Bác sĩ chân chính rất đau xót
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10-2013, vấn đề đầu tiên được báo chí nêu ra là vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau khi hút mỡ bụng, nâng ngực làm chết khách hàng đã ném thi thể nạn nhân xuống sông Hồng.
Đi vào vụ việc gây chấn động dư luận xã hội vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến chăm sóc và sức khỏe của người dân. Mỗi khi có sự cố, bao giờ Chính phủ cũng chỉ đạo rất nghiêm khắc. Quan trọng hơn, mỗi lần có sự cố như vậy, bộ máy quản lý Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, phải rà soát lại, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, không để xảy ra những sự cố tương tự.
Đánh giá ngành Y tế có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những y, bác sĩ rất tốt, tận tâm, không phải không có những người suy thoái, biến chất, không làm đúng chức năng của người thầy thuốc. “Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của một số người dân mà còn làm mất lòng tin của cả xã hội. Ai cũng lên án, ai cũng đau xót. Đông đảo những người làm ngành Y, những bác sĩ chân chính càng đau xót”. Bộ trưởng nhấn mạnh, hành vi vi phạm pháp luật hình sự của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trong trường hợp này đương nhiên phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Dù người đó là bác sĩ hay làm ngành nghề gì đều phải xử lý nghiêm. Xét về đạo đức của một con người, nhất là thầy thuốc, lại càng phải lên án.
Về hướng xử lý hậu vụ việc, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, quan trọng là ngành Y tế cần phải tăng cường quản lý Nhà nước để chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn. Ông chia sẻ: “Chúng ta đều mong rằng không chỉ ngành Y tế mà cả hệ thống phải chung tay, để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, làm cho ngành Y tế nói riêng và tất cả các ngành khác, nhất là những ngành phục vụ nhân dân, không ngừng tăng cường kỷ cương, đạo đức. Nếu tất cả đồng sức, đồng lòng, kết quả sẽ tốt hơn”.
Trước câu hỏi liên quan tới trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng Y tế, ông Vũ Đức Đam cho biết, chưa cần làm đến Bộ trưởng, bất kỳ người dân nào khi nghe đến những chuyện liên quan đến tính mạng con người và hành vi thiếu nhân tính thì đều phẫn nộ. Ông nói: “Tại buổi họp Chính phủ sáng nay, có thể thấy ngay cảm giác Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất khổ sở, khổ tâm. Nhưng điều quan trọng khi mình đảm đương một cương vị, nhất là ở cương vị cấp Bộ trưởng, là làm hết trách nhiệm, hết tâm sức của mình.”
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi thẳng: “Sau những vụ việc liên tiếp xảy ra vừa qua, theo quan điểm cá nhân của Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế có nên từ chức không?”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Tôi không nghĩ rằng, cứ mỗi một sự việc cụ thể thì một Bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức. Điều đầu tiên phải nghĩ, tại sao tình hình lại như vậy, do chủ quan của ngành mình hay do khách quan? Do thời kỳ mình chỉ đạo hay do nhiều thời kỳ dồn lại? Điều quan trọng nhất là cần có quyết tâm và lộ trình, kế hoạch sao cho thực hiện tốt hơn tất cả các chuyện. Nếu không phải tất cả thì đại đa số các Bộ trưởng đều cho rằng nên như thế. Chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm khắc, tích cực nhưng phải làm sao để sự nghiệp tốt hơn”.
Ngọc Khánh
Theo ANTD
Tiếp tục rà soát, loại bỏ thủy điện không phù hợp
Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo loại khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sẽ tiếp tục rà soát các hồ thủy điện, thủy lợi, nếu phát hiện các hồ đã, đang và sẽ xây dựng có vấn đề, có thể gây hậu quả xấu thì dứt khoát loại bỏ.
- PV: Tuần này, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện, thông điệp chính của Chính phủ là gì, thưa Phó Thủ tướng?
