Bác sĩ học cách cảm ơn bệnh nhân: Chuyện khó tin
Nhân việc Bộ Y tế tổ chức tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho lãnh đạo, điều dưỡng các bệnh viện, sở y tế mới đây, một ý tưởng rất mới được đưa ra: thầy thuốc phải tập nói lời cảm ơn với bệnh nhân.
Bác sĩ nở nụ cười vui vẻ thế này với bệnh nhân chỉ có ở trong phim (ảnh trong phim).
Chỉ có dịch vụ khám – chữa bệnh mới dám mắng bệnh nhân
Mắng bệnh nhân như mắng con, mắng bệnh nhân xa xả… – đó là những chuyện diễn ra như cơm bữa tại các bệnh viện. Đừng nghĩ rằng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đặt điều cho các bác sĩ, y tá. Ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám – chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đưa ra những con số để chứng minh điều này.
Theo ông Mục, một cuộc điều tra nhỏ mới đây cho thấy có đến 80% bệnh nhân bị mắng, 12% có người nhà bị mắng khi vào bệnh viện khám – chữa bệnh. “Vào nhà hàng, khách sạn, ngân hàng… khách hàng đều được nhân viên cúi chào, được đón tiếp nồng nhiệt. Không có nơi nào mà khách hàng lại bị mắng như dịch vụ khám – chữa bệnh tại Việt Nam”, ông Mục bày tỏ sự lo ngại.
Một cuộc điều tra nhanh khác cho thấy gần 80% người trả lời hay bị nhân viên y tế quát mắng, 70% bác sĩ chỉ “nói qua loa”, thậm chí có đến 16% bác sĩ “chẳng nói gì” khi bệnh nhân hỏi.
Một thực tế ai cũng nhìn thấy là nhân viên y tế đang rất lạnh lùng, nếu không muốn nói quá là vô lễ với người bệnh. Những quy ước y đức, quy tắc ứng xử mà Bộ Y tế ban hành trong nhiều năm qua đã không hề có tính thực tế.
Chuyện một ông bí thư tỉnh ủy vào bệnh viện thăm người thân, đến cửa khoa khám bệnh hỏi nhân viên bệnh viện thì bị quát “suốt ngày toàn người hỏi”. Đến khu phòng bệnh, thấy mấy điều dưỡng đang đứng buôn chuyện, ông vào hỏi phòng bệnh nhân thì một cô hất hàm: “Có chỉ dẫn hết trên tường đó” – được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng ra và cho đó chỉ là một vài “con sâu”, nhưng thực tế đang có rất nhiều “sâu”.
Những người ở quê ra các bệnh viện lớn chữa bệnh ngơ ngác, cái gì cũng xa lạ nên họ thường bị mắng chửi nhiều nhất. Hỏi phòng xét nghiệm ở đâu, bị một cô mặc áo blouse quát: “Ngay trước mắt kìa, không nhìn thấy à, phải nhìn rồi hãy hỏi chứ”. Thắc mắc vì sao phải đóng tiền viện phí trước khi nhập viện, một nhân viên trợn mắt quát: “Không đóng tiền thì đưa nhau về, lằng nhằng…”. Băn khoăn về kết quả siêu âm hỏi bác sĩ thì bị mắng xa xả: “Đã bảo là nhập viện, kết quả ghi rõ thế rồi, hỏi lắm thế…”. Có lẽ chướng tai nhất là khi nghe tiếng mấy cô y tá ngồi ở phòng khám quát nạt bệnh nhân đáng tuổi ông bà được phát ra loa: “Xếp hàng vào giấy tờ đâu đi ra hỏi gì…”.
