Bác sĩ cấp cứu – nghề nguy hiểm
2h sáng, 4-5 thanh niên cởi trần, xăm rồng trổ phượng, hùng hổ bước vào khoa cấp cứu bệnh viện la hét, đập bàn đập ghế yêu cầu các bác sĩ phải cấp cứu ngay cho một người bê bết máu. Một tên còn đe dọa: “Cứu nó, nó chết tôi chặt tay ông”.
Theo lời kể của các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trong lúc các bác sĩ đang tập trung cấp cứu cho người bị thương, thì một nhóm thanh niên khác, tay gầm gậy gộc, mã tấu ào vào đánh túi bụi và rượt đuổi nhóm thanh niên trước. Không ít nhân viên y tế và bệnh nhân hoảng sợ tìm chỗ tránh. Cuộc hỗn loạn chỉ kết thúc khi công an đến. Rất may không ai bị thương trong vụ xô xát này, nhưng đây cũng là một đêm trực kinh hoàng của không ít y bác sĩ và sinh viên y khoa.
Những chuyện xích mích, hăm dọa, đánh nhau như trên ở khoa cấp cứu của Bệnh viện Việt Đức không phải là hiếm. Nhiều “đại ca” giang hồ sau những vụ thanh trừng lẫn nhau thường được đưa đến đây cấp cứu. Không chỉ thế, một số đối tượng còn chọn đây là nơi giải quyết mâu thuẫn. Không tháng nào bệnh viện không phải thay cửa kính vỡ vì dân giang hồ vừa đòi cấp cứu cho đồng bọn vừa thị uy.
Nhiều bác sĩ tại khoa đùa với nhau “làm việc ở khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Đức mà chưa bị sứt đầu, mẻ trán là may lắm rồi”.
Khoa cấp cứu các bệnh viện thường là những điểm hay xảy ra xô xát giữa bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Ảnh: P.N.
Gần đây tại Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư, Thái Bình, sự việc một bác sĩ bị đâm chết, một bác sĩ khác bị trọng thương khiến nhiều người làm trong nghề y không khỏi băn khoăn.
Theo lời kể lại của một số nhân chứng, ngay khi bệnh nhân được đưa vào cấp cứu, người nhà đã có hành động đập phá bệnh viện và đe dọa nếu không cứu được người sẽ đâm chết cán bộ y tế. Lo sợ trước tình huống trên, nhân viên bệnh viện đã điện cho công an, tuy nhiên vẫn không ngăn được vụ xô xát.
Tại TP HCM, với hơn một triệu lượt người đến khám và điều trị trong năm, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi thường xuyên xảy ra chuyện nhân viên y tế gặp chuyện rắc rối từ những bệnh nhân cũng như người nuôi bệnh.
Các cán bộ thuộc đội bảo vệ chuyên nghiệp của Bệnh viện Chợ Rẫy – những người được xem là cứu cánh duy nhất của nhân viên y tế khi “có sự cố”, cho biết, tuy chưa có cảnh đuổi đánh hay hành hung, nhưng chuyện lớn tiếng chửi bới thì “như cơm bữa”.
Nửa đêm 6/7, sau khi được các bác sĩ khoa Cấp cứu khâu vá vết thương ở mắt, băng bó vết thương ở đầu, thay vì chờ chụp CT sọ não, nam bệnh nhân 42 tuổi mình đầy vết xăm đã bật ngồi dậy đòi xuất viện.
“Tao đã nói tao không bị sao, tại sao bắt tao chụp hình. Tính tiền nhanh đi rồi cho tao xuất viện. Đứa nào lu bu, tao gọi đàn em đến chém hết”, người này vừa quát đập bàn nơi 2 điều dưỡng đang làm việc khiến các cô này bỏ chạy. Mãi đến khi lực lượng bảo vệ xuất hiện, người đàn ông mới hạ giọng nhưng vẫn tiếp tục hăm dọa.
Video đang HOT
Một trường hợp khác, thấy người thân bị chấn thương sọ não cứ nằm chờ mổ vì chưa đến lượt, gia đình của nạn nhân đã đập đá liên tục vào cánh cửa khu phẫu thuật vừa chửi bới vừa hăm dọa “Con tôi mà chết, tui đốt bệnh viện”.
“Rất nhiều bệnh nhân vào cấp cứu nhưng vẫn hung hãn. Chuyện lớn tiếng chửi mắng rồi hù dọa sẽ trả thù sau khi nhập viện hay túm cổ điều dưỡng to tiếng chửi tục là không lạ. Ngay cả khi chúng tôi đến họ vẫn trỏ thẳng vào mặt và quát. Lúc đó chỉ còn cách gọi công an đến hỗ trợ”, một nhân viên bảo vệ nói.
