Bác sĩ sợ lấy vợ vì…lương ba cọc ba đồng
Con sợ lấy vợ lắm bố mẹ ạ. Kinh tế gia đình mình khó khăn, lương con ba cọc ba đồng. Con gái bây giờ đa số ham tiền, hám giàu có. Chẳng cô nào chịu lấy những người nghèo như chúng con đâu, giả có yêu được cũng khó mà giữ được.
Người “mở hàng” cho ca trực tư vấn của tôi hôm đó là một người mẹ có hai cậu con trai đã trưởng thành. Chuông điện thoại reo, tôi vừa cất tiếng “A lô” là đầu dây bên kia nói, giọng mừng rỡ:
Chào anh, may quá, tôi gọi cho anh nhiều lần lắm rồi mà hôm nay mới gặp. Tôi cũng đã nói chuyện với mấy chuyên viên khác, nhưng tôi quyết định để dành chuyện này nhờ anh, vì tôi tin anh hiểu, thông cảm và giúp đỡ tôi tốt nhất!
Trong lòng tôi đã nghĩ rằng đây là người mẹ đang phiền lòng vì con cái không ngoan, bỏ học, chơi lô đề, cờ bạc hay nghiện hút. Cũng có thể đây là bà mẹ chồng bực mình vì cô con “dâu Tây” hay giận cậu con trai bênh vợ, cãi lại mẹ. Nhưng không để tôi phải đoán mò, người mẹ ấy chủ động nói chuyện của mình:
Chẳng giấu gì anh, tôi muốn nhờ anh giới thiệu bạn gái cho con trai tôi. Tôi biết anh đi nhiều, quen biết nhiều, nhất là những người còn đang tuổi yêu đương. Tôi nghĩ, anh mà “chấm được” tôi và cháu nhà tôi cũng yên tâm.
Hóa ra mẹ già tìm bạn gái cho con trai lớn tuổi. Những ca tư vấn như thế này tôi ít gặp, nhưng có lẽ chuyện khó khăn, khẩn cấp lắm thì người mẹ ấy mới tìm đến với tôi nhờ giúp đỡ. Tôi lại đoán hay là người mẹ ấy có cậu con trai “có vấn đề”, có khó khăn gì đó trong việc giao tiếp, tìm bạn, nên mới nhờ mẹ mai mối cho mình, chứ thanh niên hiện nay cái gì cũng tốc độ, kể cả chuyện yêu đương mà. Để xóa tan sự nghi ngại của tôi, người mẹ ấy kể luôn:
- Thú thật với anh, gia đình tôi là cán bộ, công chức ở Hà Nội. Tôi và ông ấy đã nghỉ hưu, cuộc sống tạm ổn, ở nhà tập thể, kinh tế cũng chẳng dư giả gì. Tôi có hai con trai, một cháu năm nay 29, một cháu đã 31 rồi. Các cháu đều cao ráo, sáng sủa, ngoan ngoãn, học hành tử tế. Biết nhà mình không khá giả, nên các cháu đều cố gắng học giỏi, tự lập, không đua đòi ăn chơi. Cháu lớn đã học xong đại học Y. Ra trường, cháu mất hơn một năm làm việc không lương cho một bệnh viện. Năm vừa rồi cháu mới được vào làm hợp đồng, rồi sau vào chính thức. Hiện nay cháu đang hưởng lương tập sự, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Cháu nhỏ, kém anh trai 2 tuổi, cũng đã đi làm, nhưng thu nhập cũng không khá hơn anh là mấy.
Tuy nhiên, điều tôi lo lắng không phải chuyện lương lậu, mà là cuộc sống tình cảm, riêng tư của các cháu. Hai cháu rất ít đi chơi, ít bạn bè. Cả ngày đi làm, đến tối về là ngồi ôm máy tính đến khuya. Các cháu đều không có bạn gái. Nhiều lần chúng tôi nhắc nhở các cháu chuyện vợ con, đứa nào cũng ậm ừ cho qua. Tôi và họ hàng tích cực giới thiệu bạn cho các cháu, nhưng các cháu đều ngại tiếp xúc. Con trai lớn từng ấy rồi mà nói đến bạn gái, đến vợ con là cứ đỏ lựng cả tai lên, rồi tìm cách lảng sang chuyện khác. Nhiều lần buồn quá, vợ chồng tôi nói với các con: “Bố mẹ ngày một già, các con cũng đã đi làm, tuổi cũng không còn ít, tại sao không nghĩ đến chuyện tìm bạn gái, người yêu và lấy vợ để bố mẹ yên lòng. Bây giờ bố mẹ còn khỏe, nếu các con có cháu, bố mẹ còn giúp được. Sau này, bố mẹ già, có muốn giúp cũng khó”. Anh có biết cháu trả lời thế nào không?
