Bác sĩ Pakistan bất bình vì tay không chống Covid-19
Nhiều bác sĩ Pakistan biểu tình phản đối tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhưng bị cảnh sát đàn áp.
Amanullah, một bác sĩ ở Quetta, Balochistan, miền núi tây nam Pakistan, tham gia cuộc biểu tình hôm 7/4 để phản đối tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), cho hay đã bị cảnh sát “đánh đập và nhục mạ”.
“Ban đầu tôi nghĩ, ’ sao cảnh sát có thể dùng bạo lực chống lại những chiến binh trên tiền tuyến chống Covid-19 khi vài ngày trước, chính họ vừa vinh danh chúng tôi?’”, Amanullah nói khi đang bị giam trong đồn cảnh sát ở Quetta.
“Nhưng chúng tôi đã nhầm. Mưa gậy gộc và báng súng trút xuống chúng tôi. Chúng tôi bị kéo lê trên đường phố, ném lên xe tải”, ông nói, cho biết mình và 60 y bác sĩ nữa bị giam qua đêm trong đồn cảnh sát và đến đêm 7/4 mới được thả tự do.
Cảnh sát bắt giam nhân viên y tế và bác sĩ tham gia biểu tình ở Quetta, Balochistan, hôm 6/4. Ảnh: AFP.
16 y bác sĩ, bao gồm trưởng khoa, trong khoa cấp cứu mà Amanullah làm việc đều bị nhiễm nCoV. “Chúng tôi không thể biết được đã lây cho bao nhiêu bệnh nhân”, ông nói thêm.
Nhiều bệnh nhân mà ông và các đồng nghiệp trong khoa cấp cứu đang điều trị đã dương tính với nCoV. Tuy nhiên, các y bác sĩ trong bệnh viện nhà nước này vẫn chưa được cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân. Các cơ sở chưa được chỉ định là bệnh viện điều trị Covid-19 vẫn không có khu cách ly riêng dành cho bác sĩ nhiễm virus.
Vùng Balochistan, tâm dịch bùng phát nCoV của Pakistan, chỉ có 19 máy thở. Pakistan ghi nhận hơn 4.000 ca dương tính nCOV, nhưng tỷ lệ người được xét nghiệm còn rất thấp và các bác sĩ tin rằng con số nhiễm thực tế cao hơn nhiều.
“Chúng tôi rất buồn và căng thẳng vì không biết có bao nhiêu bệnh nhân bị lây hoặc sẽ bị lây từ chúng tôi”, Amanullah nói. “Đó là lý do chúng tôi biểu tình đòi PPE. Nó không phải dành cho chúng tôi, mà dùng để cứu mạng nhiều người”.
Younas Elahi, bác sĩ trong một bệnh viện ở Quetta, cho hay với những y bác sĩ chưa được cấp đồ bảo hộ cần thiết, việc “tay không” điều trị cho bệnh nhân nCoV chẳng khác nào tự sát.
“Bác sĩ đang tự giết mình trong bệnh viện bằng cách điều trị cho bệnh nhân mà thiếu đồ bảo hộ”, Elahi nói. “Họ không có trang thiết bị an toàn. Trong khi đó, chính phủ lại dung túng cho bạo lực chống lại bác sĩ”.
Không có thiết bị bảo hộ phù hợp, bác sĩ chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài từ chối điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV, ông bày tỏ, gọi đây là tình trạng “điên rồ”. “Chúng tôi cũng rất dễ bị tổn thương. Tôi đã khóc khi thấy bệnh nhân cầu xin giúp đỡ trong lúc bác sĩ không dám chạm vào họ. Cơ sở y tế ở đây rất tệ, tôi cho rằng đại dịch này là không thể chạy chữa ở Balochistan”, Elahi nói.
Viện Khoa học Y tế Pakistan ở thủ đô Islamabad, một trong những bệnh viện lớn nhất được chỉ định để đối phó nCoV, cũng chỉ có 50 máy thở. Hai phần ba dân số Pakistan sống ở nông thôn không có điều kiện tiếp cận bệnh viện được trang bị đầy đủ để điều trị bệnh nhân nCoV, thậm chí không có bất cứ cư sở y tế nào.
Video đang HOT
Bác sĩ Zafar Mirza, cố vấn y tế cho Thủ tướng Imran Khan, cho biết vấn đề không nằm ở thiếu trang thiết bị, mà “do sử dụng PPE không hợp lý”. “Chính phủ liên bang đã cung cấp ít nhất gấp ba lần số lượng yêu cầu, nhưng do không sử dụng hợp lý và thất thoát vật tư, chúng không thể đến đúng tay người cần”, ông nói.
