Bác sĩ gắp búi giun đũa từ ruột bé 4 tuổi
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, bụng chướng căng do búi giun to làm tắc ruột, hoại tử gần 10 cm hồi tràng.
Thông tin từ khoa Ngoại, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi, ngày 23/1, cho biết các bác sĩ của đơn vị này đã phẫu thuật cho bé 4 tuổi, bị tắc ruột do búi giun lớn bên trong cơ thể.
Bệnh nhi vào viện cấp cứu trong tình trạng mỏi mệt, có biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, mất nước, bụng chướng căng, bí trung đại tiện. Sau khi thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán tắc ruột do giun dẫn đến nhiễm trùng nhiễm độc nặng.
Ngay lập tức, bé được tiến hành bù dịch, dùng kháng sinh kết hợp và chỉ định phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, ổ bụng của bệnh nhi có nhiều dịch đục, các quai ruột giãn to, đoạn cuối hồi tràng bị hoại tử dài khoảng 10 cm, đoạn hồi tràng phía trên chứa đầy giun, tập trung thành từng búi gây tắc ruột.
Hình ảnh búi giun được các bác sĩ gắp ra khỏi ruột bệnh nhi. Ảnh cắt từ clip.
Các bác sĩ đã cắt đoạn hồi tràng bị hoại tử, lấy ra một số lượng lớn giun đũa đang sống, bỏ giun vào đầy thau dung tích khoảng 2 lít.
Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi, hồi sức tích cực do tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc còn nặng.
Theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, tỷ lệ nhiễm các loại giun sán ở nước ta hiện tại rất cao. Ở vùng trung du và miền núi phía Bắc, trung bình khoảng 65%, đồng bằng sông Hồng khoảng 41%, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 26%, Tây Nguyên 28%, Đông Nam bộ khoảng 13% và Đồng bằng Sông Cửu Long 10%.
Đối tượng nhiễm cao là học sinh tiểu học, trẻ em lứa tuổi mầm non và phụ nữ tuổi sinh sản. Việc tẩy giun định kỳ nên được thực hiện mỗi năm 2 lần cho trẻ từ 24 tháng trở lên và mỗi năm 1 lần cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi.
Video đang HOT
Thuốc tẩy giun dùng cho trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi là Albendazole 200 mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất. Người từ 24 tháng tuổi trở lên là Albendazole 400 mg hoặc Mebendazole 500 mg liều duy nhất.
Với một số trường hợp cụ thể, tùy vùng dịch tễ và loại giun mắc phải, bác sĩ có thể cho dùng nhắc lại sau một tháng.
Các bác sĩ khuyến cáo mỗi phụ huynh cần chú trọng hơn trong việc chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cho con trẻ. Khi có thắc mắc về việc chăm sóc trẻ nói chung hoặc sổ giun cho trẻ nói riêng, người dân cần đến ngay các trung tâm y tế để được nhân viên thăm khám, hướng dẫn.
Theo Zing
Nhận biết và phòng ngừa bệnh thấp tim
Thấp tim là một bệnh nhiễm trùng - nhiễm độc - miễn dịch, xảy ra sau nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, biểu hiện bằng những tổn thương ở tim, khớp và mạch máu.
Bệnh làm tổn thương viêm cơ tim, viêm màng trong tim và hơn thế còn để lại di chứng nặng nề, dễ gây tử vong và làm cho bệnh nhân trở thành tàn phế. Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc đúng là vô cùng quan trọng.
Ai dễ mắc thấp tim?
Thấp tim chỉ xảy ra sau khi trẻ bị viêm họng, viêm amiđan do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Tuy nhiên không phải là bất kỳ trẻ em nào nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A cũng bị bệnh thấp tim. Thường gặp ở trẻ từ 7 - 15 tuổi, nhất là trẻ từ 9 - 12 tuổi. Thấp tim thường gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như hay bị mề đay, hen phế quản, chàm. Bệnh thường gặp ở vùng có điều kiện sinh hoạt thấp, nhà ở chật chội, vệ sinh kém, kinh tế khó khăn, có khí hậu lạnh, ẩm... - đây là điều kiện để trẻ dễ bị viêm họng. Ngoài ra, bệnh cũng có yếu tố gia đình.
