Bác sĩ đưa kỹ thuật nuôi trứng non chữa hiếm muộn về Việt Nam
Chấp nhận học 10 ngày tại một bệnh viện Nhật Bản với yêu cầu không sách vở, không ghi âm, năm 2006, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan biết rằng kỹ thuật IVM sẽ giúp nhiều gia đình Việt Nam sinh được con.
15 năm qua, hàng nghìn em bé tại Việt Nam chào đời nhờ kỹ thuật nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm (IVM). Hàng chục bài báo quốc tế từ bác sĩ Lan và đồng nghiệp được công bố trên những tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, tạo được tiếng vang, giúp thay đổi nhiều quan điểm trong giới điều trị vô sinh hiếm muộn. Từ năm 2017, Việt Nam trở thành nước thực hiện IVM nhiều và thành công nhất thế giới, được các bác sĩ từ Australia, Italy, Mỹ, Singapore… đến học.
Câu chuyện đưa IVM về Việt Nam xuất phát từ những trăn trở khi tiếp xúc bệnh nhân của bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, nay là phó giáo sư Trưởng Khoa Y, kiêm Trưởng Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP HCM.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan. Ảnh: Bệnh viện Mỹ Đức
Theo bác sĩ Lan, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời sớm nhất là thụ tinh trong ống nghiệm, còn gọi IVF. Bác sĩ dùng thuốc kích thích buồng trứng cho nang trứng lớn lên. Từ nang trứng đó, bác sĩ chọc hút lấy ra trứng đã trưởng thành, cho thụ tinh với tinh trùng, tạo thành phôi rồi đem phôi đặt lại vào tử cung người phụ nữ.
Đứa trẻ đầu tiên tên Louise Brown chào đời bằng IVF ở Anh năm 1978 tạo nên bước ngoặt lớn trong y học, mang đến niềm hy vọng cho vợ chồng hiếm muộn. Năm 1988, ba trẻ sơ sinh đầu tiên Việt Nam chào đời bằng phương pháp này. Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, là người góp công mang thụ tinh trong ống nghiệm về Việt Nam, trong thời điểm y tế còn vô vàn khó khăn.
Là con gái giáo sư Phượng, tuổi thơ bác sĩ Lan gắn liền những tháng ngày theo mẹ đi làm, đi trực đêm, “ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà”. Mê công việc của mẹ, ngày nộp đơn thi đại học, bác sĩ Lan không chút đắn đo vì “nếu không thi ngành y thì không biết làm gì khác”.
Có cơ hội tiếp cận ngành hỗ trợ sinh sản từ khi IVF còn non trẻ ở Việt Nam, bác sĩ Lan trải qua vô số lần được sẻ chia niềm vui tột cùng của những người mẹ đậu thai, sinh con thành công, nhưng song song đó là không ít đau lòng khi đối diện giọt nước mắt tuyệt vọng của bệnh nhân trong những chu kỳ thất bại.
Với IVF, người phụ nữ phải vào viện chích thuốc trong hai tuần với khoảng 30 mũi tiêm, sau đó siêu âm, lấy máu, chọc hút lấy trứng nuôi 3-5 ngày, đông lạnh phôi. Đến khi có kinh nguyệt, bệnh nhân quay lại uống thuốc khoảng hai tuần, sau đó bác sĩ rã đông phôi và chuyển phôi vào tử cung.
IVF không phù hợp tất cả bệnh nhân. “Những người buồng trứng đa nang, khi chích thuốc thì buồng trứng sẽ bị kích thích, phát triển quá nhiều nang trứng, gây khó chịu, bụng căng, khó thở, thậm chí nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Lan nói. Có người bị quá kích, số trứng lấy được quá nhiều, làm thành 10-20 phôi, trong khi chỉ muốn có tối đa hai đứa con, thì chỉ cần 2 phôi thật tốt là đủ, số phôi dư ra nhiều không biết giải quyết thế nào. Ngược lại, có những người, khi tiêm thuốc vào, nang trứng vẫn không phát triển, do không đáp ứng với thuốc, không thể tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm như bình thường được.
