Bác sĩ người Việt trong tâm dịch New York
Tại bệnh viện New York- Presbyterian nơi Phương Trinh làm việc, các bác sĩ lập di chúc, lời nói đùa mọi khi ‘nếu em có chuyện gì, anh cứ lấy vợ mới’ giờ thành nói thật.
Phương Trinh hiện là bác sĩ khoa Nhi tại Bệnh viện New York-Presbyterian ở thành phố New York. Ảnh: NVCC.
Trang Phương Trinh, 30 tuổi, làm việc ở Bệnh viện New York-Presbyterian (New York, Mỹ), gọi tháng 3 này là “bão táp”. Một tháng qua, thành phố New York nơi Trinh sống thay đổi đến chóng mặt và hiện tại, ngay trong tâm dịch, mỗi ngày đi làm ở bệnh viện, cô lại cảm thấy như “đang ra chiến trường”. Vợ chồng cô và các đồng nghiệp đều chung một nỗi niềm lo lắng và bất lực khi đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng của bệnh nhân ngay trước mắt.
Ba năm kể từ khi chuyển tới sống ở New York, nữ bác sĩ khoa Nhi chưa bao giờ thấy đường phố vắng vẻ như vậy bởi nơi này vốn được mệnh danh là thành phố không ngủ. “Thành phố bây giờ rất vắng, không còn giống như hồi xưa”, Trinh nói.
Đầu tháng 3, khi New York chưa bị Covid-19 tấn công ồ ạt, vợ chồng Trinh vẫn đang trong kỳ nghỉ và có những chuyến đi chơi xuyên bang. Ở chỗ Trinh làm, mọi người nói về Covid-19 như thể nó không liên quan đến mình. Nhưng chỉ 10 ngày sau kỳ nghỉ của Trinh, mọi thứ đã thay đổi.
Trong ngày New York xuất hiện ca bệnh đầu tiên, Trinh cùng chồng liên tiếp nhận được email từ bệnh viện, yêu cầu mọi người giữ vệ sinh cá nhân và mặc đồ bảo hộ. Hai ngày sau đó, New Rochelle, vùng ngoại ô của New York, xuất hiện một ca siêu lây nhiễm, Trinh bắt đầu cảm thấy rùng mình khi đọc tin tức và nghĩ về việc những người thân, nhân viên trong bệnh viện đã tiếp xúc với bệnh nhân này mà không mặc đồ bảo hộ.
Khi số ca bệnh bắt đầu nhân lên, Trinh tiếp tục nhận được thông báo từ chỗ làm hướng dẫn lúc nào nên dùng khẩu trang N95 và lúc nào dùng khẩu trang thường. Trong thông báo ấy, bệnh viện cũng cấm không được lấy nước rửa tay khô trong kho ra dùng. Lúc đọc email, Trinh thấy lạ vì nước rửa tay khô thường có rất nhiều trong kho. Hóa ra những sản phẩm này bị bệnh nhân và người đi thăm bệnh lấy hết nên các nhân viên y tế không còn được dùng thoải mái như trước.
Lo sợ các bác sĩ bị bệnh cùng lúc sẽ không có ai chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện còn yêu cầu những buổi họp hay bài giảng nào có nhiều hơn 25 người đều phải bị huỷ bỏ; các bác sĩ đang nghỉ phép phải khai báo đã đi đâu hay định đi đâu và nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, họ phải ở nhà, không được đi làm, để tránh lây nhiễm.
Ngày 10/3, số ca nhiễm nCoV ở New York tăng lên 173, cũng là lúc Trinh cùng chồng đi làm trở lại, bước thẳng vào tâm bão. Mọi thứ bắt đầu mất kiểm soát do số ca bệnh tăng lên gấp đôi mỗi ba ngày, khiến tất cả bệnh viện ở New York quá tải. Bệnh nhân bị nặng, cần đặt nội khí quản khá cao làm số máy thở vơi dần. Bệnh viện Trinh làm hiện chỉ còn khoảng 100 máy thở, thiếu hụt phòng bệnh và nhân viên có thể chăm sóc bệnh nhân. Hôm qua, khi chứng kiến cảnh bệnh nhi phải dọn qua bệnh viện khác để dành phòng cho bệnh nhân Covid-19, Trinh đã bật khóc.
