Bác sĩ phát hoảng với những tin nhảm về cách trị Corona
Người dân nên tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng, chống dịch do virus Corona được hiệu quả.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) đang diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam. Khi dịch đang trong giai đoạn căng thẳng, cần sự bình tĩnh của mọi người thì nhiều tài khoản trên mạng xã hội liên tiếp tung lên những tin đồn gây hoang mang dư luận về cách phòng, chống virus Corona phản khoa học.
Chữa bệnh bằng tâm linh là phản khoa học
Nhiều người cho rằng để tránh nhiễm dịch bệnh, người dân cần tham gia các khóa học tâm linh, hướng hóa hay uống thuốc Nam chữa bệnh do virus Corona.
Bên cạnh đó, trang Facebook mang tên “Sống thuận tự nhiên” truyền nhau bài thuốc gia truyền rằng mỗi sáng thức dậy chỉ cần thiền 30 phút, cả ngày không được ăn thịt, cá…, chỉ uống sữa để sống thì chắc chắn không “dính” Corona. Thậm chí có người còn cho rằng mỗi sáng thức dậy nên uống nước tiểu kết hợp với ăn thực dưỡng là không còn lo dính Corona.
Cũng có nhiều người truyền tai nhau mua tỏi, trữ thật nhiều tỏi để mỗi ngày ăn 5-10 củ ngăn ngừa virus Corona…
Trước nhiều thông tin gây hoang mang trên, BS Lại Thanh Hà, Trưởng Khoa khám bệnh, BV Thanh Nhàn (Hà Nội), đã lên tiếng phản bác, BS Hà cho rằng những thông tin trên là phản khoa học.
“Trên phương diện khoa học, chữa bệnh bằng tâm linh là phản khoa học, tâm linh chỉ giúp người ta an tâm về mặt tinh thần, kể cả các bài thuốc Nam cũng không chứng minh được có thể đẩy lùi virus Corona hay không, do đó mọi người nên tỉnh táo” – BS Hà Nói.
Dịch bệnh do virus Corona chưa có thuốc đặc trị riêng. Khi bệnh nhân mắc bệnh, các bác sĩ sẽ tùy vào tình trạng mà sử dụng những loại thuốc điều trị theo phác đồ khác nhau. Thực tế đã chứng minh khi ba ca dương tính ở Việt Nam được điều trị khỏi, hai ca được xuất viện tại Thanh Hóa và BV Chợ Rẫy TP.HCM.
Do đó, BS Hà cho rằng các thông tin như thực dưỡng, không ăn thịt, chỉ uống sữa… để chữa bệnh là sai lầm. Quan điểm phòng bệnh sai lầm này chỉ làm cho con người mất sức đề kháng, cơ thể mệt mỏi và dễ mắc bệnh hơn mà thôi.
Video đang HOT
Vị bác sĩ này cho biết virus Corona là loại virus có kích thước lớn, lây qua những giọt nước bọt (khi ho, hắt hơi…) hoặc thông qua những vật mà bệnh nhân dùng chứ không thể lây qua không khí. Do vậy, virus này không thể lây nhiễm nếu chỉ nhìn qua mắt.
Khi bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt đều được sàng lọc bằng việc hỏi rõ có đi từ vùng dịch về hay không, có tiếp xúc với người bệnh hay không…
Bệnh nhân đến khám sàng lọc virus Corona tại BV Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Như khuyến cáo của Bộ Y tế, BS Hà đưa ra lời khuyên dành cho người dân cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn, không để tay chạm lên môi hoặc mắt.
Về ăn uống thì cần ăn thực phẩm chín (chứ không phải hạn chế ăn thịt như một số thông tin trên mạng – PV). Người dân cần tránh tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc đang mang bệnh, đeo khẩu trang khi tụ tập đông người hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, tập thể dục thể thao phù hợp (tránh việc trời lạnh mà tập quá sớm)…
Ăn tỏi nhiều càng chống được bệnh!?
Về thông tin ăn tỏi càng nhiều để ngừa virus Corona, PGS-TS Hồ Thị Kim Thanh (Trưởng bộ môn y học gia đình, Giám đốc Trung tâm đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, BV ĐH Y Hà Nội) cũng cho biết tỏi là một trong những vị thuốc dân gian có khả năng tăng cường sức đề kháng. Do đó, ăn tỏi sống hoặc uống nước ép tỏi cũng là một trong những biện pháp có thể áp dụng để dự phòng ngăn ngừa nhiễm các loại virus.
“Thế nhưng việc ăn tỏi chỉ có tác dụng giảm đáng kể nguy cơ nhiễm các bệnh cảm cúm, các bệnh do vi khuẩn, virus gây ra. Còn nói ăn tỏi chữa được hay ngừa được hoàn toàn virus Corona là vô căn cứ” – BS Thanh nói.
Về thông tin có thể sử dụng thuốc Tamiflu (thuốc đặc trị cúm) trong điều trị virus Corona hay không, đại diện Bộ Y tế cho hay Tamiflu là thuốc điều trị dự phòng các biến chứng cúm mùa nguy hiểm, chỉ được phép dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Không phải đối tượng nào cũng dùng được thuốc này.
Trong Quyết định số 125/QĐ-BYT về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới (nCoV), Bộ Y tế không đề cập đến thuốc Tamiflu.
Điều này có nghĩa thuốc Tamiflu không có tác dụng trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới gây ra. Đại diện Bộ Y tế khẳng định điều này để tránh tình trạng người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu dùng sai mục đích và không đem lại tác dụng như đã từng xảy ra với dịch cúm mùa trong năm 2019.
Mỗi người phải chủ động ngừa bệnh đúng cách
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng (Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP.HCM), loại bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona lây lan rất nhanh và bệnh có thể lây từ người sang người, lây qua đường hô hấp, đường không khí. Do đó, vấn đề chính là mỗi người phải chủ động phòng ngừa bệnh đúng cách.
Người dân nên tránh đi đến chỗ đông người, không tiếp xúc với những người có nghi ngờ bị bệnh, người đã đi đến vùng dịch bệnh. Trường hợp buộc phải tiếp xúc thì phải đứng từ xa, khoảng cách từ 2 m trở lên và phải đeo khẩu trang.
HÀ PHƯỢNG
Theo PLO
Trí tuệ nhân tạo giảm áp lực cho y bác sĩ lẫn người bệnh
Trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế đang được đánh giá sẽ giúp giảm bớt áp lực căng thẳng cho các nguồn tài nguyên nhân lực, vật lực, tạo thêm thời gian cho những tương tác hiệu quả hơn giữa bác sĩ và người bệnh.
Chẩn đoán hình ảnh chụp tia X phần ngực bằng thuật toán DLAD - Ảnh: Twitter của ERICTOPOL
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine cho thấy trung bình các bác sĩ mất khoảng 49% thời gian làm việc của họ để điền thông tin vào các hồ sơ bệnh án điện tử và làm việc bàn giấy, chỉ 27% tổng thời gian của họ dành cho thăm khám lâm sàng trực tiếp người bệnh.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của Đại học California, San Francisco nhận thấy 82% dữ liệu được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử là dạng thông tin kiểu "copy-paste" hoặc nhập tự động, chỉ 18% thông tin được nhập liệu thủ công. Tất cả những yếu tố này là nguyên nhân làm gia tăng lỗi/sự cố y khoa và dẫn tới những quyết định chẩn trị sai lầm, gây hại hoặc nguy hiểm cho người bệnh.
Thật may khi đây chính là lĩnh vực AI có thể giúp đỡ các bác sĩ và ngành y tế. Các mạng lưới thần kinh nhân tạo, công nghệ nền tảng của các thuật toán học sâu (deep learning), rất giỏi trong việc tìm ra những khía cạnh liên quan, mối tương quan giữa một khối dữ liệu khổng lồ, lộn xộn, chưa được sắp xếp như hình ảnh, âm thanh và văn bản.
Trong lĩnh vực y khoa, các thuật toán AI có thể tự động hóa một số nhiệm vụ trước đây tốn rất nhiều sức người. Chẳng hạn, những thuật toán này có thể giảm tải nỗi khổ phải ghi chép khi thăm khám bệnh nhân cho các bác sĩ.
Đã có những nỗ lực lớn trong lĩnh vực này, trong đó có dự án của Microsoft và Google. Các thuật toán máy học (machine learning) có thể trích xuất những thông tin ý nghĩa từ việc thăm khám bệnh nhân, nhập thông tin người bệnh vào hồ sơ bệnh án điện tử.
Có nhiều lĩnh vực y khoa mà AI có thể giúp cải thiện tốc độ cũng như độ chính xác cho công việc chuyên môn của bác sĩ như phân tích ảnh chụp/chiếu, tìm kiếm thông tin liên quan trong các bệnh án.
Theo trang web của ĐH Harvard, gần đây thế giới đã ghi nhận hiệu quả của hai sự ứng dụng AI mang lại lợi ích cho cả bác sĩ lẫn người bệnh khi đưa ra những chẩn đoán nhanh chóng, đơn giản.
Thuật toán đầu tiên giúp giải quyết nhiệm vụ phân loại hình ảnh với hiệu quả vượt trội. Mùa thu năm 2018, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện ĐH quốc gia Seoul và CĐ Y khoa Hàn Quốc đã phát triển ra thuật toán có tên DLAD để phân tích các ảnh chụp tia X phần ngực và phát hiện những khối u phát triển bất thường có thể là tín hiệu ung thư.
Hiệu quả chẩn đoán hình ảnh của thuật toán này đã được so sánh với khả năng phát hiện bệnh của nhiều bác sĩ khi cùng xem xét các ảnh chụp X-quang giống nhau và ứng dụng DLAD đã làm tốt hơn 17/18 bác sĩ .
Thuật toán thứ hai là thành tựu của các nhà nghiên cứu thuộc dự án ứng dụng AI trong y tế của Google, và cũng đạt được trong mùa thu năm 2018 có tên LYNA giúp xác định các khối u di căn ở vú từ các mẫu sinh thiết hạch bạch huyết.
Điều đáng nói, thuật toán LYNA có khả năng phát hiện cả những khu vực nghi có bệnh mắt thường không thể phân biệt trong các mẫu sinh thiết mà người và máy cùng xem xét.
Theo tuoitre
Người phụ nữ cứng miệng, ngừng thở dù chỉ mọc mụn mủ trong mũi Bệnh nhân bị uốn ván gây cứng hàm không há được miệng, không thở, không nuốt, co giật toàn thân. Trao đổi với VietNamNet, TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV đa khoa tỉnh Hoà Bình cho biết, khoa vừa cấp cứu thành công một trường hợp bị uốn ván hết sức hiếm gặp. Bệnh nhân Nguyễn Thị N.,...