Bác sĩ chỉ cách nhận biết sớm trẻ bị viêm não, cha mẹ nào cũng cần biết
Vào mùa nắng nóng, số lượng trẻ nhập viện vì viêm não, viêm màng não tăng cao, tuy nhiên hầu hết đều đến trễ vì cha mẹ không biết những dấu hiệu sớm.
Sau 4 ngày sốt cao, bác sĩ phải mở hộp sọ cứu sống bé 13 tuổi
Dùng tăm bông ngoáy tai, người đàn ông bị nhiễm trùng não
Quý ông Phú Thọ bị sán làm tổ trong não vì món ăn nhiều người thích
Mùa hè – mùa viêm não, viêm màng não
Viêm não và viêm màng não là bệnh lý rất nặng, tỉ lệ tử vong và di chứng rất lớn nếu không được điều trị kịp thời.
Mỗi năm, BV Nhi TƯ tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi mắc 2 bệnh lý nói trên, hiện tại, đang có khoảng 30 bệnh nhi phải nằm viện điều trị, nhiều trường hợp nặng phải thở máy, hồi sức tích cực.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TƯ biết, viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, hib và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli…
Khi đó, màng ngoài của não sẽ bị vi khuẩn tấn công, tỉ lệ tử vong khi mắc viêm màng não lên tới 50% nếu không được điều trị. Trường hợp được chẩn đoán sớm trong 24-48 giờ đầu, tỉ lệ tử vong còn 8-15%.
Bệnh nhi 12 tuổi bị viêm não đang điều trị tại BV Nhi TƯ. Ảnh: T.Hạnh
Tuy nhiên tỉ lệ để lại di chứng về thần kinh, vận động khá lớn, chiếm 10-20%. Tuổi càng nhỏ, tiên lượng càng xấu.
Theo thống kê của BV Nhi TƯ, tỉ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị. Và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi.
Trái lại, viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng… Tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động.
Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu quai bị… do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.
Cả viêm não và viêm màng não đều mắc quanh năm, tuy nhiên bệnh hay xảy ra vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 – 8.
Video đang HOT
Dấu hiệu sớm cha mẹ cần lưu ý
ThS.BS Đào Hữu Nam, Phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực, Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ cho biết, ở giai đoạn muộn, viêm não và viêm màng não đều có các triệu chứng thần kinh giống nhau như lờ đờ, kích thích vật vã, co giật, hôn mê…
Tuy nhiên ở giai đoạn sớm viêm não, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu sớm. Nếu sốt cao uống hạ sốt không đỡ, trẻ kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ cần đưa vào viện ngay. Với viêm não do virus tay chân miệng, trẻ có thể xuất hiện các bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay các chấm hoại tử.
Với viêm màng não, ngoài sốt cao, trẻ có thể cứng cổ, nếu còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.
BS Nam lưu ý, cha mẹ không nên cố giữ trẻ ở nhà điều trị dẫn đến hôn mê, co giật mới đưa đến viện, lúc đó đã ở giai đoạn muộn, dễ để lại di chứng nặng nề.
BS Nam cho biết, đến nay điều trị viêm não khó khăn, do chủ yếu điều trị triệu chứng, bệnh nhân đến muộn thường bị phù não nặng.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ chia sẻ thêm, các bệnh viêm não, màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm, với các biểu hiện lâm sàng giống các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn.
Tuy nhiên cũng có trẻ cũng không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, ban đầu trẻ có thể chỉ quấy khóc, rên rỉ, hay nhìn ngược, hay trớ, chán ăn… Do đó việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn.
Chọc dịch não tủy là cách chính xác để phát hiện trẻ có bị viêm não, viêm màng não hay không
Vì vậy, khi nhập viện, bác sĩ cần theo dõi bệnh nhi rất kĩ, khám trực tiếp xem trẻ có bị cứng cổ, cứng gáy, cứng cơ…. để quyết định chọc dịch não tủy – đây là cách chính xác nhất để chẩn đoán viêm não, viêm màng não.
Nhiều cha mẹ lo lắng chọc dịch não tủy sẽ ảnh hưởng đến con, tuy nhiên TS Lâm cho biết, bác sĩ sẽ chọc thắt lưng lấy dịch não tủy, đây là phương pháp đơn giản, hầu như không có biến chứng.
Theo TS Lâm, thực tế có nhiều ca chuyển lên BV Nhi TƯ chỉ theo dõi viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết với các triệu chứng như sốt thông thường nhưng khi chọc dịch não tủy, kết quả lại khẳng định viêm não.
Có bệnh nhi 5 ngày tuổi đi khám, bác sĩ khám thóp không phồng, họng hơi đỏ, trẻ quấy khóc, bác sĩ cho điều trị kháng sinh 5 ngày vẫn không đỡ. Trẻ lại quay lại khám, siêu âm thóp vẫn bình thường, tiếp tục cho kháng sinh thêm 5 ngày, nhưng trớ nhiều hơn. Khi đến BV, kết quả siêu âm lại phát hiện não thất đã bị giãn. Kết quả chọc dịch não tủy khẳng định bị viêm não.
Cách phòng ngừa
PGS Điển cho biết, hầu hết những trẻ mắc viêm não, viêm màng não từ các căn nguyên đã có vắc xin chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Riêng viêm não do virus tay chân miệng (đứng thứ 3 sau viêm não Nhật Bản, Herpes), dù chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng vẫn có thể phòng ngừa nhờ vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng do nguyên nhân gây bệnh liên quan trực tiếp đến đường phân, miệng.