Nhiều nhân viên y tế phải tự học cách bảo vệ mình. Ảnh: P.N.
Không có nhiều bệnh nhân như Chợ Rẫy, song do thường xuyên tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do đả thương, đội ngũ y bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Sài Gòn (nằm tại trung tâm thành phố) cũng nhiều phen hú vía vì thói côn đồ của cả bệnh nhân lẫn người thân.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, trung bình mỗi tháng có 6-10 trường hợp người thân của bệnh nhân “nặng nhẹ” với nhân viên y tế, trong đó 1-2 trường hợp gay gắt.
“Nhiều bệnh nhân dùng dụng cụ y tế đánh bác sĩ, nhưng nguy hiểm hơn là chuyện các băng nhóm xông vào truy đánh bệnh nhân. Điều này ít nhiều gây áp lực cho nhân viên khoa cấp cứu”, ông Nghiệm nói.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, giám đốc Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng cho hay nơi đây không ít lần gặp phải gia đình bệnh nhân kiểu “trời ơi”. Bệnh nhân qua đời vì những yếu tố khách quan như nhập viện muộn, bệnh quá nặng không thể chữa được, thì người nhà lại nặng nhẹ bác sĩ, thậm chí hù dọa kiện cáo hoặc đòi hành hung.
“Có trường hợp nửa đêm, bệnh nhân xuất hiện nằng nặc đòi gặp bác sĩ. Nhân viên bảo vệ ngăn lại thì chửi rủa không chịu đi”, bác sĩ Châu kể.
Để nhân viên yên tâm làm việc, hầu hết các bệnh viện đều hợp đồng với các công ty vệ sĩ chuyên nghiệp. Song theo lãnh đạo của nhiều bệnh viện, nếu có chuyện xảy ra và “đối tượng” quá hung hãn thì lực lượng bảo vệ vẫn phải cần sự hỗ trợ của công an địa phương.
Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, ngoài lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, ban giám đốc còn chủ động giáo dục cán bộ y tế cách chịu đựng bệnh nhân, cách ứng xử hòa nhã để “hạ nhiệt” những cơn thịnh nộ. Tuy nhiên ngoài các biện pháp trên, để nhân viên có thể kịp cầu cứu, một hệ thống chuông báo động đã được lắp đặt ở những vị trí thuận tiện nhất.
“Việc tự phòng vệ thôi chưa đủ, chúng tôi và tất cả các bệnh viện khác cần có các văn bản mang tính pháp lý để bảo vệ mỗi khi có sự cố”, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn nói.
Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các vụ hành hung, tấn công bác sĩ khi họ đang khám chữa bệnh không phải gần đây mới xảy ra nhưng dẫn tới chết người như trường hợp ở Thái Bình là lần đầu. Việc bác sĩ không cứu sống được người bệnh mà cầm đao đâm chết bác sĩ là hành động không thể chấp nhận được, cần phải lên án, trừng trị thích đáng.
Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực từ đầu năm 2011 có quy định rất rõ, người bệnh có nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề, chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề…. Trong bệnh viện, bệnh nhân cũng như người nhà có trách nhiệm tuân thủ nội quy trong bệnh viện, như không được gây gổ, nói to…
“Tuy vậy, không phải ai đi khám bệnh cũng tuân thủ những quy định đó. Ngành y tế đang xây dựng quy định về tài chính y tế, trong đó sẽ bổ sung những quy định mới, như bảo hiểm cho cán bộ y tế trong khi thực hiện nhiệm vụ”, ông Khuê cho biết.
Theo VNE
"Đêm trắng" cùng bác sĩ khoa cấp cứu
Cánh cửa sau xe cứu thương bật mở, một bệnh nhân mình mẩy bê bết máu, khuôn mặt biến dạng nằm bất động. Người bệnh lập tức nhận được sự chăm sóc của bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài sảnh, những chuyến xe vẫn nối đuôi nhau đi về.
Nằm trên chiếc băng ca ngay ngoài cửa phòng mổ là một thanh niên bị tai nạn giao thông do say xỉn. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị chấn thương sọ não. Vẫn chưa tỉnh rượu, bệnh nhân liên tục kêu gào, chửi thề làm kinh động cả khoa cấp cứu. Bên cạnh anh này, một bệnh nhân khác bị chém trong một vụ ẩu đả, nằm bất động do mất nhiều máu.
