“Bác sĩ” robot đang thay thế sức người trong phẫu thuật
Ứng dụng phẫu thuật robot đang ngày càng được mở rộng trong lĩnh vực ngoại khoa, hỗ trợ đắc lức cho bác sĩ cứu người bệnh. Những “bác sĩ” robot được kỳ vọng sẽ giữ chân người bệnh trong nước và thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam trong những chuyến du lịch – y tế.
Sau cuộc phẫu thuật cắt tuyến ức với sự trợ giúp của robot để điều trị nhược cơ cho bệnh nhân Phan Thị Mỹ N. (28 tuổi, Vĩnh Long) bị nhược cơ 2A, tồn tại tuyến ức diễn ra thành công, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục ứng dụng robot vào lĩnh vực ghép tạng, tạo bước tiến mới.
Robot phẫu thuật đang hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong cứu chữa người bệnh
Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai lấy thận hiến trên người cho sống bằng robot phẫu thuật vào cuối tháng 6/2018. Hai trường hợp được lấy thận bằng kỹ thuật robot là anh D.X.T. (53 tuổi) phẫu thuật cắt lấy thận để ghép cho một người bà con là anh N.V.V.(55 tuổi). Bệnh nhân thứ 2 là Nguyễn Văn T. (50 tuổi) phẫu thuật cắt lấy thận để ghép cho con gái N.T.D.Tr. (27 tuổi).
Theo PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết niệu: “Đây là lần đầu tiên thực hiện phẫu thuật lấy thận bằng robot nên ê kíp rất cẩn trọng, thời gian ca đầu mất 4 tiếng và ca thứ 2 là 3 tiếng 45 phút. Phẫu thuật robot độ chính xác cao, giúp bệnh nhân không bị chảy nhiều máu, tổng số lượng máu bệnh nhân mất trong mỗi ca phẫu thuật trung bình khoảng 50ml nên không cần truyền máu. Trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân không bị biến chứng, không phải chuyển sang mổ mở, thời gian nằm viện 2 ngày, ít hơn 5 ngày so với trước đây”.
Phẫu thuật bằng robot được triển khai tại Chợ Rẫy từ cuối tháng 10/2017, đến nay bệnh viện đã thực hiện thành công cho 68 trường hợp bằng robot, trong đó lĩnh vực tiết niệu là 27 trường hợp. Dùng robot để phẫu thuật cắt thận ghép từ người cho sống là kỹ thuật mới nhất áp dụng. Các nhà chuyên môn đánh giá, phẫu thuật robot có nhiều ưu điểm như: an toàn, vết mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao, máu bị mất ít, ít đau, bệnh nhân hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn hơn trong khi kết quả phẫu thuật tương đương với nội soi kinh điển.
Video đang HOT
“Robot là kỹ thuật mới ứng dụng y khoa 20 năm trở lại đây. Hiện nay, một số trung tâm ghép tạng trên thế giới thường xuyên sử dụng robot để lấy thận ghép. Một ca mổ nội soi lấy thận ghép tại Chợ Rẫy có sự hỗ trợ của robot chi phí khoảng 100 triệu đồng. Bệnh nhân phẫu thuật bằng robot hồi phục nhanh hơn, kỹ thuật viên thực hiện cũng thuận lợi hơn”- bác sĩ Minh Sâm cho hay.
Phẫu thuật robot được kỳ vọng sẽ giúp giữ chân bệnh nhân trong nước, thu hút bệnh nhân nước ngoài
Thành công bước đầu bằng phẫu thuật robot đã giúp người bệnh điều trị triệt để các bệnh lý, đồng thời bảo tồn chức năng các cơ quan còn lại, giảm thiểu nguy cơ tai biến và biến chứng thường gặp sau phẫu thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật. Phẫu thuật robot được kỳ vọng là giải pháp hiệu quả để giữ chân người bệnh điều trị trong nước với chi phí hợp lý, không cần xuất ngoại với những khoản chi phí cao gấp nhiều lần.
GS.TS. Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngoài Chợ Rẫy, trên địa bàn thành phố còn có Bệnh viện Bình Dân đã ứng dụng rất thành công robot trong phẫu thuật. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu về phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đại trực tràng, ung thư phổi, cắt nang ống mật chủ, tạo hình khúc nối bể thận – niệu quản, ung thư gan, phẫu thuật tim, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.
