Bác sĩ nghỉ việc: ‘Túng quẫn không có tiền đóng học phí cho con’
Cảm thấy có lỗi với đồng nghiệp, xấu hổ bởi không nuôi nổi vợ con, bác sĩ 35 tuổi ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đành xin nghỉ việc.
Bác sĩ cho biết anh nhiều năm làm việc ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, thu nhập khoảng 5 triệu đồng một tháng. Bệnh nhân đông, anh thường xuyên trực cấp cứu kể cả ban đêm. Vợ anh ở nhà nội trợ và chăm sóc hai con nhỏ đang ăn học.
“Mình là trụ cột gia đình mà thu nhập thấp quá không làm sao trang trải đủ chi tiêu trong nhà dù vợ đã gói ghém lắm”, nam bác sĩ nói. Anh ngậm ngùi bảo rằng: “Nhiều lúc túng quẫn con xin tiền học hay mua đồ chơi mà trong túi bố không có một đồng. Tôi thấy xấu hổ và có lỗi với gia đình nên quyết dứt áo ra đi”.
Bác sĩ viết đơn xin nghỉ việc. Để đi đến quyết định này, anh cứ băn khoăn, trăn trở, suy nghĩ mãi: “Rời xa nơi mình gắn bó, nơi được các đàn anh đàn chị đào tạo nhiều năm cũng buồn lắm, nhưng cuộc sống mà”. Đơn xin nghỉ việc của anh ghi “do hoàn cảnh gia đình”, còn trong nhiều lần trao đổi với lãnh đạo bệnh viện, nam bác sĩ thú thật xin nghỉ để sang làm ở phòng khám tư nhân thu nhập cao hơn 3-4 lần.
Sau nhiều lần được giám đốc bệnh viện và Sở Y tế động viên, nam bác sĩ vẫn cương quyết xin nghỉ nên được giải quyết theo nguyện vọng hồi năm 2017. Sau đó, bác sĩ trẻ đầu quân cho một phòng khám tư nhân lớn ở Vĩnh Long.
Sau nửa năm chuyển sang làm ở phòng khám tư nhân, bác sĩ nói rằng giờ đây công việc của anh có nhiều hơn trước song luôn cố gắng hoàn thành, quan trọng là anh cảm thấy cuộc sống đã “dễ thở” hơn.
Một nữ bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên môn giỏi, được đào tạo sau đại học, công tác gần 10 năm tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, cũng nộp đơn xin nghỉ. Lương bệnh viện của chị 6 triệu đồng một tháng không đủ lo cuộc sống gia đình có con nhỏ và cha mẹ già, nên nữ bác sĩ thú thật với lãnh đạo lý do xin thôi việc của mình. Một bệnh viện tư lớn đã “săn” nữ bác sĩ này với mức lương gấp 10 lần.
“Biết thời gian đầu mình nghỉ, các anh chị em bác sĩ ở lại viện sẽ có phần nào khó khăn vì làm việc nhiều hơn, thiếu người hỗ trợ, nhưng hoàn cảnh như thế thì đành phải đi”, nữ bác sĩ tâm sự. Chị cũng mong mọi người hiểu và thông cảm.
Một nam bác sĩ chuyên khoa 1 nói anh học đại học y khoa 6 năm, sau đó được đào tạo thêm 2 năm, tốn rất nhiều tiền của gia đình và công sức… Ai cũng muốn gắn bó nơi công tác lâu dài nhưng với mức lương 5-6 triệu một tháng như hiện nay thì khó mà sống. “Tôi còn hơn 20 năm làm việc, nếu ở lại thì cũng không khá hơn gì nhiều, chi bằng ra ngoài làm khối lượng công việc gấp đôi nhưng lương cao tương xứng, cải thiện cuộc sống gia đình và lo được tương lai hai con nhỏ”, anh dự tính.
“Bệnh viện có 13 bác sĩ thôi việc theo nguyện vọng và 11 trường hợp đang nộp đơn xin nghỉ, hầu hết là hoàn cảnh cuộc sống khó khăn do lương thấp”, bác sĩ Văn Công Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long nói. Bản thân bác sĩ Minh có 34 năm công tác trong ngành y, làm giám đốc bệnh viện, lương của ông chỉ hơn 8 triệu đồng một tháng.
