Bác sĩ của những ca mổ đặc biệt
Cụ bà Trương Thị Truyền (99 tuổi, ngụ P.Tân Hiệp, TP. Biên Hòa) vừa trải qua một ca phẫu thuật rất đặc biệt, bởi bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật chính là con trai cụ – ThS-BS CKII.Lê Ngân, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai).
BS.Lê Ngân (giữa) thực hiện ca phẫu thuật nội soi cho một bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo gối phải. Ảnh: Hạnh Dung
Hơn 10 ngày sau ca phẫu thuật thay khớp háng, cụ Truyền đã có thể đi lại bình thường.
* 30 phút “chiến đấu” trong phòng mổ
Ngày 20-2, trong khi sinh hoạt tại nhà, cụ Truyền không may bị trượt chân té ngã gãy cổ xương đùi. Sau khi cụ Truyền nhập viện, BS.Ngân cùng các bác sĩ trong khoa đã tiến hành hội chẩn và đưa ra quyết định sẽ mổ thay khớp háng cho cụ càng sớm càng tốt.
Theo BS.Ngân, trước đây với những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, bị gãy cổ xương đùi, nhiều bác sĩ thường không dám mổ vì rất dễ xảy ra tai biến trong quá trình phẫu thuật. Đa số bệnh nhân thường được bó bột nằm tại chỗ, không nhúc nhích được, rất đau đớn. Việc ăn uống, vệ sinh cũng thực hiện tại chỗ gây lở loét và đa phần bệnh nhân tử vong do bội nhiễm cùng nhiều nguyên nhân khác.
Đến nay, khi y học đã phát triển, những người bị gãy cổ xương đùi như cụ Truyền có cơ hội bình phục và tỷ lệ thành công lên đến 95% nếu được phẫu thuật thay khớp háng sớm.
Được con trai động viên, cộng với niềm tin vào tay nghề của con, cụ Truyền đồng ý lên bàn mổ. Quá trình phẫu thuật, cụ được gây tê, không cần gây mê nên biết rất rõ đang được chính con trai mình phẫu thuật.
Về phần BS.Lê Ngân, mặc dù đã thực hiện gần 7 ngàn ca phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng lớn nhỏ, quá quen với việc cầm dao và không khí trong phòng mổ nhưng đây lại là ca mổ đặc biệt nhất với anh trong vòng 23 năm qua, bởi bệnh nhân không ai khác chính là người đã sinh ra anh.
“Phải công nhận tôi có gặp phải một chút áp lực lúc đầu ca mổ. Nhưng sau đó, tôi nhanh chóng bình tâm và phối hợp nhịp nhàng với ê-kíp để thực hiện thành công ca mổ trong vòng 30 phút. 24 giờ sau mổ, mẹ tôi đã có thể ngồi dậy, 48 giờ có thể chống được nạng để đi. Đến ngày thứ 5 sau mổ, cụ đã có thể bỏ nạng ra và tập đi. Với tôi, hạnh phúc đó không gì đo đếm được” – BS.Lê Ngân bộc bạch.
Là người thường xuyên tham gia phụ giúp các ca mổ do BS.Lê Ngân thực hiện, BS.Nguyễn Tiến Dũng cho biết, 2 năm qua, anh học được ở BS.Lê Ngân tính siêng năng, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Ở mỗi cuộc mổ, BS.Lê Ngân đều thực hiện rất thành thục, tỉ mỉ, cẩn thận nhưng dứt khoát.
BS.Lê Ngân tâm sự: “Mỗi ca mổ đối với tôi là một “trận chiến” sinh tử. Khi nằm trên bàn mổ, bệnh nhân chỉ có một niềm tin duy nhất – đó là niềm tin vào bác sĩ phẫu thuật. Chỉ một sơ suất nhỏ, một đường dao run cũng có thể dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn được. Do đó, bản thân tôi luôn tự dặn mình phải rất thận trọng trong từng thao tác để làm những điều tốt nhất có thể cho người bệnh”.
Video đang HOT
* Làm điều tốt nhất cho bệnh nhân
Nói về lý do đến với nghề y, BS.Lê Ngân cho biết, lúc nhỏ bản thân anh và người thân trong gia đình hay bị bệnh. Vài ngày sau khi được cho thuốc uống thấy hết bệnh nên anh rất “mê” nghề y và tự nhủ sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành một bác sĩ giỏi, có thể cứu chữa cho nhiều người.
Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM năm 1995, BS.Lê Ngân tiếp tục theo học thạc sĩ rồi bác sĩ CKII chuyên ngành chỉnh hình. Đến năm 1997, BS.Ngân về đầu quân cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trong ngày đầu tiên làm việc tại bệnh viện, anh được BS.Ngô Đức Đễ (khi đó là Trưởng khoa Ngoại tổng hợp) giao thực hiện ca mổ cấp cứu cho một bệnh nhân bị vết thương ở nách cùng một bác sĩ đàn anh khác.
