Bác sĩ chỉ ra những nguyên nhân khiến người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng
Theo các bác sĩ, đột quỵ được xem là bệnh của người lớn tuổi. Thế nhưng, những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ bị đột quỵ có xu hướng gia tăng, nguyên nhân đột quỵ cũng rất khác với người lớn tuổi.
TS. Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim, Bệnh viện FV cho biết, bệnh viện hầu như tuần nào cũng tiếp nhận cấp cứu trường hợp người trẻ bị đột quỵ. Đáng lo ngại, số người trẻ bị đột quỵ cũng tăng dần theo từng năm. Điều này cho thấy, người trẻ thường khá chủ quan với sức khỏe của bản thân và có xu hướng coi đột quỵ là bệnh của người lớn tuổi, do vậy không ít trường hợp được đưa đến bệnh viện khi các triệu chứng trở nặng.
Bác sĩ Hồ Minh Tuấn và e-kip thực hiện kỹ thuật đóng dù ngừa đột quỵ cho bệnh nhân. Ảnh: FV
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nữ 35 tuổi, được người nhà đưa tới trong tình trạng mệt mỏi, tê tay và nửa mặt không cử động được. Nhận thấy đây là triệu chứng điển hình của một cơn đột quỵ, các bác sĩ chuyên khoa Tim nhanh chóng tiến hành chụp phim não cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy, não bệnh nhân bị tổn thương do nhồi máu não cấp tính. Nguyên nhân gây ra đột quỵ ở nữ bệnh nhân này xuất phát từ lỗ bầu dục, đây là một lỗ nằm giữa hai tâm nhĩ của tim, cục máu đông đã đi qua lỗ thông này lên não.
“Mọi trẻ em sinh ra đều có lỗ bầu dục và lỗ này sẽ đóng lại trong khoảng từ 6 tháng đến một năm sau sinh. Tuy vậy, khoảng 20% người trưởng thành vẫn còn lỗ hình bầu dục ở tim, đây là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Những ai bị đột quỵ do nguyên nhân này cần phải xử lý để tránh tái phát, đặc biệt là ở bệnh nhân trẻ”, bác sĩ Tuấn giải thích thêm.
Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn, trong thực tế, tỷ lệ người bị tái đột quỵ cao gấp 5 lần so với người chưa từng bị trước đó và lần thứ 2 bị đột quỵ sẽ nặng hơn. Để phòng ngừa tái đột quỵ, quan trọng nhất là phải tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ. Do đó, bên cạnh liên tục cập nhật các kỹ thuật điều trị tăng cơ hội hồi phục cho bệnh nhân, thời gian qua Bệnh viện FV còn chú trọng đến việc tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ để phòng ngừa các nguyên nhân thứ phát, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau điều trị.
Qua ghi nhận, nguyên nhân bị đột quỵ ở người trẻ có nhiều điểm khác so với người lớn tuổi. Thống kê cho thấy, khoảng 20 – 30% các nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ đến từ tim. Cụ thể, cục máu đông hình thành trong buồng tim hoặc khối tĩnh mạch dưới chân chạy qua lỗ thông ở tim rồi lên não. Một số người bị bệnh về đông máu, tăng đông tạo huyết khối ở tĩnh mạch não, gây ra đột quỵ.
Riêng ở nữ giới, có những người bị đột quỵ do dùng thuốc ngừa thai chứa estrogen cao trong một thời gian dài. Bệnh nhân đột quỵ trẻ nhất mà Bệnh viện FV từng điều trị là một phụ nữ 22 tuổi. Bệnh nhân này sử dụng thuốc ngừa thai trong một thời gian dài, cộng với việc dùng thuốc kháng viêm. Chính sự ảnh hưởng của hai loại thuốc đã gây ra chứng đột quỵ.
