Bác sĩ điểm mặt 5 loại bệnh trẻ hay mắc trong mùa thu
Thời tiết chuyển mùa, thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển và lây lan. Với những trẻ có bệnh mạn tính thì mùa thu là thời điểm trở nặng, cần quan tâm đặc biệt.
Trong thời khắc giao mùa, sự thay đổi của nhiệt độ và sự hiện diện của những tác nhân gây dị ứng trong môi trường như phấn hoa, cây cỏ, nấm mốc sẽ làm cho những bé có cơ địa nhạy cảm bị viêm mũi dị ứng với biểu hiện ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi liên tục. Tình trạng dị ứng có thể ảnh hưởng lên mắt làm trẻ ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Mặc dù bệnh không nguy hiểm nhưng gây khó chịu làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và học tập của bé.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng, cho trẻ mang khẩu trang mỗi khi ra đường, dùng nước muối sinh lý để làm vệ sinh mũi và mắt thường xuyên có thể hạn chế phần nào tình trạng dị ứng. Tuy nhiên nếu tình trạng không cải thiện hoặc có khuynh hướng trầm trọng hơn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn cho bé loại thuốc kháng dị ứng, kháng viêm phù hợp.
Tránh cho trẻ tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng trong mùa thu. Ảnh minh họa
2. Hen phế quản
Thời tiết thay đổi và sự phát tán của những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, cây cỏ trong môi trường hay hoạt động gắng sức của trẻ khi chạy nhảy, chơi đùa nhiều ở trường có thể làm khởi phát cơn hen ở những trẻ bị hen suyễn. Nguy cơ sẽ tăng cao hơn nếu trẻ có tình trạng viêm mũi dị ứng chưa được điều trị hiệu quả. Ho, khò khè, khó thở là những triệu chứng thường gặp khi trẻ bị hen. Tuy nhiên đôi khi ho về đêm kéo dài là biểu hiện duy nhất chúng ta ghi nhận được khi trẻ bị hen.
Trẻ có thể gặp nguy hiểm nếu hen không được kiểm soát tốt hay dùng thuốc không thích hợp. Hầu hết các thuốc điều trị hen đều có khoảng cách giữa liều điều trị và liều độc rất gần nhau do vậy hãy tuân thủ theo điều trị của bác sĩ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc hay ngưng thuốc đột ngột. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, phát quang bụi rậm, không nuôi thú vật trong nhà và hạn chế khói bụi, thuốc lá sẽ giúp tình trạng sức khỏe của bé tốt hơn.
3. Cảm cúm
Thời tiết chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển và lây lan. Bé có thể bị lây bệnh khi tiếp xúc với bạn bè hay những người mắc bệnh xung quanh. Vài ngày sau khi bị nhiễm, trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt (có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao), ho, sổ mũi, mệt mỏi, chán ăn, bỏ bú, có thể kèm nôn ói và tiêu chảy… Nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh thường tự giới hạn và trẻ sẽ trở lại sinh hoạt bình thường sau 5-7 ngày. Tuy nhiên đôi khi bệnh diễn tiến nặng hơn và trẻ có thể gặp nguy hiểm do những biến chứng viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, mất nước, rối loạn nước điện giải…
Khi bé sốt có thể dùng những loại thuốc giảm sốt thông thường để hạ nhiệt cho trẻ. Cần lưu ý không sử dụng Aspirin để giảm đau hạ sốt cho trẻ vì có thể gây hội chứng Reye rất nguy hiểm. Nếu trẻ bị sổ mũi, ngạt mũi có thể dùng nước muối sinh lý hay nước biển sâu để làm sạch mũi. Những thuốc ho thảo dược như Eugica, Pectol, Astex có thể giúp làm dịu cơn ho.
Video đang HOT
Không nên kiêng cữ, hãy khuyến khích trẻ ăn uống nhiều hơn bình thường để bù đắp lượng năng lượng bị thiếu hụt. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu bé nhỏ hơn hai tháng hoặc sốt cao liên tục không đáp ứng với những thuốc hạ sốt thông thường, tình trạng sức khỏe của bé không cải thiện hoặc ngày càng trầm trọng thêm, bé có biểu hiện khò khè, khó thở, thở nhanh, nôn ói, tiêu chảy nhiều, vật vã, bứt rứt, lừ đừ…
Để tránh cho trẻ mắc bệnh và hạn chế lây lan, không nên đưa trẻ đến những nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Tập cho trẻ thói quen sử dụng khăn giấy và che miệng mỗi khi ho, hắt hơi, xì mũi, thường xuyên rữa tay mỗi khi chơi đồ hàng, từ nơi công cộng trở về nhà và trước khi ăn
Hãy cho trẻ chích vaccin ngừa cúm định kỳ mỗi năm. Sau khi chích ngừa trẻ vẫn có khả năng mắc bệnh tuy nhiên mức độ thường nhẹ hơn và trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục hơn.
