Bác sĩ chuyên ngành nhiễm: Chúng tôi không liều lĩnh!
“Khi đã chọn theo chuyên ngành nhiễm, người thầy thuốc chấp nhận dấn thân, phục vụ cho sự an toàn của người bệnh, của cộng đồng trước các dịch, bệnh nguy hiểm chứ không để được xem là anh hùng”.
Hơn hai tháng qua, thế giới bàng hoàng vì dịch bệnh COVID-19 cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người.
Nhờ khoanh vùng và cách ly theo dõi những người có nguy cơ nhiễm bệnh, Việt Nam đã dự báo và khống chế con số người nhiễm bệnh ổn định. Thành công này, ngoài sự đồng lòng của hệ thống chính trị, không thể không kể đến sự đóng góp miệt mài, thầm lặng của những nhân viên y tế làm công tác điều trị, phòng, chống dịch bệnh.
Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS-BS Lê Mạnh Hùng (ảnh), Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), người có thâm niên 30 năm công tác trong ngành nhiễm về công việc của người bác sĩ chuyên khoa nhiễm.
Bác sĩ ngành nhiễm: Gắn bó là lựa chọn
. Phóng viên: Người ta thường có câu “nghề chọn người” hay “người chọn nghề” để chỉ cơ duyên gắn bó với một ngành nghề nào đó, trong ngành nhiễm thì ý nào mới đúng, thưa bác sĩ?
TS-BS Lê Mạnh Hùng: Thời của tôi, sinh viên ra trường được phân công chỗ nào thì về làm chỗ đó, không có sự lựa chọn. Nhưng khi làm một thời gian, trải nghiệm và hiểu được các gian khó, nguy hiểm của ngành nhiễm mà người bác sĩ vẫn quyết tâm gắn bó, theo đuổi, đối với tôi đó mới là sự lựa chọn. Tôi đã từng chứng kiến không ít đồng nghiệp trẻ từ bỏ vì bị người nhà gây áp lực hoặc chính họ lo âu khi đối diện với những loại dịch, bệnh nguy hiểm (nhiễm HIV/AIDS, tả, não mô cầu, cúm H5N1, viêm gan siêu vi,…).
Ngành y là ngành chịu nhiều vất vả, cực khổ, trong đó chuyên ngành nhiễm là nguy hiểm nhất vì các nhân viên y tế phải chấp nhận đối đầu với những hiểm nguy hiện hữu hoặc chưa lộ diện và đôi khi phải trả giá bằng sức khỏe, tính mạng của mình. Khi một dịch bệnh mới bùng phát, khi mà người ta chưa biết hoặc chưa hiểu rõ tác nhân gây bệnh, đặc điểm bệnh và chưa có các biện pháp điều trị, ngăn chặn, dự phòng hiệu quả thì có người đã hy sinh rồi. Chẳng hạn như dịch SARS năm 2003 tại Hà Nội, đã có 65 người bị nhiễm bệnh và quá nửa là các y, bác sĩ; cướp đi tính mạng của sáu nhân viên y tế, trong đó có hai bác sĩ người nước ngoài. Khi thế giới chưa kịp đặt tên cho virus gây dịch COVID-19 thì có những bác sĩ đã đánh đổi tính mạng của mình như ở Vũ Hán (Trung Quốc).
. Giá trị nhân văn của ngành y là cứu người, đối với chuyên ngành nhiễm, giá trị này rõ nét ra sao, thưa bác sĩ?
Video đang HOT
Khi mắc bệnh nhiễm nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân đôi khi rất mong manh, cứu được là thấy kết quả liền, còn xử trí không đúng, không kịp thời, có thể tử vong trong thời gian ngắn.
Việc giữ lại được mạng sống và giảm thiểu tối đa di chứng cho từng ca bệnh nhiễm nặng không chỉ có ý nghĩa đối với bác sĩ và bệnh nhân mà còn góp phần trấn an tư tưởng người dân, bớt đi căng thẳng, lo âu về dịch bệnh.
Bệnh nhân Việt kiều chào từ biệt các y, bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới trước khi xuất viện. Ảnh: h.lan
Chấp nhận dấn thân
. Công tác trong ngành nhiễm, điều gì khiến người bác sĩ lo ngại nhất?
