Bác sĩ bị ép làm “đao phủ”
Được lệnh điều động đi cấp cứu, hỗ trợ sức khỏe nhưng khi đến nơi, các y, bác sĩ bị buộc phải tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để thi hành án tử hình.
Cuộc họp giao ban sáng 13/12 của Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Phú Yên trở nên căng thẳng khi nhiều bác sĩ (BS) bức xúc việc BV đã cử BS tham gia thi hành án tử hình bằng thuốc độc tại tỉnh Đắk Lắk.
Ám ảnh ánh mắt tử tù
Theo phản ánh, trưa 9/12, BS L.C.T và điều dưỡng N.N.T ở Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nhận được lệnh từ giám đốc BV lên đường đến Đắk Lắk cùng đoàn thi hành án của tỉnh với nhiệm vụ cấp cứu, hỗ trợ sức khỏe. “Chúng tôi còn được chỉ đạo mang theo các dụng cụ cấp cứu khi cần thiết nên chuẩn bị sẵn sàng để sáng 10/12 lên đường” – BS C.T kể.
Thế nhưng, trong bữa ăn chiều 10/12, BS C.T và điều dưỡng N.T được phân công tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch của phạm nhân để Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên tiêm thuốc độc. “Nghe phân công nhiệm vụ, chúng tôi đã bị sốc. Tôi phản ứng ngay rằng chúng tôi đi hỗ trợ sức khỏe nhưng họ khẳng định theo quy định, chúng tôi phải thi hành nên tôi không còn cách nào từ chối. Ngày hôm sau (11/12), chúng tôi đành phải làm theo” – BS C.T bức xúc.
Đến bây giờ, BS mới vào nghề được 4 tháng này vẫn ám ảnh về ánh mắt đau đáu của phạm nhân khi anh cùng điều dưỡng luồn kim vào tĩnh mạch. “Tôi thật sự rất buồn. Tôi được học và công việc của tôi là để cứu sống người chứ đâu phải làm cho người ta chết. Nếu biết trước, tôi đã từ chối. Giờ đây, nỗi ám ảnh sẽ theo tôi đến hết cuộc đời” – BS C.T run run nói.
Video đang HOT
BS L.C.T đã làm việc trở lại nhưng vẫn ám ảnh sau khi tham gia đoàn thi hành án tử hình bằng thuốc độc
Còn điều dưỡng N.T vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi bị choáng. Hồi nào giờ có làm cái việc ấy đâu. Cứ nghĩ lên đấy để hỗ trợ sức khỏe cho đoàn nên đi thôi”.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, tỏ ra bất ngờ khi nghe y, BS thông báo họ tham gia tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch để thi hành án tử. Trước đó, ông nhận được công văn của Sở Y tế Phú Yên đề nghị cử 1 BS và 1 điều dưỡng đi cùng đoàn thi hành án.
“Tôi cứ nghĩ đi theo đoàn để nếu có gì sẽ cấp cứu chứ đâu ngờ lại ra vậy. BS cứu người chứ đâu phải giết người. Nếu biết rõ công việc nhân viên của mình phải làm như thế thì tôi đã báo cáo lại với sở y tế rồi” – giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên phân trần.
Quy định không bắt buộc
Về vấn đề này, ông Phan Vũ Nhân, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết sở chỉ đạo BV Đa khoa tỉnh Phú Yên cử y, BS tham gia đoàn thi hành án của tỉnh dựa trên văn bản đề nghị của TAND tỉnh Phú Yên. “Họ chỉ yêu cầu cử BS đi với đoàn thi hành án tử hình ấy thôi chứ làm việc gì thì mình cũng không biết. Tôi cứ nghĩ là tham gia với đoàn để giám sát việc tử hình. Khi hỏi họ tham gia làm sao, BS lên làm gì thì họ chẳng nói gì cả” – ông Nhân nói. Ông Nhân cũng đã đề nghị cử BS pháp y tham gia với đoàn nhưng hội đồng thi hành án tử hình tỉnh không đồng ý.
Theo ông Nguyễn Phi Đô – Phó Chánh án TAND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi hành án tử hình tỉnh Phú Yên, đây là vụ thi hành án tử hình bằng thuốc độc đầu tiên của tỉnh Phú Yên, được thực hiện tại Nhà Thi hành án số 5 (tỉnh Đắk Lắk) vào ngày 11/12. Tử tù là Nguyễn Thành Khâu (ngụ xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) can tội hiếp dâm trẻ em, giết người và cướp tài sản.