Hãy cho trẻ chích vaccin ngừa cúm định kỳ mỗi năm. Ảnh minh họa
Dịch tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra thường bùng phát vào các tháng thu đông. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ hơn trẻ lớn. Sau khi nhiễm, virus theo đường phân – miệng một vài ngày, trẻ có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, nôn ói và tiêu chảy. Trẻ đi tiêu phân lỏng nhiều lần trong ngày với phân thường không có đàm máu. Tình trạng nôn ói và tiêu chảy nhiều có thể gây mất nước và rối loạn điện giải nghiêm trọng. Vì vậy cần cố gắng cho trẻ uống nhiều nước oresol để bù lại lượng dịch đã mất. Không nên cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas vì có thể khiến tình trạng mất dịch trở nên nặng hơn.
Thay vì kiêng cử, hãy cho trẻ ăn uống bình thường và khuyến khích bé ăn nhiều hơn với các thức ăn ít dầu mỡ, dễ tiêu hóa. Hãy đưa bé đến bệnh viện trong trường hợp bé nôn ói và tiêu chảy quá nhiều, uống nước háo hức, da khô, mắt trũng, khóc không có nước mắt, phân có đàm máu, bứt rứt, li bì…
Để phòng bệnh cần chế biến thức ăn vệ sinh, rửa tay trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay thường xuyên là một cách hữu hiệu giúp phòng tránh bệnh lây lan.
Sau khi nấu chín thức ăn nên cho bé dùng ngay, dùng lồng bàn để đậy thức ăn và cho thức ăn dư vào tủ lạnh để bảo quản được lâu. Tránh cho bé ăn quà vặt bán ở vỉa hè hay thức ăn cũ có dấu hiệu ôi thiu..
Tham khảo ý kiến bác sĩ để cho trẻ dùng vaccine ngừa tiêu chảy do Rotavirus.
Dịch tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra thường bùng phát vào các tháng thu đông. Ảnh minh họa
5. Trở nặng những bệnh mạn tính
Cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe và đưa trẻ đến bác sĩ khi cần bởi vì sự thay đổi thời tiết, thói quen sinh hoạt hay mắc các bệnh viêm nhiễm cấp tính trong mùa thu có thể làm những bệnh mạn tính như viêm loét dạ dày- tá tràng, suy tim, viêm khớp trở nên trầm trọng hơn. Nguy cơ béo phì sẽ tăng do khuynh hướng tích mỡ vào những tháng lạnh do vậy cần hạn chế cho trẻ dùng thức ăn nhiều dầu mỡ, tập thể thao đều đặn vừa sức và thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp bé có sức khỏe tốt, tinh thần minh mẫn, sảng khoái để học tập tốt hơn.
ThS. BS Phạm Đình Nguyên
Theo giadinh.net
Trẻ đau bụng mà kèm thêm những triệu chứng như thế này thì nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện
Có nhiều lý do khiến trẻ đau bụng nhưng không phải lúc nào cũng cần đến sự trợ giúp của bác sĩ. Tuy vậy cũng không nên quá chủ quan, bởi vì đau bụng đôi khi lại là dấu hiệu chỉ điểm của nhiều bệnh nguy hiểm cần phải được can thiệp khẩn cấp.
Dấu hiệu cần đưa trẻ tới viện
Có nhiều nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ như nhiễm vi khuẩn, virus, côn trùng cắn, ăn uống quá độ, dị ứng thức ăn, ngộ độc thực phẩm hay độc chất, dùng thuốc quá liều, bệnh lý của những cơ quan trong ổ bụng hoặc lân cận hay những vấn đề cần phải nhanh chóng phẫu thuật như viêm ruột thừa, tắc ruột...