10 năm sau, ca phẫu thuật nối bàn tay trái đứt lìa cho bệnh nhân P.A.D. (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đem đến bước ngoặt trong nghề của BS.Lê Ngân.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được, bị choáng và mất máu nặng. Nếu chuyển viện, bệnh nhân có khả năng không qua khỏi trên đường đi hoặc không còn khả năng nối cánh tay do quá “giờ vàng”. Trước tình thế cấp bách, BS.Ngân cùng ê-kíp phẫu thuật quyết định thực hiện ca mổ để cứu bệnh nhân. Trong 7 giờ đồng hồ, BS.Ngân cùng ê-kíp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật lịch sử – nối cánh tay đứt lìa đầu tiên tại Đồng Nai.
Sau ca phẫu thuật, BS.Ngân cùng ê-kíp được UBND tỉnh, Sở Y tế, bệnh viện khen ngợi. Cũng từ đó trở đi, các bác sĩ trong Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã mạnh dạn thực hiện thêm nhiều ca phẫu thuật nối cánh tay, bàn tay đứt lìa khác.
Đến nay, dưới sự dẫn dắt của BS.Lê Ngân, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật liên quan đến phẫu thuật ngoại khoa. Gần đây, khoa đã triển khai một số kỹ thuật mới như: đóng đinh Gama trong gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người lớn tuổi; đưa nội soi khớp vai vào thường quy; phẫu thuật trật khớp vai, viêm co rút, xử lý trật khớp quanh cổ tay, khớp giả xương thuyền; vỡ, gãy khung chậu, vi phẫu tạo hình…
“Trong tương lai gần, khoa sẽ tạo điều kiện để các bác sĩ trong khoa được đi học chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, đem đến những phương pháp chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân không cần phải chuyển tuyến như trước kia” – BS.Lê Ngân chia sẻ.
Mỗi ngày, các bác sĩ trong Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện từ 20-30 ca phẫu thuật. Trong đó, BS.Lê Ngân đảm nhận những ca phẫu thuật khó, những bệnh nhân lớn tuổi. Có rất nhiều bệnh nhân trên 100 tuổi đã được BS.Lê Ngân phẫu thuật thành công. Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2019, BS.Ngân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Hạnh Dung
Theo baodongnai
Ứng dụng phẫu thuật Robot trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Phẫu thuật Robot được xem là cuộc cách mạng thứ hai sau kỷ nguyên phẫu thuật nội soi với nhiều ưu điểm vượt trội.
Đặc biệt, trong phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt, phẫu thuật robot là tiêu chuẩn tốt nhất khi chọn lựa điều trị nhờ mang lại hiệu quả điều trị tối ưu với sự xấm lấn tối thiểu, nhẹ nhàng cho người bệnh.
Phẫu thuật robot được đánh giá là kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực ngoại khoa trên thế giới. Hiện nay, hầu hết các trung tâm y khoa hàng đầu trên thế giới đã trang bị nhiều hệ thống phẫu thuật robot nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.
Điều trị tối đa với xâm lấn tối thiểu
Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt là phương pháp điều trị tối ưu trong bệnh lý ung thư tuyến tiền liệt trong giai đoạn sớm. Phẫu thuật này đã phát triển từ mổ mở, phẫu thuật nội soi ổ bụng và gần đây nhất là phẫu thuật với hệ thống robot hỗ trợ (thường được gọi là phẫu thuật robot). Nhiều thực - dược phẩm hệ thống robot đã được Cục quản lý FDA Hoa Kỳ công nhận cho sử dụng trong phẫu thuật tiết niệu, ngoại tiêu hóa, gan mật, lồng ngực, sản phụ khoa,...
Trong phẫu thuật robot, từ trạm điều khiển cách xa bàn mổ, bác sĩ phẫu thuật có thể đồng bộ hóa những cử động của ngón tay, cổ tay, bàn tay mình và mở rộng năng lực thao tác với những cánh tay robot được thiết kế nhỏ gọn với góc quay lên đến 5400, di chuyển tự do ở 6 góc độ và vận động tinh vi, điều mà bàn tay con người không thể thực hiện được.
Đôi tay của bác sĩ điều khiển robot thực hiện ca phẫu thuật
Các dụng cụ phẫu thuật robot có khả năng luồn lách vào những khoang nhỏ trong cơ thể và thao tác một cách linh hoạt, chính xác.Đây cũng là những lợi thế đặc biệt đối với các phẫu thuật ở vùng sâu như phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt. Với đầu camera phóng đại 12 lần, chuẩn HD và góc quan sát rộng, robot hỗ trợ các phẫu thuật viên quan sát toàn diện với độ nét cao, có thể phân biệt từng cấu trúc cơ quan giải phẫu, từ đó giúp cho phẫu thuật viên có thể hoàn thành ca mổ thuận lợi hơn rất nhiều.
Với những ưu điểm hoàn hảo như vậy, ứng dụng phẫu thuật robot đã cho phép các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhiều bệnh với sự xâm lấn tối thiểu, cắt lọc mô bệnh triệt để, đồng thời bệnh nhân ít mất máu, ít đau, ít chấn thương mô lành, bảo vệ chức năng sinh lý cho đường tiết niệu gần như hoàn toàn.