Video đang HOT
Bị hỏi bất ngờ, tôi nói “không ạ”, người mẹ ấy nói luôn:
- Cháu nó nói: “Con sợ lấy vợ lắm bố mẹ ạ. Kinh tế gia đình mình khó khăn, lương con ba cọc ba đồng. Con gái bây giờ đa số ham tiền, hám giàu có. Chẳng cô nào chịu lấy những người nghèo như chúng con đâu, giả có yêu được cũng khó mà giữ được. Con bây giờ chỉ muốn làm, bao giờ khá giả mới dám nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mẹ đừng giục con, con sốt ruột lắm!”. Hóa ra là như vậy đấy anh ạ.
Rồi người mẹ ấy kể rằng đã phải thuyết phục, làm thay đổi cách nghĩ lệch lạc của con mình như thế nào. Bà động viên con trai rằng ở đời có người nọ, người kia, đừng vơ đũa cả nắm, không phải cô gái nào cũng ham tiền như con trai bà nghĩ, rằng cũng có nhiều cô gái chân thành, đánh giá cao tư cách đạo đức của người đàn ông, mong muốn có một gia đình bình thường, vợ chồng thương yêu nhau, chăm lo làm ăn. Các con trai bà mẹ ấy không tin, cho rằng “có đốt đuốc giữa ban ngày cũng chẳng tìm thấy cô nào như thế mẹ ạ”.
Rồi bà bàn với con về chuyện đăng báo, tham gia các câu lạc bộ kết bạn, nhưng con trai bà không đồng ý. Vì cho rằng những việc đó chỉ dành cho những người lớn tuổi. Bà mẹ đành gạ gẫm rằng nếu mẹ tìm thấy cô nào tử tế, có tư cách đạo đức, có vẻ hợp với “nhà mình” thì mẹ giới thiệu, con phải tích cực ủng hộ mẹ nhé. Các con trai bà đồng ý, họ nói: “Thôi, nếu mẹ tìm được ai, mẹ ứng ý, người ta đồng ý, mẹ cứ nói chuyện trực tiếp với người ta trước, nói rõ hoàn cảnh nhà mình, hoàn cảnh của con. Nếu cô ấy chấp nhận làm bạn với con, mẹ bảo con, con nghe theo lời mẹ. Con không tự tin để tìm bạn gái bây giờ đâu, nhất là các cô gái thành phố!. Thế là một “bản hợp đồng” được ký kết miệng giữa người mẹ ấy và các cậu con trai “không đến nỗi nào” nhưng lại có cách nhìn lệch lạc về các cô gái thời nay. Đó cũng là lý do tại sao bà sốt sắng gọi điện đến Trung tâm tư vấn và gặp tôi.
Người mẹ ấy khẩn khoản: “Anh giúp tôi nhé! Anh có gặp ai tử tế, chân thành, có đạo đức, không chê nhà tôi nghèo thì giới thiệu cho tôi, hoặc cho cô ấy số điện thoại của tôi. Tôi sẽ liên hệ, trò chuyện với cô gái ấy. Nếu hợp duyên hợp số, các cháu nên vợ, thành chồng, tôi sẽ biết ơn anh”.