“Nhưng ai cũng biết lúc này bệnh nhân Covid-19 cần được ưu tiên chữa trị hơn”, Trinh nói.
Thiếu nhân viên y tế, chính phủ đã phải kêu gọi các bác sĩ đã về hưu quay lại làm việc; bệnh viện dã chiến cũng được dựng lên khắp nơi sau đó. Trinh cho hay bệnh viện New York nhìn bệnh viện Italy bị quá tải, bắt đầu lo sợ điều tương tự sẽ xảy ra ở đây. Bệnh viện của cô thông báo PPE (dụng cụ bảo hộ) bắt đầu bị thiếu hụt và yêu cầu hạn chế số người ra vào phòng bệnh nhân để tiết kiệm đồ bảo hộ.
Ban đầu bác sĩ mang khẩu trang N95 khi khám bệnh nhân nghi nhiễm, và phải thay khẩu trang giữa các bệnh nhân. Đến khi số lượng khẩu trang khan hiếm cùng cực, mỗi bác sĩ chỉ được phát một khẩu trang (loại dùng một lần) và phải tái sử dụng đến khi nào bẩn hoặc ướt mới được thay. Mạng che mặt được khử trùng bằng các miếng sát khuẩn. Hiện các y bác sĩ đeo N95 rồi mang thêm khẩu trang thường bên ngoài để dùng được lâu hơn. Trước đây, việc dùng lại khẩu trang là chuyện không tưởng, và nếu bị bắt gặp, họ sẽ bị phạt.
Video đang HOT
“Nhưng lúc này, mọi luật lệ không còn là gì nữa”, Trinh cho hay.
Để ngăn lây lan, bệnh viện quy định người nhà bệnh nhân không được vào thăm. Nhiều gia đình phải nhìn bố, mẹ hoặc vợ, chồng của mình ra đi qua Facetime; có nhà còn không hay biết người thân đã mất vì bệnh viện không liên lạc được với họ. Trinh đau lòng chứng kiến bệnh nhân như đang chết ngạt, khi phổi không còn cung cấp oxy cho cơ thể được nữa. Người nhà không thể gặp họ lần cuối, chẳng thể tổ chức lễ tang vì lệnh cấm tập trung đông người.
Số người chết mỗi ngày một tăng khiến hầu hết nhà xác quá tải. Thành phố buộc phải đem xe tải đông lạnh tới để chở xác.
Các sản phụ giờ phải đi sinh một mình vì chồng hay người nhà không được vào để tránh lây nhiễm. Các ngành khác nhau được điều động đến giúp ngành đa khoa và cấp cứu. Nhiều người trong số họ kiệt quệ về sức lực hay mắc bệnh và phải ở nhà. Sinh viên năm cuối trường y được tốt nghiệp sớm để có thêm một lượng bác sĩ mới, giúp bệnh viện trong cơn đại dịch này.
Dũng cảm ra tuyến đầu chống dịch nhưng những bác sĩ như Trinh luôn sống trong nỗi sợ sẽ lây bệnh cho người thân. “Bạn bè tôi có người phải xuống ở tầng hầm, ngủ giường riêng, có người thuê khách sạn ở; ai có con thì phải gửi về ở với ông bà và tuyệt đối không dám gặp. Vợ chồng tôi cùng là bác sĩ nên không có đường nào thoát, và cứ mặc định ai bị trước cũng sẽ lây cho người kia thôi”, Trinh tâm sự.
