Bác sĩ sống khỏe mạnh sau nhiều năm mắc ung thư giai đoạn nặng
Sau ca mổ trực tràng do căn bệnh ung thư giai đoạn 3 cách đây 5 năm, ông Nguyễn Khắc Toản vẫn sống khỏe mạnh và hành nghề bác sĩ thú y.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Khắc Toản (63 tuổi, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh) vừa kết thúc 9 ngày nằm viện điều trị tắc ruột. Nhìn cơ thể và giọng nói đầy năng lượng của ông, ít người biết rằng đó là một bệnh nhân ung thư trực tràng.
Ông Toản chia sẻ hiện bản thân đang sống ở năm thứ 5 sau mổ, truyền hóa chất điều trị ung thư đại trực tràng giai đoạn 3. Hiện tại, mỗi ngày, ông vẫn đạp xe 4-5 km hành nghề bác sĩ thú y.
Nhớ lại những ngày có dấu hiệu cảnh báo ung thư, ông Toản cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ đau bụng, đi ngoài ra máu nhưng vẫn ngỡ mạn tính bởi nhiều lần bị, chỉ cần dùng loại thuốc đang uống là khỏi. Nhưng lần đó, tôi dùng thuốc mà vẫn bị đi ngoài ra máu. Khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tôi mới được chuẩn đoán u ác tính, ung thư đại trực tràng giai đoạn 3″.
Khi nhập viện, ông được bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa Ngoại và xạ trị (Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh) phẫu thuật và sau đó tiếp tục truyền 12 đợt hóa chất.
Từ đó đến nay, sức khỏe ông hoàn toàn ổn định, mỗi bữa ăn 2 bát cơm, ngày đủ 3 bữa và vẫn tiếp tục làm nghề bác sĩ thú y.
“Hầu như ngày nào tôi cũng đạp xe 4-5 km để đi tiêm chó ốm, rồi phối giống cho lợn. Giờ có xe đạp điện đi lại càng thuận tiện hơn. Sau này, nếu sức khỏe không còn tốt tôi sẽ vẫn bán thuốc, tiêm chó tại nhà”, ông Toản chia sẻ.
Bác sĩ Hải cho biết trước đó gần 5 năm ông Toản vào viện trong tình trạng ung thư đại tràng giai đoạn 3. Hiện tại, ông đã ổn định sau 9 ngày điều trị tắc ruột dù vào viện muộn và có tình trạng hoại tử ruột.
Video đang HOT
Nam bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh sau nhiều năm mắc ung thư giai đoạn nặng. Ảnh: T.H.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh (74 tuổi, ở Từ Sơn) bị ung thư đại tràng đang điều trị tại viện cũng cho biết bản thân đã bước sang năm thứ 5 của ung thư đại tràng. Cách đó 5 năm, ông đau bụng nhiều, sút 8-9 kg trong vòng 10 tháng nên đã ra Hà Nội khám. Bác sĩ kết luận ông bị ung thư đại trực tràng, phải phẫu thuật. Do bảo hiểm y tế tại Bắc Ninh nên ông đã quay về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chữa trị.
“Đến nay, tôi là bệnh nhân quen mặt tại khoa bởi vẫn đi tái khám như định kỳ. May mắn sức khỏe vẫn dẻo dai, điều trị gần nhà nên đi lại, chăm nom cũng thuận lợi hơn”, bệnh nhân Vĩnh chia sẻ.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thiện Hòa, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, cho biết từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K năm 2015, điều trị ung thư tại Bắc Ninh đã phát triển một bậc. Ngoài việc đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực được các chuyên gia Bệnh viện K đã giúp tay nghề của các bác sĩ tăng lên rất nhiều. Hiện tại, trung tâm thường xuyên có khoảng 250 bệnh nhân điều trị.
Theo Zing
Cô giáo ung thư đăng ký hiến tạng sau khi chết
Sáng 1/10, chị Nguyễn Thúy Hương cùng chồng đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não.
Quyết định hiến tạng không phải bồng bột mà là mong ước bấy lâu nay của chị Hương. Mang căn bệnh ung thư nhưng chị Hương vẫn sống lạc quan, mong muốn hiến một phần cơ thể giúp những bệnh nhân khác.
Chị Hương là một cô giáo tiểu học ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Năm ngoái, cô giáo 39 tuổi thấy mệt trong người, hay sốt, ho lai rai nhưng không nghĩ mình bị bệnh. Tháng 7/2017, chị Hương khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị và sau đó là Bệnh viện Chợ Rẫy, các xét nghiệm xác định chị bị ung thư phổi giai đoạn ba.