Kết thúc cuộc nói chuyện với người mẹ ấy, tôi cứ suy nghĩ miên man mãi. Tình thương yêu con, mong muốn vun vén cho con cái của người mẹ ấy thật cảm động. Là cha mẹ, hạnh phúc lớn nhất của họ là nhìn thấy con cái trưởng thành, có công ăn việc làm tử tế, trai có vợ, gái có chồng. Những không lẽ cái mong ước đơn sơ thế mà cũng khó khăn đến vậy sao? Lẽ nào niềm tin vào tình yêu chân thật, lòng tin vào các cô gái lại sa sút tới mức khiến các cậu con trai của người mẹ ấy sợ hãi, né tránh chuyện yêu đương đến vậy sao? Hay là lỗi ở các cậu con trai ấy, họ nhìn phiến diện, lệch lạc, chỉ mới biết vài cô gái hám tiền, còi thường tình cảm mà thành “vơ đũa cả nắm”. Tôi nhận lời giúp người mẹ ấy, nhưng cũng rất lo lắng. Liệu có bạn gái nào thông cảm, thấu hiểu nỗi lòng người mẹ, chấp nhận tiếp xúc với mẹ trước khi gặp người con trai mẹ không?
Kể lại chuyện này trong mục “Chuyện kể bên ấm trà” tôi hy vọng vẫn còn đâu đó những bạn gái nhận ra những nét đáng yêu của các chàng trai tự nhận mình nghèo khó, kém cỏi, rồi mặc cảm, tự ti, dung cảm đập tan ý nghĩ phiến diện của một số bạn trai hiện nay, để chứng minh cho các bạn trai thấy “Tình yêu vẫn còn!”.
Theo ANTD
Nước mắt đắng cay của nữ phạm nhân giết hàng xóm
Vì lỗi lầm của mình mà tui đã phải trả giá quá nhiều. Chồng tui đã không còn trên cõi đời này nữa, đó là điều mà tui ân hận và day dứt nhất trong suốt thời gian cải tạo ở đây.
LTS: Bùi Thị Liễu hầu như không ngừng rơi nước mắt trong suốt cuộc trò chuyện với tôi. Mỗi khi nhắc lại người chồng đã quá cố chưa tròn 1 năm của mình, chị lại nức nở nghẹn ngào. Nhìn vẻ bề ngoài chất phác và cách cư xử thật thà như đếm của chị, tôi không dám tin rằng, chị là thủ phạm đã gây ra một vụ án mạng. Nạn nhân trong vụ án ấy lại chính là người hàng xóm ngay sát vách nhà chị, trong một phút giây mất kiểm soát, lưỡi dao oan nghiệt đã tước đi tính mạng của một con người.
Liễu nói rằng, cho đến tận bây giờ, chị vẫn không dám tin rằng mình đã giết người. Nỗi ân hận, dằn vặt, giày vò ấy theo chị từng bữa cơm, từng giấc ngủ trong trại giam, nhất là sau khi người chồng của chị đã mắc phải cơn bạo bệnh và qua đời gần 1 năm trước khi không vượt qua được cú sốc đó.
Khi ấy, tui đã thực sự hoảng loại nên không kiểm soát được hành vi của mình
Tui là con gái út trong một gia đình nông dân nghèo có 7 anh chị em ở Gò Dầu - Tây Ninh. Ba tui mất từ năm tui mới lên 8 tuổi. Má tui năm nay đã hơn 90 tuổi rồi, hiện má tui đang sống cùng bà chị tui ở Sài Gòn sau vụ án mà tui gây ra. Đến tận bây giờ, tui cũng không dám tin rằng, mình đã gây ra cái chết của anh Chín hàng xóm nhà mình. Nếu anh ấy không xúc phạm má tui, nếu bữa đó tui kiềm chế bản thân hoặc nhờ tới sự can thiệp của chính quyền thì mọi chuyện có lẽ đã không thê thảm đến mức như thế này.
Anh ấy là hàng xóm, nhà kế sát ngay bên cạnh nhà tui, tên là Khoa nhưng bà con chòm xóm thường gọi anh ấy là anh Chín. Tui với anh ấy vốn cũng chẳng có thù oán gì vì ở ngoài tui là người sống hiền lành, không va chạm với ai bao giờ. Đó là thời điểm năm 2007, khi tui đi làm về thì thấy anh Khoa đang cầm cây rựa dài đuổi theo thằng con trai của tui. Thằng con trai tui nhỏ xíu, nó thường chơi với nhỏ con gái anh Chín, không hiểu bữa đó hai đứa gây nhau chuyện gì mà anh ấy lại vác cả cây rựa dồn nó như vậy. Nhìn thấy cảnh đó, túi mới hoảng sợ mà bảo anh: "Anh Chín ơi, có chuyện gì anh nói để tui dạy con tui, con nít mà anh làm dữ quá". Bữa đó anh ấy bỏ về và không nói gì. Bà con chòm xóm ai cũng bảo, sao không cầm cây rựa lên báo công an cho ổng chừa tật ăn hiếp người khác đi".
