Bác sĩ Mỹ tiết lộ những cơn đau ngực khủng khiếp trước lúc qua đời
Trong những ngày cuối cùng trước khi qua đời cô độc trên giường bệnh vì Covid-19, bác sĩ Madhvi Aya chỉ có thể nhắn tin cho người thân kể về những cơn đau ngực khủng khiếp mà bà phải trải qua.
Madhvi Aya (bên trái) chụp ảnh cùng chồng và con gái (Ảnh: New York Times)
Nằm trên giường bệnh viện vào tháng 3, Madhvi Aya hiểu được điều gì đang xảy đến với bà.
Aya từng là bác sĩ ở Ấn Độ, sau đó được đào tạo để trở thành trợ lý bác sĩ sau khi nhập cư tới Mỹ. Bà đã làm việc hàng chục năm tại trung tâm y tế Woodhull – một bệnh viện công ở Brooklyn, New York, Mỹ. Đây là một trong những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19.
Sau những chuỗi ngày làm việc ở phòng cấp cứu, thu thập tiền sử y tế bệnh nhân, lên lịch xét nghiệm, lấy thông tin về triệu chứng, Aya đã bị nhiễm SARS-CoV-2.
Aya, 61 tuổi, nằm một mình trong một bệnh viện chỉ cách chồng và con gái vài km. Họ không thể tới thăm bà vì lo ngại bị nhiễm bệnh. Trong những ngày cô độc cuối cùng, Aya chỉ có thể nhắn tin cho người thân kể về những cơn đau ngực khủng khiếp mà bà phải hứng chịu khi cố ra khỏi giường.
“Tình hình của em không được cải thiện như kỳ vọng”, Aya nhắn tin cho người chồng tên Raj hôm 23/3.
Sau khi sức khỏe ngày càng suy kiệt, những dòng tin nhắn của Aya trở nên ngắn, đứt quãng và không còn thường xuyên.
“Con nhớ mẹ. Làm ơn đừng bỏ cuộc vì mẹ chưa từng bao giờ bỏ cuộc mà. Con cần có mẹ. Con cần mẹ quay về với con, mẹ ơi”, cô con gái Minnoli nhắn cho bà Aya hôm 25/3. Cô gái trẻ cảm thấy thèm khát cái ôm của mẹ hay những khi lăn lộn thoải mái trên giường của mẹ.
“Mẹ yêu con”, Aya nhắn lại cho con gái ngày hôm sau.
“Mẹ ơi, hãy về nhà nhé”, Minnoli nhắn lại. Nhưng Aya đã không thể giữ được lời hứa với con.
Rủi ro với nhân viên y tế
Video đang HOT
Xe cứu thương chật cứng ngoài bệnh viện Woodhull vì đại dịch (Ảnh: New York Times)
Các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 phải đối mặt với rủi ro cao lây nhiễm mầm bệnh khi hàng ngày họ phải chăm sóc rất nhiều bệnh nhân tới tìm kiếm sự hỗ trợ y tế.
Ban đầu, Aya có triệu chứng nhẹ và tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, tình hình của bà trở nên nghiêm trọng nhanh chóng trước khi qua đời một mình.
“Cô ấy luôn đồng hành với chúng tôi, bất cứ khi nào chúng tôi cần. Nhưng khi cô ấy ốm, không có ai bên cạnh cô ấy”, chồng Aya chia sẻ.
Aya chuyển tới Mỹ năm 1994 sau khi lập gia đình với một người nhập cư. Bà làm việc tại Woodhull từ năm 2008 và trở thành trợ lý bác sĩ cao cấp.
“Đây là một nỗi đau to lớn với chúng ta”, trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Woodhull Robert Chin viết trong lá thư điện tử nội bộ hôm 1/4.
Minnoli cho biết cảm xúc của cô chuyển từ đau khổ tột cùng tới mất niềm tin. Cô gái trẻ ước mơ trở thành bác sĩ và giờ cô đang cảm thấy tức giận vì hệ thống y tế mà cô cho rằng đã không bảo vệ được các nhân viên trên tuyến đầu.
