Bác sĩ quân y ôm bình oxy chạy trong hẻm nhỏ cấp cứu bệnh nhân F0
‘Tân ơi, Tân ơi, đi cấp cứu F0 với chị. Hẻm 34/18 đường Bình Tây. Nhanh lên Tân ơi. Vừa dứt cuộc điện thoại, giọng cử nhân điều dưỡng Đào Thị Kiều Vân – trạm trưởng Trạm y tế phường 1 ( quận 6, TP.HCM) – gấp gáp.
Vừa ăn vội hộp cơm chưa kịp nghỉ ngơi, bác sĩ Nguyễn Duy Tân (học viên cao học Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) nhanh chóng mặc đồ bảo hộ, ôm bình oxy cùng đồng nghiệp phóng xe máy đến hẻm 34/18 đường Bình Tây, nơi có bệnh nhân đang lên cơn khó thở. Đây cũng là gia đình đang có tới 6/7 người dương tính với COVID-19 cách ly điều trị tại nhà nhiều ngày qua.
Mất gần 10 phút chạy xe gắn máy, rồi ôm bình oxy chạy bộ len lỏi qua con hẻm ngoằn ngoèo, cuối cùng bác sĩ Tân cùng đồng nghiệp Lại Minh Tâm (sinh viên năm thứ 6 của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) mới tới nhà người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Duy Tân (học viên cao học Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng) ôm bình oxy chạy vào hẻm 34/18 đường Bình Tây, phường 2, quận 6 trưa 23-8 để hỗ trợ bệnh nhân F0 trở nặng – Ảnh: HOÀNG LỘC
“Bệnh nhân ở đâu ạ?”. “Lầu 2″. Ngay lập tức, bác sĩ Tân ôm bình oxy phóng lên tầng 2. Người đàn ông ngoài 50 tuổi nằm trên giường, tỏ vẻ khá mệt mỏi. Mất khoảng 20 phút thăm hỏi, hướng dẫn người bệnh tư thế nằm thở, bác sĩ Tân thở phào bởi tình trạng của người bệnh chưa đến mức phải can thiệp cấp cứu.
Tiền sử bệnh nền cộng với mất vị giác khi mắc COVID-19 khiến bệnh nhân không thể ăn uống được mấy ngày nay, dẫn đến sức khỏe suy kiệt. Sau khi được hướng dẫn tư thế nằm thở nghỉ ngơi, cho thở oxy và uống nước, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định trở lại, chỉ số SpO2 tăng lên 92%.
Vừa ăn cơm xong, nghe thông báo có ca F0 gọi điện yêu cầu hỗ trợ, bác sĩ Tân lập tức mặc đồ bảo hộ lên đường – Ảnh: HOÀNG LỘC
Trong cùng buổi sáng, bác sĩ Tân cùng nhân viên y tế của phường đã kịp thời cấp cứu một ông cụ 75 tuổi sống một mình khi đang mắc COVID-19 kèm bệnh lý nền phổi tắc nghẽn mãn tính.
“Tiên lượng của ông cụ rất nặng, nếu không được can thiệp sớm có thể chiều hoặc tối nay sẽ suy hô hấp rất nguy hiểm cho tính mạng”, bác sĩ Tân nói. Nhờ sự can thiệp này mà chiều cùng ngày ông cụ được kết nối để vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị.
Được điều động từ Hà Nội vào TP.HCM ngày 22-8, và chỉ mới đặt chân đến Trạm y tế phường 1, quận 6 sáng nay 23-8, bác sĩ Tân cùng hai học viên của Học viện Quân y đã lao vào “cuộc chiến” thực sự.
Chỉ trong một buổi sáng, họ thay nhau gọi điện tư vấn sức khỏe cho khoảng 70 bệnh nhân mắc COVID-19; tham gia đội lấy mẫu cho khoảng 300 người dân và cấp cứu thành công 2 trường hợp F0 tại nhà có dấu hiệu trở nặng.
Lấy xe gắn máy rời Trạm quân y cơ động cùng với các đồng nghiệp chạy tới nhà F0 – Ảnh: HOÀNG LỘC
Cử nhân điều dưỡng Đào Thị Kiều Vân – trạm trưởng Trạm Y tế phường 1, quận 6 – cho biết hiện trên địa bàn phường có khoảng 220 ca F0 đang điều trị tại nhà, đòi hỏi nguồn nhân lực để tư vấn, chăm sóc rất lớn.
Với nguồn nhân lực chỉ có 4 nhân viên y tế như hiện tại không thể đủ đáp ứng nhu cầu. Đó cũng là hạn chế khiến việc chăm sóc bệnh nhân chưa đạt như mong muốn.