Một bữa khác, hai vợ chồng tui đi làm về nhà. Đang dọn cơm ăn thì nghe có tiếng chửi nhau ngoài hẻm. Ban đầu tui còn tưởng ai đó cãi cự nhau nên không để ý. Sau thấy ồn ào quá mới chạy ra xem thì thấy ảnh đang dí đầu má tui mà chửi rủa bằng những lời lẽ rất thậm tệ. Tui ra can thì biết là má tui nhận lời trông nhà giùm cho nhà ảnh nhưng buổi tối má tui không ở lại mà về nhà. Má tui nói rằng, thằng Khoa uống rượu chửi quá trời. Tui nói với anh rằng, nếu má tui có làm mất mát đồ đạc gì thì anh chị em tui sẽ đền, má tui già rồi, anh đừng dùng những lời lẽ khó nghe như vậy chửi má tui nữa.
Chiều hôm đó, tui đi cuốn bánh tráng cho người ta vừa về tới nhà thì nghe tiếng anh Chín chửi ngoài ngõ. Tui đang gọt xoài cũng phải bỏ đó chạy ra ngoài xem. Hàng xóm nói rằng ổng uổng rượu say, ổng chửi quá trời. Tui ra và bảo anh ta, hồi trưa anh chửi rồi mà giờ còn ấm ức gì nữa, má tui già rồi mà sao anh cứ gọi là đĩ này đĩ nọ. Tới đó anh cầm cây rựa lao vô tui. Tui sợ quá lao vô nhà trốn nhưng lại sợ anh sẽ xông thẳng vào nhà nên tui hoảng quá vớ lấy cây dao đang gọt xoài và lao ra ngoài. Vừa ra tới cửa, tui thấy anh ta sáp vô. Tui cũng vừa chạy ra tới nơi, tui hoảng quá vung dao đâm loạn xạ, ai dè trúng. Anh ta ngã gục xuống, tui sợ hãi quá lên công an báo luôn, ảnh đã chết dưới ngọn dao oan nghiệt của tui.
Khi mới bị bắt tui sợ lắm. Tui sợ mình sẽ bị tử hình vì tui nghe nói giết người phải đền mạng, tui sẽ phải bỏ chồng, bỏ con lại mà đi. Khi tòa xử án 12 năm, tui cũng buồn lắm nhưng mà không có thắc mắc gì hết vì tui đã giết chết một mạng người rồi. Tui không phải chết đã là quá may mắn.
Hồi còn ở ngoài, kinh tế gia đình tui cũng không lấy gì làm khá giả vì tui và ông xã tui đều đi làm mướn. Tui thì đi làm bánh tráng cho người ta. Ông xã tui không có việc ổn định mà chủ yếu là làm công cho người ta, lúc rảnh không có việc thì cũng đi làm bánh tráng như tui. Tui giết người, không chỉ riêng bản thân phải đền tội mà những người thân của tui cũng phải chịu liên lụy. Khi tui lãnh án 12 năm, không chịu được cú sốc, ông xã tui đã uống rượu rất nhiều. Năm ngoái thì phát hiện ra ông bị ung thư phổi mà đã mất rồi!
Cái chết của ông xã là điều đau đớn và day đứt nhất đối với tui
Ông xã tui mất đã gần được một năm rồi. Ở trong này tui chỉ biết khóc thôi chứ chẳng làm được gì cả. Ngay cả việc đơn giản như là để tang và thắp cho chồng một nén nhang thôi tui cũng chưa làm được nên tui buồn tủi và ân hận nhiều lắm. Ông xã tui mới có 56 tuổi thôi mà đã phải ra đi trước vợ rồi. Gia đình tui cũng đã phải bán cả mảnh đất cũ để lấy tiền chữa chạy cho ổng mà vẫn không được.
