Bác sĩ đầu tiên ở Thái Lan tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2
Giới chức y tế Thái Lan ngày 19/2 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 130 trường hợp mới mắc COVID-19 và 1 trường hợp tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Trung tâm xử lý tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, trong số các ca bệnh mới ở nước này có 116 trường hợp lây nhiễm trong nước và 14 trường hợp là người nhập cảnh.
Người phát ngôn của CCSA – ông Apisamai Srirangsan nêu rõ đối với các trường hợp lây nhiễm nội địa, có 71 ca ghi nhận tại Samut Sakhon, 7 ca ở thủ đô Bangkok và 38 ca ở các tỉnh khác.
Trường hợp tử vong mới do COVID-19 là bác sĩ Panya Harnphanitphan. Vị bác sĩ 66 tuổi này bị lây bệnh sau khi có tiếp xúc gần với các bệnh nhân. Ông là bác sĩ đầu tiên ở Thái Lan tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tính đến chiều 19/2, Thái Lan đã ghi nhận 25.241 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 83 ca tử vong. Nước này cũng đã có 24.070 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và được xuất viện, trong khi 1.088 người khác vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện.
* Philippines cùng ngày thông báo có thêm 1.901 bệnh nhân mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á lên 557.058 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 ở nước này cũng tăng lên thành 11.829 người, sau khi ghi nhận thêm 157 trường hợp không qua khỏi. Nước này cũng có 537 bệnh nhân đã hồi phục, nâng tổng số bệnh nhân hồi phục lên 512.789 người.
Video đang HOT
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN
Philippines – quốc gia có dân số khoảng 110 triệu người – đã tiến hành xét nghiệm tầm soát COVID-19 đối với trên 7,95 triệu người kể từ khi dịch bệnh này bùng phát vào tháng 1/2020.
Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 19/2, Bộ trưởng Y tế Francisco Duque cho biết Philippines đã phát hiện thấy virus gây bệnh COVID-19 “có những dấu hiệu đột biến lâm sàng tiềm ẩn” trong các mẫu xét nghiệm tiến hành hồi tuần trước tại khu vực Central Visayas.
Các quan chức thuộc Bộ Y tế Philippines đã tăng cường các biện pháp kiểm soát trong khu vực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tuy nhiên họ cũng khẳng định rằng các dữ liệu hiện có là chưa đủ để kết luận rằng các biến thể virus tại địa phương sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe cộng đồng.
Trong khi đó, Giám đốc Điều hành Trung tâm nghiên cứu gene của Philippine – bà Cynthia Saloma cho biết hai trường hợp nhiễm biến thể của virus đã hồi phục và được rời khỏi khu vực cách ly sau khi chỉ có các triệu chứng nhẹ.
Theo Bộ Y tế Philippines, các virus sẽ gây ra đột biến một cách tự nhiên khi chúng nhân rộng số lượng. Tuyên bố của bộ này nêu rõ: “Những đột biến này tích lũy theo thời gian và có thể có những tác động khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả các đột biến và biến thể đều gây ra tác động tiêu cực”.
Tuy đã ghi nhận “sự gia tăng mạnh mẽ” về số ca mắc bệnh COVID-19 ở khu vực miền Trung Philippines, nhưng giới chức y tế nước này khẳng định tỷ lệ sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại khu vực này hiện “vẫn ở mức an toàn”.
Thái Lan đặt 3 mục tiêu cho chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19
Ngày 18/2, Trợ lý phát ngôn viên Trung tâm xử lý tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson cho biết Chính phủ Thái Lan đã đề ra các biện pháp để thực hiện 3 mục tiêu trong việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, trao đổi với báo giới, bác sĩ Srirangson cho biết để thực hiện mục tiêu thứ nhất là giảm số lượng bệnh nhân và số ca tử vong vì COVID-19, tiêm chủng sẽ được thực hiện đối với những người trên 60 tuổi và những người mắc bệnh mãn tính.