Video đang HOT
Một bệnh nhân bức xúc: “Đi khám bệnh trả tiền mà cứ như đi ăn cướp, ăn trộm thời gian của bác sĩ ấy, đã bỏ tiền ra mà còn bị chửi. Còn mấy em gái lần đầu đi khám thai đã hết hồn khi bị bác sĩ nam mắng xơi xơi: “Dạng chân ra, sau này còn đẻ đái có che được không mà che, mất thời gian!”…
Người dân luôn bức xúc khi đi khám – chữa bệnh và có cái nhìn méo mó, thiếu thiện cảm đối với người thầy thuốc, không phải không có lý do. Nếu biện minh rằng vì đồng lương quá thấp và áp lực công việc nên một số thầy thuốc có thái độ có phần vô lễ với bệnh nhân thì đó chỉ làngụy biện, vì thu nhập chẳng có liên quan gì đến đạo đức. Không có cơ sở nào để nói vì nghèo hay vì thu nhập thua kém người khác, nên phải hành xử như thế.
Bác sĩ nói cảm ơn bệnh nhân: Quá xa xỉ
“Tôi đã từng ra nước ngoài khám bệnh, đã từng đến chữa bệnh ở một bệnh viện quốc tế tại Việt Nam và luôn cảm thấy người bệnh được tôn trọng. Bác sĩ không tiếc lời khi nói câu cảm ơn sau khi khám cho bệnh nhân, như: “Cám ơn anh đã tin tưởng vào tay nghề của tôi và bệnh viện của chúng tôi…” “Cảm ơn chị đã hợp tác với bác sĩ…”. Khi nghe câu nói cảm ơn từ bác sĩ, tôi cảm thấy nhẹ nhõm và có niềm tin để chữa bệnh, cho dù chi phí cho khám – chữa bệnh lên tới hàng chục triệu đồng”, một bệnh nhân chia sẻ. Còn ở các bệnh viện công của Việt Nam đang tồn tại chuyện ngược lại: Bệnh nhân phải cảm ơn thầy thuốc không chỉ bằng lời nói, mà phải cả vật chất.
Ông Phạm Đức Mục – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám – chữa bệnh đặt câu hỏi: Tại sao bệnh nhân – khách hàng đem tiền đến cho bệnh viện, nuôi sống các bác sĩ mà họ lại phải đi cảm ơn? Tại sao bác sĩ không chủ động cảm ơn bệnh nhân, chủ động cúi chào bệnh nhân? Ông Mục cho rằng nếu bác sĩ, điều dưỡng biết nói từ cảm ơn bệnh nhân thì mọi việc sẽ khác. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt về vị thế của bệnh nhân trong bệnh viện, từ đó tạo ra mối quan hệ thân thiện giữa người bệnh và bác sĩ.
Một giáo sư lâu năm trong ngành y bày tỏ: Thầy thuốc là người luôn được mọi người tin tưởng. Không mấy ai dễ dàng cởi bỏ quần áo của mình trước người xa lạ, nhưng với thầy thuốc thì họ không ngần ngại. Vì vậy, bác sĩ cần phải xin phép họ trước khi vén áo họ lên khám và họ rất đáng được nhận câu cảm ơn từ bác sĩ. Lâu nay, các thầy thuốc đã quên mất cách hành xử tối thiểu này. Thầy thuốc đừng cho rằng người bệnh cần thầy thuốc nên thầy thuốc có quyền quát mắng, thậm chí xúc phạm người bệnh. Các thầy thuốc nên nhớ đồng lương mà họ được nhận chính là tiền đóng thuế, tiền viện phí của nhân dân, vậy khi nhân dân đi chữa bệnh thì cớ sao họ phải chịu sự bất công đó.
Thái độ ứng xử ít cười, thiếu niềm nở, vi phạm y đức của không ít nhân viên y tế kéo dài trong nhiều năm qua đã trở thành căn bệnh khó chữa. Giờ đây, các lãnh đạo của ngành y tế lại nảy ra ý định tốt đẹp rằng: Bác sĩ phải cảm ơn bệnh nhân để cải thiện tình hình. Ý tưởng rất mới, rất lạ, nhưng lại xuất hiện câu hỏi to đùng: Liệu có được thực thi?
Đứng ở góc độ người bệnh, tác giả bài viết xin khẳng định: Đó là điều quá xa xỉ! Bởi y đức của thầy thuốc hiện nay đang có rất nhiều điều phải bàn.