Bệnh nhân nặng từ các tỉnh liên tục được chuyển tới trong đêm
Ngoài sảnh khoa cấp cứu, một bệnh nhân từ tỉnh Bến Tre được chuyển tới, vụ tai nạn giao thông đã khiến khuôn mặt chị gần như biến dạng hoàn toàn, người mẹ già chân tay run rẩy nhìn theo chiếc băng ca đang lướt nhanh. Chưa hết hoảng loạn, bà cho biết: "Đó là con gái tôi, lúc 8 giờ tối nó đi làm về thì bị một thanh niên say rượu chạy xe gắn máy tông phải, giờ nó còn hôn mê". Chưa nói dứt lời bà ôm mặt nức nở: "Con ơi là con... mày mà có mệnh hệ gì thì lấy ai lo cho hai đứa nhỏ".
Trong khu tiếp nhận bệnh nhân, các giường bệnh đã không còn chỗ trống, một hộ lý đang chăm sóc một bệnh nhân nam bị chấn thương sọ não, mê sảng, do tai nạn lao động. Để cố định bệnh nhân trên băng ca, chị hộ lý đã cột tay anh vào thành giường. Bệnh nhân rướn cổ, mắt trợn trừng như muốn kêu gào nhưng không ra hơi nên cái đầu chỉ lúc lắc.
Những chiếc băng ca nhanh chóng được đưa đến khu tiếp nhận bệnh
Tại phòng Hồi sức cấp cứu, các bác sĩ đang khẩn trương cứu chữa cho một bệnh nhân đã ở độ tuổi "xưa nay hiếm", cụ bị nhồi máu cơ tim. Tất cả bác sĩ và điều dưỡng của khoa liên tục kiểm tra sức khỏe và phân loại bệnh nhân, những ca nặng cần can thiệp bằng phẫu thuật nhanh chóng được chuyển đến phòng mổ cấp cứu.
BS Phạm Văn Tính, trưởng ca trực từ 21 giờ ngày 25/2 đến 5 giờ ngày 26/2, cho biết: "Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, Vào dịp lễ tết hoặc những ngày cuối tuần, số bệnh nhân có thể tăng cao hơn. Ngoài TPHCM, những ca bệnh nặng từ các tỉnh phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên đều chuyển về Chợ Rẫy".
Các giường bệnh đã không còn chỗ trống
Khác với những khoa điều trị thông thường, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy làm việc không có giờ bắt đầu và cũng không có giờ kết thúc. Bệnh nhân với số lượng động liên tục được đưa đến không kể giờ giấc. Vì vậy khoa hoạt động liên tục theo chế độ 3 ca, 4 kíp các bác sĩ, điều dưỡng của khoa cứ đến ca là có mặt bất chấp đó là ngày nghỉ, ngày lễ hay ngày tết.
Hơn 300 bệnh nhân - 300 sinh mạng mỗi ngày phó thác cho sứ mệnh cao cả của những "người thầy" mặc áo blouse trắng. Chính vì thế khoa Cấp cứu của BV Chợ Rẫy đã trang bị những máy móc hiện đại nhất, từ máy chụp cắt lớp điện toán, máy siêu âm, X-Quang, máy trợ thở, máy đo điện tim, cho đến máy xét nghiệm...
Một trường hợp bị TNGT đang được hồi sức tích cực
Để không lãng phí "thời gian vàng" của người bệnh, khoa còn xây dựng một phòng mổ "cấp cứu sinh mạng" ngay tại chỗ. "Các phẫu thuật viên chuyên khoa luôn trong tư thế trực chiến. Với phòng mổ này chúng tôi đã cứu sống không biết bao nhiêu con người, kể cả những trường hợp bị đâm vỡ tim" - BS Tính cho biết.
Cuộc trò chuyện mới bắt đầu đã bị gián đoạn bởi một bệnh nhân gặp tai nạn vừa nhập viện, cần được can thiệp bằng phẫu thuật gấp. Những bác sĩ lại thoăn thoắt rảo bước chuẩn bị đương đâu với "tử thần" để giữ lại mạng sống cho một con người.
Phía sau khoa cấp cứu, người nhà bệnh nhân nằm la liệt
Bốn giờ sáng, phía sau khoa cấp cứu, người nhà bệnh nhân ngồi, nằm la liệt. Nhiều người vẫn mỏi mắt nhìn theo bóng bác sĩ ẩn hiện sau cánh cửa phòng mổ, đâu đó văng vẳng tiếng khóc hờ của thân nhân người gặp nạn, xa xa tiếng còi hú của xe cấp cứu còn vọng lại...
Theo Dân trí