Đối với mục tiêu thứ hai là để bảo vệ hệ thống y tế quốc gia, những người được tiêm sẽ là nhân viên y tế cũng như người lao động và quan chức có nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh hoặc tiếp xúc với bệnh nhân.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Samut Sakhon, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN
Đối với mục tiêu thứ ba là để bảo vệ nền kinh tế và xã hội quốc gia, những người được tiêm sẽ là người dân và người lao động trong các ngành dịch vụ, du lịch và công nghiệp. Người sử dụng lao động sẽ đồng chi trả cho việc tiêm chủng đối với lao động nhập cư đang làm việc cho họ.
Ngoài ra, vaccine cũng sẽ được dự trữ để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Bác sĩ Apisamai khẳng định mọi người ở Thái Lan - gồm cả người Thái và người nước ngoài, kể cả lao động nhập cư - sẽ được tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19 chất lượng và an toàn.
Theo kế hoạch, lô đầu tiên gồm 200.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của Công ty công nghệ sinh học Sinovac (Trung Quốc) sẽ được Hãng hàng không quốc gia Thái Lan (THAI) vận chuyển từ Trung Quốc về nước vào ngày 24/2 tới.
* Cùng ngày, Đại học Padjadjaran (Unpad) của Indonesia cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine ngừa COVID-19 do Công ty dược phẩm An Huy (Trung Quốc) bào chế vào đầu tháng 3 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Unpad, ông Rodman Tarigan cho hay vaccine của công ty dược An Huy đã được vận chuyển đến Indonesia để thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu sẽ tuyển 2.000 tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên tại huyện Bandung của tỉnh Tây Java và 2.000 người tại thủ đô Jakarta.
Ông Rodman nhấn mạnh yêu cầu chính là các tình nguyện viên phải khỏe mạnh, chưa từng mắc COVID-19 và chưa được tiêm vaccine. Các tình nguyện viên đáp ứng yêu cầu sẽ được tiêm 3 mũi cách nhau một tháng và được theo dõi trong suốt 14 tháng thử nghiệm lâm sàng. Các đợt tuyển tình nguyện viên sẽ kéo dài đến ngày 31/4 tới.
Theo kế hoạch, hoạt động thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với sản phẩm vaccine trên sẽ được tiến hành với 29.000 tình nguyện viên tại Uzbekistan, Ecuador, Pakistan, Indonesia và Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, Unpad đã phối hợp với hãng dược quốc doanh Bio Farma và công ty Sinovach của Trung Quốc tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine của Sinovac với sự tham gia của 1.620 tình nguyện viên tại huyện Bandung.
* Thụy Điển đang lên kế hoạch đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà trong bối cảnh các dấu hiệu cho thấy các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đang lan rộng khắp đất nước.
Phát biểu trên đài truyền hình SVT của Thụy Điển, ông Magnus Thyberg, điều phối viên vấn đề vaccine ở thủ đô Stockholm, cho biết: "Chúng tôi hy vọng có thể bắt đầu chương trình tiêm chủng trên một quy mô nhất định từ tháng 4 trở đi". Ông cho biết hầu hết trường hợp tiêm chủng này sẽ do các phòng khám và trung tâm tiêm chủng chuyên trách xử lý. Người dân được khuyến cáo đặt lịch hẹn trước để tránh phải chờ đợi và làm dịch bệnh lây lan.
Theo SVT, ước tính khoảng 800.000 người ở Vastra Gotaland, miền Tây Thụy Điển và khoảng 470.000 ở Skane, miền Nam nước này sẽ được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.
* Đài truyền hình Saudi Arabia ngày 18/2 đưa tin Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm nước này đã cấp phép sử dụng đối với vaccine do Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp bào chế.
Hiện vaccine 2 liều ngừa COVID-19 của Oxford/AstraZeneca được hoan nghênh là "vaccine cho thế giới", bởi giá thành rẻ và dễ phân phối hơn một số loại vaccine khác. AstraZeneca đặt mục tiêu sản xuất 3 tỷ liều trong năm nay và sản xuất hơn 200 triệu liều mỗi tháng đến tháng 4 tới đây.
Khảo sát thực trạng Đông Nam Á 2021: Những thách thức lớn đối với ASEAN năm 2021 Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và những tác động của nó vẫn là thách thức lớn nhất với khu vực Đông Nam Á trong năm 2021 - đó là kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại...