót qua đại dịch này”, ông Jim Merlino cho biết.
Phòng khám Cleveland cũng yêu cầu các y bác sĩ không đeo khẩu trang bên ngoài phòng điều trị.
Tuy nhiên, nhiều bệnh viện khác lại không đồng quan điểm với ông Jim Merlino. Bệnh viện Đại học Stony Brook ở Long Island (Mỹ) vừa thay đổi hướng dẫn, yêu cầu tất cả nhân viên đeo khẩu trang ở bất cứ nơi nào trong bệnh viện.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Dược sĩ người Việt kể chuyện làm việc như thời chiến tại Mỹ để giúp cộng đồng
Chưa bao giờ tôi thấy làm việc cực như lúc này, nhưng cũng chưa bao giờ thấy tự hào như bây giờ khi nhìn vào tờ giấy thông hành viết: người này cần phải đi làm bất kể giờ giấc vì công việc của họ "thiết yếu cho cơ sở hạ tầng nước Mỹ".
Dược sĩ Nguyễn Nữ Phương Thảo - Ảnh: NVCC
*Bài viết ghi lại chia sẻ của dược sĩ Nguyễn Nữ Phương Thảo, tốt nghiệp tiến sĩ dược tại Đại học Washington (University of Washington), hiện sinh sống và làm việc tại khu vực Seattle, bang Washington, Mỹ.
Khu vực tôi đang sống và làm việc có khá đông người Việt. Trung bình mỗi ngày có từ 5-10% khách tới mua thuốc là người Việt. Cách đây khoảng 3 tuần là thời điểm dịch bùng phát, cũng là lúc nhà thuốc chúng tôi bận rộn nhất.
Gấp đôi công việc
Thông thường mỗi ngày chúng tôi giải quyết trung bình 150 toa (công ty thuê 4 người gồm 1 quản lý, 1 dược sĩ và 2 dược tá cho nhà thuốc cũng nhằm giải quyết số lượng toa thuốc trung bình như vậy), nhưng khi dịch bùng lên, mỗi ngày số toa thuốc cần giải quyết tăng gấp đôi mức đó.
Các loại thuốc có số lượng toa tăng cao đột biến những ngày qua là thuốc ho, thuốc kháng sinh và thuốc hydroxychloroquine. Ngoài ra, một số người bị bệnh mãn tính cũng tới mua trữ nhiều thuốc hơn để phòng tình huống chính quyền áp đặt lệnh phong tỏa, không đến nhận thuốc được.
Công việc tăng mà người không tăng, lại không muốn để người bệnh phải chờ trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, có những ngày tôi phải làm việc liên tục tới 15 tiếng không nghỉ giữa giờ.
Luật Mỹ quy định rõ là dược sĩ có quyền từ chối bán thuốc cho người bệnh dựa vào đánh giá chuyên môn, tuy nhiên dược sĩ thường giải thích cho người bệnh lý do tại sao. Bởi vậy trong những ngày qua, tôi cũng đã từ chối bán Hydroxychloroquine cho nhiều người mua để phòng bệnh, vì lúc này cần ưu tiên thuốc đó cho những người phải điều trị COVID-19.
Là dược sĩ phụ trách nhà thuốc, tôi còn phải kiểm tra tổng thể các thuốc trong đơn, đối chiếu thông tin người bệnh đã lưu. Theo quy định ở Mỹ, khi người bệnh tới, nhà thuốc phải lưu thông tin của họ để nắm được tiền sử bệnh, tình trạng sức khỏe nhằm đảm bảo thuốc an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân.
Những trục trặc về chi trả bảo hiểm cũng như các thuốc kê đơn không phù hợp cần phải được trao đổi lại với bác sĩ là hai trong những yếu tố chính làm việc xử lý toa thuốc bị chậm trễ. Tôi cũng rất áp lực mỗi khi thấy người bệnh mệt mỏi, phàn nàn vì chậm trễ.
Dược sĩ Nguyễn Nữ Phương Thảo, tốt nghiệp tiến sĩ dược tại Đại học Washington (University of Washington) - Ảnh: NVCC
Vì sao Mỹ khó kiểm soát dịch?
Có một thực tế hiện nay tại Mỹ đang rất thiếu trang thiết bị bảo hộ y tế như găng tay, áo choàng, khẩu trang. Ngay cả dược sĩ tại các nhà thuốc như tôi cũng không đeo khẩu trang. Điều này có một nguyên do rất đáng kể là chính Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng nói chỉ những người có biểu hiện bệnh mới cần đeo khẩu trang. CDC cho rằng khẩu trang là cái để ngăn người đã có bệnh lây cho người khác, còn người khỏe mạnh và không có triệu chứng không cần đeo khẩu trang.