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và lứa tuổi của trẻ mà biểu hiện sẽ khác nhau. Nếu chưa biết nói, trẻ thường quấy khóc liên tục, vẻ mặt nhăn nhó đau đớn. Những trẻ lớn hơn có thể sẽ than phiền với cha mẹ về tình trạng đau bụng của mình. Đôi khi trẻ có thể chỉ ra được vị trí đau và mô tả được tính chất của cơn đau dù không phải lúc nào cũng chính xác.
Nếu trẻ đau bụng lan xuống vùng bẹn, đi tiểu khó khăn, da nổi mẩn cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Ảnh minh họa
Thông thường cơn đau chỉ thoáng qua và thường ở vùng giữa bụng hoặc quanh rốn. Trẻ cần được đưa đến bệnh viện nếu đau ở vị trí dưới rốn và nghiêng về phía bên phải hoặc cơn đau kéo dài quá 24 giờ hay mức độ đau trở nên trầm trọng hơn vì trong tình huống này đau bụng có thể do viêm ruột thừa hay những vấn đề nghiêm trọng khác.
Nôn ói là một trong những triệu chứng đi kèm thường gặp. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu ói nhiều hơn 24 giờ hoặc trẻ nôn ói liên tục, ói ra tất cả mọi thứ sau khi ăn hoặc uống, dịch ói có màu xanh hoặc vàng, có sự hiện diện của máu đỏ tươi hoặc máu đông.
Tiêu chảy thường đồng hành với đau bụng. Tình trạng tiêu chảy có thể tồn tại ngay cả khi đau bụng đã hết. Đa số các trường hợp tiêu chảy thường tự giới hạn trong khoảng 1-3 ngày. Trẻ cần được đưa đến cơ quan y tế nếu đi tiêu quá nhiều, trẻ có biểu hiện mất nước, phân hôi tanh, trong phân có đàm máu.
Có thể trẻ sẽ sốt, tuy nhiên sốt không phải là dấu hiệu chỉ ra tình trạng nặng bởi vì đôi lúc trẻ sốt nhưng không do những nguyên nhân trầm trọng trong khi đó trẻ có thể hoàn toàn không sốt nhưng tình trạng của trẻ rất nguy hiểm và cần phải can thiệp tức thì.
Không nên chần chừ nếu trẻ than đau bụng lan xuống vùng bẹn, đi tiểu khó khăn, da nổi mẩn. Trong những tình huống như vậy cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Tại bệnh viện, để xác định chính xác nguyên nhân, đôi lúc các bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm một số xét nghiệm như công thức máu, xét nghiệm phân, siêu âm, chụp Xquang bụng... Tùy theo nguyên nhân cụ thể mà hướng xử trí sẽ khác nhau. Trẻ có thể sẽ được dùng thuốc, tiếp tục theo dõi hay nhanh chóng phẫu thuật.
Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Ảnh minh họa
Xử trí tại nhà
Khi trẻ đau bụng, điều đầu tiên cha mẹ nên làm là trấn an, vỗ về và cho bé nằm nghỉ. Cần theo dõi sát trẻ nhằm phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Cần cung cấp dịch đầy đủ để tránh cho trẻ bị mất nước khi nôn ói hay tiêu chảy nhiều. Dung dịch Oresol là tốt nhất cho trẻ. Không cho bé uống một lúc quá nhiều mà nên kiên nhẫn cho bé uống từ từ từng ngụm nhỏ, nhất là sau khi trẻ đi tiêu chảy. Nên cho bé ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa trong giai đoạn bệnh và cho ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi trẻ hồi phục.
Có thể cho trẻ dùng những thuốc hạ sốt thông thường như Efferalgan, Hapacol, Tylenol để khi trẻ sốt. Nếu trẻ không sốt, nên hạn chế sử dụng những thuốc với mục đích giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu cần thiết để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Kháng sinh chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
ThS. BS Phạm Đình Nguyên
Theo giadinh.net
Bé 5 tuổi bị sốt, ho kéo dài, tràn dịch màng phổi do căn bệnh mà trẻ nhỏ rất dễ mắc vào mùa thu: Cha mẹ nào cũng nên biết để phòng ngừa Nhiễm khuẩn hô hấp Mycoplasma thường khởi phát vào mùa thu. Đối tượng mắc bệnh thường là trẻ trên 3 tuổi và thanh thiếu niên. Tiểu Trần (5 tuổi) dạo gần đây có biểu hiện sốt và ho kéo dài nên được đưa bố mẹ đưa đến bệnh viện khám. Kết quả bé bị nhiễm khuẩn hô hấp chứ không phải cúm thông...