Dịch bệnh khiến người ta phải lường trước tình huống xấu nhất. Trinh cho hay các bác sĩ hối hả lập di chúc, đặc biệt những ai đã có con. Lời nói đùa mọi khi “nếu em có chuyện gì, anh cứ lấy vợ mới” trong thời điểm này lại thành ra nói thật.
Bác sĩ Trinh (thứ hai, từ phải sang) cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện New York-Presbyterian ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: NVCC.
Những người ở tuyến đầu lo đã đành, các ông bố bà mẹ ở nhà cũng như “ngồi trên đống lửa”. Mẹ chồng Trinh mua đủ thứ thuốc bổ khác nhau bắt vợ chồng cô uống, và mỗi ngày đều tiếp tế lương thực, nhưng chỉ dám để trước cửa vì không được vào nhà gặp mặt. Một số đồng nghiệp của cô được gia đình khuyên xin nghỉ làm, hết dịch rồi quay lại, nhưng không ai nỡ nghỉ, vì trách nhiệm với bệnh nhân và cả với đồng nghiệp.
Nhưng trong thời điểm khó khăn này, Trinh nhận ra và thêm trân quý những gì gia đình, bạn bè, và cộng đồng đang chung tay góp sức. Vài ngày sau khi nhắn tin hỏi bạn bè về khẩu trang, Trinh nhận được hàng chục chiếc từ họ. Ba mẹ cô cũng chạy khắp thành phố kiếm chỗ bán khẩu trang để gửi lên. Nhờ vậy cô đã có đủ khẩu trang ít nhất đến khi có hàng mới về bệnh viện.
Theo Trinh, cả thành phố bây giờ đều dồn lực và hy vọng về các bệnh viện. Hàng loạt nhà hàng và dịch vụ giao thức ăn quyết định tặng phần ăn cho y bác sĩ để họ tập trung làm việc. Chỉ cần đưa thẻ ID bệnh viện ra, họ sẽ được các tiệm bánh nổi tiếng trong thành phố hỗ trợ bữa ăn miễn phí, và còn giao tới tận bệnh viện. Ngoài ra, các nhãn hiệu giày và quần áo cũng tặng sản phẩm cho nhân viên y tế.
Trinh thấy ấm lòng khi cứ đến 19h hàng ngày, cả thành phố lại hẹn nhau cùng vỗ tay cảm ơn và cổ vũ đội ngũ y tế trong bệnh viện. Tới giờ ấy, Trinh ngồi trong bệnh viện, nhìn ra là thấy một loạt người dân đứng ở ban công vỗ tay náo nhiệt, và vẫn giữ đúng luật không đi ra đường, không đứng gần nhau.
Kể từ khi vào tâm bão, Trinh và chồng mình mặc định là những người đã nhiễm hoặc sẽ bị nhiễm. Cả tuần nay mẹ chồng cô đều tới nhà, nhưng chỉ đứng bên ngoài cách vài mét và chỉ được nhìn, nói chuyện với hai con qua cửa sổ.
“Hôm qua bà đòi vào nhà và chồng tôi phải nói: ‘Mẹ không được để bị lây bây giờ, nếu chẳng may bị bệnh mà phải vào bệnh viện, mẹ phải vào một mình, và nếu phải lựa chọn giữa mẹ và một bệnh nhân khác trẻ hơn, chắc chắn bác sĩ sẽ đưa máy thở cho người kia, vì cơ hội sống cao hơn. Nếu chuyện đó xảy ra vì con lây cho mẹ thì con sẽ không bao giờ tha thứ cho mình được’. Thế là bà lại phải quay ra”, Trinh chia sẻ.
Phạm Chiểu
Người 'sửa lưng' Trump trong cuộc chiến chống Covid-19
Khi Trump đưa ra thông tin không chính xác về Covid-19, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci không ngần ngại sửa lời ông.