Chính vì quan điểm này mà ngay cả trong bệnh viện, nhiều bác sĩ và nhân viên y tế cũng không đeo khẩu trang, trừ khi tiếp xúc với bệnh nhân đang bị cách ly. Tại nhà thuốc của công ty tôi, mọi nhân viên, dược sĩ đều được yêu cầu không dùng khẩu trang. Nếu với người châu Á, cụ thể như người Việt mình, việc đeo khẩu trang là chuyện rất bình thường thì với người Mỹ, việc này là tín hiệu cho thấy anh đang không khỏe, anh đang có bệnh.
Có thể nói đây là điều khiến tôi có đôi chút thất vọng về quan điểm chống dịch của chính quyền Mỹ. Trong khi ở Việt Nam, chính quyền mình đang làm quyết liệt và tốt hơn trong cách xử lý dịch COVID-19.
Tôi vẫn chủ động tự bảo vệ mình bằng cách rửa tay thường xuyên hơn và ưu tiên giải quyết nhanh nhất toa thuốc cho những người bị các bệnh do virus, vi khuẩn để họ về nhà sớm, tránh nguy cơ lây bệnh cho người khác. Chỉ tuần trước nhà thuốc chỗ tôi làm mới bắt đầu lắp thêm tấm kính chắn để tăng phòng ngừa khi ai đó ho, hắt hơi.
Để chống lại dịch bệnh COVID-19 cần có tinh thần hợp tác, chung sức rất lớn của cộng đồng. Theo tôi nhận thấy, phần nào đó nước Mỹ sẽ chống dịch khó khăn hơn, vì người Mỹ rất tôn trọng quyền riêng tư. Họ không công bố tên tuổi hay lịch sử đi lại, tiếp xúc của một người bệnh. Chuyện này bình thường là tốt, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, nó là nguyên nhân không nhỏ làm bùng phát dịch và khó kiểm soát dịch hơn.
Ngoài ra, còn một lý do nữa thuộc về quan niệm. Nước Mỹ cũng như châu Âu hằng năm cứ vào mùa thu đông đều trải qua dịch cúm. Vì năm nào dịch này cũng "đến hẹn lại lên" nên người dân không đặt nặng vấn đề, họ coi COVID-19 cũng như bệnh cúm mùa.
Trên thực tế, quan niệm này cũng còn vì những ngày đầu khi mới phát dịch, nhiều chính trị gia cao cấp cũng tuyên bố bệnh COVID-19 giống như cúm thôi.
Giấy phép thông hành dược sĩ Phương Thảo được cấp để đi lại sau khi lệnh giới nghiêm được ban hành - Ảnh: NVCC
Những chính sách thời chiến
Sau 8 năm theo học ngành dược và 2 năm đi làm tại cửa hàng dược trong cương vị quản lý tại Mỹ, lần đầu tiên tôi chứng kiến những tình huống đặc biệt như vậy trong công việc. Thực tế thì hai bác nhân viên lớn tuổi trong tiệm thuốc của tôi, dù đã làm việc cả chục năm rồi cũng nói họ chưa từng gặp những tình huống "hành xử như thời chiến" giữa thời bình trong đại dịch COVID-19.
Trước tiên phải kể tới tấm giấy thông hành chính quyền phát cho những người đang làm việc trong các lĩnh vực như nhà thuốc, bệnh viện, siêu thị.... Chưa bao giờ tôi thấy phải làm việc cực nhọc như lúc này, nhưng cũng chưa bao giờ thấy tự hào như bây giờ khi nhìn vào giấy phép thông hành viết rằng người này cần phải đi làm bất kể giờ giấc trong ngày vì công việc của họ "thiết yếu cho cơ sở hạ tầng của nước Mỹ".
Cùng với tấm giấy thông hành, tôi cũng bất ngờ khi tuần vừa rồi được nhận thêm khoản tiền "hazard pay", tiền chi trả cho môi trường làm việc nguy hiểm theo quy định của luật lao động. Đành rằng khoản tiền này không đáng kể là bao so với mức rủi ro mà những người làm việc trong môi trường này phải đối mặt, song tôi hiểu đó là một động thái biểu thị sự trân trọng, đánh giá cao của chính quyền với công việc mình đang làm.
Có một sự tự hào vì mình đang làm một việc có ích với cộng đồng, góp sức cho công cuộc chống dịch bệnh đang rất căng thẳng lúc này ở Mỹ.
D. KIM THOA
Tình cảnh ở Mỹ: Vung tiền tỷ không mua được đồ chống Covid-19 Hàng tỷ USD thuộc gói 2.200 tỷ USD mà chính phủ Mỹ phê duyệt đã được rót về các bệnh viện và tiểu bang nhằm chống dịch Covid-19. Mỹ là quốc gia chi "đậm" nhất trong cuộc chiến chống Covid-19 nhưng hiện lại đang là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh với số ca nhiễm virus nhiều nhất...