Video đang HOT
Phần lớn những bác sĩ đã nghỉ việc ở bệnh viện Vĩnh Long, giờ sang làm việc cho các bệnh viện tư, phòng khám tư ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn với mức lương cao gấp nhiều lần. Vài bác sĩ xin mở phòng khám tư, một người bỏ nghề chuyển sang kinh doanh. Có bác sĩ chuyên khoa 1 làm việc chưa đủ thời gian như cam kết khi được đưa đi đào tạo đã mượn tiền “đền” lại cho ngân sách để được ra đi làm việc lương cao hơn.,
“Đào tạo một bác sĩ lành nghề khó lắm và mất nhiều thời gian nên khi bị chảy máu nguồn nhân lực, buồn và tiếc lắm. Nhưng anh em có cuộc sống khó khăn thật sự thì phải giải quyết và mong họ cố gắng vượt qua”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nói. Ông chia sẻ, trong hoàn cảnh đó “nếu cố giữ anh em thì có thể gián tiếp có lỗi với gia đình và con cái họ cũng như làm mất cơ hội của những người trẻ”.
Theo ông Minh, những phòng khoa có bác sĩ nghỉ việc thì tuyển và đào tạo người mới thay thế, nhưng phải mất thời gian ổn định và tốn kém. Người đứng đầu Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long ngỏ ý mong muốn một vài trường hợp là lãnh đạo khoa có nhiều năm gắn bó và tầm ảnh hưởng đang nghỉ việc trong khi hoàn cảnh không khó khăn, cân nhắc ở lại viện để cùng chăm lo đào tạo lớp trẻ phục vụ nhân dân.
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, trong năm qua có 19 y bác sĩ xin thôi việc được giải quyết và hiện còn nhiều đơn đang chờ xử lý. Các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt 300 y bác sĩ.
Vĩnh Long có hai bệnh viện tư nhân đang xây dựng, sắp đi vào hoạt động cùng 6 phòng khám đa khoa nên nhu cầu nguồn nhân lực y bác sĩ lành nghề rất lớn. Khả năng tiếp tục chảy máu chất xám từ các bệnh viện, cơ sở y tế công dự báo còn diễn ra và các đơn vị này gặp khó khăn trong hoạt động.
Sở Y tế đang tham mưu UBND tỉnh về cơ chế “giữ người”, liên kết đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, đảm bảo hoạt động các bệnh viện và cơ sở y tế công lập phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Cửu Long (VnExpress)
Lương 2,7 triệu: Bác sĩ vừa ký hợp đồng đã chạy mất hút
4 năm liên tiếp, Trung tâm 115 Hà Nội chỉ tuyển được 6 bác sĩ, hiện 4 người đã bỏ. Có trường hợp vừa ký hợp đồng, 2 ngày sau gọi lại... mất hút.
Mới đây, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan than phiền lương của nhân viên y tế quá thấp và mơ ước mức khởi điểm có thể bắt đầu từ 9 triệu đồng, ngang bằng với BHXH Việt Nam với lập luận đây là nghề đặc thù, nhiều áp lực, vất vả.
Thu nhập cũng là một trong những lý do chính khiến suốt 20 năm qua, TT Cấp cứu 115 Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng.
Nhân viên y tế tại 115 Hà Nội làm việc không ngơi nghỉ
BS Nguyễn Văn Chánh, Phó giám đốc TT 115 Hà Nội cho biết, thế hệ cùng làm với ông có 7 bác sĩ đỗ viên chức từ năm 2000 nhưng đến nay chỉ còn 2 người trụ lại, 1 người chuyển vào Sài Gòn, còn lại bỏ việc, chuyển công tác.
Nếu tính từ 2005 đến nay, đã có hơn 20 bác sĩ ở đây xin thôi việc hoặc chuyển chỗ làm, trong đó có nhiều người từng là viên chức nhiều năm.
Trước 2008, mỗi kíp theo xe 115 luôn gồm 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và lái xe nhưng do số lượng hao hụt dần nên từ đó đến nay, TT phải xin tuyển dụng thêm y sĩ hệ 3 năm, sau đó cho đi học, tập huấn chuyên môn.
Ông Chánh cho hay, trong nhiều năm liền, chỉ tiêu tuyển dụng luôn thừa. Năm 2015, chỉ tiêu tuyển 6 nhưng chỉ được 3 và 3 năm nay mới tuyển thêm được 3 bác sĩ. Tuy nhiên 4/6 người hiện đã bỏ việc.