Theo Dantri
"Muốn vén áo khám cho người bệnh cũng phải xin phép"
"Khách hàng là thượng đế, họ mang tiền đến cho mình, vì sao lại quát họ. Không thể có chuyện cứ mãi quát tháo người bệnh, lơ là, phớt lờ lời người bệnh hỏi. Phải tiến tới, khi khám cho người bệnh, muốn vén áo để khám cũng phải xin lỗi họ trước...".
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thi Kim Tiến nhấn mạnh tại buổi tập huấn đầu tiên về giao tiếp, ứng xử cho nhân viên y tế của hơn 70 bệnh viện tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận diễn ra ngày 27/3 ở Hà Nội .
"Người bệnh là thượng đế"!
Theo bà Tiến, để tiến tới không còn vấn nạn phong bì, giao tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh ngày càng cởi mở hơn, phải bắt nguồn từ hai phía, gồm cả phía bệnh viện và người bệnh.
"Bệnh viện đông, quá tải, nhiều người ngại xếp hàng muốn khám trước cứ nhét tiền vào sổ khám bệnh. Khi được chăm sóc, tiêm truyền, người bệnh cứ nhét tiền vào túi điều dưỡng chứ họ có đòi hỏi đâu. Buồng bệnh có 6 người thì 3 ông nhét tiến vào túi điều dưỡng thì đương nhiên lúc tiêm, lúc thay băng người ta vui vẻ hơn...", bà Tiến chia sẻ về thực trạng mà bà từng chứng kiến.
Vì thế, để chấn chỉnh điều này, ngoài việc bệnh viện sẽ kí cam kết không nhận phong bì thì người bệnh cũng phải kí cam kết không đưa phong bì trước, trong quá trình khám bệnh, còn sau đó lại là vấn đề khác.
"Trong miền Nam, bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi và nói "nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh của tôi không khỏi được". Quà này là quà nghĩa tình. Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích.
Sự ân cần trong thăm khám của người bác sĩ mang đến sự thoải mái người bệnh nhân. Ảnh: H.Hải
Sẽ tập huấn lại cho tất cả bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ chữa bệnh đến người gác cổng, bảo vệ. Người đứng đầu ngành y tế này cho rằng, cần phải thay đổi cách nhìn giữa bác sĩ - bệnh nhân như hiện nay. "Thực tế, khác hàng là thượng đế, họ mang tiền đến cho mình tại sao quát họ. Tôi kiên quyết, ai mà tỏ thái độ không tốt với người bệnh cần phải xử lý, chuyển công tác, giảm lương. Trước kia còn làm công tác quản lý ở viện, tôi đã từng xử lý ca vi phạm đạo đức nghề nghiệp dù cả hội đồng bảo tha thứ một lần. Nhưng tôi vẫn kiên quyết, không làm nghiêm không được, làm nghiêm cái sẽ thay đổi ngay", bà Tiến nói.
Cùng có quan điểm "người bệnh là thượng đế", GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương cũng khẳng định: "Phải xác định bệnh nhân nuôi sống chúng ta. Đó là sự thật. Tôi vẫn nói với nhân viên của mình, chưa bao giờ tôi mang tiền nhà đến trả lương các bạn. Vì thế, các bạn đừng cảm ơn tôi. Sẽ không có việc tôi mang tiền nhà đến trả lương. Dù Bộ Y tế có hỗ trợ, nhưng chưa được 50% chi phí cho bệnh viện. Nguồn để nuôi sống chúng ta chính là người bệnh. Bệnh nhân đến đây, mua dịch vụ của chúng ta, họ trả tiền. Rõ ràng, có nhiều bệnh nhân tăng lên thu nhập. Có bệnh nhân, chúng ta vừa được "miếng" vừa được "tiếng" chữa bệnh giỏi. Vì thế, không có lý do gì để giải thích cho thái độ, hành vi quát mắng bệnh nhân".
Học cười, học nói lời xin lỗi...