Từ năm 2010, lĩnh vực y tế ở Pakistan đã được phân xuống cho chính quyền tỉnh, nơi thường xảy ra tình trạng quản lý sai sót và thiếu hụt vật tư, khiến các tiêu chuẩn điều trị trên cả nước có nhiều khác biệt.
Tình trạng rối loạn khi đối phó với nCoV ở Pakistan cũng lên tới đỉnh điểm khi chính phủ liên bang, chính quyền tỉnh và quân đội tranh cãi về việc có nên phong tỏa toàn quốc hay không.
Hôm 23/3, Thủ tướng Khan tuyên bố sẽ không phong tỏa vì ảnh hưởng tới người nghèo. Nhưng chỉ vài giờ sau, Murad Ali Shah, người đứng đầu tỉnh Sindh, tuyên bố phong tỏa toàn tỉnh 15 ngày “để cứu người dân Sindh khỏi đại dịch”. Quân đội, lực lượng có quyền lực và ảnh hưởng lớn ở Pakistan, cũng lên tiếng ủng hộ quyết định phong tỏa.
Quân đội đã cung cấp thiết bị y tế khẩn cấp cho bệnh viện ở Quetta hôm 7/4. Đây là động thái bất thường, bởi nó nằm trong phạm vi chức trách của chính quyền tỉnh và trung ương.
Thủ tướng Khan cũng bị chỉ trích khi xem nhẹ tác động của nCoV, điều mà các chuyên gia sức khỏe cho rằng đã dẫn tới các sự cố như vụ hàng trăm nghìn người phớt lờ quy định cách biệt cộng đồng, cùng tới dự các buổi cầu nguyện khắp cả nước hôm thứ 6 tuần trước, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm cao.
Một bác sĩ ở Islamaba đã gọi tuyên bố gần đây của ông Khan rằng nCoV có tỷ lệ tử vong thấp và không gây nguy hiểm cho thanh niên hoặc người khỏe mạnh là bình luận “không hợp lý và bất cẩn”.
“Thật đáng sợ khi câu thần chú này được lặp đi lặp lại trước công chúng”, bác sĩ này nói. “Imran Khan không nghiêm túc với dịch bệnh này. Đó là lý do công chúng và những người ủng hộ ông ấy cũng xem thường nó”.
Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc từ tháng 12/2019, xuất hiện ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm và hơn 88.000 người tử vong khắp thế giới. Pakistan ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm, 58 ca tử vong.
Hồng Hạnh
Nỗi lòng y bác sĩ Vũ Hán khi mặc đồ bảo hộ: Nóng bức như tắm hơi, ám ảnh đến muốn nôn nhưng không thể vì sợ phí trang phục
Y bác sĩ phải mặc đồ bảo hộ trong vài tiếng đồng hồ, nhưng bấy nhiêu đó đã đủ thay đổi ngoại hình của họ: cơ thể đẫm mồ hôi, thân xác rã rời, điều kinh khủng nhất là những vết hằn trên khuôn mặt do kính và khẩu trang chuyên dụng gây ra.
"Tôi không biết từ lúc nào, hình ảnh nhân viên y tế trong tâm trí chúng ta đã gắn với những bộ đồ bảo hộ" - tờ Nhật báo Quảng Châu mở đầu khi viết về các bác sĩ trong tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19.
Tiếp đó, nhóm phóng viên đã cho một số nhân viên y tế ở Vũ Hán xem ảnh chụp chân dung của mình khi tháo xuống đồ bảo hộ nặng nề. Họ cũng được đề nghị kể ra những tâm sự đã bị dồn nén bấy lâu nay. Các câu chuyện của họ vừa tràn đầy niềm tin về một chiến thắng vĩ đại nhưng cũng chất chứa nỗi ưu tiên phiền muộn đời thường, đã khiến nhiều độc giả đồng cảm và xúc động.
"Khi đến Vũ Hán, tôi thở dài và la hét"
Wu Zhangming, sinh năm 1988.
"Trong hình quả là một ông chú mà...
Lúc mới mặc đồ bảo hộ, tôi còn không thể thở bình thường. Nhưng khi đã quen với nó, tinh thần tôi đã ổn định và không còn vướng bận gì nữa khi bắt tay làm việc.
Tôi đã đặt máy quay ghi lại hình ảnh của mình hồi mới đến Vũ Hán: liên tục thở dài và la hét! Một người bạn hỏi tại sao lại cáu bẳn như thế, tôi đáp rằng tâm trạng của mình rất phức tạp, không biết phải nói thế nào.