Hồi phục nhanh, giảm thiểu nguy cơ tái phát
Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt bằng robot giúp cho phẫu thuật viên thao tác nhanh chóng và chính xác nên phẫu thuật kết thúc sớm, thời gian mổ ngắn, thời gian gây mê ngắn. Do đó thời gian hậu phẫu ngắn, ít đau, giảm thời gian nằm viện, bệnh nhân có thể nhanh chóng quay về đời sống sinh hoạt bình thường hàng ngày. Điều này rất quan trọng đối với đối tượng bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý nội khoa đi kèm.
Về mặt kiểm soát nguy cơ ung thư học, qua những nghiên cứu cho thấy phẫu thuật robot đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất trong tất cả những lựa chọn điều trị hiện naynhờ khả năng cắt lọc tối đa, loại bỏ tốt nhất các mô ưng thư. Đặc biệt giảm tỷ lệ của một số tình trạng hay gặp sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến liền liệt: són tiểu, rối loạn cương... nhờ phẫu thuật viên có thể nhìn thấy toàn diện phẫu trường trên màn hinh 3D độ nét cao vì vậy có khả năng phân biệt mô của các cơ quan một cách rõ nét nhất.
Ứng dụng tại Việt Nam
Việt Nam là nước thứ 2 ở Châu Á và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ứng dụng công nghệ phẫu thuật robot.
Năm 2012 BV Việt Đức là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng robot định vị chính xác trong phẫu thuật cột sống.Kế đến là các BV.Nhi Trung ương, BV. Bạch Mai, BV. Bình Dân, BV. Chợ Rẫy, trong đó BV. Bình Dân đã được Bộ Y tế phê duyệt gồm 14 bệnh có thể ứng dụng robot trong phẫu thuật bao gồm: ung thư tuyến tiền liệt; cắt bàng quang tận gốc; cắt thận bán phần, toàn phần; tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản; điều trị sa sinh dục; tạo hình bàng quang bằng ruột; ung thư dạ dày; ung thư đại trực tràng; ung thư gan; nang ống mật chủ; ung thư tụy; ung thư đường mật ngoài gan; ung thư phổi; u trung thất.
Triển khai phẫu thuật robot tại BV.Bình Dân trong thời gian vừa qua đã đạt một số kết quả khả quan, đặc biệt trong ngành tiết niệu với điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Tính đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 24 ca phẫu thuật robot điều trị ung thư tuyến tiền liệt, và là mặt bệnh được áp dụng phẫu thuật robot nhiều nhất tại bệnh viện. Một số thông tin khái quát sau đây sẽ giúp chúng ta phần nào hiểu được lợi ích của phẫu thuật robot trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Không phát hiện tai biến từ phẫu thuật robot
- PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết phẫu thuật robot hiện đang chứng tỏ các ưu thế vượt trội an toàn, giảm thiểu tối đa các nguy cơ biến chứng và nhiễm trùng phẫu thuật, giảm đau, ít mất máu, hồi phục nhanh, đảm bảo thẩm mỹ, có thể sử dụng cho hầu hết các trường hợp phải điều trị bằng phương pháp nội soi.
-Việc triển khai phẫu thuật robot tại Việt Nam chưa ghi nhận một tai biến nào.
-Ứng dụng robot trong phẫu thuật các bệnh lý phức tạp đã đánh dấu bước phát triển mới trong ứng dụng công nghệ cao của các bệnh viện và ngành y tế. Từ đó nhiều ca bệnh khó sẽ không cần phải ra nước ngoài để chữa trị mà người dân có thể được thụ hưởng các kỹ thuật cao ở ngay trong nước một cách hiệu quả, giảm được rất nhiều chi phí khám, chữa bệnh.
-Mới đây nhất, khóa huấn luyện tiết niệu vùng châu Á nâng cao đã lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM.
-Với sự tham dự của 5 bác sĩ niệu khoa trong nước và 19 đồng nghiệp đến từ các nước Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Philippines... khóa học mang đến cho học viên những bài học sinh động, giúp các bác sĩ tham gia có thể lĩnh hội được tốt nhất và làm quen các ứng dụng điều trị công nghệ cao, góp phần tăng cường năng lực chuyên môn điều trị, mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
KIẾN TƯỜNG
PGS.TS.BS. NGUYỄN PHÚC CẨM HOÀNG - ThS.BS. LÊ TRỌNG KHÔI
Theo suckhoedoisong
'Lạ lùng' mổ u não không khâu vá, không sẹo Với thiết bị phẫu thuật nội soi đi đến tận khối u não qua đường mũi, bệnh nhân hồi tỉnh sớm sau mổ loại bỏ khối u trong não, vùng não lành an toàn tối đa. Bác sĩ Nguyễn Thanh Xuân thực hiện ca mổ nội soi qua đường mũi điều trị u não - ẢNH LIÊN CHÂU Cuộc sống mới sau giấc...