Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – chiến binh kỳ cựu chống corona
Những đêm ngủ tại viện, nằm trên đi-văng, bác sĩ Cấp nghiền ngẫm kinh nghiệm có được từ dịch SARS và nhiều dịch khác để điều trị bệnh nhân nCoV.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp là Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một trong những cơ sở chính điều trị bệnh nhân Covid-19.
“Chuẩn bị ứng phó dịch bệnh corona, tôi bảo vợ chuẩn bị quần áo mang đến viện, ăn ngủ luôn tại đó, đến nay hơn hai tuần rồi”, bác sĩ Cấp kể. Anh cười xòa khi nói về phản ứng của vợ con khi anh tự cách ly tham gia chống dịch: “Vợ chắc nghĩ mình vô tích sự quá nên chẳng thèm nói gì”.
Những buổi tối ngủ đi-văng vừa lạnh vừa đau mỏi lưng, mắt anh thâm quầng. “Ở viện không thoải mái như ở nhà, nhưng tôi phải quen với nhịp sinh hoạt từ khi có dịch bệnh”, anh nói.
Là trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện tuyến đầu, nơi tiếp nhận cách ly và điều trị cho các bệnh nhân dương tính nCoV, áp lực đặt nặng lên đôi vai y bác sĩ. Anh thú thật: “Tôi lo lắng chứ, nhưng vẫn luôn phải mang đến cho các nhân viên cũng như bệnh nhân sự an tâm, truyền niềm tin, nghị lực cho họ”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Lê Hoàng.
Chuẩn bị đối phó
Khi Trung Quốc thông báo về dịch bệnh mới Vũ Hán vào giữa tháng 12, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp lập tức họp, lên phương án chống dịch. Bệnh viện chuẩn bị nơi ăn, chỗ ở, dịch vụ vệ sinh, thậm chí những điều rất nhỏ như bàn chải đánh răng, khăn giấy… Với kinh nghiệm chống chọi hàng loạt dịch bệnh từ SARS đến H1N1, H5N1, giờ đối mặt với chủng mới của corona, bác sĩ Cấp và đồng nghiệp vững tin.
Anh cố gắng thu xếp để ít người nhất vào tuyến trong cùng, tránh cho các y bác sĩ đang có bệnh nền hoặc mãn tính. Đội chủ công trực tiếp chăm sóc bệnh nhân gồm 20 người, cùng trưởng và phó khoa túc trực ngày đêm, ăn ngủ luôn tại viện.
Nhờ sự chuẩn bị đó mà khi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên có tiền sử dịch tễ phải cách ly, cho đến những bệnh nhân dương tính nCoV, “mọi thứ không có gì rối loạn”, anh nói.
Cùng lúc chuẩn bị về điều kiện cách ly, bác sĩ Cấp đi tìm tài liệu nghiên cứu mầm bệnh. Anh tìm kiếm thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như học hỏi từ đồng nghiệp của mình. Trên cơ sở những thông tin đó, anh lên phác đồ điều trị hướng dẫn tạm thời, trình lên Bộ Y tế. Hội đồng khoa học gồm những chuyên gia đầu ngành xem xét, chỉnh sửa phác đồ đó để ban hành, điều trị. Sau khi Bộ Y tế ban hành, bác sĩ Cấp bắt đầu tổ chức tập huấn rộng rãi cho cán bộ công nhân viên thực hiện.
Phác đồ điều trị
Gần ba tuần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương tiếp nhận tổng cộng 5 bệnh nhân dương tính với virus corona, được cách ly, điều trị. Bác sĩ Cấp cảm thấy rất may mắn khi các bệnh nhân đều là những người khỏe, không có bệnh nền nên diễn biến lâm sàng không quá trầm trọng.
Video đang HOT
Phác đồ điều trị của Việt Nam xuất phát từ nghiên cứu của Trung Quốc cũng như những kinh nghiệm của thầy thuốc đúc kết qua nhiều năm và được cập nhật thường xuyên. Điều trị cho vài chục bệnh nhân, đến vài trăm, vài nghìn bệnh nhân, phác đồ luôn có những điểm mới.