Tôi đã thấy những dòng nhắn gửi do từng người trong chúng tôi viết, được treo trên tòa nhà bệnh viện. Và tôi đã khóc. Hãy vững tâm - các bạn phải bảo vệ chính mình và cùng nhau chiến thắng!".
"Mặc đồ bảo hộ, tôi suýt nôn nhưng không thể..."
Zeng Dongyu, sinh năm 1991.
"Cảm giác khi mặc đồ bảo hộ à? Lần đầu tiên tôi đã muốn nôn và dịch đã trào lên tận cổ, nhưng tôi không thể vì sẽ làm bẩn cả bộ đồ, lãng phí dụng cụ y tế. Nên tôi đã kìm lại... Kính bảo hộ nhiều lúc khiến gò má rất đau. Tôi không biết mình đã quen với nó hay chưa, nhưng chắc cũng ổn.
Tôi không nói với mẹ là mình đến Vũ Hán, sức khỏe của bà không tốt lắm. Tôi chỉ trò chuyện với bố. Một lần, mẹ hỏi đang làm việc như thế nào, tôi chỉ có thể đáp đại khái rằng: 'Cũng tốt ạ'".
"Cởi đồ bảo hộ ra, tôi thấy nhẹ nhõm: Giỏi lắm, cậu đã chiến thắng bản thân một lần nữa"
Zeng Dongyu, sinh năm 1982.
"Bên cạnh áp lực công việc còn là nỗi lo thiếu dụng cụ bảo hộ. Mặc dù trán bị bó sát và những vết hằn trên mặt rất khó chịu, chúng tôi phải cố gắng chấp nhận. Bởi vì chúng tôi không thể nao núng! Không bao giờ được nghĩ về chuyện đó.
Mỗi khi thay đồ và chuẩn bị đẩy cánh cửa vào phòng bệnh, tôi tự động viên bản thân. Còn khi cởi đồ bảo hộ, tôi thấy nhẹ nhõm: Tốt lắm, mày đã chiến thắng bản thân một lần nữa!
Tôi không nói chuyện mình đến Vũ Hán với bố mẹ, cũng không dám gọi video vì sợ bị 'bại lộ'. Mỗi lần mẹ đòi gọi video, tôi đều nói con đang bận, đợi khi khác... Bố của con trai tôi cũng đang ở bệnh viện, chỉ có thể theo dõi con học bài từ xa. Chúng tôi nhớ nhau rất nhiều. Tôi và con trai chưa bao giờ xa nhau lâu đến thế, nó cứ khóc mỗi lần gọi điện...".
"Nóng bức, đổ mồ hôi liên tục mỗi lần phải di chuyển"
Li Jie, sinh năm 1987.
"Tôi nghĩ vết hằn trên mặt mình không rõ lắm vì có quá nhiều thịt mà!
Đồ bảo hộ khiến chúng tôi nóng bức và đổ mồ hôi mỗi khi chuyển động. Dụng cụ bảo hộ là thứ khó khăn nhất để mang lên người: chúng cần phải che chắn kĩ trên đè rất sát vào mặt. Mới đầu cũng ổn, nhưng khi làm việc suốt 2-3 giờ, áp lực đó sẽ trở nên cực kỳ khó chịu.
Dù vậy tôi muốn nói với gia đình, bạn bè, những ai đang lo lắng cho chúng tôi - rằng đừng lo. Chúng tôi sẽ bảo vệ bản thân mình, cùng nhau cố gắng và đẩy lùi dịch bệnh".
"Mặc đồ bảo hộ như ở trong phòng tắm hơi ấy"
Kong Peiwen, sinh năm 1995.
"Quá xấu, nhìn mấy nếp nhăn này khiến tôi phát khiếp.
Mặc đồ bảo hộ giống như trong phòng tắm hơi vậy - nóng và ẩm ướt. Khi đang quay cuồng với công việc, dù không thể làm cơ thể mát hơn, tay tôi cứ bất giác giơ lên quạt quạt trước mặt. Tôi có thể ngửi thấy mùi mồ hôi của mình khi cúi xuống lấy thứ gì đó, và lúc ấy hơi nước cũng bốc lên làm mờ kính.
Nhưng không sao, mùa xuân đang đến và tôi sẽ trở lại làm việc".
Theo toquoc
'Kiệt sức' - bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán quá tải và thiếu sự bảo vệ Các bác sĩ tại tiền tuyến chống đại dịch viêm phổi virus corona đang đối diện với muôn vàn khó khăn, từ số bệnh nhân tăng vọt đến nguy cơ nhiễm bệnh vì không đủ trang thiết bị. Mệt mỏi. Không đủ nhân lực. Những nhân viên y tế Trung Quốc tại tuyến đầu Vũ Hán trong hơn 1 tháng qua phải tiếp...