Trong 5 thập kỷ làm nhà nghiên cứu y học, Anthony Fauci, 79 tuổi, đã chứng kiến cảnh hình nộm của mình bị đốt, nghe thấy tiếng hò hét của những người biểu tình gọi ông là "kẻ giết người" và ném bom khói bên ngoài văn phòng.
Nhưng ông cũng được ca ngợi là bác sĩ nổi tiếng nhất nước, đã giúp Mỹ có những bước tiến khi đối mặt khủng hoảng y tế. Là người đứng đầu ban miễn dịch học tại Viện Y tế Quốc gia (NIH) trong đại dịch HIV/AIDS những năm 1980, Fauci không xa lạ với những cuộc chiến dịch bệnh.
Giờ đây, khi Tổng thống Donald Trump nói Mỹ "đang trong điều kiện thời chiến" để chống Covid-19, ông một lần nữa đứng trên tiền tuyến.
Anthony Fauci (phải) và Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 24/3. Ảnh: Reuters.
Fauci sinh năm 1940 trong một gia đình dược sĩ người Italy nhập cư ở Brooklyn, New York. Ông đã "đi giao đơn thuốc từ khi biết đi xe đạp", Fauci kể với tạp chí trường Holy Cross năm 2002. Năm 1966, ông tốt nghiệp thủ khoa trường y Cornell và gia nhập NIH năm 1968.
Bước ngoặt sự nghiệp đến với Fauci vài thập kỷ sau đó, khi một báo cáo được đặt trên bàn làm việc của ông ngày 5/6/1981, mô tả một bệnh nhân chết vì bệnh viêm phổi lạ chỉ thường thấy ở người mắc ung thư. Một báo cáo khác sau đó mô tả 26 bệnh nhân tương tự, tất cả đều là những người đồng tính nam.
"Tôi đã đọc rất kỹ", ông nói. "Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp tôi 'dựng tóc gáy'. Có điều gì đó rất sai. Hẳn phải là một loại virus mới lây truyền qua đường tình dục".
Là một bác sĩ lâm sàng, nghiên cứu của Fauci về hệ thống miễn dịch của con người được ghi nhận là đã giúp tiết lộ cách thức virus HIV phá hủy hệ miễn dịch. Ông đã dẫn đầu các thử nghiệm lâm sàng cho zidovudine, loại thuốc kháng virus điều trị AIDS đầu tiên.
Tuy nhiên, khi HIV lây lan ở Mỹ vào những năm 1980, ông trở thành mục tiêu của các nhà hoạt động tức giận vì bệnh nhân không được tiếp cận loại thuốc mới và phản ứng thiếu quyết đoán của chính quyền tổng thống Ronald Reagan.
Người biểu tình giơ các biểu ngữ bên ngoài văn phòng chính phủ viết: "Bác sĩ Fauci, ông đang giết chúng tôi". Biên kịch Larry Kramer, người ủng hộ quyền của người đồng tính, thậm chí còn lấy Fauci làm nguyên mẫu cho một nhân vật phản diện trong vở kịch của mình.
"Khi nhìn ra cửa sổ, tôi thấy nhiều người ném bom khói trên bãi cỏ của NIH", Fauci kể trong một cuộc phỏng vấn năm 2011. "Cảnh sát định bắt họ nhưng tôi nói: 'Đừng làm vậy. Đưa họ lên văn phòng để tôi nói chuyện'".
Ông được ca ngợi vì sự cảm thông với bệnh nhân AIDS. Fauci được cho là đã thuyết phục các nhà quản lý nới lỏng hạn chế thử nghiệm lâm sàng để cho phép bệnh nhân thử các loại thuốc mới.
New York Times gọi ông là "người nổi tiếng hàng đầu của chính phủ về chống AIDS". Họ nhấn mạnh ông thực sự tự mình thực hiện nghiên cứu, không giống như nhiều chuyên gia khác để trợ lý làm hộ. Ông được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống, phần thưởng dân sự cao quý nhất ở Mỹ, năm 2008.