Chi phí tiêm thuốc kích thích buồng trứng chiếm hơn phân nửa kinh phí làm thụ tinh ống nghiệm ở Việt Nam, thường khoảng hơn 40 triệu đồng. Bác sĩ Lan từng chứng kiến nhiều bệnh nhân khi còn trẻ không đủ chi phí điều trị, đến khi vào viện thì đã quá tuổi, cơ hội có thai không còn nhiều.
Ngoài ra, những người bị một số loại ung thư, nếu dùng thuốc kích thích buồng trứng sẽ tạo ra nhiều estrogen – loại nội tiết do nang trứng phát triển, khiến ung thư phát triển nhanh hơn, nên nhiều bệnh nhân sau điều trị ung thư không dám nghĩ đến chuyện có con.
Một số bệnh nhân ung thư khác, bác sĩ chỉ định bảo tồn khả năng sinh sản, tức trước khi phẫu thuật, hóa xạ trị sẽ lấy trứng để trữ đông lạnh làm thành phôi. Khi điều trị ung thư ổn, bác sĩ cho phép mang thai thì có thể rã đông trứng làm thụ tinh. “Với nhóm này, đôi khi thời gian cần rất gấp, bác sĩ ung bướu chỉ cho phép đợi vài ngày, trong khi tiêm thuốc kích thích buồng trứng phải tốn ít nhất hai tuần, do đó chỉ có thể hút các trứng từ các nang nhỏ sẵn có”, bác sĩ Lan chia sẻ.
Video đang HOT
Những lý do trên khiến bác sĩ Lan rất hào hứng khi đọc tài liệu về kỹ thuật IVM và nghe trình bày về kỹ thuật này tại các hội nghị khoa học quốc tế. Chính cha đẻ của phương pháp IVF, giáo sư Edwards cũng từng nhìn nhận kỹ thuật mình tìm ra vẫn có những hạn chế và đau đáu đi tìm giải pháp. Giáo sư Edwards cũng đã từng bắt đầu các bước nghiên cứu về IVM từ những năm thuộc thập niên 60, nhưng không thành công. Từ sự phát triển kế thừa của các thế hệ nhà khoa học sau đó, ca IVM đầu tiên thế giới thành công năm 1991 tại Hàn Quốc. Sau đó, kỹ thuật IVM được báo thành công ở Australia, Mỹ, nhiều nước châu Âu, Nhật…
Với IVM, bệnh nhân không dùng thuốc kích thích buồng trứng, hoặc dùng thuốc rất ít. Thay vì để trứng trưởng thành trong cơ thể, bác sĩ sẽ lấy trứng non nhỏ li ti từ những nang trứng nhỏ, sau đó nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm, rồi cho thụ tinh với tinh trùng, tạo thành phôi như bình thường.
“Bệnh nhân thực hiện IVM chỉ cần chích thuốc hai ngày, thay vì hai đến bốn tuần như kỹ thuật IVF cổ điển, siêu âm một lần, không cần thử máu”, bác sĩ Lan nói. Bệnh nhân không phải tốn chi phí tiêm thuốc, tránh nguy cơ quá kích buồng trứng. IVM rất phù hợp bệnh nhân ung thư, người cần rút ngắn thời gian điều trị.
Theo bác sĩ Lan, kỹ thuật này sau khi ra đời trải qua nhiều thăng trầm trên thế giới vì khó thực hiện hơn kỹ thuật IVF cổ điển. Trứng non có kích thước rất nhỏ, trong khi buồng trứng lại di động, đòi hỏi phải chọc hút khéo léo. Việc nuôi cấy trong ống nghiệm cũng khó thành công hơn, số phôi ít hơn so với thực hiện IVF. “Nếu bệnh nhân chuyển phôi lần đầu không thành công, đòi hỏi phải chuyển nhiều lần thì cần nhiều phôi”, bác sĩ Lan nói.
