“Bác sĩ” robot cứu tinh của người bệnh thời công nghệ 4.0
Ứng dụng robot trong lĩnh vực y tế đang mang lại bước ngoặt trong phẫu thuật cho các ca bệnh khó. Robot không chỉ mang lại tính an toàn, hiệu quả cho người bệnh trong các cuộc phẫu thuật mà còn giúp bệnh nhân tiết kiệm được chi phí, không phải ra nước ngoài điều trị.
Robot làm nhiệm vụ phẫu thuật tại Chợ Rẫy
Những kỹ thuật mới đã mở toang cánh cửa trong việc ứng dụng công nghệ mang đến sự sống cho bệnh nhân sau khi cánh tay robot được đưa vào phẫu thuật các ca bệnh khó.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy đã dùng robot thay cho sức người để thực hiện việc lấy thận ghép từ người cho sống. Thao tác nhanh, chính xác đến từng chi tiết nhỏ của cánh tay robot không chỉ giúp người hiến thận sớm bình phục mà còn mang đến thành công ngoài mong đợi cho người nhận thận hiến, tránh được rủi ro trong quá trình ghép và chăm sóc hậu phẫu.
Robot đang được các bác sĩ vận hành phẫu thuật tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Từ tháng 7/2017 đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện gần 200 trường hợp phẫu thuật cho các chuyên khoa Tiết niệu; Tiêu hóa; Gan – Mật – Tụy, Lồng ngực…
Theo TS.BS Lâm Việt Trung, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa: “Bệnh nhân được phẫu thuật robot ít đau sau mổ, vết mổ thẫm mỹ, phục hồi sớm. Robot giúp thực hiện được thao tác tại các vị trí khó, trường mổ hẹp như vùng chậu sâu, khe hoành, lồng ngực”.
Robot phẫu thuật cũng được ứng dụng trong phẫu trị ung thư gan tại Bệnh viện Bình Dân. Người đầu tiên được thụ hưởng kỹ thuật này là ông C.M.T. (59 tuổi, ngụ tại Long An) được “bác sĩ” robot cắt cả 2 thùy gan trái bị ung thư. Nhờ được can thiệp kịp thời, cắt triệt để vùng gan ung thư nhưng giảm tối thiểu sang chấn, mất máu, chỉ sau 2 ngày phẫu thuật bệnh nhân đã có thể tự đi lại, ăn uống được.
Bệnh viện Bình Dân là nơi thực hiện phẫu thuật robot sớm nhất tại TPHCM
Bình Dân là bệnh viện có “thâm niên” nhất tại TPHCM trong phẫu thuật robot. Gần 3 năm qua, tại Bình Dân “bác sĩ im lặng” này đã phẫu thuật cho khoảng 600 ca thuộc 14 loại bệnh khác nhau của lĩnh vực ngoại tiết niệu, ngoại tổng quát.
Theo TS.BS Đỗ Bá Hùng, Phó giám đốc bệnh viện “Sự hỗ trợ của robot phẫu thuật là bước ngoặt trong can thiệp ngoại khoa, giúp bác sĩ quan sát rõ cấu trúc giải phẫu của các cơ quan qua màn hình 3D, chuẩn HD với độ phóng đại 12 lần. Cánh tay robot thực hiện linh hoạt các thao tác vén mô, bộc lộ trường mổ rõ ràng, bóc tách một cách tinh tế, cắt đốt an toàn giúp loại bỏ triệt để những mô bệnh, duy trì được chức năng của các bộ phận trong cơ thể sau phẫu thuật”.
Robot phẫu thuật đã giảm sức người trong các cuộc mổ
Sau 2 bệnh viện trên, tháng 2/2019 đến lượt Bệnh viện Nhân Dân 115, TPHCM tạo cơn “địa chấn” trong giới y khoa khi trở thành cơ sở đầu tiên của Châu Á ứng dụng robot Modus V Synaptive (thế hệ II) vào phẫu thuật thần kinh.
Nữ bệnh nhân 67 tuổi, ngụ tại Tây Ninh bị yếu liệt nửa người vì khối u có kích thước 1,5cm ở vùng não trái gây tổn thương phù nề, xâm lấn xung quanh, giải pháp phẫu thuật truyền thống có thể gây sang chấn, nguy hiểm cho người bệnh hoặc để lại di chứng nặng nề.
Ca mổ u não đầu tiên bằng robot thực hiện tại Bệnh viện Nhân Dân 115
Với sự hỗ trợ của “bác sĩ” robot sau 1 giờ 30 phút, bệnh nhân đã được bóc tách khối u thành công. Nhờ những công nghệ hiện đại của robot phẫu thuật đã giúp định vị tổn thương chính xác nhất, giảm nguy cơ gây tổn thương các vùng chức năng quan trọng như ngôn ngữ, thị giác và vận động, sau phẫu thuật bệnh nhân đã bình phục tốt.
TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết: “Sắp tới, phương pháp phẫu thuật các bệnh lý thần kinh bằng robot sẽ được bệnh viện nhân rộng. Bệnh viện sẽ tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện khác để góp phần vào sự phát triển chung của y tế cả nước”.