Ngành nhiễm gồm có bệnh nhiễm trùng và bệnh truyền nhiễm. Các bệnh truyền nhiễm khi lây lan nhanh, nhiều tại một địa phương, nhiều địa phương trong cả nước hoặc nhiều quốc gia tạo ra các trận dịch, đại dịch. Dịch bệnh có thể lặp lại mỗi năm hoặc theo chu kỳ như sốt xuất huyết, tay – chân – miệng, cúm, thủy đậu,…; hoặc xuất hiện ban đầu với một số ca lẻ tẻ như bạch hầu, não mô cầu, thương hàn,… nếu không khống chế kịp thời sẽ lây lan thành dịch; hoặc là các bệnh dịch từ các tác nhân đã biết, sau một thời gian ngủ im nay do có điều kiện thuận lợi trỗi dậy gây dịch như tả, sởi,… Nhưng đáng lo nhất là loại dịch bệnh mới nổi do virus gây ra như SARS, MERS-CoV, Ebola, cúm A H5N1, gần đây nhất là COVID-19 do virus SARS-CoV-2 vì khả năng lây lan của các virus này rất nhanh và chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu. Nhân viên y tế ngành nhiễm sẽ là những người tiếp xúc sớm nhất, gần nhất, nhiều nhất với người bệnh nên nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu thiếu cảnh giác, thiếu phòng ngừa hiệu quả.
. Bác sĩ ngành nhiễm thường được ví như những “siêu anh hùng” khi không ngại đụng chạm, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh, bác sĩ nghĩ sao về điều này?
Đối với tôi, các nhân viên y tế không phải không lo ngại bị lây nhiễm, mà do các anh chị em đã xác định được trách nhiệm của người thầy thuốc chuyên ngành nhiễm đối với người bệnh và cộng đồng, hiểu rõ đường lây của mỗi tác nhân gây bệnh. Đồng thời có biện pháp chủ động phòng tránh và được trang bị bảo hộ theo đường lây nên tự tin mỗi khi đối phó với dịch bệnh nguy hiểm.
Tại BV Bệnh nhiệt đới, do thường xuyên đối phó với dịch bệnh nên đội ngũ nhân viên y tế của BV có khả năng, kinh nghiệm, bản lĩnh, kỹ năng và tâm lý vững vàng để chống dịch. Trải qua nhiều vụ dịch bệnh nguy hiểm với các tác nhân gây bệnh có đường lây khác nhau, các thầy thuốc BV Bệnh nhiệt đới không chỉ góp phần khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi kịp thời, bảo đảm an toàn cho cư dân TP và các tỉnh phía Nam mà còn tránh cho bản thân bị nhiễm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
Khi đã chọn theo chuyên ngành nhiễm, người thầy thuốc chấp nhận dấn thân, phục vụ cho sự an toàn của người bệnh, của cộng đồng trước các dịch, bệnh nguy hiểm chứ không để được xem là anh hùng.
. Xin cám ơn ông.
Hạnh phúc với nghề đã chọn, nghiệp đã dấn thân
Tôi mong Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới nhanh chóng khống chế và đẩy lùi được dịch COVID-19 để mọi hoạt động xã hội trở lại bình thường, để mọi người dân bớt đi cảm giác bất an, lo âu trong cuộc sống.
Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi thân chúc tất cả quý đồng nghiệp có nhiều sức khỏe, luôn an vui và hạnh phúc với cái nghề mình đã chọn, cái nghiệp mình đã dấn thân.
Về phía người dân, khi đối diện với dịch bệnh nguy hiểm, việc quan tâm, cảnh giác thực hiện các biện pháp phòng tránh là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, mọi người cần thận trọng trong tiếp nhận thông tin, tốt nhất nên xem, tìm hiểu dịch bệnh từ các kênh truyền thông chính thống, trên các trang web của bộ, sở Y tế, các bệnh viện để trang bị cho mình các kiến thức đúng, đủ và làm theo các hướng dẫn của ngành y tế, có thái độ và hành động phù hợp để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
TS-BS LÊ MẠNH HÙNG
HOÀNG LAN
Theo PLO
TP.HCM: Bệnh viện dã chiến phục vụ Covid-19 chính thức có giám đốc
Sau gần 10 ngày đi vào hoạt động, Bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi, TP.HCM phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã chính thức có Ban giám đốc. Đây là những người đang công tác tại các bệnh viện trên địa bàn TP và kiêm nhiệm luôn nhiệm vụ mới tại bệnh viện này.