Viêm cơ tim là một biểu hiện của thấp tim.
Dấu hiệu nhận biết
Biểu hiện lâm sàng bệnh thấp tim thường xảy ra sau 2-4 tuần hoặc lâu hơn nữa kể từ khi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu ở họng. Các biểu hiện này có thể xuất hiện độc lập hay phối hợp với nhau.
Tại khớp,nếu ở thể điển hình, các biểu hiện của viêm khớp: sưng, nóng, đỏ, đau, vận động hạn chế. Viêm nhiều khớp (còn gọi là đa khớp) và viêm các khớp lớn. Điều đặc biệt, viêm khớp có tính chất di chuyển: Khi khớp này đỡ thì lại xuất hiện viêm ở khớp khác. Thời gian viêm của mỗi khớp thường từ 3-7 ngày, không bao giờ kéo dài quá 1 tháng.
Nếu ở thể không điển hình thì có các biểu hiện như:
Viêm cơ tim là tổn thương hay gặp nhất trong bệnh thấp tim (100%). Biểu hiện của viêm cơ tim là: đau ngực vùng trước tim, tim đập nhanh, loạn nhịp... Bệnh nhân mệt mỏi, da xanh. Nếu viêm cơ tim nặng sẽ dẫn đến suy tim cấp (khó thở, tím tái, phù, đái ít...) và tử vong.
Viêm màng trong tim (nội tâm mạc): Thường xảy ra sau vài tuần kể từ khi bị viêm cơ tim do điều trị muộn hoặc điều trị không tích cực. Viêm nội tâm mạc là nguyên nhân dẫn đến các di chứng van tim mà di chứng hay gặp nhất là hở van 2 lá, sau đó là hẹp van 2 lá và hở van động mạch chủ.
Viêm màng ngoài tim: ít gặp hơn, thường xuyên có tràn dịch ít, dịch giảm nhanh khi dùng corticoid và sau khi khỏi không để lại di chứng gì. Chẩn đoán viêm màng ngoài tim dựa vào các dấu hiệu đau ngực, khó thở, huyết áp kẹt, mạch nhanh nhỏ, nghe có tiếng tim mờ, có thể có tiếng cọ màng ngoài tim, chụp Xquang thấy bóng tim to, tim bóp yếu.
Viêm tim toàn bộ: là tổn thương viêm ở cơ tim, ở màng tim và màng ngoài tim. Bệnh rất nặng và hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 7 tuổi; không được điều trị sớm và tích cực, diễn biến của bệnh thường dẫn đến suy tim nặng và tử vong nhanh.
Ở da:Hiện nay, rất ít gặp những tổn thương ở da, tuy nhiên, nếu có thì các biểu hiện ở da thường là hạt Meynet. Đây là hạt cứng to bằng hạt ngô, hạt đỗ, sờ vào không đau, thường nằm ở quanh khớp hoặc dọc cột sống. Chúng tồn tại từ 1-2 tuần đến 1-2 tháng rồi mất đi không để lại dấu vết gì. Các biểu hiện ban vòng Lendoch - Leyner và hồng ban Besnier, mất đi nhanh không để lại di chứng.
Biểu hiện ở thần kinh: Là biểu hiện múa vờn múa giật Sydenham - đây là các vận động nhanh không tự chủ, thiếu định hướng, không mục đích, tăng khi xúc động, mất đi khi ngủ. Múa giật có thể xuất hiện toàn thân, nửa người hay ở chi.
Ngoài ra, bệnh còn có các biểu hiện khác như: viêm cầu thận, viêm phổi, viêm gan cấp, tổn thương mạch máu...