Chất lượng trứng sau nuôi cấy trong giai đoạn trước đây chưa được nghiên cứu cải thiện, khiến giới hỗ trợ sinh sản e dè. Các hãng dược không ủng hộ vì kỹ thuật này nếu thành công và phổ biến rộng rãi, sẽ làm ảnh hưởng lớn đến doanh số thuốc kích thích buồng trứng trên thế giới. Do đó, các nghiên cứu, hội nghị khoa học về IVM không nhận được sự ủng hộ và tài trợ của các công ty dược phẩm. Dưới tác động của các hãng thuốc, ít bác sĩ hào hứng trong việc nghiên cứu phát triển kỹ thuật IVM. Điều này tác động đáng kể đến sự phát triển IVM. Những rào cản đó khiến rất ít trung tâm trên thế giới thực hiện kỹ thuật này.
Ngày càng chứng kiến nhiều bệnh nhân không phù hợp với chỉ định IVF, không đủ tiền tiêm thuốc, bác sĩ Lan và đồng nghiệp là bác sĩ Đặng Quang Vinh, nhờ vào sự hỗ trợ của giáo sư Ngọc Phượng, liên hệ được một giáo sư Nhật Bản để sang theo học, năm 2006. Khi ấy, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nơi mà kỹ thuật IVM rất phát triển.
Bệnh viện ở Nhật Bản cho hai bác sĩ Việt Nam theo học 10 ngày với điều kiện không mang sách vở, không được ghi âm, chỉ quan sát. Các đồng nghiệp người Nhật cũng hạn chế trong giao tiếp tiếng Anh, nên các bác sĩ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ đã có kinh nghiệm làm IVF nhiều năm, nên các bác sĩ tiếp cận nhanh hơn. Hai bác sĩ phân công một người ghi nhớ các chi tiết liên quan lâm sàng, người tập trung các thao tác trong phòng lab. Mỗi ngày sau giờ ở bệnh viện, hai người về nhà cố ghi chép theo trí nhớ, lắp ghép thành bức tranh hoàn thiện.
Về nước, bác sĩ thực hiện trên một nữ bệnh nhân 29 tuổi, tên Minh. Chị bị buồng trứng đa nang, tinh trùng chồng yếu, muốn thực hiện kỹ thuật IVF nhưng chưa đủ tiền. Đây là chị gái của một sinh viên y khoa. Khi biết cô giáo là bác sĩ Lan đang triển khai kỹ thuật này, sinh viên đã động viên chị gái đến điều trị.
“Dù đã 10 năm kinh nghiệm làm IVF, nhưng khi thực hiện ca IVM đầu tiên, tôi căng thẳng đến mức ngủ còn nằm mơ chọc hút trứng”, bác sĩ Lan nói. Kết quả, các bác sĩ chọc hút, nuôi trưởng thành trứng thành công, thụ tinh được bốn phôi. Lần chuyển phôi đầu, bệnh nhân đậu thai, sinh được một bé trai, một bé gái. Thành công ngày từ ca đầu tiên, với trường hợp song thai, như là một khởi đầu may mắn của kỹ thuật IVM ở Việt Nam.
Từ 2007 đến nay, nhóm cộng sự của bác sĩ Lan đã thực hiện hơn 4.200 ca IVM. Tại hội nghị chuyên sâu về IVM của thế giới tổ chức tại Bỉ năm 2016, giáo sư Morimoto đã có một báo cáo tổng kết tình hình phát triển kỹ thuật IVM trên thế giới, trong đó, ghi nhận Việt Nam là một trong những nước thực hiện kỹ thuật IVM nhiều và thành công nhất trên thế giới.
Cho đến nay, nhóm nghiên cứu của Việt Nam đã có 12 bài báo công bố quốc tế về IVM, đặc biệt là về kỹ thuật IVM cải tiến, với tên gọi là CAPA-IVM. Các báo cáo công bố trên các tạp chí y khoa uy tín thế giới cho thấy tỷ lệ có thai sau chuyển phôi của kỹ thuật CAPA-IVM không kém hơn so với thụ tinh ống nghiệm cổ điển là IVF. CAPA là tên gọi của một bước cải tiến quan trọng trong hệ thống nuôi cấy, làm tăng chất lượng trứng, tăng tỷ lệ đậu thai, triển khai từ 2017. Kỹ thuật CAPA-IVM là kết quả của một công trình khoa học hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ.
