Bác sĩ Phú Yên bỏ y tế huyện tìm cơ hội làm việc ở tuyến trên
Phú Yên đang thiếu 161 bác sĩ dù tỉnh “trải thảm đỏ” mời, tỷ lệ 10.000 dân chỉ có 6 bác sĩ khám chữa bệnh.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, những ngày này vô cùng đau đầu về tình trạng thiếu bác sĩ ở đây. Trung tâm có 150 giường bệnh, chỉ 22 bác sĩ làm việc trong đó có 4 bác sĩ hệ dự phòng, 18 bác sĩ hệ điều trị.
Huyện có 16 xã, thị trấn thì chỉ 14 bác sĩ, Trung tâm Y tế huyện phải điều tiết thêm bác sĩ về các xã. Tình hình càng khó khăn khi Bộ Y tế quy định một bác sĩ chỉ được khám 65 bệnh nhân một ngày, nếu vượt quá sẽ không được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám chữa bệnh của bệnh nhân bảo hiểm. “Vì vậy trung tâm rất khó khăn trong quá trình điều tiết công tác khám chữa bệnh của bác sĩ”, ông Sơn nói.
Bệnh nhân chờ khám tại Trung tâm y tế huyện Tuy An. Ảnh: Lê Nga.
Tình trạng thiếu bác sĩ trầm trọng từ tuyến cơ sở lên tuyến trên khiến lãnh đạo trung tâm lâm vào bài toán khó. Nhiều lần trung tâm cử bác sĩ lên tuyến trên học để nâng cao tay nghề, học xong bác sĩ không về huyện nữa mà ở lại tỉnh tìm cơ hội khác. “Từ năm 2005 đến nay hơn 10 bác sĩ đã chuyển đi như vậy. Mới đây nhất là một bác sĩ đa khoa được đi đào tạo về gây mê tại tuyến trên rồi ở lại đó công tác luôn”, ông Sơn cho biết.
Không chỉ ở Trung tâm Y tế huyện Tuy An, ông Phạm Minh Hữu, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Yên thừa nhận tình trạng thiếu bác sĩ xảy ra ở khắp các cơ sở y tế của tỉnh. Hiện Phú Yên mới đạt tỷ lệ 6 bác sĩ trên 10.000 dân, trong khi đó tỷ lệ này của cả nước trung bình 8 bác sĩ cho 10.000 dân.
Video đang HOT
Từ năm 2014 đến nay tỉnh áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ để thu hút bác sĩ về làm việc. Ví dụ, hỗ trợ 300 triệu đồng nếu bác sĩ có bằng giỏi, hỗ trợ gấp 1,5 lần lương cơ bản với bác sĩ đa khoa. Bác sĩ chuyên khoa một hoặc thạc sĩ được trả lương gấp 2 lần mức lương cơ bản, còn bác sĩ chuyên khoa 2 hoặc tiến sĩ trả lương cao gấp 3 lần lương cơ bản.
Kết quả, trong 4 năm tỉnh tuyển được 119 bác sĩ trong đó có 82 bác sĩ đa khoa, 6 bác sĩ răng hàm mặt, 10 bác sĩ học cổ truyền, 15 bác sĩ y học dự phòng. Hiện Phú Yên còn thiếu đến 161 bác sĩ.
“Tình trạng thiếu bác sĩ sẽ còn căng thẳng hơn vì sắp tới tỉnh mở thêm một số chuyên ngành lớn như tim mạch, ung thư, đột quỵ, trung tâm cấp cứu. Đây là vấn đề hết sức khó khăn của ngành”, đại diện Sở Y tế Phú Yên nhấn mạnh.
Bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên. Ảnh: Lê Nga.