Theo đó, cha mẹ cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ, thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, các chất xuất tiết của trẻ phải được thu gom…
Việc tiêm vắc xin để ngừa bệnh khá hiệu quả. Tuy nhiên 1 vắc xin chỉ phòng được 1 bệnh viêm não hoặc màng não.
Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do HIB, vắc xin viêm màng não do mô cầu type A, C, vắc xin ngừa phế cầu…
Riêng vắc xin viêm não Nhật Bản cần tiêm đủ 3 mũi lúc trẻ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 7-14 ngày, mũi 3 cách mũi 2 một năm, sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại đều đặn cho đến khi trẻ 15 tuổi.
Ngoài ra để tránh viêm não thứ phát, các bậc cha mẹ cũng nên cho con tiêm phòng đầy đủ các bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, cúm…
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Nắng nóng kéo dài, bệnh viện ở Sài Gòn đông nghịt
7h sáng, khu khám bệnh của nhiều viện lớn ở TP.HCM đã đông nghịt người đến chờ đến lượt. Đa số bệnh nhân phải vào viện là trẻ em và người già.
Thời tiết tại Sài Gòn đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm, trung bình từ 35-37 độ C, chỉ số tia cực tím dao động mức nguy hiểm. Đây cũng là thời điểm giao mùa khiến nhiều người đổ bệnh, đặc biệt là trẻ em. Tại TP.HCM, những ngày gần đây, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện do các bệnh mùa nắng nóng tiếp tục tăng mạnh khiến bệnh viện luôn trong trạng thái đông nghẹt. Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận khoảng 11.000 lượt bệnh nhi đến khám.
Trong tuần giữa tháng 4, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám, 7% trong số này phải nhập viện nội trú.
Tại bệnh viện, số lượt bệnh nhi khám chữa bệnh về đường hô hấp chiếm số lượng cao nhất. Trong khi đó, tay chân miệng tăng 47%, các bệnh tiêu hóa tăng từ gần 15% so với tháng trước. Nhiều trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi...
Gần trưa, khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn rất đông người chờ tới lượt khám. Vừa ôm đứa con nhỏ đang gục trên vai, chị L.T.T. (40 tuổi, ngụ tại quận 1, TP.HCM) than thở: "Không hiểu vì sao TP.HCM càng ngày càng nóng bức. Sau đợt nóng trước con tôi vừa khỏi bệnh thì mới hôm qua lại khò khè, nôn ói và tiêu chảy nhiều. Trời nóng thế này người lớn mình còn chịu không được, hỏi sao mấy đứa trẻ nhỏ lúc nào cũng khó chịu, bệnh tật".
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết số bệnh nhi đến khám trong tuần tăng khoảng 5% so với 3-4 tuần trước.
Lý giải về điều này, bác sĩ Hoàng cho hay, trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh trong thời tiết nắng nóng do bị thiếu nước, rối loạn điện giải. Ngoài ra, thời tiết oi bức và tác động của tia cực tím cũng khiến sức đề kháng của trẻ giảm.
"Các bệnh này nếu phát hiện sớm thì dễ điều trị, nhưng nếu chủ quan, hoặc tự mua thuốc cho trẻ uống không theo chỉ dẫn của bác sĩ, bệnh có thể diễn tiến nặng", bác sĩ Hoàng cảnh báo.
Trẻ thường bị mắc các nhóm bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản và các bệnh lý về tiêu hóa gia tăng như tiêu đàm máu, tiêu chảy cấp, viêm ruột. Bên cạnh đó, các bệnh lý về da như nhiễm trùng da, viêm da, rôm sảy cũng tăng nhẹ.
7h sáng tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám tăng mạnh. Đa số bệnh nhân thường mắc các bệnh lý như cảm cúm, mệt mỏi, viêm xoang, viêm mũi, khó ngủ,... Hiện số lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám về bệnh huyết áp và rối loạn giấc ngủ tăng 15%, các bệnh lý tiêu hóa, hô hấp, da liễu cũng tăng từ 7-10% lượt bệnh nhân đến khám.
Để được khám sớm, nhiều người phải đến viện từ 6h. Nắng nóng kéo dài khiến số lượng bệnh nhân đến khám ở đây đông bất thường. Theo bác sĩ Hoàng Mạnh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, người già thường ít có cảm giác khát nước nên không nhớ để bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể. Tiêu thụ không đủ nước có thể khiến rối loạn điện giải, làm tụt huyết áp ở người lớn tuổi. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng làm gia tăng bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, đặc biệt là những người có sẵn nền bệnh tăng huyết áp, tim mạch.
Bác sĩ Mạnh khuyến cáo người già cần hạn chế đi lại và làm việc vào những giờ cao điểm nắng nóng, nhất là những người mắc có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp. Ngoài ra, người lớn tuổi cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của các y bác sĩ. Đối với những người hút thuốc, cần hạn chế lại và chủ động theo dõi huyết áp thường xuyên.
Lưu ý, trong những ngày nắng nóng, người dân không nên lạm dụng việc tắm mát, chuyển đổi môi trường đột ngột dễ ảnh hưởng đến huyết áp. Đồng thời, chúng ta cần bổ sung vitamin, chất xơ từ trái cây, chăm sóc sức khỏe và tiêm phòng đầy đủ cho cả người lớn và trẻ nhỏ để phòng bệnh.
Theo Zing
Đà Nẵng: Nắng nóng, bệnh nhi nhập viện tăng cao Thời tiết nắng nóng liên tục diễn ra trong thời gian vừa qua đã khiến cho tình trạng trẻ em nhập viện tăng cao. Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, số trẻ nhập viện đã tăng từ 30% đến 50% so với ngày thường. Trẻ em tới khám bệnh tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. (ảnh: Báo...