“Đây là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới công bố về thành công của kỹ thuật CAPA-IVM, trước đây mọi người đều nghĩ tỷ lệ có thai của IVM thấp hơn IVF”, bác sĩ Lan nói. Thên thực tế, IVM tạo được trung bình hơn bốn phôi, IVF có thể tạo được trên 6 phôi. Mỗi lần sử dụng, bác sĩ chỉ dùng hai phôi để đặt vào cổ tử cung, và tỷ lệ có thai tương đương giữa hai kỹ thuật với mỗi lần chuyển phôi. Các trẻ sinh ra từ IVM cũng có các chỉ số phát triển về tâm thần, vận động tương tự như các trẻ sinh ra từ kỹ thuật IVF cổ điển.
Sau khi nghiên cứu này được công bố, từ năm 2020, kỹ thuật IVM đã trở thành đề tài được bàn đến tại các hội nghị lớn trên thế giới. Đầu năm 2021, Hội Y học sinh sản Mỹ công bố hướng dẫn lâm sàng về việc thực hiện kỹ thuật IVM. Hiện nay, chỉ các trung tâm IVF nhiều kinh nghiệm và hệ thống nuôi cấy phôi mạnh mới có thể thực hiện được kỹ thuật IVM.
Kỹ thuật này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, nhưng đội ngũ nhân viên y tế phải đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn và làm việc nhiều hơn. Chẳng hạn, lấy trứng với IVF chỉ cần 10 phút là xong, trong khi IVM thì chọc hút khó hơn, cần hơn 20 phút. Quá trình nuôi cấy trứng và phôi của kỹ thuật IVM cũng khó hơn, nhiều bước hơn và kéo dài hơn. “Nếu mình đặt bệnh nhân lên hàng đầu thì kỹ thuật IVM rất xứng đáng để làm bởi an toàn hơn cho bệnh nhân, thời gian điều trị của bệnh nhân ngắn hơn, chi phí giảm gần phân nửa “, bác sĩ Lan chia sẻ.
IVM hiện được chỉ định trên nhóm bệnh nhân hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh nhân có số nang trên buồng trứng nhiều, người cần nhu cầu trữ trứng, bảo tồn khả năng sinh sản để điều trị ung thư, bệnh nhân đề kháng với thuốc kích thích buồng trứng, nhóm bệnh nhân trẻ tuổi có nhiều nang trứng… Nhược điểm của kỹ thuật này là khó thực hiện, số phôi tạo được ít. Nếu chuyển phôi thất bại nhiều lần, dùng hết phôi trữ thì phải thực hiện chọc hút lại từ đầu.
Bác sĩ Lan và đồng nghiệp đang nỗ lực cải thiện các quy trình, để ngày càng mở rộng chỉ định điều trị trên bệnh nhân bình thường khác. Rất nhiều trường hợp dùng IVF thất bại nhưng khi IVM lại thành công.
Đến nay, bác sĩ Lan và đồng nghiệp góp phần mang lại niềm vui có con cho hàng nghìn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. Ảnh: Bệnh viện Mỹ Đức
Không chỉ IVM, bác sĩ Lan còn đầu tư tâm sức đi tìm lời giải cho rất nhiều vấn đề liên quan các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác. Đến nay, chị cùng cộng sự có hơn 50 công bố được đăng trên tạp chí quốc tế. “Từ lúc đi Singapore học năm 1997-1998, tiếp xúc với môi trường bên ngoài, tôi hiểu được nghiên cứu khoa học quan trọng thế nào, giúp ích rất lớn trong điều trị và phục vụ bệnh nhân”, bác sĩ Lan nói.
