Bác sĩ quân đội nghỉ hưu đăng ký tham gia chống dịch ở TP.HCM
Sau lời kêu gọi của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Thiếu tá, bác sĩ Trần Văn Thành xung phong vào TP.HCM chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 dù đã nghỉ hưu.
Là bác sĩ quân đội giàu nhiệt huyết, sau hơn 25 năm phục vụ trong Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Thiếu tá, bác sĩ Trần Văn Thành được cho nghỉ hưu.
Tuy vậy, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP.HCM, bác sĩ Thành đã nung nấu quyết tâm vào điều trị cho người bệnh. Đặc biệt, sau khi đọc được lá thư ngỏ của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi chung tay cùng nhau hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh, bác sĩ Thành đã xung phong vào điểm nóng ngay.
Sau khi nguyện vọng được đáp ứng, trong những ngày vừa qua, bác sĩ Thành cùng các đồng nghiệp chăm sóc cho hơn 170 bệnh nhân trong khu cách ly, chăm sóc người mắc Covid-19 tại THCS thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi (TP.HCM).
Tại khu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, ngoài công việc chuyên môn thăm khám bệnh, bác sĩ Thành cùng đồng nghiệp còn lo đời sống tinh thần. Hàng ngày, các y bác sĩ tiếp thêm tinh thần lạc quan chiến thắng dịch bệnh thông qua những bài hát sôi động được phát qua loa. Các bài tập thể dục theo nhạc cũng được thực hiện định kỳ cho bệnh nhân làm theo, nâng cao thể lực của mình.
Thiếu tá, bác sĩ Trần Văn Thành tại khu cách ly, chăm sóc người mắc Covid-19 tại huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: HVĐ.
Lúc đầu, khi biết bác sĩ Thành sẽ xa nhà, chưa xác định ngày về, ngày ngày phải chăm lo các bệnh nhân Covid-19, người thân của ông cũng có chút lo âu.
Nhưng ông đã thổ lộ quyết tâm rằng: “Việc làm này là mệnh lệnh từ trái tim, Tổ quốc đang cần mình. Các bệnh nhân đang cần mình. Mình có kinh nghiệm sẽ dốc cạn tâm sức để làm việc nếu không thì day dứt lắm”.
Tại khu chăm sóc người mắc Covid-19, bác sĩ Thành chia sẻ: “Mắt tôi cứ cay đi mỗi lần nhìn thấy người già lẫn trẻ đều bị nhiễm. Khi ấy lòng thương đồng bào trỗi dậy mãnh liệt. Tôi quyết điều trị tốt nhất cho họ để mong sao dịch sẽ sớm được khống chế. Không được về nhà thì người mắc Covid-19 cũng như người thân vậy”.
Ở khu cách ly, điều trị, mỗi ngày bác sĩ Thành đều động viên, khích lệ những người mắc Covid-19. Ông cho biết là bác sĩ có nhiều năm làm trong môi trường quân đội nên tinh thần vững vàng, hiểu thêm tâm lý người bệnh.
“Vậy nên đả thông cho họ rất dễ. Khi hiểu được các lợi ích của việc thực hiện nghiêm quy định điều trị và chăm sóc, người nhiễm sẽ thoải mái. Bên cạnh đó các bài hát tươi vui phát to lên, mọi người đều nghe và cảm thấy tinh thần tốt hơn. Hiện gần như toàn bộ người nhiễm tại đây không còn ai bất an nữa. Tinh thần họ rất vững vàng rồi”, bác sĩ Thành chia sẻ.
TP.HCM đã đón 4.473 y bác sĩ, sinh viên chi viện chống dịch Covid-19
Dịch Covid-19 tại TP.HCM diễn biến phức tạp, sự chi viện của y bác sĩ, sinh viên trên cả nước là điều rất đáng quý trong giai đoạn này.
Dịch Covid-19 tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp. ẢNH: DUY TÍNH
Sáng 17.7, Sở Y tế TP.HCM, cho biết tính đến ngày 15.7, Sở Y tế TP.HCM đã đón 24 đoàn công tác đến từ Sở Y tế các tỉnh, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện Bộ, ngành và 11 trường cao đẳng, đại học chi viện chống dịch Covid-19 tại TP.HCM với tổng cộng 4.473 người.
TP.HCM yêu cầu đưa F0 mắc Covid-19 vào bệnh viện trong vòng 12 tiếng
Trong đó, có 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên tham gia hỗ trợ. Cụ thể:
1. Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia tổng cộng 262 người, bao gồm 106 bác sĩ, 156 điều dưỡng.
2. Bệnh viện Thống Nhất tham gia tổng cộng 92 người, bao gồm 31 bác sĩ, 61 điều dưỡng và kỹ thuật viên.
3. Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tham gia tổng cộng 276 người, bao gồm 100 bác sĩ, 176 điều dưỡng.
4. Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM tham gia tổng cộng 95 người, bao gồm 30 bác sĩ, 65 điều dưỡng.
5. Bệnh viện đa khoa Bưu Điện tham gia tổng cộng 75 người, bao gồm 25 bác sĩ, 50 điều dưỡng.
6. Bệnh viện quân y 7A tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 10 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 6 kỹ thuật viên.
7. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tham gia tổng cộng 79 người, bao gồm 21 bác sĩ, 55 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên.
8. Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 11 bác sĩ, 26 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên.
9. Bệnh viện quân y 175 tham gia tổng cộng 75 người, bao gồm 25 bác sĩ, 48 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên.
10. Bệnh viện 74 Trunh ương tham gia tổng cộng 30 người, bao gồm 10 bác sĩ, 20 điều dưỡng.
11. Bệnh viện 71 Trung ương tham gia tổng cộng 30 người, bao gồm 10 bác sĩ, 18 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên.
12. Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh tham gia tổng cộng 70 người, bao gồm 10 bác sĩ, 60 điều dưỡng.
13. Sở Y tế tỉnh Thái Bình tham gia tổng cộng 60 người, bao gồm 20 bác sĩ, 40 điều dưỡng.
14. Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tham gia tổng cộng 25 người, bao gồm 5 bác sĩ, 20 điều dưỡng.
15. Sở Y tế TP. Hải Phòng tham gia tổng cộng 114 người, bao gồm 14 bác sĩ, 100 điều dưỡng.
16. Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tham gia tổng cộng 58 người, bao gồm 8 bác sĩ, 50 điều dưỡng.
17. Sở Y tế tỉnh Nghệ An tham gia tổng cộng 60 người, bao gồm 20 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 10 kỹ thuật viên.
18. Sở Y tế tỉnh Hải Dương tham gia tổng cộng 41 người, bao gồm 11 bác sĩ, 29 điều dưỡng, 1 kỹ thuật viên.
19. Sở Y tế tỉnh Yên Bái tham gia tổng cộng 44 người, bao gồm 12 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên.
20. Sở Y tế tỉnh Hà Nam tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 8 bác sĩ, 27 điều dưỡng, 5 kỹ thuật viên.
21. Sở Y tế tỉnh Ninh Bình tham gia tổng cộng 42 người, bao gồm 10 bác sĩ, 30 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên.
22. Sở Y tế tỉnh Phú Thọ tham gia tổng cộng 52 người, bao gồm 12 bác sĩ, 40 điều dưỡng.
23. Sở Y tế tỉnh Nam Định tham gia tổng cộng 42 người, bao gồm 7 bác sĩ, 35 điều dưỡng.
24. Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tham gia tổng cộng 40 người, bao gồm 10 bác sĩ, 27 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên.
Y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. ẢNH: DUY TÍNH
Ngoài ra, Sở Y tế còn tiếp nhận 2.663 cán bộ giảng viên, sinh viên từ các trường đại học trên khắp cả nước.Trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương (320 giảng viên, sinh viên), Trường đại học Y Dược Thái Bình (350 sinh viên), Trường đại học Y tế Công cộng (103 sinh viên), Trường đại học Huế (95 sinh viên), Trường đại học Y Dược TP.HCM, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học Quốc tế Hồng Bàng, Khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường dao đẳng Viễn Đông, Trường cao đẳng Quân y 2 (Quân khu 7) tình nguyện tham gia truy vết phòng chống dịch Covid-19.
Sở Y tế, TP.HCM cho biết dịch Covid-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp. Ngành y tế rất trân trọng và cám ơn sự chi viện thiết thực và đầy ý nghĩa này của các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành trên địa bàn TP và các bệnh viện từ các tỉnh, thành trên cả nước.
Sở Y tế xin ghi nhận và trân trọng tình cảm quý báu mà Sở Y tế các tỉnh, bệnh viện đa khoa các tỉnh, các bệnh viện Bộ, ngành, các trường cao đẳng và đại học trên khắp cả nước đã dành cho TP.HCM nói chung và Sở Y tế TP.HCM nói riêng trong công tác phòng chống dịch Covid-19. TP.HCM.
Trước đó, kết luận tại cuộc họp trực tuyến ngày 8.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần "tất cả vì TP.HCM" và yêu cầu dành tất cả những gì tốt nhất cho TP.HCM phòng chống dịch Covid-19.
Dòng nước mắt hạnh phúc của bệnh nhân COVID-19 "Mắc COVID-19, lúc đầu thấy sợ hãi, run rẫy, hoảng hốt, ngỡ ngàng, hoang mang nhưng rồi có các bác sĩ luôn sát cánh bên mình, nâng cho giấc ngủ, lo cho sức khỏe, động viên, vực dậy tinh thần nên tự tin trở lại để chiến đấu với dịch bệnh". Đó là lời mở đầu câu chuyện của H.T đang điều trị...