Là người quản lý, là bác sĩ trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân mấy chục năm nay, được quan sát rất nhiều trong môi trường bệnh viện, GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng phải thừa nhận: "Thiếu nụ cười với người bệnh quá. Chỉ một nụ nười thôi mà khó khăn quá, thiếu quá".
Vì thế, ông Trí rất tâm đắc với nội dung các hành vi cần thực hành tốt của cán bộ nhân viên y tế được tập huấn trong lần này. Ông Trí cho rằng, cả30 hành vi cần điều chỉnh đều rất thiết thực bởi có những cái mình đang thiếu, có cái mình đang yếu. "Rõ ràng, thiếu nụ cười với người bệnh quá. Chỉ một nụ cười thôi mà khó khăn, thiếu quá. Có người nói với tôi, em tiêm truyền cả ngày, mệt rũ người còn cười gì nữa. Tôi cho rằng nói vậy không đúng. Cùng là tiêm, nhưng nếu mình có lời nói động viên người bệnh, cái động tác tiêm của mình nhẹ nhàng, khi rút kim ra đừng rút mạnh một cái mà hãy đè cái bông vào vị trí mũi kim, giữ lại từ từ rút ra... có phải đỡ đau đớn hơn không", GS Trí bày tỏ.
GS Trí cho rằng, khi người bệnh biết mình bị bệnh, nhất là bệnh nan y, bản thân họ cũng như người thân thực sự sụp đổ, đau khổ, đã không có lời động viên được thì cũng đừng có xả mắng họ. Nó là phẩm chất, là nhân cách của chính chúng ta. Vì thế, cái lợi trước mắt khi giao tiếp tốt với người bệnh, đó sẽ thể hiện anh là một con người tốt.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để cải thiện vấn đề y đức, giao tiếp cần thực hiện từ bác sĩ, điều dưỡng đến người gác cổng, đặc biệt tập trung vào nhóm điều dưỡng bởi họ là người giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân nhiều nhất, chiếm đến 60% nhân lực bệnh viện.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, muốn nâng cao y đức trong ngành y trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ điều dưỡng, bởi hơn 60% người bệnh khi vào viện thường tiếp xúc trực tiếp với điều dưỡng đầu tiên và suốt quá trình điều trị. Vì thế, phải tuyên truyền, tập huấn để người điều dưỡng hiểu hơn nữa về văn hóa phục vụ, tôn trọng bệnh nhân, thiết lập mối quan hệ điều dưỡng - bệnh nhân tốt hơn để hướng tới hình ảnh người điều dưỡng thân thiện.
"Cũng một phần do áp lực công việc, người điều dưỡng đang phải hành nghề trong môi trường khó khăn, lẽ ra chỉ chăm 8 - 10 bệnh nhân mà nay phải chăm vài chục người nên họ mới chỉ làm nghề, mà chưa để ý nhiều đến tâm trạng. Trong đợt tập huấn này, chúng tôi đã xây dựng kỹ những hành vi cụ thể. Như vấn đề chào hỏi, cảm ơn bệnh nhân, nói chuyện với bệnh nhân. Nhờ bệnh nhân mà mình được hành nghề, nguồn tài chính cho bệnh viện được tăng thêm, thêm thu nhập... vậy tại sao mình không thể nói cảm ơn bệnh nhân. Chắc chắn tiến đến phải thực hiện bằng được nhân viên y tế nói lời cảm ơn bệnh nhân, chỉ là sớm hay muộn", ông Mục khẳng định.
Để đạt mụt tiêu này, Bộ Y tế sẽ tổ chức thêm 9 buổi tập huấn về giao tiếp, ứng xử cho cán bộ chủ chốt của các bệnh viện trong thời gian tới.
Theo Dantri
Đi 'mát xa' để mát gần ở Sài Thành Bia ôm, karaoke ôm hiện không còn được các dân chơi ưa chuộng bởi sự tốn kém và bê bối thì sự "ra đời" của massage chính là lựa chọn không thể thiếu sau những buổi nhậu quắc cần câu của các đấng mày râu. Dạo quanh đường Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão (quận 1) Trần Hưng Đạo (quận 5) Phan Văn...