Chị là nhà khoa học nữ duy nhất có công trình nghiên cứu được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 và là bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam nhận được giải thưởng khoa học cao quý này. Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn chị là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất năm 2017. Chồng chị, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, cũng là đồng nghiệp cùng lĩnh vực. Con gái lớn của hai người hiện là sinh viên y khoa năm thứ tư. Một trong ba bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên Việt Nam năm 1998 được đặt tên Phạm Tường Lan Thy, với chữ lót Tường – Lan, hiện du học và sắp tốt nghiệp đại học ở Nhật.
Hai vợ chồng bác sĩ Lan cùng giáo sư Ngọc Phượng đã xây dựng chương trình “Ươm mầm hạnh phúc”, tổ chức thường niên hơn 7 năm qua, giúp điều trị miễn phí, mang đến niềm vui cho hàng trăm cặp vợ chồng hiếm muộn hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều người hỏi bác sĩ Lan làm thế nào để thoát khỏi cái bóng của mẹ. “Tôi tự nghĩ, mình có cái bóng mát che chở để phát triển tốt hơn, tại sao phải thoát khỏi nó. Điều quan trọng là từ bóng lớn đó, tôi cũng sẽ trở thành một cái bóng để góp phần giúp nhiều đàn em, học trò trưởng thành hơn trong nghề, phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân”, bác sĩ Lan nói.
Thay toàn bộ xương cánh tay "thiết kế riêng" sử dụng vật liệu siêu mới
Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec vừa phẫu thuật phục hồi thành công cánh tay cho một bệnh nhân ung thư xương. Lần đầu tiên, các bác sĩ kết hợp hợp kim titan và vật liệu y sinh PEEK với công nghệ in 3D.
Hành trình giữ lại cánh tay của chàng thanh niên 18 tuổi
Bệnh nhân V.T.Đ (18 tuổi, Hà Nội) xuất hiện đau cánh tay phải khi đang học lớp 12, đúng thời điểm cần tập trung ôn thi tốt nghiệp. Cơn đau dai dẳng khiến Đ. mất ngủ nhiều đêm. Mặc dù Đ. đã đi khám ở một số cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra bệnh. Khi cánh tay sưng lên, em đến khám chuyên khoa về u xương và được chẩn đoán là bệnh ung thư xương hiếm gặp. Sau một thời gian tìm kiếm nhiều nơi, đều được khuyên cắt bỏ cánh tay để điều trị triệt để nhưng Đ. vẫn tin có "phép màu" nào đó để giữ lại cánh tay của mình. May mắn đến với em khi tìm tới nhóm chuyên gia của Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec.
GS.TS.BS. Trần Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm cho biết, đây là trường hợp tổn thương ung thư xương cánh tay hiếm gặp . "Khối u đã xâm lấn rộng toàn bộ ống tủy và phần mềm xung quanh, không còn khả năng cắt và bảo tồn một phần xương được nữa nên chúng tôi đã phải đưa ra một quyết định táo bạo. Đó là thực hiện phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ xương cánh tay và khối u, đồng thời thay thế toàn bộ xương cánh tay bằng vật liệu nhân tạo dạng kết hợp để khắc phục nhược điểm của vật liệu kim loại"- GS.TS.BS. Trần Trung Dũng chia sẻ.
Ảnh chụp X-quang tay phải của bệnh nhân sau khi phẫu thuật thay xương toàn bộ cánh tay.
Nhóm phẫu thuật đã lên kế hoạch sử dụng các công nghệ trong tái tạo xương hiện đại nhất hiện nay bao gồm tái tạo lại cấu trúc khớp vai, cấu trúc khớp khủyu bằng vật liệu hợp kim titan. Đặc biệt, đội ngũ bác sĩ của Trung tâm đã có một quyết định táo bạo: không sử dụng hoàn toàn vật liệu kim loại mà chế tạo phần thân xương cánh tay sử dụng công nghệ in 3D vật liệu polyme sinh học (PEEK). Vật liệu này do phòng nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D của Đại học VinUni sản xuất, giúp kết nối phần khớp vai và khớp khủyu với nhau, đồng thời phục hồi lại điểm bám của các gân cơ quanh cánh tay. Đây được coi là một quyết định đầy tính sáng tạo dựa trên những nghiên cứu và thử nghiệm chuyên sâu từ nhiều ca bệnh đã thành công của ê-kíp phẫu thuật.