Phẫu thuật robot một kỹ thuật chuyên sâu về ngoại khoa được các bệnh viện triển khai thành công đã tạo bước tiến mới giúp vị thế trong lĩnh vự y khoa của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng ngang bằng các nước trong khu vực và các quốc gia có ngành y tế phát triển trên thế giới. Đây không chỉ là tiền đề đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu điều trị của người bệnh trong nước mà sẽ là thế mạnh thu hút nhiều bệnh nhân từ các quốc gia khác đến Việt Nam tham quan du lịch và kết hợp chữa bệnh.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Gia đình yêu cầu 'mổ nhưng không được truyền máu', bác sĩ cứu người cách nào?
Bệnh nhi bị u gan, đã qua nhiều bệnh viện nhưng không được điều trị vì gia đình yêu cầu phẫu thuật nhưng không được truyền máu của bất kỳ người nào khác (kể cả người thân trong gia đình) cho bệnh nhi.
Ê-kip bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi/ Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 19.9, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tấn Cường cho biết: Bệnh nhân N.G.B (11 tuổi, nặng 28 kg, ngụ TP.HCM) được phát hiện có khối u gan cách đây 6 tháng.
Bé đã được gia đình đưa đi nhiều bệnh viện lớn để cứu chữa nhưng các bệnh viện đều từ chối vì điều kiện gia đình đưa ra là phẫu thuật nhưng không được truyền máu của bất kỳ người nào khác (kể cả người thân trong gia đình) cho bệnh nhi.
"Đọc kết quả siêu âm và CT của bệnh nhân, trước khi vào viện và so sánh với kết quả chụp CT hiện tại (sau 6 tháng), thì khối u đã tăng từ 6 cm lên 10 cm. Nếu không được phẫu thuật, khối u sẽ tiếp tục phát triển lớn hơn. Khối u to như vậy, trong sinh hoạt, chạy nhảy, có thể vỡ bất kỳ lúc nào khiến bệnh nhi chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Cường đánh giá.
Trước tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi và tôn trọng yêu cầu của gia đình, qua hội chẩn, giải thích cặn kẽ các nguy cơ rủi ro cho gia đình bệnh nhân, cuối cùng, bác sĩ Cường đã nhận phẫu thuật để cứu bệnh nhi tại Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM).
Ban đầu, các bác sĩ của bệnh viện có chút ngần ngại nhưng sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ và hội chẩn, ca phẫu thuật đã được tiến hành.
Đặc biệt, do không được truyền máu của người khác cho bệnh nhân nên các bác sĩ đã quyết định dùng phương pháp lấy máu của chính bé để truyền lại cho bé trong quá trình phẫu thuật, qua hệ thống máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver).
Đồng thời, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền các dịch truyền thay thế máu để bảo đảm sức khỏe suốt quá trình mổ.
Sau 2 giờ thực hiện, ca mổ thành công. Các bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật. Phần gan cắt bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan.
"Đối với trẻ em ở lứa tuổi này, gan sẽ tăng sinh phục hồi nhanh để bù lại phần gan đã cắt", bác sĩ Cường cho biết.
Hiện tại sau nửa tháng phẫu thuật, bệnh nhi đã phục hồi sức khỏe tốt.
Bác sĩ Cường nói thêm: "Trong khi mổ, chúng tôi đã hạ huyết áp của bé xuống để cắt gan ít bị chảy máu. Chúng tôi sử dụng máy truyền máu hoàn hồi để hút máu em bé ra, sau khi lọc, bơm trả lại cho cơ thể em bé. Chúng tôi nghiên cứu kỹ phim chụp CT scan bụng, có những mạch máu bất thường, tiên lượng trong cuộc mổ dễ chảy máu, lượng máu có thể sẽ mất nhiều. Do đó, phẫu thuật viên đã phẫu thuật hết sức cẩn thận. Phân tích tỉ mỉ từng tí một, cầm máu cẩn thận, khống chế các mạch máu lớn nuôi khối u gan".
Theo Thanh niên
Phẫu thuật robot 'trị' ung thư tiền liệt tuyến cho bác sĩ người Nhật Khi phát hiện bị ung thư tuyến tiền liệt, thay vì bay về quê hương chữa bệnh, bác sĩ người Nhật Hitomi Shimada lựa chọn ở lại Việt Nam điều trị. Ca phẫu thuật robot thành công tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) đã "thổi bay" khối u tuyến tiền liệt, giúp bác sĩ Shimada bình phục...