“Tôi chỉ muốn có thể ôm mẹ và nghe mẹ an ủi rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả”, Minnoli cho biết.
Không có cách nào để biết vì sao Aya bị nhiễm virus corona mới. Hồi đầu tháng 3, các nhân viên y tế ở Woodhull chưa được hướng dẫn phải đeu khẩu trang cho toàn bộ các bệnh nhân.
Sau đó, khi cuộc khủng hoảng y tế bùng phát, ngày 17/3, Woodhull khuyến cáo các nhân viên phòng cấp cứu phải đeo khẩu trang cho tất cả bệnh nhân.
Qua đời trong đơn độc
Những tin nhắn mà con gái Minnoli nhắn cho Aya (Ảnh: New York Times)
Aya bắt đầu bị ho vào ngày 12/3 và bệnh tình dần trở nên nặng hơn. Ngày 18/3, chồng Aya đưa bà tới bệnh viện Long Island Jewish ở gần nhà. Đó là lần cuối họ gặp nhau.
Vào lúc 4h47 sáng ngày hôm sau, Aya nhắn tin cho chồng rằng bà vẫn đang chờ giường bệnh. Sau đó, bệnh viện Woodhull báo bà đã dương tính với Covid-19.
Hôm sau, Minnoli trở về nhà từ đại học Buffalo. Cô gái nghĩ mẹ bị viêm phổi và muốn làm mẹ bất ngờ. Tuy nhiên, khi nghe tin mẹ mắc Covid-19, Minnoli cảm thấy “như gục ngã và tan vỡ”.
Một tuần sau đó, Aya kiệt quệ vì bệnh tật khi bà không thể hô hấp bình thường.
Ngày 29/3, các bác sĩ đã quyết định cho Aya dùng máy thở. Tuy nhiên, một biến chứng đã xảy ra và họ đã báo với ông Raj rằng liệu ông và gia đình có muốn gặp vợ lần cuối hay không.
Vì mắc bệnh tim và lo ngại rằng Minnoli sẽ trở thành trẻ mồ côi, ông Raj đã từ chối lời đề nghị. Buổi chiều cùng ngày, Aya qua đời và Raj nói rằng quyết định không vào thăm vợ lần cuối đã ám ảnh ông.
Hàng tuần sau khi Aya qua đời, Minnoli vẫn đang đọc lại những dòng tin nhắn cuối cùng của cô và mẹ.
“Con cần mẹ, mẹ ơi. Mẹ là người duy nhất hiểu con hoặc cố gắng hiểu con. Con không thể sống mà không có mẹ được. Không ai trong nhà sống thiếu mẹ được. Con tin mẹ, hãy cố lên. Con yêu mẹ hơn rất nhiều những gì mẹ nghĩ”, Minnoli nhắn tin động viên mẹ.
“Yêu con. Mẹ sẽ về nhà”, Aya nhắn lại.
“Mẹ ơi, việc học căng thẳng quá khi phải học ở nhà. Điều tuyệt vời là con đã về nhà nhưng con cần có mẹ quay về với con. Con mong mẹ đã ăn tối và con vẫn cầu nguyện cho mẹ. Con chưa từng từ bỏ hy vọng”, Minnoli nhắn tin 3 ngày trước khi mẹ mất.
“Hãy tập trung vào con”, Aya nhắn tin.
“Con đang đây mẹ nhưng con mong mẹ ở nhà. Hãy về nhà sớm mẹ ơi. Con yêu mẹ nhiều lắm”, Minnoli nhắn.
“Mẹ yêu con”, đó là những lời cuối cùng mà Aya nhắn cho con gái.
Đức Hoàng
Dịch Covid-19: Tiêu chảy, nôn ói, đau bụng là dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh?
Nghiên cứu gần đây cho thấy các vấn đề về tiêu hóa như mất cảm giác thèm ăn, tiêu chảy, nôn ói và/hoặc đau bụng có thể là triệu chứng sớm đối với những người mắc COVID-19 gây ra bởi virus Corona chủng mới.