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Chúng ta cần nhìn nhận, việc phát triển các hồ thủy điện, thủy lợi là cần thiết phải làm. Trước hết, vì Việt Nam là quốc gia thiếu nước, rất cần nước cho sinh hoạt, đời sống của nhân dân và cho sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, những hồ chứa nước này kết hợp được đa mục tiêu là điều tốt nhất, có hiệu quả rất lớn. Có ý kiến cực đoan nếu bỏ hết đi là đỡ phải lo nhưng khi đó, lấy nước đâu mà phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất. Thực tế bao nhiêu địa phương thiếu nước, nếu không có hồ chứa sẽ thế nào, kể cả nước sinh hoạt của người dân.
- Nhưng mặt trái của thủy điện nhỏ cũng rất đáng lo ngại, gây ra những thiệt hại lớn?
- Mặt trái của hồ thủy điện là có, vì thế, phải hạn chế tối đa những mặt tiêu cực. Để hạn chế mặt tiêu cực, Chính phủ đã giao các Bộ tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ thủy điện, thủy lợi trên toàn quốc. Từ đó, loại bớt những hồ không hợp lý, có vấn đề.
Nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh việc điều tiết nước, hồ thủy điện, thủy lợi cũng có đóng góp khác. Nhưng quan trọng hơn cả là phải đưa ra được quy trình vận hành liên hồ chứa. Tất nhiên, quy trình không thể chuẩn ngay mà cần phải cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Cần đưa việc quản lý các hồ vào nề nếp, gắn chặt trách nhiệm chủ hồ, cơ quản quản lý Nhà nước. Bởi hồ chứa như "quả bom nước", nên chủ hồ, cơ quản quản lý nhà nước phải có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát theo từng giai đoạn từ mùa khô đến mùa mưa lũ theo tiêu chí bắt buộc là phải đảm bảo an toàn thì mới cho tích nước. Quan điểm của Chính phủ là nếu hồ thủy điện, thủy lợi không đáp ứng được đa mục tiêu là dứt khoát bỏ, mà cụ thể là đã loại bỏ hơn 400 hồ thủy điện trong thời gian qua.
Sẽ dứt khoát loại bỏ các hồ thủy điện có vấn đề, có thể gây hậu quả xấu
- Người dân rất muốn những chủ đầu tư, nhà thầu gây ra sự cố hồ thủy điện, thủy lợi phải được xử lý nghiêm, thưa Phó Thủ tướng?
- Chính phủ đã chỉ đạo xử lý cương quyết các chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, chỉ chạy theo lợi ích riêng. Thực tế, chúng ta đã xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát... khi xảy ra các sự cố, sai phạm trong thi công xây dựng và vận hành quản lý các hồ thủy điện, thủy lợi. Cùng với đó, có việc tiến hành bồi thường cho người dân, địa phương chịu ảnh hưởng, thiệt hại. Các trường hợp chưa đủ xử lý hình sự thì cũng không thể áp đặt mà phải theo quy định luật pháp.
- Tới đây, Chính phủ có tiếp tục yêu cầu bộ ngành chức năng rà soát loại bỏ thêm các dự án thủy điện không phù hợp?
- Quan điểm của Chính phủ là liên tục rà soát, kiểm soát các hồ thủy điện, thủy lợi. Nếu bộ ngành, địa phương và người dân phát hiện các hồ đã, đang và sẽ xây dựng có vấn đề, sau đó đánh giá lại mà thấy có hệ quả xấu thì dứt khoát loại bỏ.
Phương Mai (Ghi)
Theo ANTD
Bộ Y tế xin lỗi để làm gì? "Vấn đề là xin lỗi để làm gì? Cái quan trọng là cần sửa chữa chứ không phải xin lỗi. Vì càng xin lỗi thì người dân càng mất lòng tin" - ông Dương Trung Quốc tỏ ra bức xúc trước việc Bộ Y tế xin lỗi người dân sau vụ bác sĩ ném xác phi tang. Đại biểu Dương Trung Quốc: "Tôi...