Bệnh nhân dương tính nCoV ở Việt Nam chủ yếu được điều trị bằng thuốc, điều trị theo triệu chứng. Bệnh nhân Nguyễn Thị Yên, 55 tuổi, xuất viện ngày 18/2 có bệnh nền bị viêm phổi, nhưng không suy hô hấp nên không cần phải thở máy, quá trình điều trị vẫn theo phác đồ này.
“Điều đáng ngại hơn là tinh thần của bệnh nhân”, bác sĩ Cấp bộc bạch. “Hơn hai tuần ăn ngủ tại bệnh viện, tôi thích nghi được bởi tôi có thể đi lại, giao tiếp với đồng nghiệp, tôi vẫn có công việc khác để làm. Còn bệnh nhân, họ phải ngồi một mình một phòng, không có công việc gì cả. Nếu như 2-3 người một phòng cách ly thì mỗi người một góc, không được gần gũi, không được trò chuyện, họ chắc chắn rất bức bối”.
Trong khu cách ly, anh và các điều dưỡng thường xuyên quan tâm người bệnh bằng việc trò chuyện thông qua điện thoại. Các bệnh nhân nhiễm nCoV phải hạn chế tiếp xúc mọi người. Tại mỗi phòng cách ly đều được lắp camera để nhân viên y tế tiện theo dõi và hỏi han tình hình. Điều quan trọng là không được phép kỳ thị, xa lánh họ, bác sĩ cho biết.
Về mặt nguyên tắc, khi bệnh nhân hết virus nghĩa là cơ thể không có nguy cơ phát tán mầm bệnh nữa, vì vậy sẽ không còn lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, Covid-19 là một bệnh mới nên cần luôn phải thận trọng, bác sĩ nói. Bệnh nhân xét nghiệm âm tính rồi vẫn phải tiếp tục theo dõi.
Kinh nghiệm từ dịch SARS
“Những kinh nghiệm từ thời dịch SARS để lại vẫn có giá trị”, anh nói. Năm 2003, bệnh nhân mắc bệnh được cách ly trong phòng tiện nghi, điều hòa đầy đủ. Ít lâu sau, nhiều nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì không có ai bị nhiễm chéo, một phần nhờ mở cửa thông thoáng.
“Chúng tôi mới nhận ra trong phòng kín, có điều hòa làm virus lây lan nhanh hơn. Đó là một bài học quý giá đến bây giờ”.
Ngoài việc chăm sóc điều trị bệnh nhân, bệnh viện phải đảm bảo an toàn tối đa cho cán bộ nhân viên y tế. Bác sĩ chia sẻ, đối phó dịch do virus corona có yếu tố thuận lợi hơn dịch SARS. Nếu dịch SARS rất lâu sau khi phát sinh, người ta mới hiểu được căn nguyên bệnh. Còn với nCoV, trước khi về Việt Nam, các bác sĩ hiểu khá rõ thông qua những kinh nghiệm của đồng nghiệp bên Trung Quốc, mà đôi khi những kinh nghiệm phải đánh đổi bằng cả mạng sống mới có được. Nhờ vậy, Việt Nam chủ động hơn trong việc phòng chống dịch
“Sự chia sẻ thông tin bây giờ cũng tốt hơn”, anh nói. Nếu SARS phải mất một tháng các bác sĩ mới biết là gì, thì nCoV sau khi công bố 3-4 ngày, các nhà nghiên cứu đã giải xong trình tự gene và công bố bản đồ gene của virus.
Tôi không coi nghề của mình là nguy hiểm
Chứng kiến giây phút hạnh phúc khi lần lượt cả 5 bệnh nhân dương tính virus corona điều trị tại bệnh viện mình được xuất viện, bác sĩ Cấp không giấu nổi niềm “rạo rực trong lòng”.
Anh tâm niệm rằng để chiến đấu với mối nguy hiểm, tốt nhất là học để hiểu rõ nguy cơ. “Để đối phó với nỗi lo dịch bệnh, không gì hơn là hiểu biết về nó”, anh nói.
Ngày ngày đối mặt với những mối nguy hiểm dễ lây lan, có thể chết người, nhưng bác sĩ Cấp thể hiện thái độ bình thản. “Cuộc sống vẫn còn nhiều nghề nguy hiểm hơn nghề của tôi nhiều”, anh tâm sự sau khi tiễn hai bệnh nhân ra viện hôm 18/2. “Ai cũng muốn chọn nghề nào vừa giàu vừa nhàn ư, điều đó là không thể”.