Phẫu thuật robot đang dẫn trở thành lựa chọn tối ưu
Không chỉ mang đến tính hiệu quả, robot phẫu thuật còn giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh, chẳng những không phải ra nước ngoài điều trị mà bệnh nhân còn thụ hưởng chi phí rẻ hơn rất nhiều. Nếu ca phẫu thuật u não tại các nước phát triển, chi phí hết khoảng 500 triệu đồng, thì chi phí bệnh nhân phải trả sau phẫu thuật tại Nhân Dân 115 chỉ tốn 50 triệu đồng.
Với mức chi trả Bảo hiểm Y tế khoảng 30% đến 40% cho phẫu thuật robot, chi phí của người bệnh tại Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng rẻ hơn 5 đến 7 lần so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Phẫu thuật robot đang dần trở thành một lựa chọn khả thi và hiệu quả, từng bước thay thế phẫu thuật nội soi và các phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Cứu sống kịp thời người bệnh bị tai nạn giao thông nguy kịch thông qua hội chẩn cấp cứu trực tuyến
Mới đây, các bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hội chẩn cấp cứu trực tuyến với các bác sỹ bệnh viện Đa khoa Điện Biên cứu sống bệnh nhân bị tai nạn giao thông nguy kịch.
Qua khai thác tiền sử và xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhân V.A.H, 16 tuổi, bị tai nạn giao thông, được đưa vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên với tình trạng ban đầu tỉnh, da, niêm mạc hồng nhạt, bụng chướng nhẹ, khám có phản ứng rõ. Bệnh nhân được chỉ định làm các cận lâm sàng: Xét nghiệm máu: bạch cầu tăng, CTScanner ổ bụng: hình ảnh dịch tự do ổ bụng, máu cục vùng hạ vị, chưa loại trừ khí tự do mặt phúc mạc.
Nhận thấy đây là một ca bệnh khó, bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiến hành hội chẩn cấp cứu xin ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Bệnh nhân trên lâm sàng có dấu hiệu bụng ngoại chưa loại trừ thủng tạng rộng, tuy nhiên trên hình ảnh phim chụp CTScanner ổ bụng có liềm hơi, vậy có nghĩ tới thủng bít vào khoang sau phúc mạc không?
Sau khi hội chẩn, các chuyên gia đã chẩn đoán dịch tự do ổ bụng và cục máu đông lạnh trực tràng. Các bác sỹ Bệnh viện hữu nghị Việt Đức khuyến cáo nên mổ nội soi thăm dò. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiến hành mổ nội soi thăm dò cho người bệnh. Trong ổ bụng có khoảng 300-400ml dịch máu đông, máu loãng và dịch tiêu hóa.
Kiểm tra dạ dày, gan, mật, đại tràng bình thường. Ruột non cách gốc Treiz gần 40 cm có 1 vị trí vỡ khoảng 2/3 chu vi quai ruột non ở bờ tự do. Chẩn đoán: viêm phúc mạc, vỡ hỗng tràng do tai nạn giao thông. Các bác sỹ đã tiến hành xử trí khâu vết thương hỗng tràng, lau ổ bụng, dẫn lưu và đóng ổ bụng. Sau mổ, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định.
Các bác sỹ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hội chẩn trực tuyến cấp cứu bệnh nhân V.A.H, 16 tuổi, bị tai nạn giao thông với bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.
GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết" Với hệ thống Telemedicine dựa trên công nghệ hội nghị truyền hình tích hợp các thiết bị y tế chuyên dùng trong khám chữa bệnh từ xa, nhiều bệnh nhân nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa đã được cứu sống kịp thời. Kết quả thành công từ việc đào tạo và chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương, đồng thời giảm chi phí cho người bệnh".
Theo bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức trước đó, ngày 20/7/2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cũng tiếp nhận và cấp cứu người bệnh M.V.D - 31 tuổi, dân tộc Mông được chẩn đoán chấn thương sọ não kín, tụ não dưới màng cứng thùy thái dương phải, dập não đa ổ có phù não nặng (người bệnh đã 03 lần ngừng tim trong quá trình cấp cứu). Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn và xin ý kiến chỉ đạo của các chuyên gia từ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Xác định đây là trường hợp bệnh lý nặng, phức tạp, tình trạng người bệnh rất nguy kịch cần được xử lý mổ cấp cứu trong khi điều kiện thời tiết và giao thông không thể chuyển người bệnh về bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hoặc hỗ trợ chuyên gia từ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.
Trước tình hình đó, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các chuyên gia đã quyết định hỗ trợ, chỉ đạo các bác sỹ của bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên phẫu thuật qua thiết bị hội chẩn trực tuyến Telemedicine. Sau 45 phút chuẩn bị, người bệnh đã được đưa lên phòng mổ và triển khai phẫu thuật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các chuyên gia về phẫu thuật Thần kinh, Gây mê và Hồi sức của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, giúp người bệnh qua cơn nguy kịch.
Theo Helino
Việt Nam lần đầu phát hiện 23 kháng thể tự miễn nhờ kỹ thuật mới này Kỹ thuật mới góp phần giảm chi phí cho người bệnh và có thể quản lý, chẩn đoán, theo dõi người bệnh tốt hơn. PGS. TS. Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, nếu như trước đây chỉ phát hiện được một kháng thể tự miễn trong một lần xét nghiệm thì hiện tại, với kỹ...