Video đang HOT
“Kể từ đầu mùa dịch, chúng tôi phải gánh trên vai rất nhiều áp lực, như vừa nghe điện thoại tư vấn, vừa cấp cứu, vừa tiêm ngừa… Nhưng chỉ mới một ngày các bạn có mặt, với chuyên môn, sức trẻ và sự xông xáo, mọi công việc đều được vận hành rất trôi chảy. Tôi có niềm tin công tác phòng chống dịch sẽ sớm mang lại hiệu quả tốt đẹp”, chị Vân bộc bạch.
Bác sĩ Nguyễn Duy Tân ôm bình oxy cùng đồng nghiệp đến hẻm 34/18 đường Bình Tây – Ảnh: HOÀNG LỘC
Tiếp cận cho người bệnh thở oxy. Sau khi thăm khám, bác sĩ Tân giải thích cho người nhà bệnh nhân và cho số điện thoại để khi có gì bất thường người nhà có thể gọi bất cứ lúc nào – Ảnh: CTV
Với một gia đình 7 người có đến 6 người là F0, vào nhà thăm khám là một việc rủi ro, có thể bị lây nhiễm chỉ với một sơ suất rất nhỏ nên êkip sát khuẩn rất kỹ sau khi xong – Ảnh: HOÀNG LỘC
Đi cùng bác sĩ Tân còn có một học viên của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam và sự tiếp ứng của nhân viên y tế phường – Ảnh: HOÀNG LỘC
Chỉ trong sáng 23-8, nhóm của bác sĩ Tân đã kịp thời hỗ trợ cấp cứu thành công cho 2 ca F0 có dấu hiệu trở nặng. Dự kiến những ngày tới, việc phải đến tận nhà theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân sẽ càng căng thẳng – Ảnh: HOÀNG LỘC
Sau mỗi lần tiếp xúc F0, bác sĩ Tân đều phun khử khuẩn các trang bị rất kỹ – Ảnh: HOÀNG LỘC
Một con người 2 màu áo, vừa màu xanh áo lính, vừa áo trắng blouse. Khi không có ca F0 cần hỗ trợ cấp cứu, bác sĩ Tân trực tại Trạm y tế phường để tư vấn cho bệnh nhân cách ly tại nhà. Trong sáng 23-8, có gần 70 bệnh nhân được tư vấn như thế – Ảnh: HOÀNG LỘC
Thêm 1.100 bác sĩ, điều dưỡng, học viên Học viện Quân y đến TP.HCM chống dịch
Đúng 12h trưa 23-8, năm chuyến bay chở 1.100 bác sĩ, học viên, điều dưỡng của Học viện Quân y hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam phòng chống dịch COVID-19 đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Đội ngũ trẻ Học viện Quân y đến TP.HCM với đầy nhiệt huyết quyết tâm chống dịch - Ảnh: TỰ TRUNG
Được biết đây là đợt xuất quân lớn nhất của Học viện Quân y từ trước đến nay khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước ta. Đoàn lần này gồm 64 bác sĩ, 73 cán bộ điều dưỡng, 759 học viên, sẽ chia thành 341 tổ quân y cơ động.
Tại lễ xuất quân, trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - giám đốc Học viện Quân y - khẳng định Học viện Quân y luôn xác định chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.
Đến nay, học viện đã tăng cường tổng số 1.391 quân nhân vào miền Nam chống dịch. Toàn bộ lực lượng này đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19, có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi lên đường và được tập huấn kiến thức chuyên môn liên quan công tác phòng, chống dịch bài bản.
Theo trung tướng Đỗ Quyết, lực lượng của Học viện Quân y tăng cường tại phía Nam đã và sẽ triển khai thành khoảng 450 tổ quân y cơ động, phối hợp hoạt động với các trạm y tế xã, phường để thực hiện các nhiệm vụ theo phân công, sẵn sàng cùng ăn, cùng ở với nhân dân để hỗ trợ các công việc: lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin, chăm sóc các trường hợp F0 điều trị tại gia đình, phối hợp chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ khác được giao.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Thuận, phó chính ủy Học viện Quân y (bên phải), tại sân bay đón đoàn - Ảnh: TỰ TRUNG
Mỗi tổ sẽ được trang bị túi y tá, bộ huyết áp kế, ống nghe, nhiệt kế hồng ngoại, máy đo nồng độ oxy và 1 thùng hàng thiết yếu gồm cơ số thuốc thông thường, khẩu trang N95, quần áo bảo hộ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tùy theo tình hình thực tế, các tổ quân y sẽ được Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) tiếp tục bổ sung trang thiết bị thiết yếu.