Thiếu bác sĩ gây cho các bệnh viện nhiều áp lực trong việc triển khai những kỹ thuật khám chữa bệnh. Do đó một số khoa phòng phải lồng ghép như khoa nội nhi. “Chúng tôi chú trọng đào tạo bác sĩ nâng cao chuyên môn, tuy nhiên đào tạo xong thì họ lại tìm một địa chỉ mới để công tác. Vì vậy, nguồn nhân lực đã thiếu rồi nay lại càng thiếu hơn”, ông Sơn từ Trung tâm Y tế huyện Tuy An nói.
Theo Bộ Y tế, hiện nay công tác khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn. Đây cũng là lý do khiến bác sĩ không mặn mà với tuyến cơ sở. Trước tình trạng này, Bộ Y tế đang tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Bộ Y tế đã lựa chọn 26 trạm y tế ở Hà Nội, TP HCM và 6 tỉnh khác ở cả Bắc, Trung, Nam để xây mô hình trạm y tế điểm, trang bị máy móc và đầy đủ nhân lực. Bộ cũng sẽ điều động bác sĩ đến làm việc 2-3 ngày một tuần tại 8 trạm thiếu bác sĩ trong số 26 trạm này.
Lê Nga
Theo VNE
Phú Yên Xử phạt 2 cha con không có chứng chỉ hành nghề y nhưng vẫn kê toa, bốc thuốc
Không được cấp chứng chỉ hành nghề y nhưng hai cha con ông Lê Trọng Lịnh và Lê Thị Kim Oanh (cùng ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An, H.Phú Hòa, Phú Yên) đã tự kê toa bốc thuốc, lập trang web quảng cáo bán cho nhiều người trên cả nước.
Ngày 5/5, Sở Y tế Phú Yên cho biết đã ra các quyết định xử phạt ông Lê Trọng Lịnh và Lê Thị Kim Oanh số tiền 17,5 triệu đồng vì vi phạm về kinh doanh dược liệu.
Trong đó, ông Lịnh bị phạt 7,5 triệu đồng về hành vi kinh doanh dược liệu nhưng không có giấy phép; ông Lịnh và Oanh bị phạt mỗi người 5 triệu đồng về hành vi kinh doanh dược liệu nhưng không có chứng chỉ hành nghề.
Cơ sở bán thuốc Nam không phép của gia đình ông Lịnh (ảnh Trần Thanh)
Ngoài ra, cha con ông Lịnh đã buộc phải dừng hoạt động hai trang web giới thiệu thuốc nam gia truyền Bảo Tiên và Gia Bảo Tiên chữa bệnh thận và ung thư vú.
Trước đó, ngày 14/4 Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an huyện Phú Hòa tiến hành kiểm tra hoạt động bán thuốc nam của ông Lê Trọng Lịnh và bà Lê Thị Kim Oanh.
Qua làm việc với đoàn kiểm tra, ông Lê Trọng Lịnh thừa nhận hành vi bán thuốc nam khi chưa được ngành chức năng cấp phép, bản thân ông và con gái không có chứng chỉ hành nghề y dược, tự lập trang web uxovu.com và soithangiabaotien.com để giới thiệu thuốc nam và bán cho nhiều người trên cả nước với giá từ 4 - 6 triệu đồng/thang, người bệnh chỉ cần cho biết triệu chứng bệnh qua điện thoại, Zalo, email là có thể mua thuốc về điều trị.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu giữ số cây đang cất giữ tại nhà ông Lê Trọng Lịnh để làm thuốc nam và yêu cầu cha con ông này dừng ngay hoạt động hai trang web có nội dung giới thiệu thuốc nam gia truyền "Bảo Tiên" và "Gia Bảo Tiên" chữa bệnh thận và ung thư vú.
Minh Châu
Theo Dân trí
Nam luật sư nhập viện do liệt tứ chi, nguy cơ đột tử Bệnh nhân lớn tuổi có tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, bệnh lý mạch vành điều trị không liên tục, do vậy bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao xảy ra các biến cố tim mạch trong và sau phẫu thuật. Luật sư - Tiến sĩ P.Đ.T (72 tuổi, ngụ ở TP HCM) được người nhà đưa tới bệnh viện...