Bên cạnh đó, lối sống ít vận động, tiền sử gia đình có người đột quỵ, bị mắc bệnh tim mạch cũng góp phần gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
“Khả năng hồi phục cho người bị đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị sớm. Thời gian “vàng” để làm tan cục máu đông chỉ có thể trong vòng từ 4 đến 6 giờ, nếu chậm hơn, tuần hoàn máu không lưu thông có thể dẫn đến vùng não đó bị hoại tử. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng như mắt mờ, chỉ nhìn thấy rõ một bên; giọng nói bị đớ, nói không ra tiếng; mặt bị lệch sang một bên; mất thăng bằng, đi không vững, bị ngã … bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi phát hiện ra bị bệnh đột quỵ, người nhà bệnh nhân không sử dụng các thủ thuật dân gian như chích vào đầu ngón tay. Nếu tập trung quá nhiều vào thủ thuật dân gian có thể làm chậm trễ thời gian “vàng” điều trị cho bệnh nhân.
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng hơn 80% trường hợp có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chủ động tầm soát. Bất kỳ ai, ở mọi độ tuổi đều nên tầm soát đột quỵ định kỳ, đặc biệt là trong mùa lạnh. Việc này càng cần thiết đối với những người có yếu tố nguy cơ cao như trên 55 tuổi, mắc các bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao, dị dạng, phình mạch máu não…), hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích.
Tại sao trẻ nhỏ cũng bị đột quỵ và phải phòng thế nào?
Đột quỵ không chỉ xảy ra ở người lớn mà nhiều trường hợp trẻ nhỏ cũng mắc phải, thậm chí có trẻ mới 2-3 tuổi đã bị đột quỵ nhồi máu não.
Video đang HOT
So với người lớn, đột quỵ ít phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. (Ảnh: ITN)
Nắm được nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ có thể giúp cha mẹ chủ động phòng tránh.
Theo giải thích của giới chuyên môn, đột quỵ là một chấn thương ở não hoặc các mạch máu trong não. Nếu mạch máu bị tắc, nó không thể cung cấp oxy hoặc chất dinh dưỡng cho não.
Không giống như các bộ phận khác của cơ thể, não không thể tồn tại lâu nếu không có máu lưu thông. Nếu một vùng não hết oxy hoặc năng lượng, người bệnh có thể bị thương hoặc thậm chí tử vong.
Nguy cơ đột quỵ ở trẻ
So với người lớn, đột quỵ ít phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng nó vẫn xảy ra. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn trẻ em hoặc thanh thiếu niên.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em
Trẻ em bị đột quỵ vì những lý do khác với người lớn. Trẻ sinh non có thể bị chảy máu não vì mạch máu của trẻ rất mỏng manh. Trẻ sơ sinh có máu đông dễ dàng hơn trẻ lớn, điều này có thể gây đột quỵ trong những tuần gần khi sinh.
Các bệnh về máu, như bệnh hồng cầu hình liềm hoặc bệnh máu khó đông, cũng có thể gây đột quỵ. Các bệnh di truyền ảnh hưởng đến mạch máu hoặc máu có thể gây đột quỵ ở trẻ em mọi lứa tuổi.
Những đứa trẻ khác có thể bị đột quỵ sau chấn thương ở đầu hoặc cổ nếu chúng làm tổn thương các mạch máu bên trong.
Dù hiếm khi xảy ra nhưng nhiễm trùng cũng có thể làm hẹp các mạch máu trong não và gây đột quỵ. Trẻ em có vấn đề về tim cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Các triệu chứng thường gặp của đột quỵ
Nếu bạn cho rằng trẻ đang bị đột quỵ, hãy gọi hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất. (Ảnh: ITN)
Đôi khi, thật khó để biết liệu một đứa trẻ có bị đột quỵ hay không vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng có thể cho chúng ta biết chuyện gì đang xảy ra.
Biểu hiện ở trẻ sơ sinh
- Cơn động kinh liên tục xảy ra ở một bộ phận của cơ thể.
- Buồn ngủ trầm trọng đến mức trẻ không thức dậy để bú bình thường.