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Người lo miếng ăn giấc ngủ bệnh nhân corona
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà mặc trang phục bảo hộ theo tiêu chuẩn, tay cầm suất ăn sáng đưa vào phòng cách ly cho bệnh nhân.
Tại khu cách ly Khoa cấp cứu, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, người phụ nữ 55 tuổi ở Vĩnh Phúc - một trong những bệnh nhân dương tính nCoV, đã thức giấc. Bà vệ sinh cá nhân xong xuôi, đang đi lại, tập thể dục trong phòng.
Mở cánh cửa, chị Hà nheo mắt cười, cất giọng chào ngày mới. "Hôm nay dự là sẽ có nắng ấm hơn hôm qua bác ạ", chị nói. "Tình hình sức khỏe người nhà bác ở Vĩnh Phúc thế nào rồi? ".
Nhìn thấy chị Hà, bệnh nhân ngồi xuống giường. "Nhà tôi ở quê vẫn đang cách ly cô ạ, nhưng sức khỏe vẫn ổn cả", bà trả lời.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà, 36 tuổi, là người trực tiếp chăm sóc 4 bệnh nhân corona điều trị tại đây, giúp họ từ bữa ăn, giấc ngủ, thể trạng đến sức khỏe tinh thần. Chị là điều dưỡng trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một trong 20 điều dưỡng tuyến trong của bệnh viện chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus corona.
Chị Hà tiến lại gần bệnh nhân, đặt suất ăn sáng bên cạnh. "Bác thấy trong người thế nào, có còn mệt hay đau ở đâu không?", chị hỏi thăm. "Đồ ăn của bệnh viện bác có cảm thấy ngon miệng không ạ?"
Bệnh nhân 55 tuổi này bị lây bệnh từ hàng xóm. Bà cắt sốt được 3 hôm, đang trong thời gian điều trị. Trò chuyện một lúc, nhận thấy tình trạng sức khỏe đã ổn định, chị Hà lấy trong khay các dụng cụ để theo dõi nhiệt độ mạch, đo huyết áp cho bệnh nhân, sau đó phát thuốc cho bà uống. Bà ngồi im, chăm chú nghe hướng dẫn.
"Hôm nay nắng ấm, bác cứ mở cửa phòng như vậy cho thoáng. Mong Vĩnh Phúc quê mình cũng có nắng ấm lên đuổi hết virus bác nhỉ", chị Hà động viên. Lúc nào vào chị cũng dặn dò mọi người mở cửa phòng cho có nắng có gió tràn vào.
Xong xuôi, chị đứng dậy, chào bệnh nhân rồi tiếp tục sang thăm bệnh nhân corona ở phòng cách ly khác. Chị không quên nhắc bà ăn hết suất ăn sáng của mình.
Trở về phòng trực, qua camera, chị Hà có thể nắm được mọi hoạt động của bệnh nhân trong khu cách ly, nhưng vẫn đảm bảo được sự riêng tư. Chị ngồi theo dõi không rời. Đến khoảng 9h sáng, chị lấy điện thoại gọi hỏi han sức khỏe và trò chuyện để bệnh nhân bớt buồn chán. Nhân viên y tế như chị Hà phải thường xuyên động viên, tạo tinh thần thoải mái nhất, đáp ứng yêu cầu người bệnh. Trưa, trong trang phục bảo hộ, chị lại đem cơm vào, kiểm tra mạch, đo huyết áp cho bệnh nhân.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà là điều dưỡng tuyến trong, người tiếp xúc trực tiếp với các bệnh nhân dương tính nCoV. Ảnh: Thúy Quỳnh
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà công tác ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới trung ương được 14 năm. "Tôi chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV đến nay là 3 tuần rồi chưa được về nhà", chị chia sẻ.
Bệnh viện có đầy đủ giường chiếu, chăn, và tắm giặt đầy đủ cho nhân viên y tế như chị Hà sinh hoạt. Chị thích nghi nhanh dù không được thoải mái như ở nhà. "Hai con tôi gửi qua cho ông bà chăm sóc để tập trung vào công việc cho tốt, chứ để các cháu ở nhà một mình tôi cũng không an tâm", chị nói.