Sau khi máy bay hạ cánh, đoàn đã nhanh chóng được Phòng vận tải, Quân khu 7 sắp xếp, bố trí hơn 10 xe đưa xuống địa bàn 23 quận huyện và TP Thủ Đức. Họ sẽ cùng ăn, cùng ở, cùng chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở địa phương.
Bạn Thu Hà, học viên năm cuối, tự tin: "Chúng tôi sẽ cố gắng cùng các anh chị ở địa phương làm thật tốt công việc, sống cùng người dân, cùng nhau phòng chống dịch bệnh".
Trước đó hôm 21-8, Học viện Quân y cũng đã đưa hơn 300 cán bộ, học viên vào TP.HCM tham gia chống dịch.
Đại tướng Phan Văn Giang động viên đoàn quân y tại sân bay - Ảnh: TUẤN HUY
Đến động viên đoàn quân y tại sân bay, Đại tướng Phan Văn Giang, ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Quân ủy Trung ương, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định quân đội sẽ sử dụng lực lượng hiện có, cả không quân, vận tải bộ, vận tải thủy để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, bảo đảm cho người dân an toàn, để chúng ta phòng và chống được đợt dịch này.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng cho biết, quân đội tham gia vào công tác chống dịch tại các tỉnh, thành phố phía Nam từ việc thành lập các bệnh viện dã chiến; tăng cường các lực lượng để bảo đảm cho người dân không ra đường; cung cấp, vận chuyển vật tư y tế, tiêm vắc xin phòng COVID-19, lo hậu sự cho người dân mất vì COVID-19.
Cán bộ, bác sĩ, học viên quân y trước lúc lên đường vào Nam - Ảnh: VĂN CHIẾN
Những học viên đầu tiên xuống máy bay trưa 23-8 - Ảnh: TỰ TRUNG
Học viên trẻ mang theo kiến thức và nhiệt huyết cùng TP.HCM chống dịch - Ảnh: TỰ TRUNG
Học viên Thu Hà đến TP.HCM với mong ước chung tay cùng mọi người nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh - Ảnh: TỰ TRUNG
Đưa vật tư, thiết bị chống dịch lên xe - Ảnh: TỰ TRUNG
Mỗi người với chiếc balô cá nhân chứa dụng cụ y tế đủ cơ số xuống địa bàn cùng dân chống dịch - Ảnh: TỰ TRUNG
"Ghi nhớ lời thề thứ 9 của quân đội trong quan hệ với dân"
Xe cứu thương quân đội, cán bộ chiến sĩ tăng cường từ TP.HCM trước giờ xuất phát - Ảnh: B.D.
Chiều 23-8 tại Sư đoàn 307, Bộ tư lệnh Quân khu 5 tổ chức giao nhiệm vụ cho lực lượng đợt đầu lên đường hỗ trợ TP.HCM chống dịch. Số quân đợt này được bàn giao về Quân khu 7 để thực hiện theo nhiệm vụ.
Thiếu tướng Cao Phi Hùng - phó tư lệnh Quân khu 5 - cho biết ngoài số lượng lớn lương thực, thực phẩm đã hỗ trợ Quân khu 7 phục vụ chống dịch, Quân khu 5 tiếp tục tuyển chọn điều động 8 nhân viên và 4 xe cứu thương quân đội tức tốc lên đường vào TP.HCM.
"Với tất cả tinh thần vì nhân dân phục vụ, ghi nhớ lời thề thứ 9 trong quan hệ với nhân dân, các chiến sĩ phải tôn trọng phong tục, tập quán văn hóa địa phương, giữ vững đoàn kết quân dân; chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật và các quy định của đơn vị cũng như cấp ủy, chính quyền nơi công tác; nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và phòng chống dịch hiệu quả" - thiếu tướng Hùng nói.
Bộ tư lệnh Quân khu 5 cho biết những ngày tới, cán bộ, nhân viên Trường Quân sự và Cục Hậu cần quân khu cùng các đơn vị khác cũng làm lễ xuất quân, lên đường phối hợp Quân khu 7 chống dịch.
Trên 300 tổ quân y cơ động tiếp tục lên đường vào Nam chống dịch Sáng 23/8, tại Hà Nội, Học viện Quân y tiếp tục tổ chức Lễ xuất quân tăng cường lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam. Đoàn công tác lần này gồm 1.096 cán bộ, học viên, được chia thành 341 tổ quân y cơ động; trong đó có 264 bác sĩ,...