Ông Đô cho rằng Sở Y tế Phú Yên biết BS tham gia đoàn thi hành án làm việc gì. “Nếu không biết sao sở này còn hỏi rõ chế độ công tác phí khi tham gia đoàn?” – ông Đô nói. Mặt khác, các y, BS của BV Đa khoa tỉnh Phú Yên đi cùng để xác định tĩnh mạch, tiêm kim vào tĩnh mạch rồi để đó. Việc nối ống thuốc độc vào kim tiêm cũng như bấm nút để bơm thuốc độc vào phạm nhân do đội thi hành án thực hiện.
“Việc BS BV tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 05-2013 giữa Bộ Y tế, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao và Bộ Quốc phòng hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Thật ra, BS bên đội thi hành án cũng làm tốt điều đó nhưng luật đã quy định rồi” – ông Đô nói.
Tuy nhiên, tại điều 9 của thông tư này nêu rõ BS do sở y tế cử tham gia đoàn thi hành án chỉ “để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết”, không yêu cầu tự tay tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch phạm nhân để hội đồng tiến hành thi hành án tử hình bằng thuốc độc.
Còn tại điều 10 Nghị định 82-2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cũng chỉ quy định công an “phối hợp với cơ quan y tế tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thi hành án tử hình trong công an nhân dân”.
Nếu trái quy định, BV sẽ không làm Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Phú Yên, cho biết đang chỉ đạo các bộ phận chức năng của BV này rà soát lại toàn bộ các văn bản quy định việc y, BS của BV tham gia Hội đồng Thi hành án tử hình để báo cáo lên Sở Y tế Phú Yên. “Chúng tôi sẽ nói rõ việc bức xúc của y, BS BV khi buộc phải tìm và tiêm kim vào tĩnh mạch để đoàn thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Nếu việc này không đúng với quy định, lần sau chúng tôi sẽ không cử cán bộ tham gia” – ông Trúc khẳng định.
Theo Hồng Ánh
BT Công an đề nghị vừa bắn, vừa tiêm thuốc tử tù
Nhiều đại biểu cũng đã đề nghị cho phép hình thức bắn trong thi hành án tử hình bên cạnh hình thức tiêm thuốc độc.
Chiều 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về: Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.
Ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Lâm Đồng) cho biết: "Trước đây Chính phủ trình 2 phương án vừa bắn vừa tiêm thuốc độc, nhưng Quốc hội quyết định tiêm thuốc độc, nên bây giờ khó thế này thì nên có một nghị quyết về thi hành án bằng hình thức xử bắn".
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Ảnh: TTBC Quốc hội
Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) cho rằng, thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc hiện còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất và các điều kiện thi hành án chưa đáp ứng yêu cầu, số lượng án tử hình còn tồn cao, điều này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý giam giữ gây ảnh hưởng đến tâm lý của tử tù và gia đình của họ. Bà Thủy đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho khôi phục biện pháp thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn như trước đây.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: "Đến ngày hôm nay (7/11), đã có thêm 4 bị án được thi hành án tử hình so với 3 người trong báo cáo trước đây của Chính phủ. Như vậy, đã có 7 trường hợp được thi hành án theo hình thức tiêm thuốc độc".
Tuy nhiên, theo ông Quang, hiện vẫn còn 678 án tử hình. Trong đó, số đủ điều kiện là 167 bị án (đã bị bác đơn xin ân giảm). Bộ Công an cũng đề nghị có nghị quyết cho xử bắn song song với tiêm thuốc độc. Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công an cũng đề nghị bỏ chữ "độc", chỉ ghi là "thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc".
Theo Việt Nguyễn
Ký ức về tử tù cuối cùng bị xử bắn Ngày Nguyễn Văn Hưng, phạm nhân bị thi hành án cuối cùng tại trường bắn Cầu Ngà, ra pháp trường, trời mưa như trút nước. Lầm lũi bước ra từ xe đặc chủng, tử tù 21 tuổi khá bình tĩnh, xin được hút một điếu thuốc trước lúc "dựa cột". Trường bắn Cầu Ngà nằm phía sau Trại tạm giam số 1 Công...