Yên lặng một lúc, chị nói: "Thú thực tôi rất nhớ các con! Ngày nào tôi cũng gọi điện về nhà rất nhiều lần. Các con cũng thường xuyên gọi điện hỏi mẹ bao giờ về... nhiều lúc thấy thương các con lắm".
Thế nhưng chị nói rằng lúc này điều đáng quan tâm hơn cả là sức khỏe thể chất và tinh thần của bệnh nhân. "Mình xa gia đình nhưng vẫn còn đang khỏe mạnh, có công việc để làm, có đồng nghiệp để giao tiếp. Còn những bệnh nhân, họ vừa có bệnh, lại không có người thân bên cạnh, chắc buồn lắm".
Các bệnh nhân nhiễm virus corona may mắn vào viện trong tình trạng mạch, huyết áp, sức khỏe ổn định. Một số người lúc nhập viện thể trạng bị sốt nhưng cũng chỉ 1-2 ngày là cắt sốt. Hàng ngày gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với người bệnh hạn chế nhất có thể.
"Bệnh nhân chỉ có tâm nguyện duy nhất làm sao để nhanh có kết quả âm tính nCoV, được ra viện. Họ có vẻ rất sốt ruột", diều dưỡng Hà cho biết. Những lúc như vậy, chị không còn cách nào khác là bên cạnh động viên, khuyên họ tuân thủ hướng dẫn điều trị.
Bệnh nhân dương tính nCoV cách ly dài ngày nhất chị Hà chăm sóc là chàng trai 29 tuổi, ở viện 21 ngày.
"Chàng trai 29 tuổi là thành viên nhóm 8 người ở Vũ Hán về nước. Lần nào trò chuyện, anh cũng đều bày tỏ sự áy náy vì đã mang mầm bệnh, làm cộng đồng hoang mang. May mắn có chiếc điện thoại khiến anh bớt cô đơn và bớt nghĩ ngợi hơn", chị Hà kể.
Còn nữ bệnh nhân 55 tuổi đã có một chồng, ba người con và hai cháu nội, tất cả đều đang cách ly mỗi người một nơi ở Vĩnh Phúc. Ngày nào bà cũng có mấy cuộc điện thoại từ Vĩnh Phúc gọi đến, hỏi han tình hình.
Cứ chăm sóc bệnh nhân như vậy, đến ngày nhìn thấy họ khỏi bệnh, điều dưỡng Hà cùng các đồng nghiệp vui mừng khôn xiết vì đã chăm sóc thành công cho bệnh nhân.
Nói về quá trình chuẩn bị phòng chống dịch, điều dưỡng Hà cho biết, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cùng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp là người kế nhiệm, đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch SARS, cúm, sốt xuất huyết... Bản thân chị trước khi bước vào làm việc tại môi trường truyền nhiễm đã được rèn luyện từ trường đại học nên không hề lo sợ. Khi nghe tin Vũ Hán có dịch, bệnh viện chuẩn bị tất cả trang thiết bị đầy đủ để phòng chống dịch, những người điều dưỡng tuyến trong như chị Hà hoàn toàn không lo lắng.
"Tôi may mắn ở chỗ, chồng con và gia đình nhà chồng rất hiểu công việc của mình nên không ai kỳ thị. Tôi cũng không cảm thấy áp lực khi tiếp xúc với bệnh nhân dương tính nCoV", chị chia sẻ.
Cứ mỗi bệnh nhân ra viện, chị lại tự tay sắp xếp quần áo cho họ. "Tự nhiên trong lòng mình như cảm thấy vừa mất đi một thứ gì đó thân quen hàng ngày", chị nói. "Mong bệnh nhân và người thân sẽ sớm được đoàn tụ. Mong Vĩnh Phúc sẽ sớm hết dịch".
Thúy Quỳnh
Theo VNE
Bác sĩ chuyên ngành nhiễm: Chúng tôi không liều lĩnh! "Khi đã chọn theo chuyên ngành nhiễm, người thầy thuốc chấp nhận dấn thân, phục vụ cho sự an toàn của người bệnh, của cộng đồng trước các dịch, bệnh nguy hiểm chứ không để được xem là anh hùng". Hơn hai tháng qua, thế giới bàng hoàng vì dịch bệnh COVID-19 cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người. Nhờ khoanh vùng...