Ảnh chụp X-quang so sánh xương cánh tay 2 bên sau khi phẫu thuật.
Đặc biệt, công nghệ in 3D được coi là công nghệ duy nhất hiện nay mang lại khả năng cá thể hóa các chi tiết cấy ghép. Nhờ công nghệ này, cả 3 phần của xương cánh tay nhân tạo đều được "thiết kế riêng" theo đúng kích thước cánh tay thật của bệnh nhân, đồng thời có các điểm cố định giúp khôi phục lại hệ thống gân cơ bám xương. Trước khi sản xuất, tất cả những thiết kế này đều được thử nghiệm mô phỏng khả năng vận động, chịu lực trên máy tính. Nhờ vậy, xương nhân tạo sau ghép sẽ tương thích tối đa, "hoàn toàn vừa vặn" với cơ thể người bệnh và thời gian phục hồi chức năng vận động của cánh tay sẽ được rút ngắn đáng kể.
Sau phẫu thuật, em Đ. đã có thể trở lại các hoạt động bình thường của cuộc sống, có thể dễ dàng cử động khớp vai, đưa lên cao, đưa sang ngang.
Công nghệ kết hợp vật liệu độc đáo nhất thế giới
Ca phẫu thuật phục hồi cánh tay cho bệnh nhân V.T.Đ là ca bệnh đầu tiên trên thế giới sử dụng kết hợp vật liệu giữa hợp kim titan và vật liệu y sinh PEEK do các bác sỹ của Trung tâm CTCH&YHTT Vinmec thực hiện
Việc sử dụng kết hợp 2 loại vật liệu trên cùng một xương nhân tạo để tận dụng được ưu điểm tối đa: tính vận động chính xác, linh hoạt của hợp kim titanium tại vùng khớp, và đặc tính nhẹ, bền, tương thích với cơ thể của vật liệu PEEK. Nhờ vậy, trọng lượng cánh tay nhân tạo có thể giảm xuống còn 1 nửa và chi phí giảm tới hơn 1/3 so với việc chỉ dùng vật liệu kim loại như trước đây.
Sau phẫu thuật, em Đ. (người ngoài cùng bên trái) đã có thể viết, đánh máy bằng tay phải để tiếp tục theo đuổi ước mơ trên giảng đường, trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin trong tương lai.
Sau 5 tháng phẫu thuật, bệnh nhân Đ. đã có thể vận động vai một cách linh hoạt, trở về sinh hoạt hàng ngày với cánh tay mới. Đ đã có thể tự tin viết bài, làm những việc nhẹ nhàng hàng ngày bằng chính đôi tay của mình, tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình trên giảng đường đại học.
Đây là những cải tiến mới được đưa ra bởi chính các chuyên gia Việt Nam, được coi là trường hợp thay xương nhân tạo bằng vật liệu kết hợp thứ hai nhưng có những đột phá hơn hẳn ca đầu tiên (kết hợp giữa hợp kim titan và xi măng thường dùng trong xương nhân tạo). Đồng thời quá trình nghiên cứu và ứng dụng kĩ thuật cải tiến này đã được các bác sĩ gửi tới tạp chí khoa học uy tín về chuyên ngành ung thư tại châu Âu để công bố quốc tế. Thành công này bước đầu cho thấy trình độ điều trị ung thư xương cũng như ứng dụng công nghệ 3D trong y học của các bác sĩ Việt Nam ngày một nâng cao và từng bước được công nhận trên trường quốc tế.
Bệnh lặn đơn gen - nỗi ám ảnh với người trong cuộc Bệnh lặn đơn gen vô hình vẫn đang gieo rắc nỗi lo sợ và cả nỗi đau cho rất nhiều gia đình Việt Nam. Dù vậy, thông tin về bệnh hầu như vẫn là con số không tròn trĩnh. Các bác sĩ đang điều trị cho một bệnh nhi mắc Thalassemia - Ảnh: L.ANH Các bệnh lặn đơn gen phổ biến và nguy...