"Có trường hợp được ký hợp đồng, đã giới thiệu với các phòng ban, các đội cấp cứu nhưng 2 ngày sau gọi điện đi làm thì... mất hút, không đến nữa", Phó giám đốc 115 Hà Nội chia sẻ.
Hiện TT có 29 bác sĩ, 25 y sĩ, 63 điều dưỡng thường trực 14 xe cấp cứu, luân phiên ngày 3 ca.
Thu nhập 3 triệu/tháng
BS Chánh thừa nhận: "Thu hút bác sĩ đã khó, giữ chân họ còn khó hơn nhiều". Chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ cấp cứu 115 theo thang bảng lương chung, chưa có chế độ đặc thù nên thu nhập rất thấp.
Ông dẫn chứng, một người công tác tại 115 Hà Nội 20 năm, lương cứng chỉ có 7 triệu đồng, với các bác sĩ mới ký hợp đồng, lương khởi điểm là 2,7 triệu, 3 năm tăng 1 bậc, lương điều dưỡng khởi điểm 2,2 triệu đồng/tháng, 2 năm tăng 1 bậc.
Ngoài lương cơ bản, cán bộ y tế 115 có thêm 200-300 ngàn đồng/tháng từ nguồn thu phòng khám của TT và thưởng Tết khoảng 2 triệu đồng/người.
Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội
Về tài chính, TT đã tự chủ 30%, còn lại là ngân sách TP cấp. Năm 2018, 14 kíp cấp cứu thực hiện hơn 38.000 chuyến xe nhưng có tới 35-40% không thu được tiền từ các ca tai nạn giao thông hoặc đến nơi bệnh nhân đã tử vong nên ảnh hưởng nguồn thu.
"Để giúp anh em có thêm thu nhập, chúng tôi có mở phòng khám đa khoa theo yêu cầu nhưng do cơ sở vật chất hạn chế, trang thiết bị đầu tư chưa đầy đủ nên hiệu quả chưa cao. Số tiền tăng thêm cho anh em không đáng là bao. Trong khi một bác sĩ bình thường làm ở ngoài, ít nhất cũng 800.000 - 1 triệu đồng/ngày", ông Chánh nói.
Từ 2012 đến nay, bác sĩ làm việc tại các TT 115 không được cấp chứng chỉ hành nghề do không có giường bệnh, vì lẽ đó, bác sĩ 115 rất khó đi làm thêm ở ngoài.
Dù lương thấp, thu nhập ngoài thấp song công việc của nhân viên y tế 115 vô cùng vất vả, đặc thù làm việc đêm hôm, chưa kể những ngày mưa gió, rét mướt, ngập lụt...
"Chuyện bị chửi mắng do chậm trễ là bình thường. Nhưng có nhiều trường hợp xe cấp cứu bật còi hụ vẫn không được tránh đường, không cho vượt, có thanh niên vùng vằng lên chặn trước xe rồi đánh cả bác sĩ, lái xe", BS Chánh kể.
Chưa kể nhiều hôm bác sĩ nữ phải đi vào ngõ rất sâu giữa đêm hun hút, có khi phải vào nhà vệ sinh để cấp cứu bệnh nhân nghiện, bệnh nhân ảo giác do ma tuý đá...
Ông Nguyễn Thành, Giám đốc TT Cấp cứu 115 Hà Nội lo ngại, dù hiện tại chưa gặp tình trạng bỏ việc hàng loạt nhưng nếu không có hỗ trợ kịp thời, điều đó có nguy cơ xảy ra.
Giám đốc 115 Hà Nội kỳ vọng nhân viên cấp cứu sẽ có đãi ngộ đặc thù hơn, được cấp giấy phép hành nghề trước viện.
"Chúng tôi mong nhà nước sẽ xây dựng được hệ thống cấp cứu 115 hoàn chỉnh hơn với mạng lưới liên kết với các BV. Cấp cứu trước viện là dịch vụ an sinh nên cũng có cơ chế chi từ nguồn BHYT, không nên thu trực tiếp từ người dân", ông Thành kiến nghị.
Theo Thúy Hạnh (Vietnamnet)
Áp lực nghề y Chưa bao giờ bệnh viện lại "nóng" như vậy. Bác sĩ thường được ví như "mẹ hiền" nhưng "mẹ hiền" lại đang bị đánh ngày càng nhiều, mà người đánh lại chính là những "đứa con" đang được mẹ hiền chăm sóc, chạy chữa. Cứu người thì phải được người biết ơn, tôn trọng là lý lẽ hết sức bình thường ở đời....