Tui vào đây đã được 5 năm 4 tháng rồi. Hồi mới vô trại, ông xã là người thường xuyên lên thăm tui nhất chứ các con tui ít có thời gian lên thăm. Bây giờ ông xã mất rồi thì các con lên thăm mỗi năm được 3 lần vào ngày 30/4, 2/9 và vào dịp tết. Thường lúc đó, cả mấy anh chị em nó cùng các cháu tui lên đây thăm tui hết một lượt luôn. 3 đứa con tui đều đi làm công nhân hết, một đứa làm ở Gò Dầu, đứa lớn làm trưởng một dây chuyền may ở Mộc Bài. Con gái tui cũng làm công nhân ở chỗ anh trại nó. Kinh tế gia đình vẫn còn khó khăn lắm nhưng không thiếu ăn vì các con tui đã trưởng thành và lập gia đình hết. Nhà cũng đã bán nên sắp nhỏ ở bên nhà vợ, nhà chồng tụi nó hết. Thằng con thứ ba thì lấy vợ lúc tui còn ở ngoài, hai đứa còn lại lập gia đình khi tui đã vô trong này rồi. Tụi nhỏ đi làm cùng nhau nên thương nhau rồi cưới thôi, gia đình nhà sui gia cũng thương tụi nó lắm.
Năm 2010, má tui cùng bà chị gái tui có vô đây thăm tui một lần. Má tui năm nay cũng già rồi, nghe tụi nhỏ sức khỏe của má đã yếu đi nhiều. Không biết bà có chờ được tới ngày tui ra trại trở về nhà không nữa. Tui vô đây nhớ nhà, nhớ má, nhớ các con và các cháu lắm những cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc chấp hành tốt cải tạo để sớm được về với gia đình.
Tui ở trong trại giam không có gì lo lắng hết, rất yên tâm cải tạo vì các con tui đều đã ổn định hết cả rồi. Tụi nó cũng tự biết tụi nó thiệt thòi nên hết sức thương yêu và bảo ban nhau. Tụi nó cũng thương tui lắm. Trước kia khi ba sắp nhỏ vẫn còn, chỉ có mình ổng lên thăm tui, thi thoảng mới có đứa con đi cùng. Thế nhưng từ khi ổng mất, tụi nhỏ biết tui buồn nên lần nào cũng kéo nhau lên đây đông đủ hết để tui cảm thấy khuây khỏa bớt.
Sau khi bán ngôi nhà cũ, tụi con tui cũng đã mua một mảnh đất ở thị trấn Gò Dầu chờ tui về để cất nhà. Hiện tại thì tụi nhỏ chưa có đủ tiền, mà cất nhà cũng không có ai ở nên tụi nó chờ tui về. Thằng lớn cũng nói với tui rằng, khi tui về nó sẽ xin cho tui được làm tạp vụ quét dọn hoặc nấu ăn ở xưởng may của nó nên tui không có gì lo lắng nữa cả. Chỉ còn lo cải tạo tốt để được hưởng đặc xá của nhà nước thôi.
Vì lỗi lầm của mình mà tui đã phải trả giá quá nhiều. Chồng tui đã không còn trên cõi đời này nữa, đó là điều mà tui ân hận và day dứt nhất trong suốt thời gian cải tạo ở đây. Nếu không có việc làm tày trời của tui, có lẽ ông xã đã không quá suy nghĩ, uống nhiều rượu và ra đi sớm như vậy. Có lẽ, đó là sự trừng phạt mà ông trời bắt tui phải trả cho việc cướp đi mạng sống của một con người.
Theo ANTD
Nỗi đau của một người mẹ bị con hắt hủi Lúc bà đang bóc cho thằng cháu quả trứng gà luộc thì mẹ nó đi làm về nhìn thấy. Mẹ nó lôi cổ nó vào nhà, đánh cho nó một trận ra trò... Sắp tới, vợ chồng cháu cho hai đứa đi du lịch một tuần, bác có muốn về quê hay đi đâu đó thì đi cho thoải mái. Nghe tôi nói...