- Yếu hoặc cứng ở một bên cơ thể hoặc ở một cánh tay hoặc chân. Những đứa trẻ khác có thể bị chậm phát triển.
Biểu hiện ở trẻ nhỏ
- Yếu đột ngột ở một bên mặt và cơ thể, hoặc không sử dụng được một bên cơ thể theo cách bình thường.
- Liên tục ngã sang một bên.
- Khó khăn khi nói chuyện - nói ngọng, không nói được từ nào hoặc từ ngữ vô nghĩa.
- Mất cảm giác ở một bên cơ thể hoặc khuôn mặt.
- Chóng mặt (cảm giác như căn phòng đang quay hoặc chuyển động) kèm theo các vấn đề về thăng bằng và đi lại khó khăn.
- Cơn đau đầu xuất đột ngột, rất dữ dội, khác với những cơn đau đầu thông thường của trẻ.
Đột quỵ được chẩn đoán như thế nào?
Nếu bạn cho rằng trẻ đang bị đột quỵ, hãy gọi hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu gần nhất. Bác sĩ sẽ nói chuyện với bạn và khám cho trẻ. Tùy thuộc vào những gì họ nhìn thấy, trẻ có thể thực hiện một số xét nghiệm sau:
- Hình ảnh não của trẻ và các mạch máu ở đầu và cổ bằng chụp CT hoặc MRI.
- Xét nghiệm và siêu âm tim để xem nó hoạt động như thế nào.
- Xét nghiệm máu để tìm các vấn đề về chảy máu hoặc đông máu, nhiễm trùng hoặc tình trạng máu.
Điều trị đột quỵ
Trong một số trường hợp, điều trị khẩn cấp có thể ngăn chặn cơn đột quỵ trở nên tồi tệ hơn nếu chẩn đoán được thực hiện trong vòng những giờ đầu tiên sau khi cơn đột quỵ bắt đầu.
Nếu trẻ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc huyết khối tĩnh mạch, bác sĩ có thể sử dụng aspirin hoặc thuốc làm loãng máu để ngăn tình trạng bệnh nặng hơn hoặc xảy ra lần nữa.
Đối với trẻ bị xuất huyết não, bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa để giúp chăm sóc trẻ.
Cách trẻ hồi phục sau cơn đột quỵ
Các phương pháp điều trị quan trọng nhất cho trẻ bị đột quỵ là liệu pháp thời gian và thể chất, hoạt động hoặc ngôn ngữ.
Mặc dù não không lành lại dễ dàng hoặc hoàn toàn như các bộ phận khác của cơ thể nhưng não của trẻ thường có thể thích nghi với những vết thương.
Thông qua vật lý trị liệu, ngôn ngữ và hoạt động trị liệu, nhiều trẻ em có thể tiếp tục cải thiện sức khỏe trong 6 hoặc thậm chí 12 tháng sau cơn đột quỵ.
Bác sĩ và nhà trị liệu của trẻ sẽ làm việc với cha mẹ để lập kế hoạch về cách giúp trẻ phục hồi tốt nhất.
Nguy cơ tái đột quỵ
Theo chuyên gia, nguy cơ tái đột quỵ ở trẻ em là tương đối thấp. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị đột quỵ khi già đi, vì vậy điều quan trọng là bạn và con bạn phải tránh những tác nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ ở tuổi trưởng thành, như huyết áp cao, cholesterol, tiểu đường,...
Chóng mặt, xây xẩm mặt mày... cảnh báo 'cái chết bất thình lình' Chóng mặt, xây xẩm mặt mày, nhức đầu... nhiều người thường coi đó là thiếu máu não thông thường nhưng đó là dấu hiệu cảnh báo cơn tai biến mạch máu não trong tương lai. Các bác sĩ BV Đa khoa tỉnh Phú Thọ mới đây đã cấp cứu cho một bệnh nhân 70 tuổi bị đột quỵ. Điều đáng nói, người bệnh...