Lời khuyên của bác sĩ
Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc điều trị của bác sĩ thì việc chăm sóc đúng sẽ giúp bệnh nhân nhanh phục hồi. Nếu bệnh nhân có các biểu hiện khó thở, tím tái (phù) do suy tim (có thể xuất hiện thường xuyên hoặc sau khi gắng sức như: đi lên cầu thang, lao động chân tay..., cần thông báo cho thầy thuốc và để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường nhằm giảm nhu cầu về oxy và dinh dưỡng của cơ thể.
Bệnh nhân có thể ăn nhẹ, ăn các loại thức ăn dễ tiêu như sữa, cá. Hạn chế lượng muối và nước bằng cách khuyên bệnh nhân ăn nhạt tương đối và hạn chế uống nước. Phòng nằm của bệnh nhân phải đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ, có thể để trẻ nằm ở tư thế Foller đối với trường hợp khó thở, tím tái nhiều và thường xuyên nhằm làm giảm lượng máu ứ đọng ở phổi. Bệnh nhân nên ăn những loại hoa quả có nhiều kali trong suốt thời gian dùng lợi tiểu và digoxin.
Nếu bệnh nhân có đau tức ngực do viêm tim, cần để bệnh nhân nằm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường.
Nếu bệnh nhân đau mỏi khớp, vận động khó khăn (sưng, nóng, đỏ) do viêm khớp. Ngoài thực hiện y lệnh về việc sử dụng thuốc để đề phòng các tác dụng phụ của thuốc và theo dõi sự xuất hiện những tác dụng phụ đó, bệnh nhân cần được nằm nghỉ ngơi ở tư thế chùng cơ, giảm căng bao khớp, hạn chế vận động khớp ở mức thấp nhất, cách đi lại, vận động để có thể giảm đau cho người bệnh và để họ yên tâm, tin tưởng vào điều trị (không cần xoa bóp hay xử trí gì khác như chườm nóng, nóng lạnh hay cố định khớp).
Người bệnh cần kiên trì dùng thuốc theo y lệnh, ngoài các thuốc chống viêm còn phải dùng các vitamin nhóm B như B1, B6, B12 và thuốc an thần, kháng histamin. Phải có người thường trực chăm sóc cho bệnh nhân nhằm giúp cho bệnh nhân đi lại, vệ sinh, ăn uống...
Nếu bệnh nhân sốt, đau họng do viêm nhiễm ở họng hoặc amidan, cần theo dõi thường xuyên bằng cách đo thân nhiệt của bệnh nhân tăng trên 3705, kèm theo có các triệu chứng như đau họng, đau đầu, ho. Cần dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt tăng cao trên 38,50C. Ngoài việc uống thuốc và theo dõi nhiệt độ thì hằng ngày bệnh nhân thường xuyên vệ sinh răng miệng, tránh nhiễm lạnh, ăn uống đầy đủ các chất nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Do bệnh thấp tim hay bị tái phát nên cần điều trị dự phòng bằng cách thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm phòng bệnh thấp như: tiêm penicilil benzathin được bắt đầu ngay sau khi kết thúc 10 ngày dùng benzylpenicilil. Các mũi tiêm phòng cách nhau 21 ngày. Thời gian tiêm phòng phải đảm bảo được 5 năm trở lên và cho đến khi bệnh nhân tròn 23 tuổi.
Ngoài ra, người bệnh thường xuyên vệ sinh răng, miệng, mũi, họng nhằm ngăn ngừa các nhiễm trùng do liên cầu. Tránh nhiễm lạnh, ăn uống đầy đủ nhằm không ngừng nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
PGS.TS. Nguyễn Văn Tiến
Theo SK&ĐS
Nhiều người bị đau bụng sau ăn cứ tưởng bị đau dạ dày mạn tính, ai dè mắc bệnh lý cực nguy hiểm! Chủ quan với đau bụng, nghĩ đơn giản là đau dạ dày... nhiều người dân không đi khám. Đến khi vào viện mới biết bị thủng tạng rỗng - một bệnh lý cấp cứu ngoại nguy hiểm . Vào viện trong tình trạng sôc nhiễm trùng, nhiễm độc nặng vì thủng tạng rỗng Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...