Bệnh viện dã chiến phục vụ phòng chống bệnh Covid-19 tại ấp Bàu Đưng, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM trong ngày đi vào hoạt động - Ảnh: PV
Ngày 19.2, Sở Y tế TP.HCM đã công bố quyết định bổ nhiệm Ban giám đốc Bệnh viện dã chiến ở huyện Củ Chi. Ban giám đốc của bệnh viện này có 3 người gồm 1 giám đốc và 2 phó giám đốc.
Theo đó, BS.CK2 Nguyễn Thành Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện này; 2 phó giám đốc bệnh viện là TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 và bác sĩ Trần Chánh Xuân - Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi.
Trước mắt, Bệnh viện dã chiến sẽ có 2 phòng chức năng là Phòng kế hoạch tổng hợp và Phòng điều dưỡng cùng với 1 khoa lâm sàng với quy mô 300 giường. Các hoạt động khác liên quan đến các phòng chức năng còn lại sẽ do các phòng chức năng của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đảm trách kiêm nhiệm.
PSG.TS.BS Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngoài chức năng nhiệm vụ chính là tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị người nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 trên địa bàn TP, Bệnh viện dã chiến này còn là nơi thực hành mẫu mực cho nhân viên y tế về phòng chống lây lan mầm bệnh trong môi trường bệnh viện.
Ngay sau khi ra mắt Ban giám đốc, Bệnh viện dã chiến đã tiến hành tập huấn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho 135 bác sĩ, điều dưỡng từ 10 bệnh viện đa khoa TP và 7 bệnh viện quận huyện hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến.
Tại đây, các học viên được cập nhật các kiến thức thực tế về quy định, nội quy làm việc đối với nhân viên y tế tại bệnh viện; hướng dẫn quy trình thu dung, cách ly người bệnh; hướng dẫn các lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh khoa phòng, quản lý chất thải y tế...
Theo Bệnh viện dã chiến đến thời điểm này, bệnh viện đang tiếp nhận, cách ly, theo dõi, điều trị 28 người. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp trên sức khỏe đều ổn định, không có dấu hiệu gì bất thường. Hiện Sở Y tế TP cùng với Bộ Tư lệnh TP và nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức đảm bảo hoạt động của bệnh viện, trong đó có việc đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho những người đang được cách ly theo dõi.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết đến hết ngày hôm qua (18.2), toàn TP đã cách ly tại nhà, nơi lưu trú 2.961 người nhưng đã có 2.792 người hết thời gian theo dõi, còn 169 người đang tiếp tục được theo dõi; các quận huyện tổ chức cách ly tập trung 54 người thì đã có 36 người hết thời gian cách ly, 18 người còn lại đang tiếp tục theo dõi. Riêng 3 trường hợp nhiễm Covid-19 ở TP đều đã khỏi bệnh.
Đặc biệt, sau nhiều ngày liên tiếp TP.HCM không ghi nhận thêm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Covid-19, cả 32 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19 trước đó điều đã âm tính; 44 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng đã kết thúc thời gian theo dõi và không xuất hiện dấu hiệu mắc bệnh.
Hồ Quang
Theo Một thế giới
Chuyện xúc động về điều trị COVID-19 cho Việt kiều Mỹ Bệnh nhân về nước ăn tết một mình nhưng bất ngờ bị cách ly hai tuần trong căn phòng riêng biệt. Các điều dưỡng thay phiên vào phòng trò chuyện cho ông quên nỗi bất an. Ngày 17-2, tin từ Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho hay bệnh nhân Việt kiều Mỹ THK (73 tuổi) đã đủ điều kiện xuất viện...