Năm 1984, ông được bổ nhiệm làm giám đốc ban Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm của NIH. Bộ phận này nghiên cứu từ AIDS, Ebola cho đến hen suyễn. Ông đã tư vấn cho 6 tổng thống, giúp thiết lập Sáng kiến AIDS ở châu Phi, chương trình do chính quyền George W. Bush khởi xướng để hỗ trợ các nước chống lại căn bệnh thế kỷ.
Hiện giờ, ông được công chúng Mỹ coi như " tư lệnh giải thích", xuất hiện bên cạnh Trump trong các cuộc họp báo tại Nhà Trắng, mô tả cách đối phó Covid-19 của Mỹ, giải thích về mặt khoa học và đôi khi "sửa lưng" những phát biểu của Tổng thống.
Khi Trump tuyên bố sẽ sớm có vaccine cho nCoV, Fauci đính chính rằng cần ít nhất một năm rưỡi để làm điều đó.
Khi Trump nói loại thuốc chống sốt rét phổ biến có thể được sử dụng để điều trị Covid-19, một phóng viên đã hỏi lại Fauci. Câu trả lời của ông rất thẳng thắn: "Không, điều bạn nói chỉ là thông tin truyền miệng chưa được kiểm chứng".
Nhiều người Mỹ coi Fauci là nhân tố trấn an. Ngày 23/3, khi ông không xuất hiện bên cạnh Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, nhiều người lo lắng đặt câu hỏi trên Twitter: Liệu ông ấy có bị sa thải vì sửa lời Trump không? Hay ông ấy đã nhiễm nCoV rồi?.
"Người duy nhất tôi muốn nghe phát biểu là Fauci", Molly Jong-Fast, biên tập viên Daily Beast viết trên Twitter. Dòng tweet nhận được hơn 22.000 lượt thích và hơn 2.800 lượt chia sẻ.
Fauci sau đó cho biết ông vẫn khỏe và làm việc như bình thường. "Thắc mắc của cộng đồng mạng cho thấy công chúng đang đặt lòng tin vào vị bác sĩ thẳng thắn đến từ New York khi virus lây lan trên diện rộng", ký giả Lauren Gambino của Guardian viết. Mỹ đã trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 85.000 ca nhiễm, hơn 1.300 ca tử vong.
Trump đã chú ý đến sự nổi tiếng của Fauci, chuyên gia trả lời nhiều cuộc phỏng vấn và xuất hiện nhiều trên TV, một cửa hàng thậm chí còn bán bánh rán hình chân dung ông. Tổng thống gọi nhà nghiên cứu là "ngôi sao truyền hình lớn". Ông dường như không có ác cảm với Fauci dù họ đôi khi bất đồng ý kiến. "Tôi rất quý ông Fauci", Trump nói hôm 23/3.
Fauci nói với tạp chí Science rằng ông đã cố gắng hết sức để cung cấp thông tin chính xác cho công chúng nhưng cũng phải cư xử hợp lý. "Tôi không thể nhảy xổ ra trước micro, đẩy Tổng thống sang một bên và bác bỏ lời ông ấy ngay lập tức. Điều tôi có thể làm là đính chính thông tin sau đó".
Fauci khẳng định ông vẫn sẽ cố gắng cung cấp cho công chúng thông tin đúng và không ngại sửa lời Tổng thống: "Tôi vẫn chưa bị sa thải", ông nói.
Phương Vũ
COVID-19 dọa đánh sập hệ thống y tế Mỹ Hệ thống y tế Mỹ choáng váng trước số ca bệnh và ca tử vong vì virus corona chủng mới. Các chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể trở thành một phiên bản của Ý khi nhiều bác sĩ đang buộc phải chọn bệnh nhân để chữa. Các nhân viên y tế chuyển một bệnh nhân vào bệnh viện ở New...