Chị Hương được mổ cắt khối u rồi tiếp tục điều trị hai tháng ở TP HCM mới xuất viện về quê. Sau đó, cứ 20 ngày chị lại phải vào TP HCM truyền hóa chất. Bốn tháng điều trị, không có kết quả khả quan.
Chị Hương đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, sáng 1/10. Ảnh: N.H.
Cuối năm 2017, các bác sĩ phát hiện chị Hương bị ung thư phổi có đột biến gen nên thay đổi phác đồ điều trị, thay thế hóa chất bằng loại thuốc mới đang giai đoạn thử nghiệm của Mỹ. Từ đó đến nay, sức khỏe chị Hương ổn định hơn, tóc mọc trở lại, tuy nhiên phải chờ một năm nữa mới xác định quá trình điều trị có hiệu quả không.
Chị Hương tâm sự, trong những ngày tháng điều trị bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chị thường xuyên đi qua Trung tâm ghép tạng của đơn vị này. Chị vẫn luôn ao ước: "Giá như khi chết đi mình tặng được một phần thân thể của mình cho ai đó thì tốt biết mấy". Bởi, lúc này chị cho rằng, có lẽ mình bệnh ung thư nên không thể hiến tặng mô, tạng được.
Trở về Quảng Trị, chị vẫn mãi trăn trở về ý nghĩa đăng ký hiến tạng. Không đành lòng, chị quyết định tới Bệnh viện Trung ương Huế để tìm hiểu thông tin. Tại đây, giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp tư vấn cho chị. Lúc này, chị mới hiểu rằng dù mình mắc trọng bệnh nhưng vẫn hoàn toàn có thể hiến tặng được một số bộ phận cơ thể sau khi qua đời.
Nói về mong muốn được hiến tặng nội tạng, chị Hương may mắn được sự đồng cảm của chồng và gia đình. Anh luôn có mặt trong mọi sự kiện cuộc đời của chị Hương và hoàn toàn ủng hộ các quyết định của vợ. Chồng chị Hương cho biết, ban đầu gia đình cũng không đồng ý nhưng anh chị đã thuyết phục và cuối cùng mọi người cũng đã hiểu ra ý nghĩa cao cả của việc hiến tặng mô, tạng này.
Chị Hương hát ca khúc do chính mình sáng tác Ngẫu hứng Đông Hà trong đêm nhạc từ thiện cuối tháng 9. Ảnh: N.H.
Mang trọng bệnh, nhưng trong suốt quá trình điều trị cô giáo trẻ luôn lạc quan và tìm cách giúp đỡ những bệnh nhân cùng cảnh ngộ khác. Cách đây vài tháng, chị Hương bất ngờ được mọi người biết đến khi chia sẻ trên mạng xã hội ca khúc tự sáng tác "Ngẫu hứng Đông Hà", do chính chị đàn và hát với ca từ mộc mạc về tình yêu quê hương.
Nhạc sĩ Lê Trọng Lập (Hà Nội) tình cờ biết được ca khúc này, xúc động trước những tình cảm được chị gửi gắm trong giai điệu, lời ca nên đã hỗ trợ tác giả hòa âm, phối khí. Đêm nhạc giới thiệu ca khúc này đã được tổ chức tại Đông Hà mới đây. Với sự tham dự của hơn 1.000 người, đêm nhạc quyên góp được 440 triệu đồng. Dù chi phí điều trị ung thư của mình mỗi tháng hết gần 28 triệu đồng, gia cảnh không khá giả, chị Hương chỉ nhận hai phần quà được các nhà hảo tâm tặng trực tiếp cho tác giả bài hát. Toàn bộ số tiền còn lại quyên góp từ đêm nhạc chị ủy thác cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị để giúp đỡ bệnh nhân ung thư có gia cảnh khó khăn.
Sau sự kiện này, chị mang tiếng hát của mình đi nhiều nơi để quyên tiền cho các bệnh nhân cùng cảnh ngộ. "Với tôi việc giới thiệu ca khúc đến mọi người và gây quỹ từ thiện là một thành công lớn, hy vọng qua đó giúp những người đang khốn khó có thêm niềm vui sống", chị Hương chia sẻ.
Lê Nga
Theo Vnexpress
Bố mẹ từ chối điều trị ung thư, quyết ôm con về khiến bác sĩ bất lực Bé gái 2 tuổi mắc ung thư ở giai đoạn rất sớm, bác sĩ BV K tìm mọi cách thuyết phục nhưng gia đình vẫn kiên quyết đưa con về chữa thuốc nam. Lần đầu tiên bác sĩ thất bại khi thuyết phục Hơn 2 tuần qua, chưa ngày nào TS.BS Phạm Thị Việt Hương, khoa Nhi, BV K ngưng nghĩ về trường...