Lưu ý: mọi người không nên cho rằng cứ có vấn đề về tiêu hóa thì đó là dấu hiệu của COVID-19 - Ảnh minh họa: Shutterstock
Nhóm chuyên gia điều trị y tế Vũ Hán COVID-19 đã phân tích 204 bệnh nhân nhập viện trong khoảng thời gian từ 18.1 đến 28.2. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc phát hiện một nửa số bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã trải qua các triệu chứng tiêu hóa trong giai đoạn đầu của bệnh, theo CBS News.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Gastroenterology của Mỹ xác định, nhiều bệnh nhân bị các vấn đề về tiêu hóa, bao gồm mất cảm giác thèm ăn, tiêu chảy, nôn ói và/hoặc đau bụng. Nghiên cứu cũng kết luận, những người bị vấn đề về tiêu hóa không tìm kiếm sự chăm sóc y tế nhanh chóng như những bệnh nhân không gặp phải triệu chứng này (có thể do thiếu các triệu chứng hô hấp khiến họ tin là họ không bị nhiễm COVID-19).
"Bác sĩ lâm sàng phải nhớ rằng các triệu chứng tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy, có thể là một đặc điểm của COVID-19, và chỉ số nghi ngờ cần được nâng lên sớm hơn trong những trường hợp này thay vì chờ đợi các triệu chứng hô hấp xuất hiện", nhóm nghiên cứu viết. Họ bổ sung rằng các nghiên cứu thực hiện trên mẫu lớn hơn là cần thiết để xác nhận đầy đủ những phát hiện nói trên.
Theo ghi nhận của Business Insider, một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng tìm thấy bằng chứng về các triệu chứng tiêu hóa ở bệnh nhân mắc COVID-19. Trong số 138 người nhập viện ở Vũ Hán (Trung Quốc) từ ngày 1.1 đến ngày 28.1, 14 bệnh nhân (10,1%) bị tiêu chảy và buồn nôn từ một đến hai ngày trước khi phát sốt.
Roberto Viau Colindres, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm y tế Tufts (Mỹ), nói với HuffPost rằng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ khuyến nghị lâm sàng nào dựa trên dữ liệu này, nhưng chắc chắn cũng không nên xem nhẹ nó.
"Tôi không biết bất kỳ ca (COVID-19) nào mắc bệnh đường tiêu hóa nặng cần phải truyền dịch. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong tương lai. Các bác sĩ lâm sàng nên nhớ, đây có thể là biểu hiện sớm của COVID-19", bác sĩ Colindres nói.
Bác sĩ Colindres lưu ý, nghiên cứu này bổ trợ thêm cho thông tin chúng ta đã biết về COVID-19, đó là virus có thể xuất hiện trong phân. Đây là một lý do khác để mọi người thực hành siêng năng rửa tay.
Tuy nhiên, Emily Hyle, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, và là giáo sư y khoa tại Trường Y Harvard (Mỹ), nhắc rằng các triệu chứng tiêu hóa có thể là do nhiều tình trạng y tế hoặc bệnh tật chứ không chỉ là do virus Corona. Bác sĩ Hyle nhấn mạnh, mọi người không nên cho rằng cứ bị vấn đề tiêu hóa chắc chắn là dấu hiệu của COVID-19.
Nhưng nếu lo lắng hoặc có thắc mắc, hãy mạnh dạn liên hệ với cơ quan chăm sóc sức khỏe. Hyle khuyên tất cả mọi người, bất kể xuất hiện triệu chứng hay không, nên thực hành giãn cách xã hội/khoảng cách xã hội hay cách ly xã hội nếu có thể, theo HuffPost.
Cuộc chiến với Covid-19 qua lời kể của bệnh nhân đầu tiên ở Philippines "Khoảng thời gian đáng sợ nhất có lẽ bắt đầu vào ngày thứ tư, khi trong những người nhập viện cùng đợt với tôi, đã bắt đầu có một vài ca tử vong. Vào sáng sớm bạn có thể nghe thấy tiếng khóc". Sau chuyến du lịch cùng gia đình đến Nhật Bản vào cuối tháng 2 vừa qua, anh Carlo Navarro (48...